Cuộc đối thoại không cùng tần số

Mấy tuần lễ đã qua đi nhưng dư âm của cuộc đối thoại Trung - Mỹ diễn ra ở thành phố Anchorage, bang Alaska của Mỹ, vẫn còn vang vọng trong đời sống quốc tế.

Cuộc đối thoại Trung - Mỹ ở Alaska.
Cuộc đối thoại Trung - Mỹ ở Alaska.

Nơi hội tụ của những niềm hy vọng?
 
 Trước khi diễn ra cuộc đối thoại, tất cả các bên đều bày tỏ hy vọng sẽ có một kết quả tích cực từ cuộc gặp. Phía Trung Quốc thể hiện mong muốn có thể “khởi động lại” mối quan hệ giữa Bắc Kinh với Washington, vốn đã tụt xuống đến mức thấp nhất trong vòng vài thập niên qua. Với một ông chủ mới ở Nhà Trắng là ông Joe Biden, người được cho là sẽ đảo ngược hầu hết các chính sách của người tiền nhiệm, dường như Trung Quốc hy vọng hai bên sẽ có một “khởi đầu mới” sau những chấn thương mà hai bên đã gây ra cho nhau trong bốn năm qua. Phía Mỹ, mặc dù đã hạ thấp kỳ vọng vào cuộc gặp, ít nhất cũng muốn sẽ có những bước tiến nhỏ để ghi dấu ấn trong chính sách đối ngoại của tân Tổng thống Biden. Trước đó hơn một tháng, ngày 11-2 đã diễn ra cuộc điện đàm đầu tiên giữa Tổng thống Biden với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, có thể coi như tín hiệu “phá băng” quan hệ Mỹ - Trung.
 
 Còn dư luận quốc tế nhìn chung cũng hy vọng cuộc đối thoại ở Alaska sẽ hạ nhiệt cuộc khủng hoảng quan hệ Mỹ - Trung, bởi suy cho cùng thì tình trạng đối đầu căng thẳng giữa hai cường quốc thế giới, cả trên lĩnh vực kinh tế cũng như chính trị, chỉ mang lại các hệ quả tiêu cực cho toàn bộ phần còn lại của thế giới. Đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan ra toàn thế giới, đã bấm nút “tạm dừng” đối với hầu hết các hoạt động giao lưu, trao đổi, buôn bán, sự hợp tác giữa hai cường quốc, hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới càng trở nên cần thiết để cùng nhau vượt qua khủng hoảng.
 
 Niềm hy vọng vào một kết quả tích cực từ cuộc đối thoại xuất phát từ cấp tham gia đối thoại. Về phía Mỹ, là Bộ trưởng ngoại giao Antony Blinken, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan; đại diện Trung Quốc là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Với những đại diện cấp cao của cả hai bên như vậy, nếu cuộc gặp đạt được những tiến triển rõ rệt, hẳn là người ta có quyền hy vọng vào bước tiến khác.
 
 Nắn gân
 
 Việc lựa chọn Alaska, bang nằm ở đầu mút phía tây bắc xa xôi của nước Mỹ làm nơi diễn ra cuộc gặp cho thấy bên nào cũng phải đi một đoạn đường dài để tới cuộc gặp mà không có cảnh một bên ngồi chờ bên kia đến dự đối thoại.
 
 Ngay trong ngày đầu tiên, cuộc gặp đã biến thành một màn đấu khẩu nảy lửa không ai chịu ai mà cách mô tả chính xác nhất có lẽ là cuộc đối thoại giữa những người có tiếng nói không cùng tần số. Mặc dù trước đó đã thống nhất với nhau là mỗi bên sẽ chỉ có lời mở đầu kéo dài hai phút, thế nhưng cả hai bên đều phá bỏ thỏa thuận này, kéo dài các bài phát biểu khiến cho những lời mở đầu mất cả tiếng đồng hồ. Ngay cả khi các phóng viên quốc tế theo dõi cuộc đối thoại được mời ra khỏi phòng họp theo đúng thông lệ, đoàn Mỹ vẫn yêu cầu các phóng viên nán lại thêm ít phút để nghe nốt những lời đại diện Mỹ phản bác các lập luận của đoàn Trung Quốc!
 
 Thế nên chẳng có gì ngạc nhiên khi cả hai bên đều tố lẫn nhau là vi phạm các “nghi thức ngoại giao”. Phía Trung Quốc có thêm một lời chỉ trích nữa là Mỹ, với tư cách chủ nhà, đã tỏ ra “không mến khách”. Trong khi đó, phía Mỹ cáo buộc đoàn Trung Quốc đến dự đối thoại với “chủ ý gây ấn tượng mạnh, tập trung vào nghệ thuật sân khấu công chúng và kịch tính”, cách mô tả khá châm biếm đối với một cuộc gặp nghiêm túc với các nhân vật tham gia đối thoại đều có cương vị quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của cả hai phía.
 
 Nhưng bản chất đối thoại giữa những người có giọng nói không cùng tần số nằm ở nội dung đối thoại của cả hai đoàn và còn cả trong những động thái trước khi đối thoại diễn ra.
 
 Trong cuộc họp báo một ngày trước cuộc đối thoại, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên đã khẳng định rằng “Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp với Mỹ trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền, an ninh và lợi ích cốt lõi”. Những “lợi ích cốt lõi” này là các vấn đề liên quan đến Tân Cương hay Hồng Công, Đài Loan và thông điệp được đưa ra hết sức rõ ràng: Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp trong các vấn đề này.
 
 Còn phía Mỹ, chỉ đúng một ngày trước khi diễn ra đối thoại, Mỹ công bố trừng phạt kinh tế với 24 quan chức Trung Quốc, vì đã “tấn công nền dân chủ” khi ủng hộ việc thay đổi đáng kể hệ thống tổ chức bầu cử tại Hồng Công. Ông Dương Khiết Trì sau đó đã mô tả những biện pháp trừng phạt này được Mỹ công bố ngay trước khi diễn ra đối thoại cho thấy Washington “không tôn trọng nghi thức ngoại giao”.
 
 Có thể hy vọng gì ở một cuộc gặp sẽ thành công sau những động thái nắn gân nhau thẳng thừng như vậy?
 
 Không có gì phải vội !
 
 Ngay tại cuộc gặp, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cáo buộc “Trung Quốc có những hành động đe dọa trật tự dựa trên luật lệ vốn giúp duy trì sự ổn định toàn cầu”. Trong khi đó, ông Dương Khiết Trì, trên thực tế là người có tiếng nói quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, phản pháo rằng Mỹ “đang cố tình chèn ép, bóp nghẹt” nước ông.
 
 Điều đáng lo hơn là sau những màn cãi vã công khai về đủ các vấn đề, hai bên đều rời cuộc gặp mà không hề có bất cứ mong muốn nào tái lập các cuộc gặp trong tương lai gần. Cả Mỹ và Trung Quốc đều thể hiện không có gì phải vội cho một cuộc gặp khác!
 
 Người ta có thể đặt câu hỏi: vì sao đã tiên lượng rằng một cuộc đối thoại như vừa diễn ra ở Alaska sẽ không mang lại kết quả nào đáng kể trong bối cảnh hai bên vẫn liên tiếp tung ra những đòn thế cân não nhằm nắm gân nhau, vậy mà cả Mỹ và Trung Quốc đều cử các đại diện ngoại giao cao cấp tới Alaska?
 
 Câu trả lời khá đơn giản: hai bên coi đây là cơ hội để khẳng định chính sách đối ngoại của mình, truyền đi những thông điệp không thể nhầm lẫn về những đường hướng quan hệ giữa hai bên sau gần bốn năm khủng hoảng.
 
 Về phía Mỹ, vốn đã không hề giấu diếm quan điểm cho rằng Trung Quốc là thách thức địa chính trị lớn nhất, muốn qua cuộc đối thoại ở Alaska để khẳng định rằng bất chấp những sự đảo ngược trong nhiều chính sách ngoại giao tiền nhiệm, quan hệ Mỹ - Trung sẽ là lĩnh vực không có thay đổi lớn nào. Bởi, duy trì một thái độ cứng rắn với Trung Quốc cũng là lĩnh vực duy nhất nhận được sự đồng thuận của lưỡng đảng Cộng hòa và Dân chủ.
 
 Hơn thế nữa, qua cuộc gặp không kết quả ở Alaska, ông Biden muốn chứng minh cho những kẻ chỉ trích ông là người mềm yếu với Trung Quốc, rằng họ đã sai lầm. Cuộc gặp còn bắn đi một tín hiệu tới các đồng minh của Mỹ là ông Biden muốn củng cố các mối quan hệ đồng minh nhằm kiềm chế Trung Quốc.
 
 Còn Trung Quốc thì kể từ khi cất bỏ chiến lược “náu mình chờ thời”, khi mà tiềm lực kinh tế (và cả quân sự) đã có những bước phát triển vượt bậc, thu hẹp đáng kể khoảng cách chênh lệch với Mỹ, cũng không hề giấu diếm tham vọng cạnh tranh với Mỹ ở những lĩnh vực mà trước đây Mỹ vốn giữ vai trò bá chủ. Do vậy, Trung Quốc đã thực hiện chính sách ngoại giao cứng rắn, mà trong đó biểu hiện nhu nhược mềm yếu không có chỗ đứng trong các quyết sách chính trị của Trung Quốc.
 
 Cuộc gặp ở Alaska, vì thế, đã thất bại ngay từ trước khi nó bắt đầu.