Rừng lạ ở thủ đô & người đưa cây về phố

Đầu xuân - Tết trồng cây, tôi ngỡ ngàng vì một khu rừng lạ ngay ở đại lộ Thăng Long - Hà Nội. Cánh rừng “lạ” bởi giữa thủ đô lại có nhiều cây quý hàng trăm năm tuổi: tùng, sanh, bồ đề, ngọc trâm, vối, lộc vừng... Ai đưa những cây này hội tụ về đây? Hoàng Lam - chủ nhân của sơn trang này hãy còn rất trẻ và khi trò chuyện tôi mới biết những hành trình “giải cứu” cây về, phận cây cũng lắm nỗi éo le.

Rừng lạ ở thủ đô & người đưa cây về phố

Những chuyến “giải cứu” cây quý

Hóa ra, cây của Lam không chỉ ở cánh rừng này mà đã phủ xanh nhiều khu đô thị. Trung tâm hội nghị quốc gia, Royal city, Times city, khu du lịch sinh thái Long Việt... và nhiều con phố ở Hà Nội đều có những loại cây mà chàng trai sinh 1980 này đã “kén” về. Nói là “kén” bởi Lam đam mê cây đẹp, cây quý. Ngay từ lúc nhỏ, Lam đã hay tẩn mẩn chăm tỉa cây, uốn ra các thế theo ý tưởng của mình mà chẳng biết có đúng “bài” không.

Tốt nghiệp phổ thông trung học, Lam tham gia các hoạt động của thanh niên, từng giữ chức Bí thư Đoàn xã. Vì không thể “cai” cây, Lam nghỉ ngang xin đi làm thuê cho một công ty kinh doanh cây xanh để học hỏi kinh nghiệm.

Sau hai năm làm thuê, Lam đứng ra lập Công ty Hoàng Lam chuyên về cây xanh. Không có vốn, Lam cắm sổ đỏ nhà, vay ngân hàng và bạn bè mua một xe cẩu tự hành để đi gom cây, mà hầu như chỉ cây cổ thụ. Từ đó bắt đầu những ngày ăn với cây, ngủ với cây, đi gom cây. Lam bảo mình yêu cây còn hơn gái đẹp. “Gom cây cổ thụ bằng cách nào, không phải theo cách của “lâm tặc” chứ?”. Lam cười, bảo: “Tôi chưa bao giờ gom cây theo cách của “lâm tặc” mà ngược lại tôi giải cứu rất nhiều cây quý. Tôi gom cây từ ba nguồn. Nguồn thứ nhất là vườn ươm. Tôi có 10 héc-ta đất để ươm cây giống. Cây từ vườn ươm có đường kính từ 8 -20 cm. Nguồn thứ hai là mua cây từ những khu đất sắp giải phóng mặt bằng, các cơ quan xí nghiệp sắp bị giải tỏa... Ở đó có nhiều cây đẹp, mà nếu không bán đi thì sẽ bị chặt phá. Nguồn thứ ba là nhập khẩu cây từ Lào, Campuchia, Thái-lan...”.

Tôi cùng Lam đi dạo dưới tán rừng cổ thụ, câu chuyện tưởng cứ dài ra mãi vì mỗi một cây đều có một tiểu sử riêng.

Cây bồ đề xanh mướt, có cái thế rất đẹp kia được Lam cứu từ khu sắp giải tỏa để làm đường cao tốc kéo dài đi Hòa Bình. Lam kể: “Cây bồ đề này không biết cơ duyên nào bén rễ vào tường gạch, rồi cứ thế xuyên xuống lòng đất, uốn thành cái thế rất đẹp trong khe tường. Đến ngày bức tường bị đập bỏ để làm đường, cây bồ đề có nguy cơ bị chết. Biết được thông tin này, tôi vội lên đó để mua ngay bồ đề đưa về đây”. Tôi nhìn cây bồ đề vẫn còn nguyên viên gạch ở dưới gốc như muốn gửi gắm triết lý nhân sinh của Phật giáo. Lam giữ lại viên gạch đã nuôi dưỡng cái hạt cây. Lam đối với cây đẹp chưa bao giờ thô bạo kiểu cưa đứt đục suốt mà tinh tế đôi khi pha chút “liều” lẫn lãng mạn phiêu lưu thường chỉ thấy ở kẻ đang yêu.

Lần khác được tin ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) sắp san ủi để làm khu kinh tế có một cây trâm quý đường kính 1,2 m. Lam lập tức đánh xe vào hỏi mua, người ta bán ngay nhưng muốn chở cây về phải đưa qua cái đầm lầy. Lam huy động 30 người đưa cây trâm trên chiếc bè tre kéo trượt qua đầm lầy bùn nhão phải ba ngày mới qua được. Không có đường ô-tô, Lam dùng hai máy xúc mở đường đưa cây ra quốc lộ rồi chở về Hà Nội.

Một hôm Lam biết ở Phủ Lý - Hà Nam đang bán một cây vối nằm dọc bờ sông để cải tạo đê kè. Cây vối tuyệt đẹp, có bệ dài tới 4 m nhưng ở cái thế chênh vênh sát mép nước rất khó bứng đi. Lam phải dùng xe cẩu ba chân kết hợp với máy xúc nhấc cây ra và buộc cáp kéo qua sông. Dòng sông rộng 150 m, nước bẩn và thời tiết rất rét. Mấy chục người lội sông kéo, phải đứt ba lần cáp cây vối mới đến bên kia bờ.

Hễ nghe tin nơi nào có cây quý bán, dù xa xôi đến mấy Lam đều lên đường. Cái sự vội ấy không chỉ vì muốn mua ngay mà còn bởi nếu chậm thì cây quý có khi bị “tử hình” vì thường nằm trong diện giải tỏa. Cây nhãn lồng đường kính 1 m, trăm năm tuổi vào diện bảo tồn ở Hưng Yên sắp bị chặt để lấy đất cho dự án. Lam cứu được cây nhãn quý đưa về Hà Nội chăm bón. Đến mùa, nhãn cổ thụ cho những chùm quả ngon ngọt trên đất mới, bõ công Lam vất vả “giải cứu”. Đọc báo biết ở Đồng Tháp có cây xoài dáng trực thăng 60 năm tuổi dáng vẻ cổ quái. Lam lập tức hỏi xin số điện thoại và sáng hôm sau đã mua được cây xoài lạ chở ra Hà Nội.

Với những cây quý, các đại gia sẵn sàng mua ngay, giá cả không thành vấn đề. Nhưng Lam bán cây theo tinh thần quý vật chọn quý nhân chứ không vì đồng tiền mà “gả” cây cho những người không yêu cây. Cây vối ở Phủ Lý - Hà Nam bán với giá có thể cao hơn nhưng Lam để lại cho một doanh nhân miền bắc chỉ bằng nửa số tiền đó chỉ vì người mua hiểu giá trị của cây vối.

Ông Ngô Ngọc Long - Phó Chủ tịch xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất, Hà Nội - nơi Công ty Hoàng Lam đăng ký kinh doanh, khẳng định “Những cây mà Hoàng Lam đưa về, xã đều kiểm tra và chứng nhận nguồn gốc rõ ràng”. Nhiều lần, Lam hiến tặng cây quý, thậm chí trồng cả vườn cây cho các chùa ở miền bắc để làm công đức.

Sẽ làm bảo tàng cây xanh ở Hà Nội

Đã gần 12 giờ trưa mà câu chuyện về cây vẫn chưa dừng lại. Nhìn Lam mặc áo vest nói cười dưới rừng cổ thụ ít ai biết chàng trai này thường xuyên phải đi bộ, mắc võng, gặm bánh mì để tìm cây quý. Có những khi Lam mắc võng nằm ngủ mấy đêm liền dưới gốc cây trong trời lạnh và muối như trấu vãi, khi nào mua cây về được mới thôi.

Rừng lạ ở thủ đô & người đưa cây về phố ảnh 1

Hoàng Lam và rừng cây mà mình dày công sưu tầm và chăm sóc.

Bứng được một cây cổ thụ sâu rễ bền gốc lên rồi vận chuyển đường xa, qua nhiều đèo dốc, để cây sống không phải đơn giản. Lam có hẳn một quy trình kỹ thuật và những nghệ nhân như bác sĩ của cây. Họ cắt bỏ những phần không cần thiết trên cơ thể cổ thụ, lấy thuốc bôi lên những vết thương, rồi cắt tỉa tưới tắm theo dõi. Tỷ lệ cây bị chết cũng không tránh khỏi vì quá trình di chuyển dài, thời tiết khắc nghiệt.

Làm cái nghề này đôi khi như đánh bạc, nếu thiếu đam mê lẫn cái tâm thì khó theo được. Với Lam, những cổ thụ đều có linh hồn nên không thể đối xử như những vật vô tri. Gặp cổ thụ, Lam thường dựa vào gốc, lặng im trên mười phút, nếu thấy ớn lạnh, nổi da gà thường sẽ không mua nữa hoặc phải làm cái lễ thắp hương vì theo lý giải ở góc độ tâm linh cây có vong hồn trú ngụ, chưa siêu thoát.

Tôi nhìn những nghệ nhân đang uốn các cây tùng. Cành lá của tùng lộn xộn đâm mọc lung tung, nhưng Lam bảo: “Chỉ hai ngày nữa anh quay lại đây sẽ không nhận ra những cây tùng này nữa. Các nghệ nhân ở đây có biệt tài biến cây “gái quê thành hoa hậu”.

Công ty Lam có 30 nhân viên, hầu hết đều từ những vùng quê nghèo, không có công ăn việc làm, được Lam đón về đào tạo dạy nghề. Có nhân viên bây giờ đang phụ trách cây xanh cho một tập đoàn, lương tháng đã 30 triệu đồng. Lam tâm sự: “Ở công ty tôi luôn rộn rã tiếng cười vì nhân viên sống nhiều với cây nên không bon chen, mệt mỏi, chẳng ai lại đi bon chen với cây cả. Tôi vốn nóng tính, trước đây nếu nổi nóng thì “một răng cũng bừa”, nhung từ khi gắn bó với cây tính tình mềm mại hẳn, tâm mình luôn thấy nhẹ nhàng”.

Gắn bó với cái nghề này, Hoàng Lam nhận thấy Việt Nam có rất nhiều loài cây quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Lam từng xót xa khi nhìn những đoàn xe tải chở cây quý xuất sang biên giới Trung Quốc. “Trung Quốc mua cây của ta giá trị thấp về bán với giá trị cao. Có nhiều cây bị thu mua số lượng lớn trở thành khan hiếm. Có thể bán cây nhưng đừng bán giống, lợi bất cập hại. Na Lạng Sơn họ mua giống và chỉ ba năm sau họ trồng na gấp năm diện tích của mình. Họ mua giống cây thanh long rồi xuất khẩu ngược quả thanh long vào Việt Nam”.

Tới đây, Lam sẽ đẩy mạnh ươm trồng các giống cây quý như một hướng chủ lực để phát triển bền vững. Chàng trai này ấp ủ sẽ gom những kỳ hoa dị thảo từ mọi miền đất nước để làm một “bảo tàng cây xanh” ngay ở Hà Nội. Bảo tàng ấy nuôi dưỡng nhiều giống loài cây vào diện “sách đỏ” thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng và sẽ mở cửa cho người dân vào tham quan miễn phí.