Gặp người đầu tiên bắn chìm tàu Pháp trên sông Lô

Hiền hậu, mắt đã rất mờ, vì đã ở tuổi 86! Nhưng hầu như nhắc đến bất cứ một sự kiện, một tư liệu nào, ông vẫn lấy ra rất chính xác. Các tài kiệu được gói gém, bọc nilon cẩn thận từ chiếc tủ kiêm giá sách cũ kỹ. Và tuyệt hơn cả là giọng nói của ông vẫn sang sảng, như đang hạ những khẩu lệnh quyết liệt kịp thời, để pháo ta nã đạn vào tàu địch năm xưa.

Ông chính là Nguyễn Siêu Hải, người Trung đội trưởng – Trung đội sơn pháo (cách đây 62 năm), đã cả gan đưa pháo ra sát mép sông và ngắm trực tiếp qua nòng pháo, bắn chìm tầu Pháp đầu tiên trên sông Lô tại gềnh Khoan Bộ (nay là làng Khoan Bộ, xã Phương Khoan, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) - Và đây cũng là trận đánh mở đầu cho chiến thắng lừng lẫy Đoan Hùng – 1947 hơn hai tháng sau đó. Rồi đến Chiến dịch Biên giới -1950 năm xưa của pháo binh Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta chống thực dân Pháp.

Ông không chỉ là người chỉ huy, chiến sĩ pháo binh, mà còn là một văn sĩ tài danh, là tác giả cuả bút ký Voi đi -  một tác phẩm được đánh giá là bông hoa đầu mùa, trong lịch sử văn học cách mạng Việt Nam nói chung, văn học kháng chiến nói riêng cuả chúng ta. Và cũng từ tác phẩm Voi đi của Siêu Hải, chúng ta bắt đấu có được những tác phẩm đích thực của người lính viết về người lính, dòng văn học phản ánh người thực việc thực, gian khổ ác liệt mà vẫn thẫm đậm vẻ lãng mạn, hào hoa của người lính nói chung và một chàng trai Hà Nội nói riêng đối với văn chương cách mạng (Chúng tôi sẽ trở lại đề tài này sau, khi có dịp).

Về hưu với quân hàm Đại tá, ông đang sống cùng vợ và người con gái út. Vừa bước vào căn hộ bé nhỏ của gia đình ông, ngay lập tức, chúng tôi như bị hút vào giai điệu trầm hùng da diết hào sảng của trường ca Sông Lô vang lên từ chiếc máy nghe nhạc cũ kỹ như chủ nhân của nó. Ông nói chuyện thật cởi mở. Nhắc về trận đánh lịch sử, về ký ức oai hùng năm xưa, ông hoạt bát hẳn lên. Gương mặt ngời ngời, giọng nói sang sảng. Hình ảnh một chiến sĩ pháo binh Việt Nam như toát ra từ thần thái ấy. Ông kể, vào giữa năm 1947, ông đảm nhiệm chức vụ trung đội trưởng trung đội pháo binh, nhận nhiệm vụ cùng đơn vị chặn đánh tàu giặc tiến lên đánh phá căn cứ cách mạng Việt Bắc của ta trên sông Lô. Năm ấy Nguyễn Siêu Hải vừa tròn 23 tuổi đời.

Ông kể, trận đánh thắng tàu giặc vào ngày 23-10-1947 tại Đoan Hùng không phải là trận đánh đầu tiên của ông và đồng đội. Thời điểm đó, nhằm chặn đứng mũi tiến quân bằng đường thuỷ lên Tuyên Quang, vào chiến khu Việt Bắc của giặc Pháp, đồng thời đánh bại âm mưu xâm chiếm Việt Nam lần thứ hai. Cuối năm 1947, Pháp huy động một lực lượng lớn gồm các đơn vị bộ binh, cơ giới, xe tăng, thiết giáp, các đơn vị thuỷ quân lục chiến, quân nhảy dù mở cuộc tấn công đại quy mô lên căn cứ địa Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và quân chủ lực của ta.

Theo kế hoạch, giặc Pháp đánh lên Việt Bắc bằng hai gọng kìm lớn: Gọng kìm thứ nhất, gồm xe tăng, thiết giáp và bộ binh cơ giới phối hợp cùng quân dù; gọng kìm thứ hai, gồm các đơn vị thuỷ quân lục chiến từ Hà Nội ngược sông Hồng, đánh chiếm thị trấn ngã ba sông Việt Trì, tiếp đó theo sông Lô lên đánh chiếm thị xã Tuyên Quang, vượt sông Gâm đánh chiếm Chiêm Hoá, Đầm Hồng, Bản Ty… hợp với gọng kìm thứ nhất, đánh vào căn cứ địa Việt Bắc.

Trung đội sơn pháo 1 và trung đội trưởng Nguyễn Siêu Hải được giao nhiêm vụ chặn đánh ca nô, tàu chiến của địch ngay ở cửa ngõ Việt Trì - Bạch Hạc, không cho chúng ngược lên Tuyên. Gọi là trung đội sơn pháo, nhưng thực chất khi đó, chỉ có một khẩu pháo cũ kỹ ta tước được của  giặc Pháp sau ngày Nhật đảo chính 9-3-1945. Pháo trơ trụi: không kính ngắm, khi bắn phải ngắm theo nòng pháo đến mục tiêu. Thêm vào đó, ta phải lo bảo toàn lực lượng, không để chúng cướp pháo. Ngoài trung đội sơn pháo 1 của Nguyễn Siêu Hải, ta còn bố trí một khẩu dã pháo 75 ly nặng trên 2 tấn ở Đoan Hùng; một khẩu dã pháo 75 ly khác bố trí ở Bình Ca. Cả hai khẩu đều rất cũ, chắp vá...

Mặc dù vậy, tinh thần quyết chiến quyết thắng của các chiến sĩ rất cao. Theo tính toán ban đầu, Nguyễn Siêu Hải cùng đồng đội bố trí trận địa trên một mỏm đồi cao ở Phan Dư. Ngày 11-10-1947, bảy chiếc tàu địch nối nhau chở nặng vũ khí đạn dược ngược sông Lô qua Bạch Hạc để lên Tuyên Quang. Trung đội nổ súng tấn công, nhưng chỉ bắn được một phát ở cự ly trên 2000m, không đạt kết quả. Ngày 12-10-1947, tàu địch vượt Đoan Hùng, khẩu pháo 75 ly được ta bố trí ở đây mới bắn được một phát thì bị tụt nòng. Ngày 13-10-1947, tàu địch tiến qua Bình Ca, đến lượt khẩu dã pháo ở đây bắn được một phát thì hai bánh pháo bị gục. Thế là tàu địch lại thẳng tiến lên đánh chiếm thị xã Tuyên Quang.

Gềnh Khoan Bộ (Km 15 bờ tả Sông Lô, thuộc xã Phương Khoan, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) – nơi ông Siêu Hải chỉ huy trận đánh chìm tàu Pháp cách đây 62 năm.

Tiếp theo, ngày 14 rồi  18-10-19947, địch vẫn tiếp tục vận chuyển quân,  vũ khí đạn dược lên Tuyên, Trung đội sơn pháo tiếp tục nổ súng nhưng kết quả vẫn là con số không. Nhìn đoàn tàu, ca nô của giặc nghễu nghện vượt sông lên chiến khu của ta, lòng Siêu Hải cùng các  đồng đội của ông như có lửa đốt. Phải làm cách nào để thắng giặc, chặn đứng gọng kìm tiến công bằng đường thuỷ của chúng, góp phần giành thế thắng trên chiến trường? Đó là những nỗi khổ tâm, day dứt, trăn trở, suy nghĩ của các anh khi ấy.

Nổ súng mà không chặn được đường tiến của giặc, hai khẩu pháo ở Đoan Hùng và Bình Ca lại bị hỏng nặng, chỉ còn lại khẩu sơn pháo của Trung đội Nguyễn Siêu Hải. Vào lúc đó, không khí lo âu căng thẳng bao trùm trên khắp mặt trận sông Lô, trong lòng quân dân xa gần.

Sau những thất bại này, Nguyễn Siêu Hải đã quan sát và thấy rõ rằng, nếu cứ đặt pháo trên đồi cao, bắn cầu vồng cự ly trên 2.000m thì không thể nào trúng tàu địch được. Nhân việc khẩu pháo 25 ly do khẩu đội trưởng Phạm Phúc và đồng đội đặt ở trận địa dưới thấp đã bắn trúng tàu giặc, nhưng sức đạn 25ly lại không đủ mạnh để phá vỡ vỏ tàu, Nguyễn Siêu Hải đã đề xuất với Ban chỉ huy tiểu đoàn cho sơn pháo xuống thấp, bắn thẳng ở cự ly gần mới chắc thắng. Trong cuộc họp cán bộ chỉ huy tiểu đoàn ngay sau trận đánh ngày 18/10, một lần nữa Nguyễn Siêu Hải lại đề đạt ý kiến này. Ngay lập tức, có tiếng hỏi lại: Giáp lá cà hay sao? Trung đội trưởng Siêu Hải quả quyết: Đúng là giáp lá cà, nhưng phải làm như thế mới bắn trúng được tàu giặc. Một vài cán bộ bộ binh còn ngần ngại: Nó xông lên cướp pháo thì làm thế nào? ( Vì với ta lúc này, khẩu sơn pháo của trung đội Siêu Hải là con cưng, nên việc bảo toàn vũ khí  trong và sau chiến đấu là một việc rất quan trọng). Siêu Hải đáp luôn: Mình bắn trúng, phủ đầu trước, liệu nó còn đủ tinh thần mà xông lên? Mà có xông lên thì bộ binh ta sẽ giải quyết chúng, không sợ gì cả! Trao đổi, thảo luận sôi nổi, và rồi, mọi người đều đi đến quyết định: đưa sơn pháo xuống thấp, quyết tâm bắn cháy tàu giặc.

Trưa ngày 19-10, trung đội sơn pháo khiêng pháo ra bờ sông. Trận địa lần này được Siêu Hải và đồng đội bố trí đặt ngay mép bờ sông của làng Khoan Bộ (nay thuộc xã Phương Khoan, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc). Pháo vừa khiêng ra, chưa kịp đào công sự, thì các anh bỗng nghe có tiếng hò la xí xô của giặc. Ngẩng đầu nhìn ra, đã thấy ngay trước mắt, lù lù hai tàu chiến Pháp LCT và một ca nô chiến đấu LCVP sau khi đã lên Tuyên hôm trước đang bồng bềnh trôi xuôi, chúng trở về để bốc thêm vũ khí đạn dược để chuyển lên Tuyên. Bọn lính Pháp còn nghênh ngang đi lại trên bong, hút thuốc lá phì phèo, như dòng sông này là của chúng vậy. Anh em nhìn chúng mà thấy sôi cả tiết. Song phải kiềm chế và tranh thủ địch mất cảnh giác, Siêu Hải  đã ước lượng kích thước tàu địch, cự ly bắn và tìm được điểm chuẩn là cây gạo ở cuối làng An Lão bờ bên kia, lòng thầm quyết định, chờ cho tới khi tàu giặc lên chấm vào điểm chuẩn đó, pháo ta sẽ bắn. Cũng phải nói thêm là: trong ba trận vào các ngày 11, 14, 18 trước đó, mỗi khi tàu chiến địch di chuyển trên sông, bao giờ cũng có bốn đến năm máy bay vừa khu trục vừa trinh sát hộ tống, bắn phá dọn đường. Gặp những điểm ở hai bên bờ mà chúng nghi có quân ta mai phục, cả máy bay lẫn tàu chiến giặc đều hùng hổ nã đạn súng cối, đại liên. Biết trước trận đánh giáp lá cà này sẽ rất ác liệt, nên cả trung đội khẩn trương bố trí trận địa để chủ động chiến đấu trong mọi tình huống.

Thời gian nặng nề trôi! Quá trưa ngày 23-10-1947, (lúc này bộ đội ta rất nghèo, không có đồng hồ để biết chính xác thời gian, Siêu Hải cũng vậy. Ông nhớ khi đó, bóng nắng đã qua đỉnh đầu, sự yên tĩnh của dòng Lô lại bị phá vỡ bởi tiếng máy tầu giặc chở nặng vũ khí ngược dòng lên Tuyên. Đó là 2 tàu chiến LCT, đây là đoàn tàu thứ 4 của địch ngược sông Lô. Với tinh thần quyết chiến đến cùng bắn cháy tàu giặc, nên cả pháo binh và bộ binh của ta bố trí mai phục ven sông đều rất bình tĩnh, chủ động chờ tàu địch vào đúng tầm ngắm mới nổ súng. Tuy nhiên, phát đạn đầu không trúng, bởi pháo ta đặt trên rệ sông, đất pha cát, khi pháo bắn, sức giật lớn đã khiến đất lún. Sự cố này nhanh chóng được khắc phục. Và rồi ngay sau đó, khẩu sơn pháo đã gầm lên dữ dội, phụt thẳng từng luồng đạn vào tàu giặc. LTC thứ nhất, rồi LTC thứ hai trúng đạn, ngay lập tức bốc cháy ngùn ngụt, loạng choạng chạy thêm quãng ngắn rồi đâm mũi lên bãi cát giữa sông. Mỗi trái pháo nổ, vỏ tàu địch lại bị phá thủng một lỗ lớn. Dòng Lô cuộn sóng, ngầu lửa đạn. Lính địch hoảng loạn, la hét kêu gào ầm ĩ, cuống cuồng khênh hòm xiểng vứt xuống sông và nhảy xuống nước cố bơi sang bờ An Lão. Bộ binh của ta cũng nổ súng, kết hợp chính xác tiêu diệt địch. Trên đầu bộ đội ta khi ấy, 3 máy bay khu trục của địch lồng lộn xả đạn vào khu vực có trận địa của ta. Lúc này, đạn pháo của ta chỉ còn 5 viên. Một nửa trung đội nhận nhiệm vụ về lấy đạn từ xã Lãng Công, cách đó khoảng 5km. Trong khi chờ tiếp đạn, pháo ta bắn cầm chừng, khống chế giặc. Chúng bỏ lại hai xác tàu, cố sống cố chết mang theo được một khẩu 12 ly 7 vào bờ bên An Lão, và tìm cách bắn trả. Thêm 3 máy bay khác từ Gia Lâm lên thay thế tốp trước. Máy bay địch dường như đã phát hiện ra trận địa sơn pháo của ta, chúng lượn sát trên đầu trận địa, bắn như vãi đạn vào trung đội sơn pháo. Nhưng với công sự được chuẩn bị chắc chắn, các chiến sĩ đều an toàn. Khẩu sơn pháo chỉ bị gẫy một nan hoa bánh pháo và lõm một vết ở càng. Khi có đạn tiếp tế, Siêu Hải lại chỉ huy đồng đội tiếp tục chiến đấu, khẩu 12ly 7 của địch sau đó đã bị trúng đạn, câm họng.

Chiến thắng Khoan Bộ giòn giã, chiến công đầu tiên trên phòng tuyến Sông Lô đã thổi một luồng sinh khí mới và làm nức lòng toàn quân. Từ trận thắng đầu tiên này đã, tạo đà cho những chiến thắng to lớn tiếp theo.

Còn những con người đã trực tiếp làm nên chiến thắng ấy? Những chiến sĩ Tí, Cờ, Nghiên, Tràng, Huyền, Phúc, Hồng, Ngộ, Chú, Thực, Ân, Hoan, Chiến.. trong trung đội sơn pháo năm xưa! Những đồng đội đã sát cánh cùng Nguyễn Siêu Hải làm nên chiến thắng! Những viên gạch đầu tiên xây nên tượng đài pháo binh Việt Nam anh hùng! Nhắc đến họ, gương mặt người trung đội trưởng năm xưa như có mây phủ. Chiến tranh khốc liệt, để đi đến ngày toàn thắng của dân tộc, người đã góp phần máu xương, người nằm lại vĩnh viễn trên chiến trường! Người may mắn trở về đời thương lam lũ. Năm tháng trôi, không biết ai còn ai mất?

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng sông Lô (1947 – 2007), Đài PT – TH Hà Nội mời nhà văn - chiến sĩ pháo binh Siêu Hải tham dự hành trình trở lại chiến trường xưa. Bên ghềnh đất nơi ông và đồng đội đã từng bắn tàu địch, lòng người lính già không khỏi rưng rưng.

Trở về từ chuyến đi ấy,  Siêu Hải  đã viết hồi ký về trận đánh tàu Khoan Bộ, về những chiến thắng trên sông Lô năm xưa, như cách đây mấy mươi năm, sau chiến thắng Sông Lô, ông đã viết tiểu thuyết Sông Lô với tất cả tình yêu và niềm tin. Ông viết như một sự tri ân đồng chí đồng đội, đồng bào – những con người bé nhỏ, lam lũ, mà gan dạ mưu trí một thời đã cùng ông kéo khẩu pháo mấy ngàn cân đi chiến cần để chiến đấu.

Chia tay ông, tôi lại nghe những giai điệu trầm hùng của Trường ca Sông Lô của cố nhạc sĩ Văn Cao – người bạn thâm giao tri kỷ của ông – nhè nhẹ vang lên, vang lên trong căn phòng nhỏ của nhà văn – chiến sĩ Siêu Hải, vào trưa một ngày giữa tháng 4-2009.