Võ Tiếng, người miền Tây làm nông nghiệp tử tế

Sau hai năm đi theo chí hướng trồng lúa sạch, Võ Tiếng gầy đến vài cân dù trước đó cậu cũng chẳng to lớn gì. Nước da vốn đã ngăm ngăm giờ đen nhẻm đi vì nắng gió. Gương mặt còn trẻ nhưng có nét khắc khổ. Chỉ có nụ cười miền Tây luôn tươi tắn, khiêm nhường.

Võ Tiếng giữa đồng lúa Tâm Việt ở Hồng Ngự (Đồng Tháp).
Võ Tiếng giữa đồng lúa Tâm Việt ở Hồng Ngự (Đồng Tháp).

“Robinson của Đồng Tháp Mười”, “chàng nông dân truyền lửa” hay thậm chí Tiếng “khùng” - có người gọi cậu như vậy, những danh hiệu dường như quá kêu so với tính cách khiêm nhường của Tiếng. Cậu chỉ nhận mình là “ngựa ô can trường” (tên gọi của cậu trong hướng đạo sinh), luôn là chú ngựa miệt mài bền bỉ đi khắp nơi để giúp ích cho đời.

Ước vọng hạt gạo sạch

Năm 2015, Tiếng quyết định đi xuyên Việt. Cậu đạp xe từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, rồi mượn bạn chiếc xe máy Minsk rong ruổi lên miền núi phía bắc. Với chàng thanh niên 25 tuổi, chuyến xuyên Việt đó không phải là một chuyến đi phượt vô định.

Tiếng kể, cậu quyết định đi xuyên Việt sau khi đọc cuốn sách “Chuyện nhỏ Sài Gòn” của tác giả Đàm Hà Phú, một người gốc miền Tây lập nghiệp ở Sài Gòn. Cuốn sách kể về lòng tốt, những sự tử tế nhỏ nhắn ta luôn nhặt được ở đâu đó trong cuộc đời nếu chịu khó mở miệng và trò chuyện, hoặc bước chân lên đường và ngắm nhìn. Thế là Tiếng lên đường. Khi đi, cậu đi đường núi. Khi về, cậu đi đường biển. Tất cả sừng sững trước mắt cậu. Nếu ai đó đang loay hoay không biết làm sao để yêu đất nước, có lẽ người đó nên làm như cậu. Việt Nam đẹp quá, phải tận mắt chạm vào mới cảm nhận hết được. Mỗi nơi đi qua, Tiếng đều gặp những con người cậu không thể quên.

Tiếng nhớ miền Tây. Miền Tây bây giờ cũng không hiền hòa như xưa. Những năm ấu thơ ở miền Tây hoa trái ngọt lành bốn mùa, ăn cơm xong mẹ đặt mâm bát xuống đáy hồ cá đến rỉa sạch bong - những hình ảnh giờ chỉ còn là quá khứ. Đồng ruộng cây cối ao hồ miền Tây giờ cũng ngập trong hóa chất nông nghiệp. Thứ vị ngon độc hại nhuộm kín từng hạt gạo dân mình ăn. Cậu nói đau xót.

Sau chuyến đi đó, ước vọng trồng lúa sạch đến với cậu một cách tự nhiên, khi cậu chứng kiến cuộc sống của người Việt Nam trên mọi nẻo đường. Người ta tìm cách cho gia đình mình có nông sản sạch để tiêu dùng, nhưng lại bán nông sản độc hại ra thị trường cho người khác. Có lẽ chỉ khi đến các bản làng Tây Bắc, Tiếng mới được ăn hạt gạo sạch đúng nghĩa. Nhưng nông sản ở đó cũng không có đường phân phối, khiến cuộc sống người dân khổ cực. Cậu muốn giúp họ, nhưng chưa tìm ra cách. Vì vậy, trước hết cậu quay về miền Tây, tìm đường làm nông sản sạch ngay trên chính quê hương mình.

Vậy là sau nhiều năm rong ruổi tìm lẽ sống, Tiếng trở lại quê nhà làm nông dân.

Tháng 4-2015, Tiếng bắt tay ngay vào trồng lúa gạo sạch với dự án thử nghiệm mô hình 2 hec-ta ruộng kết hợp trồng lúa và thả cá, tuyệt đối không dùng phân bón hóa học. Đây là phần ruộng nhỏ bé mà mẹ Tiếng cho con trai khởi nghiệp. Còn bố cậu kịch liệt phản đối ý tưởng này, khi năng suất lúa của gia đình đang là 200 tấn/năm (do dùng đến 20 tấn phân bón hóa học và một tấn thuốc trừ sâu).

Sau này Tiếng nuôi thêm đàn vịt và mới đây, cậu thử nghiệm nuôi tôm. Cá, vịt, tôm hợp thành thiên địch diệt các loài sinh vật hại lúa, một biện pháp để thay thế phân bón hóa học và thuốc trừ sâu đang được dùng vô tội vạ trên các cánh đồng. Đồng thời, đây cũng là nguồn thu nho nhỏ để cậu cải thiện cuộc sống cho anh em nông dân. Để làm được như vậy, Tiếng phải biến ruộng lúa thành ao thả cá và vịt. Nước được bơm đầy để làm thành môi trường sống cho cá. Nghe tả thì đơn giản nhưng công việc rất cực nhọc. Đến cả nhổ cỏ cho ruộng lúa, Tiếng cũng bỏ tiền thuê người nông dân quê cậu làm bằng tay. Người ta hỏi sao không xịt thuốc diệt cỏ cho đỡ tốn sức người, Tiếng trả lời: “Nông dân quê mình còn nghèo lắm, cho nông dân việc làm để thoát nghèo, chứ Út (cậu là con út trong gia đình nên luôn xưng là Út - PV) không dư dả gì để dùng thuốc hóa học làm hại quê mình”.

Gian khổ là vậy, nhưng năng suất lúa rất thấp, dù điều này Tiếng đã dự tính từ trước. Ban đầu, năng suất lúa của Tiếng chỉ bằng 60% các thửa ruộng bên cạnh. Giá bán đắt hơn 18%. Cậu nhắn tin đến từng bạn bè trong mạng lưới mối quan hệ của mình để mời mua lúa. Việc vận chuyển lúa đến Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cùng việc lưu trữ lúa cũng được bạn bè hỗ trợ.

Nhưng khi bán được lúa rồi, lại phát sinh thêm vấn đề vì gạo sạch nên thời gian bảo quản ít hơn và có côn trùng chui vào (một điều trái khoáy là chính vì gạo sạch nên côn trùng mới... dám ăn). Cậu khắc phục bằng cách sử dụng bao bì chân không. Sau đó, cậu cải tạo luôn mẫu mã bao bì để bao gạo Tâm Việt trông bắt mắt hơn.

Cứ có khó khăn lại tìm cách giải quyết, bên Tiếng luôn là những người bạn cùng chí hướng.

Gạo không đủ bán, ruộng không đủ trồng

Để theo con đường mình đã chọn, Tiếng phải đánh đổi khá nhiều. Ban đầu là sự hoài nghi và phản đối của tất cả mọi người: cha mẹ, xóm giềng, các chủ ruộng lúa lân cận (đặc biệt phản đối vì cho rằng cách canh tác của Tiếng ảnh hưởng đến ruộng của họ), dư luận xã hội. Cậu cũng phải đánh đổi cả sản lượng để lấy sự an toàn cho hạt lúa: mỗi năm chỉ được trồng hai vụ cho đất kịp phục hồi, không bị “đầu độc”. Vì thế, sản lượng của Tâm Việt khá thấp và không đủ quay vòng vốn nhanh. Trước mỗi vụ mùa luôn là lo âu trăm mối.

Nay, Tâm Việt của Tiếng đã trải qua năm vụ mùa. Diện tích ruộng cũng tăng lên thành 14 hec-ta, cùng với niềm tin của cha mẹ và cộng đồng đặt vào nơi Tiếng. Nhưng cha mẹ Tiếng cũng là nông dân nghèo, không có nhiều vốn để ủng hộ con tiếp tục mở rộng ruộng và tăng sản lượng, để Tâm Việt thoát khỏi cảnh tồn tại lay lắt. Tiếng lên báo đài nhiều, nhưng với cậu, truyền thông mạnh quá cũng phản tác dụng. Trong khi đó, thứ người làm nông nghiệp sạch cần là những khoản đầu tư ổn định và lâu dài.

Trước vụ mùa năm nay, Tiếng băn khoăn nhiều lắm. Gạo mùa trước đã sạch trong kho. Ruộng đang cấy dở chưa kịp gieo trồng. Số người biết đến Tâm Việt và đặt mua gạo ngày càng tăng, dẫn đến cung thiếu trầm trọng. Muốn mở rộng sản xuất nhưng chưa đủ tiền đầu tư. Ôm ngổn ngang trăm mối, cậu bước vào vụ mới. Ngày 11-5 vừa qua, 14 hec-ta đã cày xong chuẩn bị để gieo mạ. Cuộc hành trình lại bắt đầu.

“Bao ngày vất vả đã qua, những hạt giống mang niềm tin và nghị lực đã được gieo vào lòng đất mẹ. Sẽ chờ đợi những ngày đất mẹ nuôi dưỡng và bảo bọc cho cây lớn lên mà không cần hóa chất độc hại” - Tiếng ghi vào “nhật ký” Facebook tháng 5-2017. Giấu những lo toan vào trong, trên Facebook, cậu luôn thể hiện sự lạc quan để làm chỗ dựa cho những người bạn khác và cộng đồng những người làm nông sản sạch ở Việt Nam.

Người ta thường nghĩ nông dân là những người an phận. Nhưng an phận không phải từ dành cho cậu. Máu phiêu lưu trong cậu vẫn rần rật chảy. Không phải theo cách rong ruổi trên những nẻo đường hiểm trở ngày xưa, mà là tiên phong khởi nghiệp trồng lúa sạch. Nông dân, nhưng nổi tiếng. Một điều trái khoáy. Nếu một đứa trẻ nói mơ ước của cháu là nổi tiếng, chẳng bao giờ ta hình dung nghề nghiệp tương ứng lại là nông dân.

Thế mà sau hai năm, Tiếng và Nông trại Tâm Việt ở Hồng Ngự, Đồng Tháp đã lên khắp báo đài, cùng lý tưởng về việc trồng lúa gạo sạch bằng phương pháp thuận theo tự nhiên, tạo ra một hệ sinh thái chăn nuôi quanh cây lúa. Báo viết bài sâu. Truyền hình làm phóng sự. Cậu được mời ra Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tham gia các hội chợ nông sản sạch, làm diễn giả trong những buổi hội thảo về nông nghiệp sạch, đoạt giải nhất một cuộc thi khởi nghiệp.

Nếu có điều gì gắn chặt với Tiếng thì đó là lòng vị tha. Cậu khởi nghiệp trồng lúa với ý định làm việc thiện. Hơi lãng mạn so với một kế hoạch kinh doanh. Nhưng với một bộ óc thực tế, có khi lại không thành. Trồng lúa sạch thật sự khó, thiếu sự lãng mạn đó, có lẽ Tiếng đã bỏ cuộc lâu rồi.

Cuộc phiêu lưu giúp ích của chàng hướng đạo sinh vẫn chưa dừng lại.

Bao ngày vất vả đã qua, những hạt giống mang niềm tin và nghị lực đã được gieo vào lòng đất mẹ. Sẽ chờ đợi những ngày đất mẹ nuôi dưỡng và bảo bọc cho cây lớn lên mà không cần hóa chất độc hại.