Khắc phục tình trạng lạm dụng đồ mã

NDO - NDĐT- Cho dù quy định cấm đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử- văn hóa và nơi công cộng đã chính thức có hiệu lực được gần bốn tháng nhưng trên thực tế, tình trạng đốt đồ mã tại những địa điểm này vẫn tồn tại khá phổ biến. Muôn nẻo đường... đồ mã, hàng trăm chuyến xe chở mặt hàng này hàng ngày từ các địa điểm sản xuất, làng nghề truyền thống vẫn kìn kìn túa đi mọi ngả. Nhiều chủ hàng vẫn không bỏ lỡ cơ hội để “ém hàng” từ rất sớm.

Cấm... vẫn đốt (!)

Những ngày cuối năm, có mặt tại làng Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh), ngôi làng cổ từng nổi tiếng với nghề làm tranh dân gian bên dòng sông Đuống, đập vào mắt chúng tôi không phải là quang cảnh nên thơ nhà nhà làm tranh, người người làm tranh thủa trước mà là một không khí tấp nập, nhộn nhịp chuẩn bị nguồn hàng (đồ mã, vàng mã) cho dịp Tết Nguyên Đán sắp tới.

Đông Hồ dường như ngày càng nổi tiếng hơn với nghề làm đồ vàng mã. Những chuyến xe nối đuôi nhau chở các mặt hàng đủ loại: mũ, áo, quần, xe, ngựa, nhà cửa... kìn kìn từ ngôi làng bé nhỏ để túa đi mọi ngả. Gần đến dịp Tết ông Công ông Táo, các mặt hàng chủ lực được tập trung sản xuất đợt này là những loại mũ, áo đặc trưng, cá chép...

Nói chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Mai, một người làm thuê cho biết, những ngày này các chị thường phải làm thêm giờ, tăng ca để đáp ứng đủ nguồn hàng theo yêu cầu của nhà chủ. Trả lời  câu hỏi của chúng tôi: “So với mọi năm, các mặt hàng được sản xuất và lượng hàng có giảm đi nhiều không?”, chị Mai khẳng định: “Không giảm, thậm chí một số mặt hàng còn được sản xuất nhiều hơn như mũ áo, giày dép, nhà cửa... Phú quý sinh lễ nghĩa mà!”- người phụ nữ cười rổn rảng. Chị còn cho biết, nếu một vài năm trước, một số loại đồ mã chỉ mới bắt đầu được sản xuất kiểu... cầm chừng thì nay, không ít hộ gia đình đã mạnh tay sản xuất nhiều hơn như ô tô, nhà lầu, xe hơi..., thậm chí cả người giúp việc bằng mã.

Rời Đông Hồ, chúng tôi tìm đến ngôi đền vốn nổi tiếng với chuyện đốt... “tiền”, đồ mã trong nhiều năm trước- đền Bà Chúa Kho, cũng nằm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Gần trung tâm Hà Nội, lại nổi tiếng là ngôi đền thiêng nên những ngày cuối năm này,  đền Bà Chúa Kho đã thu hút một lượng khách không nhỏ tìm về ... trả lễ. Khách đến đền “vay- trả” có nhiều gia đình có điều kiện, thương gia, làm ăn lớn. Từ cách cổng đền 3-4 cây số, chúng tôi đã nhận được rất nhiều lời mời chào mua lễ. Lễ cũng tuỳ loại, từ dăm ba chục ngàn đến những mâm lễ cao ngồn ngộn, trị giá vài trăm ngàn, thậm chí vài triệu đến vài chục triệu đồng.  Người đến lễ đền thường được “cảnh báo”, vào đền Bà Chúa Kho mà không dâng lễ thì đừng hy vọng cầu xin được gì. Bởi thế, dẫu đã có quy định “cấm” đốt đồ mã nơi công cộng thì lượng đồ mã, tiền vàng được “tiêu thụ” trong những ngày đầu và cuối năm ở ngôi đền  nổi tiếng này vẫn không hề giảm.

Theo quan sát của chúng tôi, vẫn có nhiều mâm lễ chất cao ngồn ngồn được “đội” vào đền. Các mặt hàng mã vẫn được bày bán phổ biến, không chỉ là tiền, vàng mà còn nhiều mặt hàng thuộc diện ... “cấm” khác vẫn luôn sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu của người đi lễ.

Theo tìm hiểu, không chỉ có Đền Bà Chúa Kho mà tại nhiều điểm di tích lớn khác, tình trạng đốt đồ mã nơi công cộng cũng vẫn diễn ra khá phổ biến. Đền Kiếp Bạc (Hải Dương), nơi thu hút  rất đông du khách thập phương về hành hương, tế lễ mỗi năm, cũng là địa điểm nổi tiếng với những khoá lễ, khoá hầu bóng nên lượng đồ mã hiến tế tại đây rất lớn, có giá đồng lên tới hàng trăm triệu đồng.

Sau khi có quy định “cấm”, dẫu BQL đền đã đặt biển thông báo nhưng ngay tại khu vực đền chính, vẫn có nhiều khách hành hương đội những mâm lễ lỉnh kỉnh với áo quần, mũ mão, tiền, vàng, ngựa, xe, và cả thuyền rồng... Việc “hoá” đồ mã tại nơi này vẫn diễn ra  thản nhiên như chưa từng có quy định cấm. Ban quản lý di tích lý giải, bởi lượng khách quá đông nên không đủ lực lượng quản lý. Hơn nữa, đây lại là vấn đề tâm linh khá nhạy cảm, nếu ứng xử không khéo sẽ dẫn đến phản ứng tiêu cực của những người đi lễ...

Muôn nẻo đường... đồ mã

Chuyện ở đền Bà Chúa Kho, Khu Di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc không phải là những địa chỉ duy nhất. BQL của một số điểm di tích nổi tiếng khác, vốn thu hút đông đảo người dân từ khắp nơi đổ về lễ bái cũng cho biết, thực tế sau gần bốn tháng, vẫn chưa có nhiều người dân nắm bắt rõ những quy định về cấm đốt đồ mã nơi công cộng. Dẫu quy định này đã được nhiều BQL các di tích, các cơ sở thờ tự… nắm bắt và triển khai ở các hình thức, mức độ khác nhau song thực tế vẫn cho thấy, chuyện thay đổi thói quen sử dụng nhiều đồ mã khi lễ bái của một bộ phận người dân vẫn không thể diễn ra chỉ trong một sớm một chiều.

Tại Hà Nội, nơi thu hút đông đảo du khách thập phương với nhiều ngôi chùa, đền, phủ nổi tiếng, tình trạng “tiêu thụ” khối lượng lớn đồ mã trong mỗi đàn lễ vẫn không hề giảm so với trước. Phủ Tây Hồ ngay sau khi Nghị định 75 có hiệu lực đã sớm có biển thông báo nội dung “cấm đốt đồ mã” để phổ biến cho nhân dân và du khách đến chiêm bái, cúng lễ.  Tuy nhiên, vẫn có nhiều người dân chưa nắm được quy định cấm đốt đồ mã nơi công cộng trước khi đến lễ tại đây.

Ông Đặng Văn Chi (phố Hàng Chai) cho biết, việc mang theo và dâng vàng mã thường là do thói quen của gia đình chứ không phải vì đã nắm rõ những quy định trong Nghị định 75. Nhiều người dân khác cũng cho hay, nếu không đọc thông báo của Ban Quản lý Phủ Tây Hồ thì cũng không nắm được quy định cấm đốt đồ mã nơi công cộng.

Bên cạnh Phủ Tây Hồ, tại nhiều địa điểm di tích, nơi thờ tự khác trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là tại các đền- nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động hầu đồng thì tình trạng đốt đồ mã, ngựa, xe, tàu, thuyền, hình nhân thế mạng... vẫn tồn tại nhan nhản. Người dân sống quanh một ngôi đền nhỏ trên đường Nghi Tàm (Yên Phụ, Tây Hồ) cho hay, một tuần ở đây diễn ra đến hàng chục giá hầu đồng và không có một giá nào thiếu sự xuất hiện của... đồ mã.

Bởi thế,  cho đến thời điểm này, nhiều cơ sở kinh doanh đồ mã  lớn như phố Hàng Mã, chợ Đồng Xuân và nhiều tuyến phố, khu chợ khác trên địa bàn Thành phố vẫn tiếp tục chủ động nguồn hàng dồi dào cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Mặc dù đã nắm rõ về quy định cấm đốt đồ mã nhưng dường như nhu cầu dồi dào của thị trường vẫn là nguyên nhân khiến không ít người chuyên doanh mặt hàng này bất chấp luật để “ém” nguồn hàng từ nhiều ngày trước đây.