Đi qua những cơn bão biển

Bài 3: Thuyền trưởng can trường với hơn 40 chuyến cứu nạn ở Hoàng Sa

NDO -

NDĐT – Ngư dân miền trung đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa ai cũng biết đến ông, thuyền trưởng con tàu SAR 412 màu cam trắng, luôn có mặt khi họ gặp nạn. 13 năm kể từ khi có con tàu này, cũng là 13 năm ông gắn bó với nó, là linh hồn của nó với hơn 100 chuyến đi, cứu nạn hơn 700 người, trong đó có 40 chuyến cứu nạn ở Hoàng Sa.

Một trong những chuyến cứu nạn ở Hoàng Sa của tàu SAR 412. Ảnh: MRCC.
Một trong những chuyến cứu nạn ở Hoàng Sa của tàu SAR 412. Ảnh: MRCC.

* Bài 1: Những chuyện khó tin của nghề cứu nạn

* Bài 2: Khát vọng tái sinh sau vụ nổ bình gas thảm khốc trên biển

Tàu câu mực bị tàu lạ đâm chìm ở Hoàng Sa (Clip do ngư dân cung cấp).

Hải trình cứu nạn 34 thuyền viên bị tàu lạ đâm chìm

11 giờ đêm 3-5-2016, tàu câu mực QNa 95959 TS của ông Phạm Phú Thành đang hoạt động ở ngư trường Hoàng Sa, cách Đà Nẵng khoảng 370 hải lý về hướng Đông Bắc thì bị tàu lạ đâm mạnh vào mạn phải. Trên tàu lúc đó chỉ có ông Thành, con trai và một người cháu, 31 ngư dân khác đang tản mác trên các thuyền thúng câu mực đêm cách tàu mẹ khoảng vài ba hải lý.

“Tôi chỉ kịp nhìn thấy đó là một tàu vỏ thép to màu xám”, ông Thành kể lại. Cú đâm mạnh đến mức ông Thành ngã đập đầu vào sàn tàu. Chưa kịp hoàn hồn thì ông thấy nước tràn vào khoang máy, con tàu với hàng chục tấn mực khô sau hơn hai tháng đánh bắt đang chìm dần xuống biển. Ông Thành vớ lấy bộ đàm liên lạc với các thuyền viên dưới thúng. Ông chỉ kịp kêu lên: “Tàu bị đâm chìm, phá nước rồi anh em ơi!” thì tàu đã ngập, bộ đàm bị ngấm nước biển hỏng, ba người trên con tàu đang chìm mất liên lạc với đoàn.

Cả đêm hôm đó, ba chú cháu, bố con ông bám trên dàn phơi mực cao nhất của con tàu, ôm thêm can nhựa để phòng thân.

“Lúc bám trên cột với hai cháu nhỏ, tôi mất phương hướng vì không có bộ đàm, không có định vị. Thúng đi theo tàu thì đang trôi mênh mông vô định đâu đó. Giữa biển khơi xa thẳm, sự sống của chúng tôi quá mong manh. Tôi không nghĩ mình được cứu, cũng không nghĩ mình sống sót trở về”, ông Phạm Phú Thành hồi tưởng. Sau một đêm hoảng loạn, đến 7 giờ sáng, ông Thành mới nhìn thấy một vài thúng trôi về con tàu chìm.

Sau này, một ngư dân khác đi trên thuyền thúng kể lại: “Đáng lẽ, đúng giờ là tàu “mẹ” sẽ đi một vòng vớt các thuyền thúng đang câu mực. Nhưng hôm đó, không thấy tàu “mẹ” đến nên tôi biết có chuyện chẳng lành. Đến khi bơi đi kiếm bạn thì được tàu câu mực khác vớt lên”.

Sau gần chục giờ trôi dạt trên biển, tình trạng sức khỏe của 34 thuyền viên suy yếu, tinh thần mệt mỏi, hoảng loạn. Khi được tàu bạn vớt lên, ông Thành gần như ngất xỉu, 33 thuyền viên còn lại cũng trong tâm trạng mất tinh thần trầm trọng...

Sáng hôm đó, nhận được tin báo, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Khu vực 2 (DaNang MRCC) đã báo cáo và được Vietnam MRCC cho phép điều động tàu SAR 412 rời cầu cảng tại Đà Nẵng để ra Hoàng Sa hỗ trợ tàu bị nạn. Thuyền trưởng tàu SAR Phan Xuân Sơn tăng hết tốc lực của con tàu cứu nạn màu cam pha trắng thẳng hướng Hoàng Sa, nơi 34 sinh mạng trong cơn hoảng loạn đang chờ ông đến cứu.

Bài 3: Thuyền trưởng can trường với hơn 40 chuyến cứu nạn ở Hoàng Sa ảnh 1

Thuyền trưởng tàu câu mực Phạm Phú Thành nhận quà động viên tinh thần của Tổng giám đốc Việt Nam MRCC Nguyễn Anh Vũ sau vụ bị tàu lạ đâm chìm.

Hồi 1 giờ ngày 5-5-2016, tàu cứu nạn SAR 412 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam đã tiếp cận tàu QNa 94998 TS tại vị trí cách đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) khoảng 80 hải lý về hướng đông đông bắc. Lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã ngay lập tức chuyển toàn bộ 34 thuyền viên bị nạn sang tàu cứu nạn và trợ giúp y tế, chăm sóc sức khoẻ, động viên tinh thần thuyền viên bị nạn. 34 thuyền viên bị nạn đã được tàu cứu nạn khẩn trương đưa về bờ.

Tàu SAR 412 cùng với 34 thuyền viên tàu bị nạn đã cập bờ an toàn. Nhưng con tàu cá chở 30 tấn mực trị giá cả thảy 5-6 tỷ đồng của ông Phạm Phú Thành đành nằm lại dưới biển khơi. Tung tích về con tàu lạ đến bây giờ vẫn là một bí ẩn.

Bỏ nghề “hái ra tiền” để làm cứu nạn

Vụ cứu 34 thuyền viên bị tàu lạ đâm chỉ là một trong số hơn 40 vụ cứu nạn của con tàu SAR 412 do Thuyền trưởng Phan Xuân Sơn, sinh năm 1958, làm thủ lĩnh.

Vốn yêu biển,chàng trai thành Vinh (Nghệ An) Phan Xuân Sơn đã quyết tâm thi vào Đại học Hàng hải ở Hải Phòng và từ năm 1984 ông làm thủy thủ rồi thuyền trưởng rong ruổi khắp năm châu bốn bể. Mức lương khủng của thuyền trưởng tàu viễn dương cộng với những chuyến hàng “đánh” từ Nhật Bản, Hàn Quốc về bán trong nước khiến ông nổi tiếng là một người giàu có.

Rồi một biến cố lớn xảy ra khiến ông suy nghĩ nhiều và quyết tâm rẽ sang một hướng khác khi có cơ hội. Năm 1992, một người bạn học của ông đi tàu, bị tai nạn gần bờ, chỉ cách 7 hải lý mà không cứu được. Những chuyến đi biển, được ngao du và tìm hiểu ngành hàng hải của nhiều nước khiến ông Sơn nung nấu ý nghĩ rằng một đất nước gắn với biểnViệt Nam với chiều dài biển hơn 3.000 km thì phải có lực lượng cứu nạn, để cứu giúp những người gặp nạn như người bạn xấu số của ông.

Cuối năm 2004, ông đang đi tàu ở Nhật thì nhận được tin báo DaNang MRCC đang cần tuyển một thuyền trưởng tàu cứu nạn. Ông Sơn chỉ kịp báo để công ty cử người sang thay mình, rồi quyết bỏ lại hết tất cả, đi đường bộ về cho kịp dự tuyển.

Bài 3: Thuyền trưởng can trường với hơn 40 chuyến cứu nạn ở Hoàng Sa ảnh 2

Thuyền trưởng tàu SAR 412 Phan Xuân Sơn.

Và năm 2005, ông Sơn chính thức nhận lệnh tiếp quản tàu SAR 412, là tàu cứu nạn hiện đại nhất Việt Nam do Công ty Damen (Hà Lan) sản xuất, với mức lương chỉ bằng 1/10 so với làm thuyền trưởng cho tàu bên Nhật.

Suốt 13 năm qua, sứ mệnh cứu hộ, cứu nạn cho ngư dân biển miền trung, đặc biệt là ngư dân Hoàng Sa đặt trên vai của vị thuyền trưởng can trường. Mặc dù đã đến tuổi nghỉ ngơi, ông có thể rời xa biển và bỏ nghề cứu nạn, nhưng Thuyền trưởng Phan Xuân Sơn vẫn xin được ở lại. Ông đi cứu nạn không phải vì tiền mà vì ông biết ngư dân vẫn cần đến ông.

Con tàu cứu nạn duy nhất xông pha ở Hoàng Sa

Thuyền trưởng Phan Xuân Sơn về quản tàu SAR 412 được hơn một năm thì gặp cơn bão Chanchu đầy tang thương và nước mắt. “Trước đây, ngư dân gặp nạn thấy tàu cứu nạn đến thì phấn khởi. Đó là lần duy nhất nhìn thấy tàu cứu nạn mà người ta buồn bã vì quá nhiều người chết do không kịp tránh bão”, vị thuyền trưởng SAR 412 nhớ lại.

Trong tất cả các trung tâm thành viên của Vietnam MRCC thì Đà Nẵng là nơi nhận nhiều tin báo cứu nạn nhất, và tàu SAR 214 của ông lại là tàu to nhất, nên những vụ khó đều do ông đảm đương. Tàu chỉ chịu được sóng cấp 6-7 nhưng nhiều khi biển nổi bão dông cấp 8-9 tàu 412 vẫn phải ngược ra biển cứu người.

Ông tâm sự, đa phần các vụ cứu nạn nếu không có mình ra, sự sống của người bị nạn trong đó có ngư dân rất bấp bênh. Bởi vậy, bản lĩnh của người thuyền trưởng dày dặn kinh nghiệm không cho phép ông chùn bước. Và bản lĩnh ấy đã hun đúc nên hình ảnh một thuyền trưởng kiên gan, một vị “cứu tinh” của ngư dân ở Hoàng Sa. 13 năm qua, tàu SAR do ông Sơn làm thủ lĩnh đã cứu được hơn 700 người với hơn 100 vụ, trong số đó có 40 vụ gặp nạn ở Hoàng Sa.

Bài 3: Thuyền trưởng can trường với hơn 40 chuyến cứu nạn ở Hoàng Sa ảnh 3

Tàu Trung Quốc cản trở không cho tàu SAR 412 tiếp cận tàu ngư dân để cứu nạn.

Trong những lần ra Hoàng Sa, Thuyền trưởng Phan Xuân Sơn không nhớ hết đã bao nhiêu lần đối mặt với tàu Trung Quốc. Mỗi lần chạm trán là một lần ông và các thủy thủ phải căng mình “đấu trí, đấu gan” với những con tàu to lớn gấp nhiều lần, được trang bị súng ống, pháo hạm cỡ lớn. Và sau mỗi lần, những người lính tàu SAR càng có thêm kinh nghiệm, trưởng thành để đối phó với những hiểm nguy trên đường cứu nạn.

Đầu tháng 6-2015, tàu SAR 412 nhận lệnh cứu ngư dân bị bệnh tim tái phát khi tàu đánh cá đang đánh bắt cách bờ hơn 400 hải lý ở rìa phía đông nam quần đảo Hoàng Sa. Hơn 10 giờ đồng hồ sau khi rời cầu cảng Đà Nẵng, khi tàu ngang qua đảo Tri Tôn (quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam) thì bất ngờ xuất hiện một tàu Trung Quốc. Trên sóng VHF, họ yêu cầu tàu cứu nạn Việt Nam phải đổi hướng, di chuyển ra xa khu vực đảo. Nhưng thuyền trưởng Sơn vẫn kiên trì giữ nguyên tốc độ, hướng di chuyển của tàu, đồng thời trả lời qua VHF: “Đây là tàu cứu nạn Việt Nam. Chúng tôi đang làm nhiệm vụ, chúng tôi không đổi hướng, các anh không được phép cản trở chúng tôi”. Với sự cương quyết của mình, họ không làm gì được và các anhđã hoàn thành nhiệm vụ cứu được ngư dân và trở về an toàn.

Bài 3: Thuyền trưởng can trường với hơn 40 chuyến cứu nạn ở Hoàng Sa ảnh 4

Cứu nạn ngư dân ngay trước tàu Cảnh sat biển Trung Quốc.

Những chiến sĩ tàu SAR vẫn còn ghi nhớ mãi hình ảnh xúc động của tàu cá BĐ 95569 TS bị mắc cạn ở đảo chìm Chim Yến (thuộc quần đảo Hoàng Sa) ngày 11-2-2015. Đó cũng là lần tàu SAR 412 tiến thẳng vào trung tâm quận đảo Hoàng Sa giữa sự uy hiếp của tàu hải cảnh, hải quân và máy bay quân sự Trung Quốc. Nhưng hôm đó, các chiến sĩ tàu SAR quyết tâm phải cứu ngư dân Bình Định bị chìm, mắc ở bãi san hô nên đã hạ xuồng để vào bãi cạn. Trước khi phải bỏ lại con tàu bị mắc cạn, thuyền trưởng tàu BĐ 95569 TS Trần Văn Quốc (quê Bình Định) vẫn kịp treo lá cờ Tổ quốc còn mới tinh lên mũi tàu để nó tung bay giữa bốn bề Hoàng Sa.

***

Chủ tàu Phạm Phú Thành kể với chúng tôi, sau vụ tàu bị đâm chìm, tài sản của cả hai vợ chồng sau hơn 30 năm bám biển đành nằm lại dưới biển Hoàng Sa, lúc đó ông không nghĩ nán lại nghề biển vì nó đe dọa mình quá nhiều. Nhưng rồi một năm trôi qua, ông Thành lại nhớ biển, bởi nó đã là máu thịt của ông. Nhờ sự giúp đỡ của các cá nhân, tập thể, rồi vay mượn thêm, ông đã đóng một con tàu mới. Tết này ông sẽ tiếp tục đi biển để trả nợ và cũng để bám biển, tiếp tục làm “một cột mốc chủ quyền sống” trên biển.

Và những ngư dân như ông xem con tàu SAR 412 màu cam trắng với vị thủ lĩnh can trường – Thuyền trưởng Phan Xuân Sơn là một chỗ dựa tinh thần lớn lao của họ giữa biển.