Khi áo blouse đẫm máu

“Cho đến giờ tôi vẫn không hiểu sao mình lại bị đánh?”, bác sĩ Hoàng Đức Trung chia sẻ với tôi khi đang nằm trên giường bệnh, vết thương ở đầu phải khâu 20 mũi vẫn còn làm anh choáng... Đầu năm mới, tin hai bác sĩ ở Yên Bái bị hành hung đã làm nhức nhối hơn thực trạng đã đến mức báo động...

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác Bộ Y tế thăm hỏi bác sĩ Lê Quang Dương. Ảnh: Thái Bình
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác Bộ Y tế thăm hỏi bác sĩ Lê Quang Dương. Ảnh: Thái Bình

Không hiểu nổi vì sao bị đánh

“Khoảng 11 giờ ngày 20-2 chúng tôi tiến hành mổ đẻ cho sản phụ Quách Thị Phương Thảo theo yêu cầu của người nhà. Trong quá trình mổ, Lê Hồng Nam đã trèo lên lan can để quay phim, chụp ảnh. Một nữ hộ sinh của chúng tôi đi qua phát hiện và bảo Nam là chỗ này không trèo được, xuống đi. Tuy nhiên, Nam đã lăng mạ và chửi bới lại, rồi dọa “Tí ra tao đập chết”. Lúc này, chúng tôi lo lắng, nhưng được sản phụ nói rằng, chồng mình chỉ dọa thôi (sản phụ gây tê tủy sống nên vẫn tỉnh). Do đó, sau khi phẫu thuật, chúng tôi ra ngoài phòng mổ không chút đề phòng. Nhưng vừa ra khỏi phòng mổ, lập tức Nam và một nhóm thanh niên 15 người lao vào, dùng đèn pin đập vào đầu tôi và bác sĩ Phạm Hải Ninh. Tôi choáng váng... Tôi không hiểu sao mình bị đánh một cách tàn bạo như vậy, vì ca mổ diễn ra bình thường, mẹ tròn con vuông, không có chút gì sai sót về nghiệp vụ và ứng xử với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân”. Đó là ngày mùng 5 Tết Mậu Tuất, hai bác sĩ bỗng dưng bị đánh ấy phải chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Yên Bái cấp cứu.

Thời gian gần đây, những vụ hành hung bác sĩ xảy ra ngày một nhiều, nhiều đến nỗi dư luận đã quen với việc bác sĩ... bị đánh. Hình ảnh áo blouse trắng đẫm máu, hình ảnh bác sĩ cứu người nhưng lại phải đi cấp cứu vì bị đánh trước đây chưa từng có trong lịch sử ngành y, giờ lại trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”.

TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế giọng trĩu nặng: “Các vụ hành hung bác sĩ diễn ra tần suất ngày càng dày, mức độ nghiêm trọng, với các loại hung khí khác nhau. Môi trường làm việc của bác sĩ hiện nay không an toàn. Thật buồn khi bác sĩ lo cứu mạng nạn nhân lại phải lo cho chính tính mạng của mình. Khoa cấp cứu, khoa hồi sức cấp cứu, khoa khám bệnh, khoa chấn thương ngoại khoa là những nơi có tần suất hành hung bác sĩ dày đặc. Trong các tuyến thì tuyến tỉnh thường xảy ra các vụ hành hung bác sĩ nhiều nhất, tuyến huyện và tuyến Trung ương ít hơn. Vì tuyến huyện ít người bệnh hơn, bệnh nhân từ xã dồn lên tỉnh, ở Trung ương thì chất lượng khám, chữa bệnh cao hơn, công tác an ninh tốt hơn”.

Một kết quả khảo sát tại các bệnh viện cho thấy, các vụ bạo lực, hành hung nhân viên y tế xảy ra 60% ở bệnh viện tuyến tỉnh và 20% ở tuyến Trung ương. 70% đối tượng bị tấn công là bác sĩ, 15% là điều dưỡng viên. 90% số vụ xảy ra trong khu vực bệnh viện, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc người bệnh.

Tần suất hành hung bác sĩ “dày đặc” mà TS Nguyễn Huy Quang đề cập đến đã được phản ánh nhiều trong thời gian gần đây, không chỉ vậy, các vụ việc diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bác sĩ, nhân viên y tế.

Cách đây chưa lâu bác sĩ Lê Quang Dương, Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất, Hà Nội đang xem hồ sơ bệnh án thì bị người nhà bệnh nhân dùng cốc thủy tinh đánh vào đầu. Máu bác sĩ Dương chảy ướt đẫm hồ sơ bệnh án và áo blouse trắng. Bác sĩ Dương ngất tại chỗ, phải nhập viện theo dõi chấn thương sọ não.

Vào tháng 12-2017, tại Trạm Y tế xã Đông Tân, huyện Đông Hưng, Thái Bình, một bác sĩ được điều động đến cấp cứu một ca tai nạn giao thông. Khi đang làm nhiệm vụ, người nhà vì muốn chuyển bệnh nhân đi ngay nên đã xông vào đấm liên tiếp vào mặt bác sĩ khiến bác sĩ bị gãy xương sống mũi, chấn thương vùng mắt và bị xước giác mạc. Và còn vô số vụ việc khác không liệt kê hết được.

Tôi đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Đông Anh, Hà Nội) khi phòng khám bệnh đã đông chật người. Tiếng lao xao không át được giọng một bệnh nhân đang chỉ tay vào mặt bác sĩ Trịnh Văn Tý buông ra những lời tục tĩu. Bác sĩ Tý vẫn mỉm cười giải thích cho bệnh nhân đang “bốc hỏa”. Sau cả buổi sáng tiếp bệnh nhân với đủ mọi “hỷ nộ ái ố”, bác sĩ Tý mới thở phào, tâm sự với tôi: “Bệnh nhân to tiếng chửi tôi sáng nay chỉ vì trong giấy xin nghỉ ốm cần chứng nhận của bác sĩ, anh ta muốn tôi ghi lên bảy ngày nghỉ, tôi chỉ chấp nhận ghi ba ngày theo đúng quy định. Nói chung việc bệnh nhân chửi mắng bác sĩ không còn lạ lẫm nữa. Tôi là người kìm chế và biết học các kỹ năng ứng xử nên ít bị mắng chửi hơn nhiều đồng nghiệp. Cả bác sĩ và bệnh nhân đều chịu nhiều áp lực nhưng cả hai phía đều chưa có kỹ năng ứng xử phù hợp. Bệnh nhân là khách hàng, bệnh viện cũng là dịch vụ, nếu bệnh nhân không hài lòng với dịch vụ thì họ có quyền phản ứng nhưng phản ứng bằng cách xúc phạm, hành hung thì không thể chấp nhận được. Điều quan trọng là phải đưa ra giải pháp, mà cái này các bệnh viện phải chủ động”.

Khi bác sĩ phải “tự cứu mình”

Cách đây chưa lâu, một nhóm côn đồ đã mang hung khí vào Bệnh viện Đại học Y chém bệnh nhân đứt khí quản. Nguy cơ bác sĩ bị hành hung trở nên báo động. Ban Giám đốc Bệnh viện Đại học Y đã lập đề án: “Tăng cường kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho nhân viên y tế”.

Đến bệnh viện này vào một ngày trước rằm tháng giêng, bệnh nhân đã rất đông. Điều dễ nhận thấy là hệ thống camera giám sát được lắp ở hành lang, các phòng khám... Phòng cấp cứu có nút báo động kết nối với công an phường. Bệnh viện treo nhiều bảng ghi các số điện thoại liên hệ khẩn cấp như số của Công an phường Trung Tự, công ty bảo vệ AZ...

PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y - người từng nhiều lần lên tiếng về nạn hành hung bác sĩ, cho biết những nguyên tắc rất cụ thể mà Bệnh viện Đại học Y đưa ra đối với các y, bác sĩ để tự bảo vệ mình: “Phải giữ khoảng cách giữa bác sĩ và người nhà bệnh nhân, đó là khoảng cách một cánh tay, không để người bệnh đứng tiếp xúc quá gần. Nguyên tắc thứ hai: khi nhân viên y tế tiếp xúc với người bệnh không ở trong tư thế quay lưng. Nguyên tắc thứ ba, bước lùi: khi người bệnh tiến lên thì chúng ta phải lùi lại...”. Điều đáng nói là với tình hình bệnh viện lúc nào cũng ở trong tình trạng đông nghịt, thậm chí quá tải như hiện nay, thì việc thực hiện các nguyên tắc ấy không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Bệnh viện Việt - Đức phải thuê 156 nhân viên bảo vệ với tổng mức tiền lương hơn 700 triệu đồng/tháng, riêng phòng cấp cứu luôn có bốn bảo vệ túc trực. Bệnh viện cũng trang bị hệ thống camera và các nút ấn báo động khẩn cấp tại các bàn...

Bác sĩ Nguyễn Công Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Tiệp - Hải Phòng chia sẻ: “Bệnh viện chúng tôi là đa khoa tuyến cuối - nơi thường có 1.700 đến 1.800 bệnh nhân nội trú và hơn 1.000 bệnh nhân khám bệnh mỗi ngày nên rất dễ xảy ra những xung đột. Để bảo đảm an ninh, chúng tôi đã đề ra những giải pháp như: Củng cố sắp xếp lại các khoa phòng để thuận tiện khám chữa bệnh, đặc biệt những nơi nhạy cảm như khoa cấp cứu; Tuyên truyền giáo dục cán bộ nhân viên làm tốt kỹ năng giao tiếp ứng xử, các kỹ năng mềm với bệnh nhân. Hợp đồng với lực lượng bảo vệ, vừa bảo vệ, vừa chủ động hướng dẫn giúp đỡ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân”.

Trong khi một số bệnh viện như Bệnh viện Đại học Y, Bệnh viện Việt Tiệp - Hải Phòng chủ động đề ra các giải pháp để tự bảo vệ thì nhìn chung các bác sĩ vẫn đang đơn độc và ở thế yếu. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mới đây đã chua xót thừa nhận: “Chúng tôi đã rất nhiều lần mời công an và cơ quan chức năng vào cuộc nhưng các vụ hành hung nhân viên y tế không giảm mà lại còn tăng. Các cơ quan chức năng chưa thật sự ủng hộ. Ngành y tế gần như đơn độc trong cuộc đấu tranh chống hành hung bác sĩ”.

Bức xúc với thực trạng này, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh đề nghị, hành vi bạo hành với nhân viên y tế cần phải được xử lý nghiêm khắc hơn, hình phạt phải tăng nặng hơn thì mới đủ sức răn đe. Chẳng lẽ cứ để xảy ra nghịch lý bác sĩ cứu người lại bị người hành hung, và bệnh viện trở thành nơi mất an ninh như vậy?