Đi qua những cơn bão biển

Bài 1: Những chuyện khó tin của nghề cứu nạn

NDO -

NDĐT – Mỗi lần giông bão, tàu thuyền đang hoạt động trên biển được gọi quay về bờ ẩn trú thì tàu cứu nạn SAR lại ngược sóng ra khơi. Họ ra biển trong cô độc, trong tiếng hú gọi quay về của những con tàu ngược chiều. Nhưng 21 năm qua, họ đã trưởng thành và lớn mạnh khi “đi qua những cơn bão biển”, trở thành một điểm tựa vững chắc cho ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền đất nước.

Tàu SAR 273 từng cứu thành công thuyền trưởng và máy trưởng tàu Phú Cường năm 2014.
Tàu SAR 273 từng cứu thành công thuyền trưởng và máy trưởng tàu Phú Cường năm 2014.

Trước khi đặt bút viết bài này, nhóm phóng viên chúng tôi đã đặt chân đến các Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (MRCC) khắp cả nước, trải nghiệm nhiều chuyến đi biển cùng bốn trong số bảy con tàu SAR, gặp gỡ và trò chuyện với hàng trăm chiến sĩ cứu nạn. Và những chuyện chúng tôi đã nghe kể và đã chứng kiến về nghề cứu nạn của các anh, đôi khi không thể tả được bằng lời, chỉ có thể gọi đó là “những chuyện khó tin”.

Những người nghiện, liều và quả cảm

Bài 1: Những chuyện khó tin của nghề cứu nạn ảnh 1

Đại phó tàu SAR 274 Lâm Thanh Bình trong buổi trưa "khó xử" của nghề cứu nạn.

Giữa tháng 9, lúc cơn bão số 10 tàn khốc trong lịch sử sắp đổ bộ từ Biển Đông vào đất liền thì chúng tôi đang có mặt trên con tàu SAR 274 chốt chặn ở vùng rìa bão. Số điện thoại của Đại phó Lâm Thanh Bình (còn được đồng đội gọi thân mật là “Bình 2” – Bình ở Trung tâm 2) réo liên tục trong bữa cơm trưa khiến anh phải ra ngoài nghe rồi trở vào với nét mặt bất lực khó tả.

Bình quê ở làng chài nổi tiếng Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi. Tôi đã có dịp đến vùng quê được mệnh danh “tỷ phú làng chài” của Bình, nơi có những ngư dân sở hữu đến tám chiếc tàu đi biển, nhà ít thì cũng bốn chiếc. Tàu cá Phổ Thạnh thường đi có đôi có cặp để làm nghề giã cào, nên bão về quá nhanh thì cả đôi cùng gặp nạn. Bình đã không đi biển như ông, như bố anh, mà quyết định học Đại học Hàng hải và làm nghề cứu nạn, để cứu chính những ngư dân đang cần một chỗ dựa khi họ kiếm sống giữa biển bạc.

Những cuộc điện thoại ấy đến với Bình trong bữa ăn là những lời cầu cứu khẩn thiết của những người thân ở quê đang trên con tàu chết máy giữa bão bùng sóng giật. Bình lắc đầu, mắt ngấn nước vì đang ở cách họ quá xa, sóng biển đang cao đến 8-10m, con tàu SAR anh đang làm nhiệm vụ không thể ra đến đó được.

Cũng vào giờ ăn trưa nước sôi lửa bỏng đó, ở một nơi gần tàu bị nạn hơn, Trưởng phòng Phối hợp tìm kiếm cứu nạn của Trung tâm 2 ở Đà Nẵng Nguyễn Hữu Thịnh đang tiếp đón người nhà của một gia đình cùng lúc có bốn tàu gặp nạn trên biển. Họ dắt díu nhau từ Phổ Thạnh đến đây cầu cứu, mong trung tâm điều tàu ra biển đưa người thân của họ trở về. Hàng chục gia đình có tàu mất tích khác cũng chực chờ ở đây ngóng tin cứu người, cứu tàu. Tàu SAR 412 được điều đi cứu 15 thuyền viên. Để cứu những tàu cá khác, Trung tâm phải nhờ đến sự giúp sức của lực lượng biên phòng, hải quân, hoặc chính các tàu cá đang trên đường tháo chạy bão lớn cùng dìu nhau trở về… Khi bão Doksuri - cơn bão số 10 tàn khốc được xác định rủi ro thiên tai cấp 4 chưa từng có ở Việt Nam tan, không có ngư dân nào thiệt mạng trên biển. Đó hẳn là một kỳ tích của ngành cứu nạn khi có sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều lực lượng, trong đó chủ chốt là cứu nạn hàng hải.

Câu chuyện của “Bình 2” và những người thức hơn 50 tiếng đồng hồ để cứu nạn trong bão ấy khiến chúng tôi nhớ đến một câu nói của “Bình 4” (anh Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm vùng 4): “Chúng tôi nghiện nghề cứu nạn”.

Bài 1: Những chuyện khó tin của nghề cứu nạn ảnh 2

Giám đốc NhaTrang MRCC Nguyễn Xuân Bình: "Chúng tôi nghiện nghề cứu nạn".

Vị giám đốc 45 tuổi tâm sự, nghiện công việc là cảm xúc thật của anh, vì không nghề nào cao quý như nghề này. “Mỗi lần cứu được người tôi hạnh phúc nổi da gà lên, người thấy lâng lâng”. Cũng bởi cảm xúc hạnh phúc đó mà những người làm cứu nạn sau mỗi vụ việc lại một lần tự vấn đã sai ở đâu không, cần phải thay đổi thế nào để làm tốt hơn nữa. Cũng để có những phút giây vỡ òa hạnh phúc ấy, đôi khi họ phải “liều”.

Trong bão tố giông lốc, người thuyền trưởng có quyền quyết định đưa tàu ra biển cứu người hay không để bảo đảm an toàn cho cả người cứu nạn, và đó là những đòn “cân não” chỉ những người can đảm, quyết đoán mới có thể làm được. Bảy thuyền trưởng những con tàu SAR đều là những con người như thế. Để rồi, thật khó tin khi mỗi lần giông bão, các con tàu khác được gọi về bờ thì tàu cứu nạn lại ngược sóng ngược gió lao ra biển. “Khi bão về, toàn bộ phương tiện đi vào trong, chỉ có mình ngược chiều đi ra biển. Lúc đó, mưa gió, sóng mịt mù, chỉ mỗi mình mình đơn độc trên biển”, Thuyền trưởng tàu SAR 411Nguyễn Mạnh Dũng chia sẻ.

Gặp nạn trên đất liền có thể có rất nhiều lực lượng có thể cứu giúp, nhưng khi tàu cá, tàu hàng, tàu nước ngoài đi qua vùng biển Việt Nam gặp nạn, họ đều phải nhờ cứu nạn hàng hải, tổng chỉ huy lực lượng cứu nạn hàng hải – Tổng Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (thuộc Cục Hàng hải, Bộ Giao thông vận tải) Nguyễn Anh Vũ nói.

Bài 1: Những chuyện khó tin của nghề cứu nạn ảnh 3

Tổng chỉ huy lực lượng cứu nạn hàng hải Nguyễn Anh Vũ trong chuyến cứu 17 ngư dân ở Thanh Hóa.

Những chuyến cứu nạn khó tin

Chuyện của những người cứu nạn kể lại với chúng tôi khi đã đi qua những giờ phút sinh tử có cả sự thảm khốc, đau thương nhưng cũng có cả những kỳ tích lạ lùng và hùng tráng.

Một câu chuyện khá “hoang đường” được chính những người cứu nạn kể lại. Đó là chuyện cứu thuyền trưởng và máy trưởng đang cùng gặp “hạn” tuổi 49-53 trong vụ chìm tàu chở than năm 2014. Ngày 28-8 năm đó, lúc tàu Phú Cường chở than từ Hòn Gai qua Nam Định, đến Hạ Mai thì bị sóng đánh sập mũi khoang tàu và chìm dần, sáu thuyền viên rơi xuống biển. Tàu SAR 273 do Thuyền trưởng Nguyễn Văn Nhị điều khiển được điều động đi cứu người. Đến trưa ngày hôm sau, họ tìm thấy bốn thuyền viên. Còn thuyền trưởng Khúc Trí Sáng (49 tuổi) và máy trưởng Nguyễn Văn Phượng (53 tuổi) vẫn bị trôi dạt và mất tích trên biển. 16 giờ chiều, một tàu cá phát hiện máy trưởng Nguyễn Văn Phượng ở cách vị trí bị nạn khá xa do bị sóng đánh dạt. Khi cứu được ông Phượng, câu đầu tiên máy trưởng tàu Phú Cường nói là: “Thằng Sáng (thuyền trưởng) chắc nó chết mất rồi!”. Nhưng tàu SAR 273 vẫn tiếp tục tìm kiếm, và điều may mắn đã đến. Trưa ngày thứ ba, tàu Hải Linh 01 phát hiện thấy nạn nhân Sáng cách nơi gặp nạn 30 hải lý. Ba ngày trên biển, áo phao trên người anh Khúc Trí Sáng tơ tướp chỉ còn một tí dính vào người, toàn thân anh đã tím đen. Hôm đó, những người cứu nạn phải đưa nạn nhân lên tàu đúng quy trình theo phương nằm ngang, vì ba ngày anh Sáng nằm trong tư thế nổi, ngấm nước biển, mạch máu đã giãn, có nguy cơ đột tử khi đưa lên tàu. “Đi cứu nạn phải có niềm tin rằng người ta còn sống. Điều đó đã tạo nên những điều kỳ diệu”, một chiến sĩ cứu nạn đi trên tàu SAR 273 mấy ngày biển động lần đó đúc kết.

Chuyện những ngư dân, những con tàu được cứu hai lần chúng tôi nghe kể nhiều hơn cả. Anh Lương Văn Tài, một ngư dân ở Bình Thuận từng là một trong chín thuyền viên được tàu Singapore cứu rồi bàn giao cho lực lượng cứu nạn Việt Nam. Lần thứ hai ghe của anh bị lật, các thuyền viên ngồi trên đít ghe chờ cứu hộ. Khi tàu SAR 413 ra đến nơi, Lương Văn Tài mới nói đây là lần thứ hai anh được lực lượng cứu nạn cứu sống. Trường hợp khác xảy ra không phải với một người mà với một tàu cá Bình Định khi họ cũng được cứu đến hai lần, chỉ cách nhau một năm và cùng trong tháng biển động. Đặc biệt hơn, ngư dân Nguyễn Văn Lên, thuyền trưởng tàu QNg 94041 hai lần được tàu SAR 412 cứu khi đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa.

Lần cứu được nhiều người nhất của ngành cứu nạn hàng hải Việt Nam phải kể đến vụ 47 thuyền viên của tàu Quảng Nam 90019 bị nạn vào tháng 3-2012. Tàu bị hỏng máy cách Nha Trang 100 hải lý do ảnh hưởng của vùng áp thấp. Giám đốc Nguyễn Xuân Bình sau khi xác minh thông tin đã điều tàu SAR 442 đi ngay. Đó cũng là chuyến ra biển tham gia cứu nạn đầu tiên của anh “Bình 4”. “Khi 47 con người nhìn thấy chúng tôi, họ vui như thấy mẹ về chợ. Họ đứng cả lên boong con tàu bị hỏng vỗ tay, reo hò vì mình được cứu sống”, anh Bình nói.

Cứu nạn hàng hải Việt Nam nhân văn hơn các nước khác, bởi trong khi quốc tế chỉ cứu người còn sống thì lực lượng cứu nạn của ta còn tìm kiếm thi thể của những người mất tích. Những người cứu nạn tại Trung tâm 3 còn nhớ như in vụ nổ bình gas vào tháng 9-2015 trên một tàu cá của Bà Rịa – Vũng Tàu khiến 15 người thiệt mạng và ba người còn sống. Tàu SAR 413 đã cứu được ba người còn sống và phối hợp với cảnh sát biển, ngư dân tìm được đủ 15 thi thể trong năm ngày và đưa về đất liền bàn giao cho người thân.

Chúng tôi còn nghe kể nhiều chuyến tìm vớt xác thương tâm và ám ảnh của những người cứu nạn, khi họ phải lặn xuống vớt thi thể đã 11 ngày nằm ở độ sâu 60 m dưới đáy biển trong vụ rơi máy bay CASA 212 năm 2016, hay khi họ phải cẩn thận cắt từng mắt lưới để vớt thi thể một ngư dân vướng vào đó đã lâu ngày, mà chỉ cần sơ sẩy có thể làm rơi mất xác xuống đáy biển. Có những vụ cứu nạn xong, thủy thủ cả tàu một tháng liền không dám ăn thịt…

Và chuyện bây giờ mới kể

Sẽ chẳng ai tin khi một người sống đến 21 năm vẫn chưa được một lần tổ chức sinh nhật, nhưng “sinh nhật” nghề cứu nạn chưa một lần diễn ra lại là điều có thật. Trung tâm cứu nạn hàng hải được thành lập vào tháng nhiều mưa bão. Ngày 2-10-2006, khi toàn lực lượng đang chuẩn bị kỷ niệm 10 năm thành lập ngành, giấy mời đã được phát đi, các trung tâm khu vực đang chuẩn bị kéo về thủ đô để dự lễ thì cơn bão hung dữ Xangsane càn quét miền trung. Toàn lực lượng được điều động đi trực bão, cứu ngư dân, không kịp thông báo hủy nên nhiều khách mời đến nơi thì mới biết.

Mười năm sau, khi Trung tâm đã hoàn tất chuẩn bị kỷ niệm 20 năm thành lập thì một sự cố khác lại xảy đến. Một lần nữa, người cứu nạn hàng hải không được “thổi bánh sinh nhật” mình. Dường như “nghề nào … nghiệp nấy”, niềm vui của họ là cứu được ngư dân, là để giảm bớt những đám tang tập thể trên biển. Hạnh phúc của họ gắn với những chuyến cứn nạn thành công, và không bó hoa hay chiếc bánh sinh nhật nào có thể thay thế!

Bài 1: Những chuyện khó tin của nghề cứu nạn ảnh 4

Phó Giám đốc VungTau MRCC Lương Trường Phi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong nghề cứu nạn.

Trong bữa cơm cùng lực lượng cứu nạn ở Vũng Tàu, chúng tôi đã lặng người xúc động khi sau nhiều câu chuyện vui về thành tích cứu nạn, Phó Giám đốc Trung tâm vùng 3 Lương Trường Phi trầm tư kể một chuyện khiến ông day dứt suốt nhiều năm. Năm 2004, một tàu container từ TP Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu đụng phải tàu xà lan đang thi công bị sóng lớn đẩy trôi làm bảy người mất tích. Mấy ngày đó bố ông Phi đang hấp hối, nhưng ông vẫn phải đi ra đứng ở biển trực thâu đêm để điều hành cứu nạn. Khi tàu SAR 212 vừa gọi điện báo đã vớt được xác anh Tám, đội trưởng đội thi công lên tàu thì ở nhà cũng gọi: “Phi ơi, ba chết rồi!”. “Tôi đã không gặp được ba lần cuối, mặc dù lúc đó tôi vẫn có thể bỏ để về quê gặp ba. Nhưng vì nhiệm vụ mà tôi vẫn ở lại trực”, giọng ông Phi chùng xuống.

Mỗi cảnh đời, mỗi số phận của chiến sĩ cứu nạn và các câu chuyện cứu người mà họ kể còn kịch tính hơn cả phim “Titanic”, bởi nó thật hơn, đời thường hơn. Và vệt bài “Đi qua những cơn bão biển” mà chúng tôi ghi lại chỉ là một phần rất nhỏ bé trên hải trình gian nan nhưng cao cả của những người đã chọn nghề cứu nạn hàng hải để sống, cống hiến và hy sinh.