Dấu hỏi ở Nậm Xe

Ở các huyện miền núi vùng Tây Bắc, lúc vừa gặp nhau người ta thường mời rượu. Nhưng khi đến Nậm Xe, Phong Thổ, Lai Châu, ông Phạm Tiến Nghị- Phó trưởng bản Po Chà lại khăng khăng buộc tôi phải uống hết cốc nước chè. Hỏi mãi mới biết: “Cũng tại mấy cái mỏ đất hiếm cả thôi. Dân ở đây sống trong vùng có khí độc thoát ra từ mỏ đất. Chỉ có chè mới làm cho người ta tỉnh táo, khỏi mệt”.

Xã nói: “Bị ảnh hưởng”

Ngồi trong nhà ông Nghị, thỉnh thoảng tôi lại được hứng những ngọn gió mang hơi nóng thổi từ đỉnh núi đối diện. Mở hết những cánh cửa, ông Nghị than thở: “Không có gió thì nóng. Nhưng có thì mệt hơn”. Thấy tôi tròn mắt, ông tiếp: “Gió thổi qua mấy mỏ đất trên núi rồi đưa hơi độc xuống đây. Không mở cửa hơi độc sẽ ở lại trong nhà, khổ lắm”.

Là người mới đến, tôi nói thật với ông rằng mình chưa thể hình dung hơi độc đó như thế nào. Cáu tiết, ông đứng dậy kéo tôi về cuối bản để “tao chỉ hơi độc cho xem”.

Cuối con đường ngoằn ngoèo chạy giữa bản là ngôi nhà luôn đóng chặt cửa để giấu ngoại hình của một phụ nữ. Mặc tiếng gọi mỗi lúc mỗi dồn dập, chị vẫn ngồi phía trong. Sau khe cửa, một thân hình phụ nữ thân gầy như cây trúc với mái tóc rối bù và chiếc lưỡi rất to tràn ra khỏi mồm dài gần đến cổ.

Dù đã 22 tuổi nhưng anh chàng này vẫn không biết gì
vì chứng thiểu năng trí tuệ.

“Bố nó nhiễm độc rồi đẻ ra nó”- ông Nghị nói bằng chất giọng tỉnh không: “Ở bản tao có nhiều đứa bị tật lắm. Ngoài nó còn có 2 đứa bị tật ở tay, 1 đứa bị tật ở mắt, 1 đứa bị tật ở môi; 4 đôi vợ chồng cưới nhau lâu rồi mà không có con, tỷ lệ 3% đấy; và rất nhiều người thỉnh thoảng lại lên cơn… ngất xỉu. Mày muốn xem hết không?”

Cách Po Chà khoảng 45 phút đi bộ là các bản Màu, Vẽ, Co Muông và đồn biên phòng 277. Tôi đã đến những bản đấy để “xem” hơi độc và thấy rằng, bản nào cũng có từ 1- 2 người bị tật.

Nhưng ở đây không chỉ có những gương mặt méo mó. Anh Nguyễn Xuân Vui, chiến sĩ đồn biên phòng 277 rụt rè khi kể lại nỗi buồn của vợ chồng của 2 người đồng đội. Cả hai gia đình này từng sống gần đồn, từng mang thai, từng ngất lên ngất xuống vì sinh ra những đứa con không trọn vẹn, chết sau vài phút.

Bác sĩ Hoàng Văn Khiến, Trạm trưởng trạm Y tế xã Nậm Xe nói: “Tôi mới lên nhận công tác nhưng đã nghe dân bản phản ánh người dân sinh thai tóc, thai cóc rất nhiều. Năm 2007 trung tâm cũng gặp 1 ca”- rồi thắc mắc: “Không hiểu sao ở 4 bản Màu, Vẽ, Co Muông, Pò Chà tỷ lệ người dân bị tật, sinh con không trọn vẹn, không sống được lại cao hơn các bản khác”.

Ngày lưu lại Nậm Xe, dẫu quanh Đồn biên phòng 277 có nhiều cây cối nhưng sau giấc ngủ trưa tôi vẫn không thoát được cảm giác ê ẩm, mệt mỏi như bị bóng đè. Chủ tịch HĐND xã Nậm Xe, ông Tẩn Vần Thông chia sẻ: “Không riêng chú, sau giấc ngủ trưa dân ở 4 bản sống quanh chân núi này đều có cảm giác mệt mỏi. Những lúc nắng to, dân bản còn phải chạy xuống suối để tránh độc. Có nhiều người không kịp tránh đã bị ngất”.

Hỏi, đã có con số thống kê trong bốn bản có bao nhiều người khuyết tật, bao nhiêu gia đình sinh con bị chết vì không đủ hình hài? Bao nhiêu người bị nhiễm các bệnh máu trắng, ung thư…?- Ông Thông lắc đầu: “Có thể thống kê số người khuyết tật, nhưng số người mang thai khuyết tật thì không tính được, bởi không phải ai cũng đến sinh ở trạm xá. Còn ung thư, máu trắng thì lại càng khó vì trình độ dân trí người dân ở đây thấp, chẳng mấy khi đến bệnh viện”.

Tôi nói đùa, sống ở đây vất vả như thế tại sao người dân không bỏ đi nơi khác?- Ông Nghị, Phó trưởng bản Po Chà và ông Thông đều lắc đầu: “Ở đây lâu rồi, bao nhiêu tiền bạc họ đã đổ xuống đất xuống nhà hết rồi, bỏ đi biết lấy gì sống?”

* Dấu hỏi ở Nậm Xe: Tỉnh bảo "không có gì" (Phần II)