Mất việc – tiếng thở dài từ xóm trọ

“Thế là tôi bị cắt…. “lương hưu”!

Nam Hoà là một xóm nhỏ thuộc địa bàn xã An Hưng, huyện An Dương (TP Hải Phòng), nằm sát chân tường rào KCN Nomura. KCN này ra đời vào diện sớm nhất cả nước, do phía Nhật Bản liên doanh TP Hải Phòng xây dựng hơn 10 năm về trước. Hơn 150 ha đất “bờ xôi ruộng mật” nhanh chóng biến thành đất công nghiệp, nông dân ở đây buộc phải chuyển mình để thích ứng cuộc sống mới. Người còn trẻ trở thành công nhân làm việc tại KCN, số khác lớn tuổi thì tranh thủ làm “dịch vụ” xây vài gian nhà trọ cấp 4 cho công nhân nhập cư thuê, thu nhập cũng tạm ổn, khỏi phải chân lấm tay bùn. Mọi việc sẽ cứ bình lặng trôi, nếu như…

KCN Nomura do TP Hải Phòng liên doanh với Tập đoàn Nomura Nhật Bản xây dựng, thành lập năm 1997, xếp vào diện sớm nhất nước ta. KCN có quy mô diện tích 150 ha, trên địa bàn huyện An Dương, có QL 5 chạy qua. Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, KCN này đã thu hút được 53 nhà đầu tư (trong đó 46 DN của Nhật Bản), với tổng số vốn lên đến gần 1 tỷ USD. KCN đã thu hút số lượng lớn LĐ trên địa bàn thành phố, với trên 20 nghìn người.

Một chiều muộn, chúng tôi tìm đến những khu trọ trong xóm Nam Hoà. Thấy chúng tôi hỏi thăm, bà cụ Thọ hơn 70 tuổi đang ngồi hóng mát đầu đường tưởng có người đến hỏi thuê nhà trọ cho con cháu mừng húm.

Khi biết là không phải, nét hy vọng trên khuôn mặt bà tắt ngấm nhưng bà vẫn vui vẻ dẫn chúng tôi vào nhà, nằm trong một ngõ nhỏ quanh quéo. Với chiếc quạt nan phành phạch và cặp môi cắn chỉ quết trầu, giọng điệu bà lão hài hước mà cay đắng: “Tôi già rồi, không làm gì ra tiền. Thằng con giai xây cho mấy phòng trọ cấp 4, coi đấy là lương hưu cho mẹ. Trước công nhân thuê trọ đông, sống còn ổn định. Bây giờ thất nghiệp nhiều, giảm giá thuê mà chẳng còn mấy đứa ở. Thế là bỗng dưng tôi bị… cắt lương hưu!

Bà chỉ cho chúng tôi xem mấy gian trọ xây cất vội vã, tạm bợ sát góc sân phía bên kia. Trước công nhân đông, giá cho thuê mỗi phòng của bà 350 nghìn đồng/tháng, bây giờ còn có 300 nghìn đồng nhưng chỉ còn hai phòng là có người.

Phòng trọ của hai cô Phương và Thu, công nhân Cty Pioneer
(KCN Nomura) trong xóm Nam Hoà.

Trên đường số 52A (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh), nhiều người dân mua đất xây nên toà nhà 4 -5 tầng, mỗi tầng có  4 -6 phòng cho công nhân làm việc cho Công ty Pou Yuen hoặc  KCN Tân Tạo thuê. Vợ chồng anh Đặng Văn Thành và chị Hồ Thị Huệ ở số nhà 11 xây một căn nhà như thế, rộng 100 m2, gồm 4 tầng với mức đầu tư 1,2 tỷ đồng (chưa kể tiền đất).

Gia đình anh chị sống ở tầng trệt, tranh thủ kinh doanh hàng internet, còn các tầng phía trên chia thành nhiều phòng cho công nhân thuê. Tuy mức giá khá cao (700 nghìn đồng/phòng/tháng) nhưng bù lại, phòng khá rộng rãi, sạch sẽ, có lát gạch hoa, đủ bếp, khu vệ sinh khép kín, quy định được phép 5 người ở.

Anh Thành cho biết, công nhân đến thuê có khai báo với công an hộ khẩu, được bảo đảm tốt về an ninh nên rất yên tâm, đã sống ở đây là gắn bó lâu dài. Trước đây, nhà anh lắm lúc cháy phòng trọ, nhưng khi bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhiều người đành bỏ đi, công nhân phải bảo nhau ghép phòng để bớt chi phí. Phong trào xây nhà trọ cho công nhân thuê trong khu vực nở rộ 2- 3 năm trước đây, giờ trầm lắng do nhu cầu thuê giảm mạnh.

Từ đầu năm đến nay, doanh thu từ ngôi nhà giảm đến mức khiến anh sững sờ. Ngoài những người đã bỏ đi, số ở lại đến kỳ nộp tiền lại gãi đầu gãi tai xin khất nợ hoặc chỉ trả được một nửa tiền. “Thôi thì đành cưu mang và chờ thời theo chúng chứ biết làm sao?”- Anh ngán ngẩm.

Vợ chồng anh Định, chị Út ở ấp Hoà Lân 1, xã Thuận Giao,
Thuận An, Bình Dương.

Nhưng nghĩ đến khoản vay ngân hàng, anh lại nhăn nhó vì cứ tình cảnh này kéo dài, biết đến bao giờ anh mới trả được nợ?

Không trâu, không ruộng, không nghề
Về quê ngắm cảnh, về quê ăn gì?

Trong dãy nhà trọ của bà cụ Thọ xóm Nam Hoà (An Dương, Hải Phòng), hai cô gái Vũ Thị Phương và Nguyễn Thị Thu ở trong một phòng rộng chừng 10 m2, đủ kê chiếc phản ghép bằng mấy tấm gỗ cốt pha và hỗn độn quần áo, bếp gas du lịch, xoong nồi. Cả hai đều làm cho Công ty Pioneer chuyên sản xuất loa điện thoại chừng hơn một năm.

Phương và Thu cho biết, hai cô đã nghỉ cả tuần trước, “công ty mới chỉ gọi đi làm lại từ đầu tuần đến nay, chả biết có việc hết tháng này nữa hay không”. Đi làm đều, các cô còn có thu nhập khoảng 1,5 – 1,6 triệu đồng/tháng, đủ trang trải sinh hoạt cuộc sống và thỉnh thoảng gửi về cho bố mẹ chút ít, nhưng nếu nghỉ việc, thì tiền gửi bố mẹ lại phải… chảy ngược ra nuôi các cô. Giọng Phương ủ ê, chán nản:

“Nếu nghỉ quá một tuần, em sẽ đạp xe về quê (Tiên Lãng, Hải Phòng), nhờ bạn ngoài này nếu có việc thì báo cho thôi chứ không nằm ở đây chờ lâu được. Các anh tính, công ty có trả cho 70% lương cơ bản để chờ việc nhưng số tiền ấy không thể đủ sinh hoạt hằng ngày được, bởi vì vẫn phải đóng tiền thuê nhà, sinh hoạt, điện nước, trăm thứ bà rằn…”

Ở một dãy nhà trọ khác gần đó, cô gái Hoàng Thuỳ Phương Loan, 23 tuổi ở huyện Trấn Yên (Yên Bái) còn khó khăn hơn thế. Không có điều kiện gần nhà như Phương và Thu, cô phải chắt chiu từng đồng cho cuộc sống hằng ngày. Cô làm ở bộ phận QC (kiểm tra chất lượng sản phẩm) của Công ty TNHH Toyota Boshoku chuyên về cơ khí ô-tô.

Cũng vẫn cảnh làm ít, nghỉ nhiều như Phương và Thu, nhưng cô không dám về quê vì đi lại tốn kém, phải cố gắng ở lại chờ việc. Gần một triệu bạc lương bị dát mỏng hết cỡ cũng chỉ lo đắp đủ cho 30 ngày. Thế nên, tần suất các gói mỳ tôm suông xuất hiện mỗi ngày một nhiều hơn. Loan bảo, bố mẹ cô rất nghèo, thương lắm mà chẳng có tiền gửi về quê, cũng chẳng biết ngày nào còn làm, ngày nào bị đuổi, nên cố chắt bóp chút ít chờ xem tình hình thế nào.

Những khu nhà trọ mới xây ở gần KCN Tân Tạo (TP Hồ Chí Minh).

Gần cuối xóm, có một dãy nhà gồm chục gian phòng ẩm thấp, tối tăm, tồi tàn nằm sâu hút trong một ngách nhỏ. Chúng tôi mò mẫm đi vào căn phòng duy nhất có ánh điện vàng ủng nhợt nhạt hắt ra. Trong gian phòng rộng chưa đầy 10 m2, 4 chàng thanh niên ngồi bó gối trên manh chiếu rách, bên chai rượu rẻ tiền và chiếc điếu cày. Nguyễn Thành Nam, 22 tuổi quê ở huyện Vũ Thư (Thái Bình) giọng chảy thượt:

- “Kiểu này bọn em đến phải tính kế về quê “vui cùng ruộng nương, cùng đàn trâu” thôi! Thất nghiệp nằm dài ở đây chịu không nổi, suốt ngày rượu chè đâm hư người.”

Đào Xuân Tâm quê ở Chí Linh (Hải Dương) liền phản ứng: “Cố ở mà chờ việc thôi! Ông thử về quê xem còn ruộng với trâu không mà vui?”

 Nam xị mặt, chẳng nói gì vì cậu biết Tâm nói đúng. Bố mẹ cậu ở nhà cùng hai đứa em, chỉ có vài sào ruộng, làm trong vài ngày là xong, cậu có về thì cũng nằm chơi nhịn đói, ở quê bây giờ cũng đâu có dư việc mà làm?

Nam, Tâm, Minh, Đạt, mỗi người một quê khác nhau, nhưng cùng làm ở Công ty Yazaky chuyên sản xuất dây dẫn điện ô-tô, nên rủ nhau thuê căn phòng này. Cuối tuần trước, công ty thông báo cho công nhân tạm thời nghỉ một tuần, cho hưởng 70% lương, đầu tuần tới đến công ty, nếu có đơn hàng thì sẽ đi làm lại, nếu không thì tiếp tục… nghỉ. Giọng Tâm bỗng nghèn nghẹn như sắp khóc:

-Anh bảo, thanh niên trai tráng như bọn em, có việc đi làm còn dè sẻn mỗi tháng gửi đôi ba trăm cho bố mẹ ở quê, chứ thất nghiệp, lương chỉ đủ mỳ tôm trừ bữa. Tháng ba ngày tám, về quê bây giờ thì có việc gì mà làm. Đất Chí Linh quê em, người ta cũng thu hồi làm sân gôn hết rồi! Ở lại đây thì chỗ nào cũng cắt việc, giảm việc, bọn em biết đi đâu, về đâu bây giờ?

Ở ấp Hoà Lân 1, xã Thuận Giao (huyện Thuận An, Bình Dương) có Công ty Shang Hongcheng sản xuất da giày thu hút một số lượng khá lớn công nhân địa phương và lao động nhập cư các tỉnh đổ về. Trong ấp đã mọc lên những xóm trọ nhỏ cho người lao động nhập cư.

Hơn bốn giờ chiều, nắng xiên khoai hầm hập. Những người sống ở đây đều đổ hết ra ngõ hóng gió vì không chịu nổi cái nóng ngột ngạt trong các gian phòng lợp tấm phi-brô xi-măng. Hai vợ chồng anh Đặng Văn Định, 45 tuổi ở mãi huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) và 3 đứa con cũng thuê một phòng chừng 12 m2, thưng một xép nhỏ khoảng 4 m2, mùa hè nóng như cái lò bánh mỳ.

 Hai thằng con trai lớn, đứa 18, đứa có 16 tuổi đã đi làm công nhân cho Công ty gỗ Đăng Châu gần đó. Anh cũng từng là công nhân của công ty này, nhưng do có tuổi, sức yếu nên đã bị nghỉ việc nửa tháng nay. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Út 43 tuổi bị mọc bướu rất to ở cổ, theo chồng con lên đây trông trẻ thuê cho các công nhân đi làm, bây giờ họ thất nghiệp nên chị cũng bị thất nghiệp theo. Cô con gái nhỏ mới 12 tuổi chưa học hết cấp 1 đã phải bỏ học đi theo bố mẹ. Nhà nghèo, cháu không được đến trường nữa.

Chị Út than thở:

-Chờ một vài năm nữa cũng cho nó đi làm công nhân quanh đây thôi, làm sao đi học lại được nữa. Mấy người mà đi làm không đủ ăn. Ở đây sinh hoạt đắt đỏ lắm, 2000 đồng/mớ rau muống bé xíu, gạo 9.000 đồng/kg, mỗi tháng nhà tôi ăn tới 50 kg đấy. Còn điện, nước, cái gì cũng đắt gần gấp đôi giá Nhà nước.

Chúng tôi gặp một cô công nhân tay xách mớ rau mệt mỏi lê bước về nhà sau giờ làm. Cô là Bùi Thị Hạnh, 30 tuổi ở Hải Hậu (Nam Định) làm công nhân phun keo ở Công ty Shang Hongcheng. Đi làm gần 10 năm nay nhưng lương cô cũng chỉ quanh quẩn 1,6 – 1,7 triệu đồng/tháng. Mới sinh con chưa được 4 tháng cô phải nhờ người trông để đi làm còn giữ việc. Cô bảo, xót con lắm nhưng buộc phải đi làm vì nghỉ lâu là bị đuổi việc. Thiếu sữa, con cô 7 tháng tuổi mà nặng chưa đầy 7 kg. Cũng chẳng thể về quê chồng vì ở quê không còn ruộng.

Áo xanh, áo nâu, đi đâu, về đâu?

Thất nghiệp hoặc giãn việc, các công nhân sẽ phải chọn một trong ba hướng: về quê, ở lại chờ hoặc tìm việc làm tại các DN khác.

Về quê, đồng nghĩa với “áo xanh thành áo nâu”, từ công nhân trở về nông dân. Làn sóng hồi hương tuy không dữ dội nhưng cũng đủ gây áp lực oằn lên vai những vùng quê nghèo.

Nhưng số khác cũng không thể bỏ phố về làng vì xa xôi, đi lại tốn kém. Họ cố cầm cự ở lại, mong ngày mai được gọi trở lại đi làm, hoặc tìm được việc làm mới.

Một số người nhanh chóng ra phố xin bán hàng, cà-phê sống qua ngày, hoặc cố gắng tìm việc ở các công ty khác. Nhưng một số ít công nhân khác không suôn sẻ như vậy, họ vẫn buộc phải ở lại nhưng không tìm nổi việc làm, bị bần cùng hoá dẫn tới phát sinh hiện tượng tiêu cực.

Một số vụ tự tử thương tâm do bí bách, nợ nần không tìm được việc làm, hoặc trộm cắp, trấn lột, xin đểu đồng nghiệp hoặc người đi đường, dẫn tới án mạng mà thủ phạm là công nhân sa cơ, lỡ vận diễn ra ở nhiều nơi, gây nhức nhối trong đời sống xã hội.

 Những hiện tượng xã hội bức xúc này cần được các địa phương, bộ ngành liên quan quan tâm đúng mức và tháo gỡ kịp thời.