Cuba liệu có còn lửa và say?

Cuba trong tôi không phải hòn đảo lửa, đảo say như đã từng tưởng tượng. Nhưng Cuba vẫn là một đảo ngọc đúng nghĩa, một nơi nhất định phải đến, đôi khi chỉ là để thấy, có một nơi quá khác như thế nào.

Xe cổ - một trong những nét đặc sắc của Cuba.
Xe cổ - một trong những nét đặc sắc của Cuba.

Đến Cuba để học cách kiên nhẫn

Cuba đón tôi bằng việc kẹt lại 13 tiếng ở hải quan sân bay Jose Marti. Mặc dù đã mở vali để cô nhân viên thấy rõ đồ ăn mà hải quan nghi ngờ chỉ là mấy xấp bánh đa nem và ít miến khô, chúng tôi vẫn phải xếp hàng để chờ đóng dấu thông quan. Một hàng dài dằng dặc. Đa phần là những người Cuba mang hàng từ các nước về để bán, chủ yếu là quần áo, đồ gia dụng. Chỉ có hai nhân viên kiểm hàng. Các gói hành lý bị tháo tung, từng chiếc áo được rũ ra, đếm cẩn thận, nhiều lần. Mỗi người đều mất chừng một, hai tiếng ở cửa hải quan. Trong khi đó, hai bàn đóng dấu và lập biên bản thì lại khá nhàn hạ do cứ vài tiếng mới có một người kiểm tra xong đến chỗ họ. Số hàng hóa bị tịch thu cứ chừng vài tiếng lại có người đến thu dọn vì quá nhiều, chặn hết cả lối ra vào. Nhưng mọi thứ vẫn phải đúng quy trình. Không hề có sự điều động, tăng cường nào. Hết ca, các nhân viên sẽ đúng trình tự nghỉ 30 phút.

Cuba liệu có còn lửa và say? ảnh 1

Xếp hàng chờ lĩnh thực phẩm ở một cửa hàng mậu dịch.

Trong khi tôi sốt ruột bầu trời phía ngoài cứ chuyển dần từ mưa sang nắng rồi tối hẳn, thì hàng dài trước mặt tôi vẫn chậm chạp nhích từng chút. Người đàn ông xếp hàng trước tôi vừa từ Mexico trở về, mang theo một chiếc loa bé cỡ hơn bàn tay. Nhưng đó là mặt hàng phải khai báo. Anh còn đợi trước tôi ba tiếng. Quá nửa đêm mà chưa đến lượt, nghĩa là xong việc anh sẽ phải bắt ta-xi trở về nhà, cách Havana 120 cây số với giá chừng 90 CUC (khoảng 93 USD) - một con số không nhỏ với người Cuba. Đến lượt anh, mất hơn một tiếng hỏi han, nhìn ngắm chiếc loa, quyết định của hải quan vẫn là… tịch thu. Và anh phải đợi thêm nửa tiếng nữa để làm thủ tục, rất tỉ mỉ với từng thông số. Cầm tờ biên bản, anh vẫy tay chào tôi rồi đi ra cửa, nơi vợ anh đang đứng đợi. Hẳn là cả hai đều đói lắm, sau từng ấy thời gian chờ đợi, vì sân bay quốc tế Jose Marti chẳng có hàng quán hay dịch vụ gì. Không mang được chiếc loa về, nhưng tôi cũng không thấy anh hay bất kỳ ai xin xỏ kỳ kèo điều gì. Không ai trong số đó bày tỏ cáu gắt, to tiếng. Tất cả đều nhẹ nhàng, nhẫn nại, từ hành khách đến nhân viên.

Hành lý của chúng tôi do đã kiểm tra trước nên chỉ mất chưa đầy một phút cho các thủ tục. Có điều, để đến được bàn kiểm tra hải quan, chúng tôi đã chờ đợi tổng cộng 13 tiếng. Tôi về đến trung tâm Havana khi đã hai giờ sáng.

Việc học kiên nhẫn này còn kéo dài suốt hai tuần tôi ở Cuba. Chẳng hạn chúng tôi mất thêm bốn tiếng đợi ở Varadero - một khu nghỉ dưỡng có tiếng - để tới lượt lấy khóa phòng dù lúc đó đã là bốn giờ chiều, vì chưa đến giờ làm việc. Đây là một resort hạng sang, với dịch vụ ăn uống, phòng nhìn hướng biển, các dịch vụ đầy đủ không chê vào đâu được. Vấn đề chỉ là cần biết chờ đợi mà thôi.

Cuba liệu có còn lửa và say? ảnh 2

Một người thợ quấn xì gà ở Havana.


Những ngày sau, khi nhìn những hàng dài xếp hàng nhận bánh mì, mua hoa cho ngày Chủ nhật, tôi nhận ra chờ đợi là một thói quen lẫn văn hóa của người ở đây. Tôi từng ở một vài nước Nam Mỹ, nơi mà những thứ tự do vô tội vạ ngấm vào máu. Từng có một cậu da đỏ ở Colombia chỉ vì phải xếp hàng mua vé vào BRT mà rút dao đâm chết người soát vé. Hay một anh chàng Panama đập phá cả một sạp hàng chỉ vì phải chờ đợi cô vợ shopping quá lâu (cho tới khi cảnh sát dẫn anh ta đi, anh ta vẫn chưa thôi chửi bới). Thế nên, bỗng nhiên, sự kiên nhẫn của những người ở đây khiến tôi ngạc nhiên vô cùng. Tôi ít thấy có những cuộc cãi cọ, cáu gắt. Người Cuba nồng nhiệt, nhưng hiền lành và dễ mến. Ai cũng có thể mở cửa cho bạn vào nhà, nói chuyện và tươi cười. Có thể, lối sống ấy đã làm nên sự kiên nhẫn hiếm có của họ.

Nhìn vào mắt nhau đi

Trong những nước Mỹ latinh tôi đi qua, câu hỏi được nghe nhiều nhất là: “Việt Nam còn chiến tranh không”. Nếu không phải chính tai nghe nhiều lần, tôi còn nghĩ đó là câu chuyện từ thế kỷ trước. Sau hơn 40 năm, với đủ các phương tiện truyền thông hiện đại, thế nhưng ở cách chúng ta nửa vòng trái đất, Việt Nam vẫn dường như đang rất “không an toàn”. Chẳng đâu xa lạ, chỉ cách đây vài ngày, một cô bạn Ecuador nhắn tin cho tôi và hỏi: “Đến Việt Nam có sợ bị bắn không”, khi cô ấy đang chuẩn bị cho kế hoạch bốn tháng ở Đông-Nam Á vào năm sau. Cô ấy thuộc tầng lớp trung lưu, và là một nhà hoạt động xã hội khá có tiếng ở đất nước mình.

Cuba liệu có còn lửa và say? ảnh 3

Một góc thủ đô Havana.


Nhưng ở Cuba thì không. Có thể vì mối quan hệ giao hảo đặc biệt, người Cuba biết nhiều về Việt Nam hơn các nước láng giềng, dù việc tiếp cận thông tin ở đây tương đối hạn chế. Tôi chỉ có một cách duy nhất để dùng internet là mua một thẻ internet trị giá 1 CUC (2 CUC nếu ở khu vực trung tâm Havana, khoảng 2.5 USD), có thể sử dụng trong vòng một tiếng. Wifi rất ít, và chỉ ở một vài khách sạn, nhà hàng lớn. Căn nhà tôi ở nhờ có wifi do lắp đường mạng riêng, dùng chung cho ba nhà. Mỗi sáng, trưa, tối, cả ba nhà hẹn nhau vào mạng, và tôi có thể tranh thủ online lúc đó chừng nửa tiếng, sau đó họ sẽ tắt đi để tiết kiệm. Bởi thế, tôi suýt lăn ra đất khi một cô sinh viên năm thứ bốn khoa Báo chí của đại học La Havana chia sẻ cô hầu như chẳng mấy khi đọc tin tức online. Cô ấy chỉ cần một, hai lần một tuần đọc tin là đủ cho nhu cầu hiểu biết và học tập. Lúc ấy, tôi hơi ngậm ngùi cho cuộc sống hầu như không thể xa rời smart phone và các trang tin liên tục của mình. Cũng không rõ như thế nào mới là một lựa chọn tốt hơn nữa.

Không có mạng, ít dùng điện thoại, tôi học cách lang thang và hỏi đường, nói chuyện, thay vì nhìn vào những chỉ dẫn trên màn hình smart phone. Tôi gặp những người bạn xếp hàng ở những cửa hàng mậu dịch, đứng đợi họ đi lấy gạo và bánh mì được phát, cảm giác của những thập niên cuối thế kỷ trước ùa về. Ở một hàng gạo giữa khu phố cổ ở Havana, những người Cuba đều tỏ ra hào hứng khi biết chúng tôi đến từ Việt Nam. Một anh chàng hỏi: “Ở Việt Nam mở cửa lâu rồi nhỉ, mày sẽ không biết mấy thứ này đâu”, anh vỗ vỗ tay vào túi gạo mới lĩnh. Hay một người phụ nữ vừa nghe thấy Việt Nam đã hét lên: “Ôi, bố tớ có một bức chân dung Hồ Chí Minh, ông ấy đã treo nó tận 30 năm trong phòng đấy, cho tới khi ông ấy qua đời”. Gia đình cô đang sống trong một căn nhà ở khu phố cổ Havana. Nó làm tôi liên tưởng đến phố cổ Hà Nội. Bảy gia đình trong một căn nhà nhỏ, với nhiều trẻ con. Một ngày của họ bắt đầu bằng buổi sáng tới cửa hàng thực phẩm xếp hàng nhận bảy chiếc bánh mì, trẻ con được ưu tiên bánh mì tròn - mềm hơn, người lớn sẽ có bánh mì dài cứng. Có bánh mì được phát, họ đủ ăn trong ngày và không phàn nàn gì về cuộc sống chật hẹp.

Tôi đến Cuba vào thời điểm có quá nhiều sự thay đổi. Cuba không còn là hòn đảo của những năm tháng “mía ngọt từng khi mặn” nữa. Những trang trại mía đã bớt dần dọc các đường quốc lộ. Chuyên, một người Việt sống ở Cuba hơn 30 năm chỉ cho tôi vết tích của một nhà máy đường từng được cho là lớn hàng đầu Cuba ở gần Santa Clara. Nhà máy hiện giờ đã đóng cửa, chỉ còn dấu vết đường ray của xe lửa chở hàng. Tôi thậm chí còn không tìm thấy hàng nước mía nào khi rời Havana. Nhưng hòn đảo tự do ấy, vẫn là một đảo ngọc thật sự với bãi biển như thảm lụa và nước trong vắt. Cách quản lý bãi biển của Cuba quả thật mẫu mực để học hỏi. Mặc dù hàng loạt resort xây ven biển nhưng các resort này đều thuộc quản lý nhà nước, được điều hành chung bởi một trung tâm du lịch. Đôi khi chạnh lòng so sánh với những bãi biển thần tiên đã dần vào dĩ vãng ở nước mình, những bãi biển bị giằng xé cho những lợi ích nào đó, mới thấy sự quân bình ở đây đáng giá làm sao.

Cuba đang thay đổi. Cái chất tự do của hòn đảo ấy đang chờ đợi một cuộc đổi mới. Có thể một lúc nào đó, sẽ không còn những hàng dài chờ đợi kia nữa. Và rồi người ta sẽ bị buộc nhìn xuống màn hình smart phone thay vì nhìn vào mắt nhau. Nhưng như ngọn lửa cháy mãi ở mộ Che Guevara mà tôi đã đi qua, như bức chân dung Jose Marti trên quảng trường cùng tên, như hình ảnh Fidel trên những tấm biển dọc đường đi, vẫn có một thứ tinh thần Cuba bất diệt ẩn giấu trong tiềm thức.

Đôi khi không cần say đâu, nhưng đủ ngấm với nhau là được.