Cạm bẫy buôn người trên mạng và cuộc giải cứu cô dâu qua Facebook

Cô gái có gương mặt vẫn còn in hằn nỗi sợ hãi tôi gặp ở công an tỉnh Quảng Ninh ấy vừa trải qua một cuộc chạy trốn từ bên kia biên giới về đây. Trong thời gian chờ gặp công an để trình báo, cô kể cho tôi nghe trong nước mắt câu chuyện bị lừa bán của mình. Tất cả bắt đầu bằng một tin nhắn làm quen trên Facebook của một nick name có tên “Lãng Tử” với hình đại diện khá đẹp trai. Cô gái này trở thành một trong rất nhiều nạn nhân của tội phạm buôn người sử dụng mạng xã hội như một cạm bẫy. Ngày càng có nhiều người sập bẫy, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có chuyện Facebook đã giúp giải cứu cô dâu Việt dù những người trong cuộc chưa hề quen biế

LM (nhân vật che mặt) gặp nhà báo Thu Trang và Mr Man ở Việt Nam sau khi được giải cứu.
LM (nhân vật che mặt) gặp nhà báo Thu Trang và Mr Man ở Việt Nam sau khi được giải cứu.

Sập bẫy buôn người trên mạng xã hội

Dung (tên cô gái) vừa mới tốt nghiệp cấp ba ở Cẩm Phả (Quảng Ninh), vì nhà nghèo, bố mẹ công nhân mỏ than nghỉ hưu non cho nên không thi đại học mà muốn tìm việc làm luôn. Dung lập tức bị thu hút bởi những “lời có cánh” của “Lãng Tử”. Họ chat với nhau hằng đêm. Lãng Tử cho biết đang làm chủ một đường dây buôn vải từ bên kia Trung Quốc qua Móng Cái rồi về Hà Nội. “Lãng Tử” nỉ non qua chát: “Tiền kiếm được dễ lắm, anh đang cần người làm kế toán thu tiền và trả tiền vải cho các đối tác, lương tháng 20 triệu, hay là em giúp anh?”.

“Được lời như cởi tấm lòng”, cô gái nghèo này lập tức nhận lời mà không cần biết “Lãng Tử” kia là ai, đang ở đâu. Họ hẹn nhau ở thành phố Hạ Long. “Lãng Tử” thật ra trông rất bụi bặm, cỡ 24 tuổi, mặt lạnh, xăm hình con rết ở cổ tay. Dung hơi chột dạ, nhưng “Lãng Tử” như đọc được suy nghĩ của cô, rút ngay một xấp tiền xanh bảo: “Đấy là năm triệu tiền lương ứng trước tháng này của em, bây giờ mình đi ăn rồi vào việc luôn”.

Dung cầm tiền đi theo vào một nhà hàng sang trọng, ở đó có ba thanh niên cũng xăm trổ được giới thiệu là “đối tác”. Sau bữa trưa, Dung lên xe ô-tô khách cùng “lãng tử” và ba “đối tác” xuôi về phía Móng Cái.

“Đến nơi thì trời đã tối, hắn đưa em lên thuyền vượt sông Ka Long nói là đi nhanh cho kịp chuyến hàng. Nhìn hắn thì thầm to nhỏ với mấy thằng khác rất đáng ngờ, em sinh nghi nên xin giả vờ đau bụng muốn ở lại. Nhưng lập tức hắn đưa bình gây mê xịt thẳng vào mặt, em ngất đi không biết gì nữa. Khi em tỉnh lại thì thấy mình đang nằm trong một phòng có đèn mờ hồng hồng, nghe tiếng Trung Quốc nói lao xao”.

Dung bị bán với giá 20 vạn tệ cho một ổ chứa mại dâm trong khu cờ bạc. Cô bị ép tiếp khách và sau nửa năm, tình cờ gặp một khách làng chơi người Việt chỉ cho đường đi nước bước, Dung trốn thoát về Quảng Ninh và lên công an trình báo.

Câu chuyện trên chỉ là một thí dụ cho hiện tượng mua bán người (MBN) qua mạng ngày càng có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Cách đây chưa lâu, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) đã lập chuyên án triệt phá đường dây lừa bán phụ nữ qua mạng Internet liên tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, xuất phát từ lá đơn trình báo của T. một cô gái 18 tuổi ở Vĩnh Phúc bị một số đối tượng dùng nick ảo chát làm quen rồi lừa bán sang thị xã Liêm Giang, Quảng Đông (Trung Quốc).

Bằng các biện pháp nghiệp vụ công nghệ cao, các trinh sát lần ra địa chỉ IP của hai nick chat lừa bán T. Họ cũng lập ra nick chat mang phong cách 9X để làm quen với hai nick kia, dẫn dụ để chúng tưởng là “con mồi”. Họ phải học cách nói chuyện bằng ngôn ngữ của tuổi teen - một thứ ngôn ngữ rất riêng, nếu không “thuộc” rất dễ bị lộ. Họ phải thức trắng để chat với chúng - những kẻ “ngủ ngày cày đêm”.

Cuối cùng, “mẻ lưới” đã được cất, các nick ảo hiện nguyên hình là những kẻ buôn người qua mạng: Nguyễn Anh Tú, ở TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), Cao Thị Hồng Linh, ở Lâm Thao (Phú Thọ). Nhưng kẻ dẫn “con mồi” T đến với Tú và Linh là Nguyễn Anh Tuấn ở TP Tuyên Quang. Tuấn bị bắt khi đang say sưa chat ở một quán internet. Ba đối tượng này khai nhận trước đó đã lừa bán bốn nạn nhân khác qua Trung Quốc, mỗi “thương vụ” thu 1 vạn đến 1,2 vạn tệ.

Cầm trên tay tập báo cáo những vụ MBN bị triệt phá trên địa bàn thủ đô, Thiếu tá Phạm Hồng Quân, Đội phó Phòng chống tội phạm MBN - Phòng Cảnh sát Hình sự (đội 12), Công an TP Hà Nội nhẩm tính: “Từ năm 2010 đến năm 2014, toàn thành phố phá 60 vụ MBN (153 đối tượng; với 119 nạn nhân). Trong số đó, nạn nhân bị lừa qua mạng ngày càng nhiều”.
Thiếu tá Quân vẫn còn nhớ đội 12 đã phá một vụ án của nhóm chuyên tìm những thiếu nữ “kẹt nét” để cứu nét sau đó cưỡng bức đưa đi bán làm gái mại dâm.

Vụ án bắt đầu từ khi đội 12 nhận được tin em Nguyễn Thị Thúy Nga (sinh năm 1995) ở quận Hoàn Kiếm bị hai đối tượng nữ là Tâm và Nhung “cứu nét” sau đó ép đến quán Karaoke Kim Thảo ở thị trấn Bần, Yên Nhân (Hưng Yên) bán dâm...

Sau nhiều ngày trinh sát và mở rộng điều tra, các trinh sát tóm gọn Hoàng Quốc Hưng, chủ quán Karaoke Kim Thảo. Hưng thỏa thuận với Lê Thị Thanh Tâm, Nguyên Hồng Nhung, Vũ Mạnh Linh nếu tìm được nhân viên nữ về bán dâm sẽ trả hai triệu đồng một người. Bằng những thủ đoạn chat qua mạng và đi “cứu nét”, chúng đã lừa ép trót lọt ba thiếu nữ ở Hà Nội vào ổ chứa.

Cạm bẫy buôn người trên mạng và cuộc giải cứu cô dâu qua Facebook ảnh 1

Thiếu tá Phạm Hồng Quân cảnh báo ngày càng nhiều người sa vào cạm bẫy của bọn buôn bán người trên mạng xã hội.

Thiếu tá Phạm Hồng Quân - người trực tiếp phá nhiều vụ án MBN và được bình chọn là gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2012 - đầy ưu tư: “Mạng xã hội đang bị tội phạm biến thành công cụ lợi hại để MBN. Chúng thường sử dụng nick ảo, sim rác nên tung tích rất mịt mờ. Các thiếu nữ không nên dễ dàng kết bạn, cả tin, nhận lời gặp gỡ hay đi chơi với những người trên mạng xã hội khi mình chưa biết rõ về họ”.

Nhưng mạng xã hội cũng có thể trở thành một công cụ giúp giải cứu các nạn nhân MBN. Đó là câu chuyện giải cứu LM nhờ Facebook ly kỳ như tiểu thuyết trinh thám. Dù mấy tháng đã trôi qua, cô vẫn còn run khi kể về hành trình khủng khiếp ấy.

Nghìn dặm xa, giải cứu cô dâu Việt nhờ Facebook

Sau khi bị lừa bán qua Trung Quốc làm vợ bất hợp pháp một người đàn ông ở tỉnh An Huy, LM 19 tuổi quê ở Đồng Nai, mang thai năm tháng. Đắm chìm trong chuỗi ngày bất hạnh. LM tìm cách gửi lời kêu cứu tới nhà báo Thu Trang, báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh. Nhà báo Thu Trang đã viết lời kêu gọi trên Facebook có 30 nghìn lượt theo dõi của mình. Một người Việt ở Trung Quốc (xin dấu tên) với nick name là Mr Man biết chuyện tìm cách giải cứu LM. Nhưng Mr Man không biết LM ở đâu trong tỉnh An Huy 60 triệu dân ngoài số điện thoại của LM được Thu Trang cung cấp. Qua điện thoại Mr Man hướng dẫn LM chụp mấy tấm ảnh nơi cô ở để xác định vị trí. Sau khi phân tích ảnh, Mr Man biết LM đang ở thị trấn Bang Phu và một kế hoạch giải cứu chi tiết được vạch ra.

Theo kế hoạch, LM sẽ rời nhà chồng từ 7 giờ sáng trên chiếc xe đạp điện với điện thoại đầy pin, và chút tiền lẻ giả vờ đi chợ. Từ đó về cô sẽ bắt taxi về thành phố Hợp Phì, từ đây sẽ có người Mr Man thuê đón, mua vé và bắt chuyến xe lúc 11 giờ 30 cho LM đi Nam Ninh. Ở Nam Ninh sẽ có Tổng Lãnh sự quán đón. Dự định như vậy nhưng trên hành trình ấy đã có nhiều chuyện ngoài dự tính xảy ra. Do nôn nóng LM ra khỏi nhà lúc 6 giờ và bắt nhầm taxi “dù”. Nhà chồng thấy LM đi chợ lâu đã lao ngay ra và đuổi đến Hợp Phì để tới Nam Ninh. Mr Man phải thực hiện phương án 2, hướng dẫn LM đi Nam Kinh để đánh lạc hướng truy đuổi. May thay, LM vừa lên xe thì nhà chồng ập đến. Tại tất cả các bến xe, Mr Man đều thuê người mua vé và bảo vệ LM an toàn. Từ Nam Kinh, LM được mua vé để tới Quảng Châu. Tại Quảng Châu một đầu mối khác đã mua vé để LM đến Nam Ninh. Cô đến bến xe Nam Ninh an toàn lúc 7 giờ ngày 21-6-2015 và được đại diện Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh đón ngay tại cửa xe. Giờ đây, sau hành trình được giải cứu bắt đầu từ Facebook, LM đang chuẩn bị sinh con ở Đồng Nai.

Thiếu tá Phạm Hồng Quân chia sẻ: “Cuộc giải cứu LM cho thấy mạng xã hội và sự kết nối có thể giúp giải cứu các nạn nhân của tội phạm MBN. Từ kinh nghiệm của cá nhân, theo tôi, các nạn nhân có thể tìm cách vào mạng xã hội để xác định được vị trí của mình, kết nối với những người thân nhờ giúp đỡ và báo với công an nơi gần nhất”.

Mạng xã hội đang bị tội phạm biến thành công cụ lợi hại để MBN. Chúng thường sử dụng nick ảo, sim rác nên tung tích rất mịt mờ. Các thiếu nữ không nên dễ dàng kết bạn, cả tin, nhận lời gặp gỡ hay đi chơi với những người trên mạng xã hội khi mình chưa biết rõ về họ.