Hải Dương: Dân khổ vì thi công dự án thoát nước  chậm

Thi công dự án vừa chậm vừa làm khổ dân

Dự án cải tạo hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP Hải Dương do Công ty TNHH một thành viên quản lý công trình đô thị Hải Dương làm chủ đầu tư. Dự án gồm những hạng mục chính như: 12.241 m cống chính, 9.520 m cống bao, 3,102 m cống áp lực, 274 m cống hộp bê tông, 34 của xả tràn, 5 trạm bơm chuyển tiếp, nạo vét và kè bờ hồ, hào thành…

Ngày 15-7-2007, gói thầu số 1 của dự án đã được khởi công do Tổng công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Việt Nam (Constresxim Holdings) làm nhà thầu. Gói thầu số 1 là gói thầu chính của dự án bao gồm các hạng mục chủ yếu: hệ thống đường cống ngầm; kè bờ và nạo vét các hồ, hào thành; các trạm bơm nước thải…; với tổng giá trị đầu tư  5,486 triệu Euro; thời gian thi công trong hai năm, đến ngày 15-7-2009 phải hoàn thành các hạng mục thuộc gói thầu số 1.

Trao đổi với chúng tôi về tiến độ thi công gói thầu số 1, ông Nguyễn Xuân Thành, Trưởng ban điều hành dự án Constresxim Holdings, cho hay: “Đến nay, nhà thầu mới thi công được khoảng 40% khối lượng gói thầu số 1. Đến ngày 15-7-2009 (thời điểm phải hoàn thành gói thầu) nhà thầu cũng chỉ hoàn thành 50% khối lượng công trình thuộc gói thầu số 1”.

Ông Đào Nguyên Vĩ, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên quản lý công trình đô thị Hải Dương cho rằng: “Nhà thầu đã thi công các hạng mục thuộc gói thầu số 1 quá chậm, không chỉ ảnh hưởng chung đến mục tiêu của dự án mà còn ảnh hưởng xấu đến đời sống, kinh doanh và đi lại của người dân”.

Năm nay bà Đoàn Thị Bình, chủ căn hộ số 116 phó Trương Mỹ, phường Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương (Hải Dương) bước sang tuổi 79. Lần đầu tiên trong đời bà phải chứng kiến cảnh đào bới đường phố như hiện nay.

Đứng nhìn hố sâu chừng 3-4 m trước cửa nhà, bà Bình bức xúc: “Không biết nhà thầu áp dụng biện pháp thi công kiểu gì mà từ hôm đào đường phố đến nay đã làm toàn bộ hệ thống vỉa hè bị sụt lún nghiêm trọng. Ngôi nhà ba tầng của gia đình tôi đã nứt bốn góc, hệ thống cửa bị sệ xuống rất khó đóng, mở ra. Cơ quan nào chịu trách nhiệm khắc phục sự cố này đối với gia đình nhà tôi” ?.

Không chỉ gia đình bà Bình mà từ hơn mười ngày qua, người dân phố Trương Mỹ phải hứng chịu cảnh đào đường và hệ luỵ đối với cuộc sống gia đình. Ông Nguyễn Văn Lộc, chủ nhà số 114 phố Trương Mỹ cùng chung nối bức xúc nói: “Đơn vị thi công không hề dựng rào chắn để ngăn chặn tai nạn giao thông. Ngay trước cửa nhà tôi, hố sâu chỉ cách cửa nhà chưa đến một mét mà cũng không có rào chắn. Ngộ nhỡ người già, trẻ con không may xảy chân ngã xuống thì làm sao lường được. Ngày nào chúng tôi cũng chứng kiến cảnh người tham gia giao thông cãi nhau vì gặp đường chật, trời mưa và trơn”.

Đối với người dân các phố Bắc Kinh, Tuy Hoà, Đồng Xuân…thì lại có sự bức xúc khác vì việc kinh doanh, buôn bán bị đình trệ. Nhiều hộ dân tại các phố này phản ánh, nhà thầu thi công chậm và thiếu biện pháp bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông.

Khoảng 9 giờ 30 phút ngày 8-7-2008, tại khu vực trước cửa số nhà 1B phố Tuy Hoà, hai thanh niên điều khiển xe máy mang biển số 34M4-1510 đã lao xuống hố ga đang thi công. Nguyên nhân chủ yếu do nhà thầu đang đào đường để thi công đường ống thoát nước nhưng không có đèn hiệu, rào chắn.

Thi công dự án tại ngã ba Nguyễn Lương Bằng -
Nguyễn Thị Duệ nhưng không có rào chắn.

Bà Vũ Thị Thái ở số nhà 1B phố Tuy Hoà bức xúc nói: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với đơn vị thi công nhưng hố ga trước cửa nhà tôi được đào lên hai tháng nhưng vẫn chưa thi công xong.”

Tại phố Tam Giang, ngày 20-2-2009, đã xảy ra vụ tai nạn giao thông làm hai thanh niên điều khiển xe máy bị thương nặng. Nguyên nhân chủ yếu là do các nắp hố ga đã thi công xong nhưng lại cao hơn mặt đường đến 10 cm, khiến người tham gia giao thông gặp nguy hiểm khi va phải các nắp hố ga này.

Ngày 30-9-2009, Điện lực TP Hải Dương đã phát hiện đơn vị thi công vi phạm nghiêm trọng hành lang bảo vệ đường cáp ngầm 22 kV, lô 473-E81, đoạn từ cầu dao 29 đến trạm biến áp An Ninh.

Ngày 26-11-2008, Điện lực TP Hải Dương lại tiếp tục phát hiện đơn vị thi công dự án vi phạm nghiêm trọng hành lang bảo vệ đường cáp ngầm 22kV, lô 477-E81, đoạn từ cầu dao Tam Giang đến cầu dao Âu Cơ.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo ông Đào Nguyên Vĩ, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên quản lý công trình đô thị Hải Dương, trách nhiệm của việc chậm tiến độ dự án và ảnh hưởng xấu đến đời sống, kinh doanh và đi lại của người dân thành phố thuộc về nhà thầu (Constresxim Holdings).

Tuy nhiên chủ đầu tư cũng thừa nhận trong thời gian vừa qua đã thiếu sự kiên quyết đối với nhà thầu. Chúng tôi luôn chịu áp lực không chỉ với tỉnh mà cả với người dân thành phố Hải Dương.

Mỗi khi đào đường hay xảy ra sự cố người dân đều gọi điện phản ánh với chủ đầu tư. Chủ đầu tư có xuống kiểm tra hiện trường thì cũng rất khó xử lý nhà thầu vì người thi công lại thuộc nhà thầu phụ. Cho nên việc phối hợp xử lý các sự cố gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thành, Trường ban điều hành dự án Constresxim Holdings lại cho rằng: “Việc thi công gói thầu số 1 của dự án chậm vì chủ đầu tư chậm bàn giao mặt bằng. Đến nay, 50% mặt bằng để thi công các hạng mục dự án vẫn chưa được chủ đầu tư bàn giao cho nhà thầu.

Vì vậy, chúng tôi phải điều tiết từ nhân công đến máy móc, phương tiên, để bảo đảm khi có mặt bằng là thi công, nhưng nếu không có mặt bằng thì công nhân vẫn có việc làm. Chuyện chúng tôi thuê nhà thầu phụ là quyền của nhà thầu”.

Ông Thành cho biết thêm: “Dự án thi công trên diện tích 600 ha, liên quan đến hơn 40 tuyến phố chính của thành phố. Hầu hết các tuyến phố của TP Hải Dương đều rất nhỏ, nền địa chất yếu. Do vậy, khi thi công mức độ ảnh hưởng đến hai bên đường như vỉa hè bị sụt lún là rất lớn. Để hoàn thành dự án, người dân TP cần chia sẻ, ủng hộ, thông cảm với nhà thầu. Đối với các sự cố như nứt tường nhà dân, nhà thầu sẽ có trách nhiệm khắc phục cho người dân”.

Theo ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương, cả hai vụ vi phạm hành lang bảo vệ đường cáp ngầm 22kV đều bị chủ đầu tư và đơn vị thi công không hợp tác giải quyết. Công ty đã lập biên bản gửi các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.

Qua khảo sát của chúng tôi, hầu hết các tuyến phố đã được nhà thầu thi công xong đều rất nham nhở, làm xấu đi hình ảnh thành phố. Khi hỏi bất cứ người dân  nào ở đây, họ cũng đều chung nỗi bức xúc và lo lắng khi TP sắp được Chính phủ công nhận đô thị loại 2.

Tháng 10-2009, TP Hải Dương sẽ đón nhận nhiều sự kiện lớn như: Kỷ niệm 205 năm thành lập Thành Đông, 55 giải phóng TP Hải Dương, công nhận đô thị loại 2 và đến tháng 11-2009 thành phố Hải Dương sẽ đăng cai Đại hội thể thao châu Á trong nhà lần thứ 3. Vì vậy, việc thi công chậm dự án cải tạo hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP Hải Dương sẽ ảnh hưởng xấu đến các sự kiện này.

Ngày 9-1-2009, chủ đầu tư (Công ty TNHH một thành viên quản lý công trình đô thị Hải Dương) đã có công văn số 05 gửi nhà thầu (Constresxim Holdings) yêu cầu: “Nhà thầu tổ chức thi công các hạng mục công trình và hoàn trả mặt bằng trên các tuyến phố xong trước ngày 30-9-2009; thi công trạm bơm số 1 và hoàn trả vườn hoa Bùi Thị Xuân xong trước ngày 30-8-2009; trong thời gian từ ngày 15-10 đến 10-11-2009 nhà thầu không được thi công trên các tuyến đường phố của thành phố; đề nghị nhà thầu xây dựng kế hoạch thi công phù hợp, báo cáo chủ đầu tư trong tháng 2”.

Nhưng ông Đào Nguyên Vĩ, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên quản lý công trình đô thị Hải Dương cho hay: “Đã quá thời hạn trên gần nửa tháng, chủ đầu tư vẫn chưa nhận được báo cáo về kế hoạch thi công của nhà thầu”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đến nay chủ đầu tư, nhà thầu và UBND TP Hải Dương vẫn chưa thống nhất được phương án hoàn trả mặt bằng khi dự án thi công xong. Mỗi bên đều có cách lý giải riêng và chưa có sự đồng thuận.

Người dân TP Hải Dương đã quá mệt mỏi vì dự án thoát nước và xử lý nước thải. Nhân dân càng bức xúc hơn khi tiến độ dự án lại quá chậm và những sự kiện lớn của TP Hải Dương sắp đến.

Vì vậy, UBND tỉnh Hải Dương cần đôn đốc chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ dự án, đáp ứng mong mỏi của người dân thành phố.