Đi tìm lật đật Nevalyashka


Chuyến đi Nga lần này của tôi có một nhiệm vụ đặc biệt là tìm mua bằng được một con lật đật Nga để làm quà cho mẹ. Mẹ gắn bó với con lật đật sâu sắc vì cứ nhìn nó lại nhớ bố. Khi bố đi xa nhà, bao nhiêu vất vả một mình mẹ lo toan cũng kiên cường như con lật đật, cứ sắp ngã lại bật dậy đứng lên. Qua mấy lần chuyển nhà, con lật đật kỷ niệm của bố tặng mẹ bị mất, mẹ tiếc chảy nước mắt. Thế nên khi hỏi mẹ thích quà gì, mẹ chỉ nói mua cho mẹ con lật đật Nga.

Đi tìm lật đật Nevalyashka

Ý tưởng của mẹ về con lật đật “không thể bị quật ngã” ấy chính là dụng ý của những nhà thiết kế Liên Xô khi tạo ra món đồ chơi biểu tượng này. Con lật đật này được gọi là Nevalyashka, bắt đầu được sản xuất theo dây chuyền tại Liên Xô từ năm 1959 bởi một nhà máy sản xuất... thuốc súng ở tỉnh Tambov. Không chỉ mang ý nghĩa rất hay về con người không bị khuất phục trước khó khăn, luôn đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã, về mặt kỹ thuật, nó là một món đồ chơi được thiết kế với xu hướng rất hiện đại và an toàn: các bộ phận đều hình cầu, mài nhẵn, được gắn keo rất khít, bên trong bụng là một vật nặng kết hợp với cái chuông để lật đật luôn đứng thẳng nhưng hoàn toàn không có một con ốc vít nào gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Về mặt tạo hình đơn giản mà cực đẹp, chỉ với hai khối cầu màu sáng và khuôn mặt của lật đật rõ ràng là một cô gái Nga ở nông thôn rất xinh, lại hồn hậu và mộc mạc. Nó trở thành món đồ chơi cực kỳ phổ biến cho trẻ nhỏ trên toàn Liên bang Xô viết và có mặt ở khắp các nước xã hội chủ nghĩa từ Đông Âu đến Cuba. Thời trước ở Việt Nam, nhà ai có người đi Liên Xô về thường có một con lật đật này, và nó giá trị tới mức không dùng cho trẻ con chơi mà chỉ để... bày trong tủ kính. Lúc bé tôi còn không biết con lật đật trong tủ của ông nội là đồ chơi vì thấy nó được đặt trang trọng cạnh rượu Tây, đồ gốm!

Đi tìm lật đật Nevalyashka ảnh 1

Búp bê gỗ bạch dương.



Ban đầu tôi nghĩ đơn giản rằng qua hàng đồ lưu niệm là sẽ mua ngay được con lật đật. Cô chú tôi ở Nga hơn 30 năm cũng nói: “Con lật đật thì thiếu gì!”. Vậy mà cả nhà đã nhầm! Qua hai thành phố lớn của Nga là Kazan và Xanh Pê-téc-bua từ sân bay, ga tàu, qua rất nhiều cửa hiệu cửa hàng, chợ búa, cả phố đi bộ tấp nập bán đủ thứ hàng hóa, đồ thủ công, búp bê Matryoshka lồng vào nhau thì bạt ngàn nhưng cô gái Nevalyashka vẫn không hề lộ diện. Những người bán hàng lưu niệm ai cũng biết con lật đật ngày bé đã chơi, nhưng không ai biết giờ nó bán ở đâu! Cậu em họ tôi sinh ra ở Nga, nghe mọi người bàn chuyện con lật đật liền thắc mắc vì chưa nghe thấy từ “lật đật” trong tiếng Việt bao giờ. Cô chú tôi giải thích bằng cả tiếng Việt, tiếng Nga nhưng cậu em sắp vào đại học vẫn không hiểu, chỉ đến khi đưa ảnh ra thì cậu mới à lên: “À, con này gọi là con không bị ngã!” (nghĩa đen của từ nevalyashka). Cậu giải thích rằng “con không bị ngã” bán ở trong siêu thị đồ chơi vì nó là đồ chơi chứ không phải đồ lưu niệm, cả nhà mới vỡ nhẽ vì tìm sai chỗ.

Đi tìm lật đật Nevalyashka ảnh 2

Siêu thị đồ chơi giống như bất kỳ cửa hàng đồ chơi nào khác ở phương Tây, vô vàn chủng loại, màu sắc, nhưng đi hết tất cả các dãy búp bê vẫn không có món đồ chơi cần tìm. Anh quản lý cửa hàng kiểm tra trên máy tính thì đã... hết hàng. Anh giải thích rằng hàng này bán không chạy nên cả hệ thống nhập rất ít và thỉnh thoảng mới nhập thôi, vì giờ có nhiều loại đồ chơi, không ai tìm mua những đồ này nữa. 99% đồ chơi trong cửa hàng là sản xuất tại “Kitay” (Trung Quốc).

Đi tìm lật đật Nevalyashka ảnh 3

Trung tâm mua sắm GUM ở Mát-xcơ-va.


Không chỉ đồ chơi, mà khi vào các cửa hàng từ quần áo cho đến điện máy, gần như 90% là sản xuất tại nước ngoài. Một điểm lạ ở các thành phố của Nga là hoạt động thương mại không hề sôi nổi. Thành phố Xanh Pê-téc-bua thơ mộng làm mê mẩn một lượng lớn du khách đến từ phương Đông lẫn phương Tây nhưng số lượng các hàng bán lẻ không nhiều. Ngay giữa trung tâm vẫn nhiều dãy nhà dài hàng cây số mặt tiền để không. Nếu đi ra các khu dân cư thì cửa hàng lại càng ít, chỉ có kiểu cơi nới căn hộ mặt tiền của nhà tập thể thành ki-ốt bán thực phẩm, rau củ. Muốn tìm mua một cái ấm samovar đẹp cũng khó vì hàng hóa không nhiều và chất lượng thì thượng vàng hạ cám. Vì thế mà quyết tâm của tôi càng dâng cao để tìm mua bằng được con lật đật, một trong số ít sản phẩm còn sản xuất tại Nga.

Tôi hỏi cô tôi: “Thế mấy chục năm trước, cô mua con lật đật ở đâu?” Cô trả lời: “Lúc ấy mọi người hay mua ở GUM với TSUM trên Mát”. Đến Quảng trường Đỏ, sau khi thăm một số điểm nổi tiếng là tôi tiến ngay về phía bên kia quảng trường, nơi có trung tâm mua sắm GUM tức là bách hóa tổng hợp sang trọng nhất nước Nga một thời. Tòa nhà rất rộng với kiến trúc lộng lẫy và đông nghẹt khách du lịch, ngày nay chỉ toàn những thương hiệu xa xỉ của phương Tây, trừ một cửa hàng duy nhất bán đồ lưu niệm của Nga. “Rất tiếc là không có”, cô nhân viên trẻ trả lời với vốn tiếng Anh ít ỏi. Một bác nhân viên lớn tuổi hơn hiểu ra chúng tôi cần gì và nói không phải ở đây, ở GUM của trẻ em cơ. Tôi chưa hiểu đầu cua tai nheo ra sao thì bác đi và ra hiệu cho tôi đi theo. Người Nga hiếu khách đến bất ngờ ở điểm này, tất cả những lần tôi hỏi đường, người ta không dừng lại ở việc chỉ đường mà sẵn sàng đưa tôi đến tận nơi cần tìm dù cách xa cả cây số.

Thì ra GUM còn một cửa hàng dành riêng cho trẻ em ở tách biệt với tòa nhà chính. Vượt qua rất nhiều gian hàng siêu nhân và những nhân vật hoạt hình của Mỹ thì cũng thấy gian hàng Made in Russia nằm khiêm tốn ở cuối cùng. Nhưng tôi vẫn chưa thật thỏa mãn, con lật đật không có loại cỡ lớn mà giá thì... ngất ngưởng, giống như mua đồ ở Tràng Tiền hay Diamond Plaza vậy. Chưa kể là khuôn mặt lật đật đã bị cải tiến thành “kiểu tân thời”: mắt mầu xanh lá cây với sống mũi cao, chóp mũi nhọn, môi đỏ chót, da mầu phấn trắng. Tôi đành phải mua một con lật đật theo tinh thần có còn hơn không.

Thế là cô tôi phải điện thoại cho bạn bè ở Mát-xcơ-va để hỏi thông tin chỗ mua. Chín người mười ý, cuối cùng một chú đề nghị chở đến Incentra “may ra có”. Incentra là Tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Mát-xcơ-va rất quy mô do người Việt đầu tư xây dựng có khu căn hộ kết hợp với trung tâm thương mại. Cuối cùng thì những con lật đật như trong ký ức đã xuất hiện. Thì ra lật đật vẫn là một nhu cầu đặc trưng của khách du lịch Việt Nam. Tôi lấy con lật đật tên là Masha cỡ lớn nhất cao 40cm, và trên vỏ hộp có cả tiếng Anh ghi rõ nơi sản xuất ở đúng nhà máy ấy của tỉnh Tambov. Tôi còn mua được một con búp bê làm bằng gỗ bạch dương, khi lên dây cót thì phát nhạc bài “Chiều Mát-xcơ-va” mà ngay cả các cửa hàng trên phố đi bộ đều không thấy bán.

Rời nước Nga, tôi để con lật đật “tân thời” vào hành lý ký gửi còn con lật đật “cổ điển” thì xách toòng teng theo người. Và thế là tôi được tất cả nhân viên các bộ phận ở sân bay cười rất tươi khi nhìn thấy con lật đật, kể cả anh cán bộ xuất nhập cảnh khá lạnh lùng với mọi người. Quá cảnh ở Trung Quốc, hành lý qua máy soi chiếu, tất cả đội kiểm tra an ninh sân bay của Trung Quốc xúm lại xem lật đật, lúc đầu tưởng có vấn đề, sau hóa ra ai cũng vui vì được thấy lại một kỷ niệm thời thơ ấu. Cuộc hành trình kết thúc với việc va-li hành lý chứa lật đật “tân thời” của tôi bị hãng hàng không làm mất! Thật là hú vía khi tôi mang theo em Masha bên người. Sau đó tôi mới biết rằng con lật đật không hề phổ biến trên thế giới, nhân viên sân bay và hãng hàng không là người Ấn Độ và người châu Âu nói tiếng Anh lưu loát nhưng đều không biết con lật đật trong hành lý là vật gì dù tôi đã đánh vần bằng tiếng Anh. Thật mừng vì tôi đã mua được một món quà độc đáo, ý nghĩa và mang đầy hoài niệm về một thời đáng nhớ.