Thăm làng Văn hóa - Du lịch Plei Ốp ở thành phố Pleiku

NDO -

NDĐT- Được quy hoạch trở thành Làng Văn hóa - Du lịch đầu tiên của thành phố Pleiku, làng Plei Ốp là điểm đến tuyệt vời cho du khách tham quan, tìm hiểu văn hóa bản địa đồng bào Gia Rai mà không phải cất công đi quá xa thành phố.

Plei Ốp còn gọi là làng Ốp, được thành lập từ năm 1927 với gần 100 năm tuổi, diện tích tự nhiên lên đến 182ha, giữa trung tâm thành phố Pleiku. Làng trong phố nhưng Plei Ốp vẫn có nhà rông truyền thốn
Plei Ốp còn gọi là làng Ốp, được thành lập từ năm 1927 với gần 100 năm tuổi, diện tích tự nhiên lên đến 182ha, giữa trung tâm thành phố Pleiku. Làng trong phố nhưng Plei Ốp vẫn có nhà rông truyền thốn
Thăm làng Văn hóa - Du lịch Plei Ốp ở thành phố Pleiku ảnh 1

Cổng làng Ốp được xây dựng khang trang, đường sá trải nhựa sạch sẽ, đầy đủ hệ thống đèn điện chiếu sáng. Ngày nay, làng Ốp nằm trên đường Bùi Dự kéo dài, phường Hoa Lư, cách trung tâm quảng trường Đại đoàn kết chỉ ba km.

Thăm làng Văn hóa - Du lịch Plei Ốp ở thành phố Pleiku ảnh 2

Nằm trên bãi cỏ rộng phủ bóng cây xanh giữa làng là ngôi nhà rông truyền thống của người dân nơi đây. Nhà rông là linh hồn, biểu tượng văn hóa của buôn làng, được xây dựng cao vút như hình lưỡi rìu với nguyên liệu hoàn toàn từ gỗ và tre, nứa truyền thống, phía trước dựng một cây nêu. Khoảng sân trước nhà rông cũng là nơi người dân làng Ốp tổ chức các lễ hội, biểu diễn cồng chiêng.

Thăm làng Văn hóa - Du lịch Plei Ốp ở thành phố Pleiku ảnh 3

"Plei Ốp" là tiếng Gia Rai và đây là ngôi làng của đồng bào dân tộc Gia Rai sinh sống, với hơn 100 hộ và hơn 500 người.

Thăm làng Văn hóa - Du lịch Plei Ốp ở thành phố Pleiku ảnh 4

Bên trái khoảng sân trước nhà rông là nơi trưng bày tượng gỗ của cả người Gia Rai và Ba Na. Đây là một công trình được thực hiện theo kế hoạch phát triển du lịch thành phố Pleiku, một sự thay đổi lớn lao trong tâm thức của người dân tộc bởi tượng gỗ trước đây trong văn hóa người Gia Rai chỉ dành riêng cho người chết, được trưng ở các khu nhà mồ.

Thăm làng Văn hóa - Du lịch Plei Ốp ở thành phố Pleiku ảnh 5

Để làm được điều này, những nhà văn hóa và nghệ nhân đã phải mất công sức rất lớn thuyết phục, thay đổi nhận thức của người dân, nhất là các già làng sinh sống ở Plei Ốp. Họ đã phải lấy lý do đây là loại hình nghệ thuật điêu khắc độc đáo, một nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Tây Nguyên nhưng đã mai một dần. Các tượng gỗ được mang ra nhà rông trưng bày phải thay đổi, phải mô tả cuộc sống sinh hoạt làm vui làm đẹp, chứ không được tạc tượng theo tín ngưỡng tang ma nữa. Khi đó, tượng gỗ thật sự trở thành sứ giả văn hóa, trang trí cho buôn làng thêm đẹp, vui mắt, góp phần giới thiệu trực quan sinh động giá trị nghệ thuật, văn hóa của loại hình di sản văn hóa phi vật thể này đến với du khách.

Thăm làng Văn hóa - Du lịch Plei Ốp ở thành phố Pleiku ảnh 6
Thăm làng Văn hóa - Du lịch Plei Ốp ở thành phố Pleiku ảnh 7

Khu nghĩa trang còn được biết đến với tên gọi khu "nhà mồ" Plei Ốp nằm cuối làng, tuy vậy cũng chỉ còn vài ba tượng gỗ bao quanh những ngôi mộ cũ chôn cất đã từ rất lâu. Với những ai muốn nhìn ngắm tượng gỗ kiểu "truyền thống" có thể ghé khu nhà mồ này, tượng gỗ theo tín ngưỡng đám tang thường có hình dáng mặt buồn, chống cằm, ôm đầu, khoanh tay...

Thăm làng Văn hóa - Du lịch Plei Ốp ở thành phố Pleiku ảnh 8
Thăm làng Văn hóa - Du lịch Plei Ốp ở thành phố Pleiku ảnh 9

Để trở thành Làng Văn hóa - Du lịch đầu tiên của thành phố Pleiku, ngoài văn hóa bản địa của người địa phương, nhà sàn - nhà rông truyền thống, lễ hội cồng chiêng... thì ẩm thực cũng là một trong những điểm nhấn quan trọng nhất thu hút du khách. Làng Ốp hiện nay đã có tới ba quán ăn chuyên phục vụ ẩm thực núi rừng Tây Nguyên.

Thăm làng Văn hóa - Du lịch Plei Ốp ở thành phố Pleiku ảnh 10

Nhà hàng Plei Cồng Chiêng là một trong ba nhà hàng ở đây, nơi du khách không chỉ được thưởng thức đồ ăn sạch mang hương vị núi rừng mà còn được chìm đắm trong không gian, đời sống tinh thần đặc trưng của người Gia Rai.

Thăm làng Văn hóa - Du lịch Plei Ốp ở thành phố Pleiku ảnh 11

Quán có không gian kiến trúc là các nhà sàn nhỏ, nhà dài truyền thống thoáng mát, cây nêu trang trí hoa văn rực rỡ giữa sân. Chung quanh dựng rất nhiều tượng gỗ miêu tả sinh hoạt cuộc sống, như tượng mẹ ôm con, chàng trai múa trống, người ôm bầu nước, chàng dũng sĩ, cô gái múa soang...

Thăm làng Văn hóa - Du lịch Plei Ốp ở thành phố Pleiku ảnh 12

Bên trong nhà sàn - nhà dài, được treo trang trọng trên tường vách nứa, vách gỗ là các nhạc cụ, cồng chiêng, đàn goong, thổ cẩm, dụng cụ lao động. Tùy theo yêu cầu của đoàn khách, quán có thể mời đội cồng chiêng múa soang của làng đến biểu diễn thực khách vừa ăn vừa thưởng thức. Các ngày cuối tuần ở Plei Ốp, cả ba quán đều nườm nượp khách đến, các đội cồng chiêng của làng cũng nô nức phục vụ, vừa vui lòng du khách vừa tăng thêm thu nhập cho bà con trong làng.

Thăm làng Văn hóa - Du lịch Plei Ốp ở thành phố Pleiku ảnh 13

Món ăn nổi tiếng thu hút du khách nhất tại đây chính là gà nướng ăn cùng cơm lam. Gà nướng ở mỗi vùng miền đều khác nhau và món gà nướng Gia Rai này độc đáo khác biệt ở chỗ nướng xa lửa, lấy hơi nóng tỏa ra để gà chín từ từ. Gà được chọn thường từ 1,5kg đổ xuống, cho vào chậu thấm đẫm gia vị để ướp, gồm mật ong, tỏi băm nhuyễn, dầu mè, muối, tiêu sọ... sau đó đem kẹp cả con vào khúc cây lồ ô đã chẻ đôi. Gà không nướng trực tiếp trên lửa mà cắm thành hàng hoặc vòng tròn chung quanh đống than lớn, mỡ gà sẽ chảy theo khúc lồ ô xuống đất, một lúc lại xoay que nướng để gà chín theo hơi lửa.

Thăm làng Văn hóa - Du lịch Plei Ốp ở thành phố Pleiku ảnh 14

Ngoài ra, quán còn phục vụ rất nhiều món ăn ngon khác của núi rừng Tây Nguyên như heo rừng nướng, cơm lam, cà đắng, rau dớn, lá mì, cá suối nướng ống lồ ô, bò một nắng muối kiến, canh gà lá giang...