Làng cổ Phước Tích được công nhận Di tích cấp quốc gia: Mừng nhiều, lo nhiều (Bài 2)

Bài 2:

Những “nguy cơ” của Phước Tích

Sau khi được “phát hiện” vào năm 2003, Phước Tích đã được đưa vào khai thác dịch vụ du lịch và phục hồi nghề gốm cổ. Tuy nhiên đến thời điểm này, mọi chuyện vẫn còn rất dang dở, và đã xuất hiện những”nguy cơ” mà nếu không kịp thời chấn chỉnh, Phước Tích sẽ đi vào vết xe đổ như bao nhiêu làng cổ khác trên cả nước.

Đoàn khách du lịch Pháp
theo dạng Homestay đầu tiên đến Phước Tích.

Chưa biết làm du lịch

Từ một ngôi làng gần như không ai biết, mấy năm trở lại đây, Phước Tích trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong, ngoài nước. Theo thống kê từ Sở Du lịch TT-Huế thì hiện tại, ngoài khách lẻ thường xuyên, tất cả các đơn vị lữ hành trong nước và thế giới khai thác du lịch ở Huế đều có tour thăm làng cổ Phước Tích.

Kể từ khi có những bước chân của du khách, làng cổ Phước Tích đã nhạt nhoà dần cảnh "những người già ngồi níu thời gian". Những giá trị văn hoá độc đáo, riêng biệt sau mấy trăm năm ngủ yên bỗng dưng "cựa quậy" sau khuôn hình máy ảnh và tâm thức của chủ và khách. Người dân và chính quyền địa phương đã và đang ý thức về việc tự hào, phát huy và bảo tồn những giá trị văn hoá độc đáo nhưng có thể bị "đánh cắp" bất cứ lúc nào.

Thế nhưng, viễn cảnh về “những tháng ngày lễ hội không bao giờ bế mạc” ở Phước Tích đã không kéo dài được lâu bởi một thực tế là người dân Phước Tích không biết và chưa bao giờ được biết và giúp cách làm thế nào để quảng bá, tiếp thị bản thân, đón tiếp, phục vụ... du khách. “Tôi không thể nào hiểu và chấp nhận được chuyện muốn vào Phước Tích phải mua vé 10 ngàn đồng/ người gọi là phí tham quan, nhưng khi vào nhà dân cũng phải trả thêm 20 ngàn đồng/ người cũng gọi là phí tham quan” - Bà Lê Thị Ánh Tuyết - Giám đốc Cty TNHH Việt Pháp Service, một trong những đơn vị đưa khách du lịch đến tham quan Phước Tích thường xuyên tư 3 năm nay, chỉ ra những bất cập về làm du lịch ở Phước Tích. Nhận thức của chính quyền địa phương cũng không khá gì hơn khi nhiều năm rồi vẫn loay hoay trong việc tìm hướng đi cũng như giữa gìn bản sắc cho Phước Tích.

Điểm sáng khả dĩ là mới đây, đầu năm 2009, Việt Pháp Service đã thử nghiệm đầu tư xây dựng nhà vệ sinh, nâng cấp phòng ngủ, phòng tắm... cho một số hộ dân để tổ chức một tour du lịch về Phước Tích theo dạng Homestay (khách du lịch cùng ăn ở, qua đêm...với người dân địa phương) cho một đoàn khách Pháp 18 người, và kết quả bước đầu thu được rất khả quan. Bà Lê Thị Ánh Tuyết cho biết: “Khách của chúng tôi không thể hài lòng hơn bởi nhà cổ ở Phước Tích quá đẹp, phong cảnh yên bình, và đặc biệt là người dân hiếu khách đến bất ngờ”. Cũng theo bà Tuyết thì cuối tháng 3 này, Công ty bà sẽ đưa thêm một đoàn, và từ tháng 9 đến tháng 12-2009, dự kiến sẽ có thêm 5 đoàn tương tự về Phước Tích.

Gốm cổ Phước Tích ở bộ sưu tập gốm cổ
của nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Tấn Phan.

Phục hồi nghề gốm kiểu “lợn lai”

Như bài trước đã đề cập, việc hình thành và tồn tại của làng cổ Phước Tích song hành với nghề làm gốm. Tuy nhiên, từ những năm 80 của thế kỷ trước, các lò gốm ở Phước Tích đã đồng loạt “tắt bếp” bởi nhiều lý do.

Mãi đến festival Huế 2006, để phục vụ cho tour du lịch “Hương xưa làng cổ”, chính quyền địa phương đã đầu tư cho làng Phước Tích phục hồi lại nghề gốm. Tuy nhiên cũng chỉ được một vài mẻ gốm phục vụ những ngày lễ hội, sau đó mọi chuyện lại như cũ vì gốm được nung bằng công nghệ lò ngửa (chỉ khoảng 600 độ C), đầu ra không có, mẫu mã không đẹp nên không bán được, nghề gốm chưa kịp hồi sinh đã chết.

Đến năm 2007, UBND huyện Phong Điền quyết định tìm một hướng đi mới cho Phước Tích khi đầu tư 300 triệu đồng để khôi phục nghề sản xuất gốm Phước Tích bằng cách... xây một lò nung bằng ga thay cho lò bằng than để sản xuất hàng loạt và cử người ra Bát Tràng học công nghệ làm nghề gốm (!) Một lần nữa, việc khôi phục nghề gốm thất bại bởi công nghệ làm gốm bằng lò ga Bát Tràng khác với công nghệ làm bằng thủ công của Phước Tích, men Bát Tràng (men tráng) cũng khác Phước Tích (men tự nhiên) nên việc học tập trên chỉ cho ra đời những sản phẩm “lợn lai” vừa không đẹp hơn Bát Tràng, vừa không có dấu ấn riêng độc đáo của Phước Tích.

Tin vui là mới đây, Cộng đồng Pháp ngữ vùng Walomie (Bỉ), phối hợp với Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam, mà chủ công là Phân viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam tại miền Trung, đã quyết định hỗ trợ một dự án giúp người dân Phước Tích xây dựng một lò nung để giúp người dân “đỏ lửa” lại nghề gốm. Ông Trần Đình Hằng - thành viên Phân viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam tại miền Trung cho biết: “Chúng tôi đang đầu tư xây dựng tại Phước Tích một lò nung sấp để có thể nung lên tới nhiệt độ từ 1.400 - 1.600 độ C, nhằm biến gốm thành sành như nguyên gốc, chứ không làm theo kiểu lò ngửa với những sản phẩm gốm thông thường như hồi festival Huế 2006. Chúng tôi cũng sẽ đưa trở về Phước Tích một số mẫu đồ gốm ngự dụng hiện còn sót lại để người dân tham khảo mẫu”.

Hiện mọi việc đang được ráo riết chuẩn bị để những mẻ gốm đầu tiên có thể ra lò vào ngày 13-6, tức ngày thứ hai của festival nghề truyền thống Huế 2009 với các nghề gốm, sơn mài, pháp lam. Đây cũng là ngày công bố chính thức quyết định công nhận Phước Tích là “làng di sản” của Bộ VHTT&DL.

Nói vậy thôi, nhưng việc mẻ gốm đầu tiên có ra đời đúng như dự kiến hay không, những cán bộ của Phân viện Văn hoá Nghệ thuật miền Trung, và chính những người thợ của làng Phước Tích cũng đang phập phồng lo, bởi bây giờ, làm một lò nung để biến đất thành sành ở nhiệt độ 1.600 độ C, không phải là chuyện đơn giản. Cũng như việc công nhận “di tích” cho Phước Tích cũng chỉ là khởi đầu. Rồi Phước Tích sẽ được bảo tồn và phát triển ra sao? Sau mẻ gốm đầu tiên là gì? Hàng sản xuất ra bán cho ai, bán ở đâu... Đó là những câu hỏi lớn, mà người dân Phước Tích hiện chưa thể nào trả lời được.

Tường Minh