“Đuổi theo” quặng lậu

NDO -


NDĐT - Huyện Chợ Đồn( Bắc Cạn) có hàng trăm mỏ và điểm mỏ chì- kẽm, đồng thời quặng chì kẽm ở ngày dưới vườn nhà dân. Người dân thiếu việc làm, quặng có giá, buôn bán quặng diễn biến phức tạp, trong khi đó lực lượng chức năng thiếu đủ thứ làm cho việc ngăn chặn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Khai thác quặng thổ phỉ tại xã Quảng Bạch, huyện Chợ Đồn.
Khai thác quặng thổ phỉ tại xã Quảng Bạch, huyện Chợ Đồn.

Quặng lậu xuất hiện ở nhiều nơi

Một ngày cuối tháng 3-2016, chúng tôi theo Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chợ Đồn Triệu Thị Vui đến khu vực Lũng Cuổi thuộc xã Quảng Bạch - một xã nằm ở phía bắc huyện Chợ Đồn. Ở khu vực này có nhiều lò khai thác khoáng sản, lò cũ, lò mới đào cũng có. Đó là những hang lớn được đào sâu xuống lòng đất, xuyên vào sườn núi, người ta chui vào trong đó, dùng xà beng, cuốc chim khai thác quặng rồi cho vào xô, bao tải, dùng dây thừng kéo lên.

Gặp một toán thanh niên ba người quần áo lấm lem bùn đất ngồi trên miệng một lò quặng, bà Vui khuyên ngăn: “Khai thác thủ công, dưới hang sâu thế này rất nguy hiểm đến tính mạng, nên về nhà làm việc gì lương thiện, ổn định âu dài”. Đáp lại, họ thật thà tâm sự: “Bọn em nghiện ngập, mỗi ngày cần năm bảy chục nghìn mua thuốc, hằng ngày không biết làm việc gì nên đành đi khai thác quặng, cuối ngày mang đi bán có tiền ngay để mua thuốc”.

Sang khu vực Bó-pi-a cũng thuộc xã Quảng Bạch, một số người dân đào hầm hố trên sườn núi, ngay tại vườn nhà để khai thác quặng, hằng ngày được bao nhiều bán cho một vài “đầu nậu” thu gom.

Ở địa phương, người ta gọi khai thác quặng trái phép, thu gom loại quặng này là quặng lậu. Mỏ Nà Tùm trải rộng trên diện tích gần mười ha, nằm trên địa bàn thị trấn Bằng Lũng, do Công ty TNHH Khai khoáng Bắc Cạn khai thác, hằng đêm một số người dân, thanh niên địa phương lẻn vào các bãi quặng trộm cắp. Lãnh đạo công ty này cho biết: “Mỏ rộng, bảo vệ ít, một số thanh niên, người dân địa phương mang bao tải vào khu vực mỏ nhặt trộm quặng đi tiêu thụ”.

Cuối năm 2015, tổ liên ngành huyện Chợ Đồn do Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chợ Đồn chủ trì bắt giữ gần mười tấn quặng lậu tập kết cạnh đường tỉnh lộ 254 trên địa bàn xã Quảng Bạch. Tối mồng ba Tết Nguyên đán Bính Thân- 2016, tổ liên ngành huyện Chợ Đồn bắt gần bảy tấn quặng bên cạnh tỉnh lộ 254 trên đèo Lủng Váng trên địa bàn thị trấn Bằng Lũng. Sau đó, số quặng này được đưa về tập kết tại sân trụ sở UBND huyện Chợ Đồn, đã ba tháng nay huyện rao bán số quặng này nhưng chưa có cá nhân, đơn vị nào ai mua.

Địa bàn huyện Chợ Đồn rộng, địa hình phức tạp, các xã phía bắc, phía tây và phía nam huyện đều có quặng. Nhiều doanh nghiệp được cấp phép khai thác, vận chuyển. Người dân thiếu việc làm, quặng có giá, một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác “té nước theo mưa” thu gom quặng lậu làm cho tình trạng khai thác quặng trái phép diễn ra ở nhiều nơi.

Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Triệu Thị Vui thật thà: Thời điểm nào giá quặng tăng cao là tình trạng khai thác quặng trái phép bùng phát trên địa bàn, dẹp chỗ này lại “mọc” chỗ khác, ngăn chặn không được.

Không ngăn chặn được tận gốc

Ngăn chặn tình trạng khai thác, buôn bán khoáng sản trái phép, huyện Chợ Đồn thành lập tổ liên ngành bao gồm Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công an huyện, Đội quản lý thị trường, Chủ tịch UBND các xã. Hầu hết các vụ khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép do tổ liên ngành phát hiện, bắt giữ được là từ tin báo của quần chúng nhân dân. Chính quyền xã có trách nhiệm quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, nhưng đều nể nang, né tránh, làm ngơ trước quặng lậu diễn ra trên địa bàn mình quản lý.

Chính quyền xã chưa vào cuộc ngăn chặn, tổ liên ngành hoạt động kiêm nhiệm, không phương tiện; bắt được quặng lậu, huyện bán được mới trích phần trăm theo quy định nên gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu là đuổi theo quặng lậu để “cắt ngọn” mà chưa có biện pháp hữu hiệu phòng ngừa tận gốc. Lãnh đạo huyện cũng bức xúc lắm với tình trạng quặng lậu, nhưng đến nay chưa có cách gì để ngăn chặn hiệu quả, triệt để.

Để ngăn chặn quặng lậu, thường xuyên phải gọi điện thoại tập hợp các thành viên đi ngăn chặn quặng lậu, có nhiều lần gọi đến vài chục cuộc điện thoại mà không có chế độ thanh toán bà Vui tự bỏ tiền túi chi trả. Bắt được quặng lậu, thuê người bốc dỡ, thuê phương tiện vận chuyển về trụ sở, huyện chưa bán được số quặng này để có kinh phí thanh toán tiền làm thêm, xăng xe, thuê nhân lực bốc dỡ, thuê phương tiện nên cán bộ đội liên ngành cũng nản.

Bà Vui trần tình: “Là phụ nữ, năm nay tôi đã 55 tuổi rồi, nhiệm vụ thì phải làm, dân báo ở đâu có quặng lậu, ban ngày hay ban đêm, ngày lễ, tết, ngày nghỉ đều phải đến, nếu không đi thì dân không tin nữa, nhưng cứ đuổi theo quặng lậu mãi thế này mệt mỏi lắm rồi, tháng 11 tới nghỉ hưu thôi...”.

Bà Vui đề xuất: “Với thực trạng hiện nay, tổ liên ngành kiêm nghiệm và thiếu đủ thứ, chính quyền xã không vào cuộc, rất khó ngăn chặn. Quặng lậu diễn ra trên địa bàn, chính quyền xã không thể không biết. Tỉnh, huyện cần thực hiện nghiêm chế độ trách nhiệm người đứng đầu, ở đâu để xảy ra quặng lậu thì lãnh đạo xã phải bị kiểm điểm, nặng thì thuyên chuyển, kỷ luật, cách chức. Chỉ đạo Công an huyện vào cuộc triệt phá đường dây buôn lậu quặng. Các thành viên của tổ liên ngành chỉ làm mỗi nhiệm vụ ngăn chặn quặng lậu, giám sát việc thực hiện việc bảo vệ, quản lý khoáng sản của chính quyền xã thì quặng lậu sẽ bị triệt tiêu”.