Cận thị, mối lo toàn cầu

Bệnh nhẹ, nguy cơ cao

Pan Fei, một y sĩ nhãn khoa ở Chiết Giang (Trung Quốc) đã quyết định hủy bỏ toàn bộ lớp học thêm của con gái trong dịp nghỉ hè. Anh lo ngại sau khi kiểm tra mắt cho con gái vào tháng 6 đã có những dấu hiệu bị cận thị dù con anh mới học lớp bốn. “So với những đứa trẻ khác, con gái tôi có nguy cơ cao thị lực kém bởi cha mẹ đều bị cận thị và có khả năng truyền cho con”, anh nói. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, khoảng 600 triệu người, gần nửa dân số Trung Quốc bị cận thị. Tỷ lệ người dân bị mắc cận thị đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba ở hầu hết Đông Á trong vòng 40 năm qua. Singapore, Trung Quốc và Hàn Quốc là những nơi có tỷ lệ người mắc cận thị cao nhất.

Cận thị, mối lo toàn cầu
Cận thị, mối lo toàn cầu ảnh 1

Tỷ lệ mắc bệnh cận thị ở thanh thiếu niên một số nước châu Á lên tới 80-90%.


Theo Tiến sĩ y khoa Denize Atan, giảng viên cao cấp khoa mắt tại Đại học Bristol (Anh), cận thị đã trở nên phổ biến và tăng nhanh trong vòng vài thập niên vừa qua trở thành một căn bệnh toàn cầu. Bà cho biết: “Khoảng 30 - 50% người trưởng thành ở Mỹ và châu Âu bị cận thị, còn những nước Đông và Nam Á có thu nhập cao, tỷ lệ cận thị đã tăng lên đến 80 - 90% ở những người tốt nghiệp phổ thông tuổi 18. Đây sẽ là thế hệ có nhiều người mắc bệnh cận nhất từ trước tới giờ”. Theo một nghiên cứu năm 2015 xuất bản trên tạp chí y khoa về mắt, vào năm 2050, khoảng một nửa dân số thế giới (5 tỷ người) có khả năng sẽ mắc bệnh cận thị so với 1,4 tỷ người hiện nay.

Trong sinh hoạt thường ngày, phần lớn người bị cận thị chỉ nhìn rõ những thứ ở gần nhưng mờ với những vật ở xa. Bị cận thị có vẻ chỉ được xem là sự bất tiện nho nhỏ như người bị bệnh phải đeo kính cận, kính áp tròng hoặc phẫu thuật mắt bằng lazer. Nhưng các nhà nghiên cứu cảnh báo nguy cơ mắc các bệnh mắt nghiêm trọng khác khi tỷ lệ cận trong những người trẻ cao đến vậy. Chẳng hạn như ở Singapore hơn 82% người ở tuổi 20 bị cận. Khi ở tuổi 60, rất nhiều vấn đề về mắt của họ sẽ trở nên tồi tệ hơn. Họ có nguy cơ cao bị các rối loạn mắt nghiêm trọng như cận nặng, tăng nhãn áp, đục nhân mắt, bong võng mạc, thoái hóa điểm vàng, có thể dẫn tới mất thị lực và mù.

Việc học hành căng thẳng, sử dụng thiết bị điện tử vô tội vạ và ít thời gian hoạt động ngoài trời là những căn nguyên chính. Tiến sĩ y khoa Louise Gow, chuyên gia hàng đầu về sức khỏe mắt ở Viện người mù quốc gia hoàng gia (Anh) nói: “Gien là một nhân tố, nếu bạn có cha mẹ bị cận thị thì bạn cũng có khả năng lớn bị cận thị”.

Giáo dục cũng là một nhân tố chính gây ra cận thị. Một nghiên cứu của đại học Cardiff và Bristol kết luận mỗi năm học sẽ gia tăng khả năng cận thị. Việc gia tăng áp lực học hành lên trẻ trùng hợp với việc tăng nhanh các trường hợp bị cận thị. Một nửa học sinh ở Đông Á bị cận vào cuối những năm tiểu học. Bởi mắt tiếp tục phát triển trong suốt những năm đi học nên trẻ bị cận thị sớm sẽ phải dùng thuốc nhiều hơn và có nguy cơ bị biến chứng lớn hơn. Nguyên do đơn giản là vì những em dành thời gian học nhiều hơn sẽ có ít thời gian dưới ánh sáng tự nhiên.

Nghiên cứu mới cũng cho thấy những nhân viên văn phòng trung bình dành 1.700 giờ một năm ở trước màn hình máy tính (tương đương hơn 70 ngày) cũng có khả năng mắc bệnh. Cô Katie Mc Geechan làm việc cho nhà sản xuất kính áp tròng ACUVUE, người được ủy quyền nghiên cứu này nhấn mạnh: “Đối với hàng triệu người trên thế giới hiện nay, việc nhìn chăm chăm màn hình máy tính suốt ngày là chuyện thường. Nếu tính thêm cả điện thoại vào chúng ta sẽ thấy mắt phải chịu áp lực rất lớn”.

Tăng thời gian tiếp xúc với các thiết bị điện tử là một nguy cơ lớn hơn là bản thân việc tiếp xúc với các thiết bị đó. Không có chỉ dẫn chính thức nào về việc phải nghỉ bao lâu khi dùng màn hình trong thời gian dài nhưng các chuyên gia khuyên nên ngắt thời gian làm việc bên máy tính bằng những quãng nghỉ ngắn. Mỗi giờ nghỉ năm phút thì tốt hơn là hai giờ nghỉ 20 phút. Theo Tiến sĩ Gow, cơ mắt mệt mỏi khi phải nhìn màn hình mọi lúc bởi không có các tiêu cự khác nhau, vì vậy nên theo nguyên tắc 20/20/20 - nhìn xa 20 feet (khoảng sáu mét) cứ mỗi 20 phút trong vòng 20 giây và nhớ chớp mắt. Chúng ta chớp mắt ít hơn nhiều khi nhìn vào màn hình nên mắt hay bị khô. Hãy cưỡng lại thôi thúc lướt qua các mạng xã hội trên điện thoại, và tránh ngồi dính vào ti-vi hay laptop khi bạn về nhà.


Giải pháp đơn giản nhưng không dễ thực hiện

Các chuyên gia về mắt nhắc nhở, nếu trẻ em ra ngoài trời đủ thời gian cần thiết thì sẽ giảm thiểu khả năng bị cận thị, bất chấp việc học hành cũng như sử dụng thiết bị điện tử. Vì vậy bọn trẻ nên hoạt động ngoài trời nhiều trong những năm trưởng thành, lúc mắt chúng vẫn đang phát triển.

Các nhà nghiên cứu thử nghiệm nhiều cách để giúp học sinh có thể tiếp nhận nhiều ánh sáng mặt trời hơn. Chẳng hạn như các “phòng học ánh sáng”, nơi có các bức tường và trần phòng học làm bằng nhựa trong giúp ánh sáng tự nhiên đi qua hoặc giáo viên cho học sinh ra ngoài trong thời gian ăn trưa.

Mới đây, Trung Quốc triển khai một chương trình vào cuối tháng 8 với sự tham gia của Bộ Giáo dục, Ủy ban chăm sóc sức khỏe quốc gia và sáu cơ quan khác nhằm mục đích giảm tỷ lệ cận thị ở trẻ sáu tuổi còn khoảng 3% vào năm 2030, và các ca mắc bệnh ở cấp tiểu học dưới 38%, tỷ lệ trong học sinh trung học phổ thông và cơ sở giảm xuống lần lượt là 60 và 70%.

Các trường học đã có những hành động cụ thể tập trung hơn vào giáo dục thể chất. Liu Ziqi, một học sinh lớp tám nói rằng chương trình học nặng buộc cậu phải ngồi trong phòng học gần như suốt cả ngày, đôi lúc cổ và mắt rất mỏi. Hai năm trước, trường Yucai số 7 ở thành phố Thành Đô nơi cậu bé học đã mở một lớp giáo dục thể chất mỗi ngày với lựa chọn đa dạng cho học sinh từ bóng đá, bóng rổ, bóng bàn và taekwonko. 39 trường công trong quận Cẩm Giang của thành phố đã mở chương trình tương tự.

Việc ngăn ngừa và chữa trị chứng cận thị đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, trường học và gia đình. Tuy nhiên điều này không hề dễ dàng ở nhiều gia đình và nhiều vùng ở Đông và Nam Á do văn hóa và quan niệm, nơi gánh nặng học tập và áp lực cạnh tranh cao khiến học sinh không còn thời gian cho bất cứ hoạt động nào.

Là một trong những quốc gia có số người mắc cận thị đứng đầu thế giới, Singapore cũng thực hiện nhiều biện pháp để hóa giải tình trạng này. Trước hết là tăng cường đơn thuốc nhỏ mắt có chứa atropine giúp kiểm soát cận thị ở trẻ em. Tiến sĩ Chua Wei Han, tư vấn mắt cao cấp tại Bệnh viện Mount Elizabeth cho biết trong giai đoạn hai năm, tiến triển của cận thị ở trẻ em sử dụng thuốc nhỏ mắt này hằng ngày giảm khoảng 80% so với trẻ em sử dụng thuốc nhỏ mắt không có atropine. Ngoài ra có một số sáng kiến nằm trong Chương trình ngăn ngừa bệnh cận thị quốc gia dành cho trẻ em dưới 12 tuổi. Sáng kiến này bao gồm quỹ hỗ trợ tài chính cho các học sinh nghèo cần đeo kính, và nỗ lực phân phối những cuốn sách cầm tay về chăm sóc mắt cho các học sinh và cha mẹ ở trường công, nhưng chưa thấy rõ hiệu quả.

Đeo kính ngay khi mắc bệnh cũng là một giải pháp thiết thực. Bà Keith Tempany, nguyên Chủ tịch Hiệp hội kính áp tròng Anh nói: “Nghiên cứu chỉ ra rằng những kính áp tròng nhất định có thể làm giảm sự tiến triển của cận thị ở trẻ em tới 59%”. Có một lượng lớn các loại kính thuốc trên thị trường bao gồm kính áp tròng đeo qua đêm, kính hai tròng và đa tròng... và điều này cho chúng ta cơ hội tạo nên sự khác biệt đối với sức khỏe của mắt cho thế hệ tới.