Sông Pô Cô kêu cứu

Sông Pô Cô bị ô nhiễm nặng đã hai năm nay vì chất thải của nhà máy chế biến tinh bột sắn, đang làm ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng nghìn người dân sinh sống dọc theo con sông.

Xác bã sắn đóng váng thành những hố ga, sủi bọt hai bên bờ sông Pô Cô.
Xác bã sắn đóng váng thành những hố ga, sủi bọt hai bên bờ sông Pô Cô.

Sự việc sông Pô Cô bị ô nhiễm nặng được phát giác khi những người dân ở thôn 2, xã Tân Cảnh, huyện Đác Tô bơm nước tưới cho cây cà-phê trong những ngày đầu tháng 2-2015. Anh Lê Đức Hòa, một người dân ở đây cho biết: "Hai năm nay chúng tôi đã phát hiện nước sông Pô Cô bị ô nhiễm. Và những ngày đầu tháng 2-2015, khi xuống tới gần bờ sông, chúng tôi thấy mùi thối nồng nặc của bã sắn; nước sông lởn vởn một mầu trắng nhờ nhờ khác thường. Máy bơm nước tưới cà-phê chỉ bơm được vài giờ đã bị tắc do bã sắn bám đầy ống hút. Tháo vòi bơm và ống tưới, người dân phát hiện nhiều cáu bẩn trong đó có cả vỏ sắn. Tưới nước này lên rẫy cà-phê, sau khi nước rút đi để lại một lớp váng trắng xóa quanh gốc cây...". Anh Trần Thìn, ở xã Tân Cảnh phản ánh: Khi lội xuống sông bơm nước, về nhà nếu tắm gội không kỹ sẽ bị ngứa, lở loét chân tay. Vào mùa nước sông cạn, tình trạng ô nhiễm càng nặng.

Chúng tôi lội ngược dòng sông Pô Cô khoảng vài trăm mét để thị sát. Đúng như người dân phản ánh, dọc hai bên bờ sông, trên những bãi bồi đã rút nước, nhiều lớp bùn ô nhiễm đã đóng bánh. Bã sắn đọng thành từng lớp dày bên bờ sông, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nhiều nơi, bã sắn đọng thành từng lớp dày sủi bọt như những hố ga trong các nhà máy chế biến tinh bột sắn mà chúng tôi từng thấy.

Theo nhiều người dân thì thủ phạm gây nên tình trạng ô nhiễm này chính là nước thải của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Fococev và Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phương Hoa từ phía thượng nguồn. Nếu đúng như người dân phản ánh, lượng nước thải của hai nhà máy này xả ra sông là rất lớn. Vì từ thôn 2, xã Tân Cảnh đến hai nhà máy này có khoảng cách từ 20 đến 30 km.

Kết quả phân tích mẫu nước trên sông Pô Cô tại thời điểm tháng 3-2015 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum cho thấy: Chất rắn lơ lửng đều vượt từ 2,32 đến 2,62 lần so với giới hạn cho phép; chất lượng nước mặt trên sông Pô Cô tại các điểm lấy mẫu đều suy giảm. Nguyên nhân được xác định là do lưu lượng dòng chảy và khả năng tự làm sạch của nguồn nước thấp, trong khi đó chất thải từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt... chưa qua xử lý, hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu (trong đó có các nguồn xả lén lút vào ban đêm từ các nhà máy chế biến tinh bột sắn ở thượng nguồn) đổ vào sông Pô Cô. Đây là những nguyên nhân chính làm suy giảm chất lượng nguồn nước sông.

Tuy vậy, kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum đưa ra chưa thuyết phục người dân vì họ cho rằng mức độ ô nhiễm sông Pô Cô lớn hơn rất nhiều so với kết quả công bố. Đây là kết quả phân tích mẫu nước sau hơn một tháng so với thời điểm phản ánh của người dân. Sông Pô Cô có độ dốc lớn, mức độ rửa trôi cao, nếu sau một ngày ngừng xả thải thì mức độ ô nhiễm nước sông sẽ giảm. Đầu tháng 5-2015, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường tại Nhà máy chế biến tinh bột sắn Fococev, địa chỉ thôn Nông Nhầy 2, xã Đác Nông, huyện Ngọc Hồi. Kết quả kiểm tra cho thấy: Một lượng lớn bã sắn được phơi ngổn ngang trong và ngoài khuôn viên nhà máy; tình trạng bã sắn, vỏ lụa rơi vãi trên đất không được thu dọn; các bờ hồ chứa nước thải chưa được gia cố vững chắc, còn tình trạng nước tràn từ hồ này sang hồ khác... Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện Nhà máy chế biến tinh bột sắn Fococev đã lắp đặt hai ống nhựa phi 300 thoát nước từ hồ số 7 ra sông Pô Cô không đúng với phương án nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt. Qua sự việc này, đáng ra Đoàn kiểm tra Sở Tài nguyên và Môi trường cần lập biên bản xử phạt hành chính đối với nhà máy vì tự ý thay đổi phương án thoát nước thải mà không xin phép cơ quan chức năng. Nhưng không hiểu vì lý do gì, không những không lập biên bản vi phạm, Đoàn kiểm tra còn "vẽ đường" cho nhà máy bằng việc ra văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép Nhà máy chế biến tinh bột sắn Fococev được nối ống nhựa phi 300 để dẫn nước thải sau khi xử lý ra sông Pô Cô để chống sạt lở bờ sông (?!).

Trong lúc đó, việc lắp đặt ống nhựa thoát nước phi 300 của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Fococev sai với phương án đã được UBND tỉnh phê duyệt; Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ngọc Hồi đã có văn bản kiến nghị lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xử phạt hành chính đối với nhà máy vì đã báo cáo không đúng về những thay đổi, điều chỉnh nội dung, biện pháp bảo vệ môi trường, mà cụ thể là tự ý lắp đặt ống nhựa phi 300 để xả nước thải ra môi trường nhưng Thanh tra Sở này khẳng định: Việc lắp đặt đường ống phi 300 của nhà máy chỉ "mang tính tích cực và không ảnh hưởng gì đến môi trường chung quanh"!?

Tuy nhiên, thực tế lại không như Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định. Trước đó, ngày 27-11-2014, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Fococev đã bị lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường bắt quả tang đang xả nước thải có mầu đen, bốc mùi hôi thối ra sông Pô Cô qua hai đường ống phi 300. Với công suất thiết kế 80 tấn thành phẩm/ngày; mỗi ngày đêm nhà máy này xả thải với công suất 2.250 m3. Và đến thời điểm hiện nay, nhà máy chưa được phép xả nước thải ra môi trường do chưa hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường như cam kết.

Theo ý kiến của người dân, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phương Hoa cùng với Nhà máy chế biến tinh bột sắn Fococev thường xuyên lén lút xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra sông Pô Cô. Tuy nhiên, không rõ lý do vì sao Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phương Hoa lại được đặt ngoài đợt kiểm tra môi trường lần này. Trong khi đó, người dân sống chung quanh khu vực Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phương Hoa vẫn liên tục kêu ca về việc gây ô nhiễm của nhà máy. Bà Y Kloi và ông A Nao ở tại làng Đác Sút 1, xã Đác Ang (làng đối diện với nhà máy qua sông Pô Cô) cho biết: Vào vụ sản xuất, cứ khoảng từ 11 giờ đêm đến một, hai giờ sáng là nhà máy xả nước thải chưa qua xử lý ra sông. Cả làng Đác Sút khổ sở vì khi nhà máy xả thải mùi hôi thối bốc lên nồng nặc khắp làng. Nhiều hộ dân làng Đác Sút 1 khẳng định, từ ngày có Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phương Hoa, cá, tôm trên sông Pô Cô không còn, nước sông ô nhiễm nên bà con không dám sử dụng để tắm, giặt,...

Trái ngược với những điều bà con phản ánh, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phương Hoa vẫn được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cấp Giấy xác nhận việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường để hoạt động. Ngày 21-4-2015, Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định kết quả mẫu nước thải của nhà máy đạt yêu cầu theo quy định. Tại kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh diễn ra từ ngày 8 đến ngày 9-7 vừa qua, tiếp thu ý kiến phản ánh của cử tri về việc Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phương Hoa xả thải ra sông Pô Cô, UBND tỉnh đã có Công văn chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất của nhà máy, yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm. Người dân Kon Tum mong chờ các ngành chức năng liên quan kiểm tra, có chế tài xử phạt, nghiêm minh, rõ ràng đối với các cơ sở gây ô nhiễm sông Pô Cô. Sông Pô Cô sẽ trở thành một dòng sông "chết" nếu như tình trạng ô nhiễm không được xử lý triệt để. Trả lại môi trường trong lành cho dòng sông, cũng là đem lại cuộc sống bình yên cho hàng nghìn người dân của năm huyện Đác Glây, Ngọc Hồi, Đác Tô, Đác Hà, Sa Thầy sống chung quanh lưu vực dòng sông này.