Dấu hỏi ở Nậm Xe (phần II)

Tỉnh bảo: “Không có gì”

Mất vài giờ xe máy tôi đã về đến thị xã Lai Châu. Chỉ cách nhau có vài mươi cây số nhưng khí hậu ở hai nơi thật khác: Lai Châu mát lạnh, không nóng như ở Nậm Xe.

Chánh văn phòng HĐND tỉnh Lai Châu, ông Trần Văn Chí tỏ ra rất ngạc nhiên khi nghe tôi thuật lại những điều vừa chứng kiến ở các bản Po Chà, Màu, Vẽ, Co Muông và đồn biên phòng 277. Ông Chí nói: “Làm gì có chuyện chất độc làm ảnh hưởng đồng bào. Tôi làm Chánh văn phòng đã 2 năm, chuyên tiếp nhận xử lý văn bản từ dưới gửi lên nếu có chuyện đấy tôi đã biết. Còn không, tại những buổi tiếp xúc cử tri, họp HĐND tỉnh, người ta cũng đã phản ánh, đề cập đến những chuyện này”.

Không khá hơn người đại diện HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, ông Lò Văn Giàng cũng rất dè dặt  khi nói về những gì bà con bốn bản ở Nậm Xe đang gặp phải. Ông Giàng “đề nghị” tôi sang Tỉnh uỷ gặp ông Nguyễn Minh Quang, Bí thư Tỉnh ủy với lý do: “Anh Quang lên Lai Châu trước tôi, nắm được rất nhiều”.

Những ngày nắng nóng, dân bản phải xuống con suối
không rêu này để ngồi tránh.

Tôi đến gặp ông Nguyễn Minh Quang vào sáng hôm sau. Trên chiếc bàn họp đặt giữa căn phòng là tập hồ sơ dày cộm do Giám đốc sở KH&CN vừa mang đến. Ông Quang chỉ vào tập hồ sơ, khẳng định: “Ở 4 bản đấy có chất phóng xạ hay không, mức độ nhiễm xạ thế nào, bên khoa học sẽ trả lời. Còn quan điểm của tỉnh, nếu dân sống trong vùng bị nguy hiểm thì tỉnh sẽ chuyển đi ngay. Tuy nhiên, tôi đã dò hỏi các nhà khoa học và được biết độ nhiễm xạ ở khu vực đó chưa đến mức ấy. Để rõ hơn, anh đến gặp anh Hà, Giám đốc sở KH&CN tỉnh”.

Tôi đã hỏi xin Bí thư tỉnh uỷ kết quả nghiên cứu nói trên nhưng bị từ chối. Bởi, “cái này (kết quả nghiên cứu) để giao cho trung tâm lưu trữ. Có gì anh Hà sẽ trao đổi để anh ghi chép”(?!).

Tôi đã tưởng sẽ khả quan hơn khi được ông Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Sở KH & CN tỉnh cho biết: “Cách đây hơn 30 năm, khi triển khai thăm dò khai thác mỏ đất hiếm người ta đã di dời người dân xuống chân núi để tránh bị ảnh hưởng. Mới đây, sở KH&CN tỉnh đã phối hợp với trường ĐH Mỏ - Địa chất (Hà Nội) thực hiện công trình “Đánh giá mức độ ô nhiễm, khuyến cáo các giải pháp phòng ngừa ô nhiễm phóng xạ vùng nghiên cứu” và kết quả đo độ nhiễm phóng xạ ở khu vực 4 bản Màu, Co Muông, Vẽ, Po Chà là không có gì”.

Nhưng đến khi hỏi lại: “Không có gì” là “dưới” hay “trên” mức cho phép?- ông Hà đã làm tôi băn khoăn bởi câu trả lời được đưa ra khá muộn: “Trong mức cho phép”!

Vấn đề là trách nhiệm với dân

Cứ cho tôi đã tin vào kết quả (bằng mồm) đó. Nhưng nếu “trong mức cho phép” thì sở KH&CN tỉnh sẽ lý giải với người dân như thế nào trước câu hỏi tại sao tỷ lệ người khuyết tật, người mang thai dị tật ở 4 bản này cao hơn hẳn với các bản còn lại của xã Nậm Xe? Tại sao ở đây lại có chứng mệt mỏi sau giấc ngủ trưa, nhiều người ngất xỉu trong những ngày nắng nóng? Tại sao con suối chảy từ núi qua khu vực bản lại không hề có rêu?

Đặt những câu hỏi này với ông Hà, tôi lại thất vọng. Bởi theo ông: “Mặc dù chân núi khu vực dân sinh sống là vùng an toàn, nhưng tại những điểm mỏ trên núi thì hoạt độ phóng xạ tự nhiên đo được lại trên mức cho phép. Với địa hình mỏ nằm trên, dân ở dưới thì những yếu tố như độ rửa trôi của đất, hướng gió, nguồn nước đi qua khu vực có độ nhiễm xạ cao đều có thể là nguyên nhân tác động đến sức khoẻ con người. Câu hỏi đã mở ra một khía cạnh hay, tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu”.

Vậy từ khi có kết quả nghiên cứu đánh giá ô nhiễm phóng xạ đến nay, sở và tỉnh đã khuyến cáo người dân những gì? – tôi hỏi thêm- “Đã bao giờ Sở, Tỉnh hướng dẫn người dân phải sử dụng thực phẩm nuôi trồng trong vùng nhiễm xạ như thế nào để được đảm bảo sức khoẻ chưa?”

Ngoài lệnh cấm khai thác đất núi làm gạch, đến nay người dân
vẫn chưa nhận được khuyến cáo gì từ các cơ quan chức năng.

Và câu trả lời của ông lại khiến tôi bàng hoàng: “Có rồi chứ ! Sở đã đề nghị cấm người dân sử dụng đất trên núi để nung gạch, tránh nguy cơ phát tán độ nhiễm xạ. Riêng việc cắm bảng khuyến cáo về sử dụng thực phẩm là phát hiện của nhà báo. Tới đây Sở sẽ đặt những bảng hướng dẫn người dân sử dụng thực phẩm, nước sinh hoạt thế nào cho an toàn. Vì thực ra, một số cây trồng lâu năm, động vật nuôi ở đây cũng bị nhiễm xạ”.

Điều ông vừa nói có thể đã khiến tôi vui. Nhưng khi nhớ một bài viết của đồng nghiệp ở báo Lai Châu từng “kêu gào” cho người dân Nậm Xe cách đây 2 năm, tôi không vui nữa.

Hai năm- mất một khoảng thời gian khá dài để có một nghiên cứu mang tính chất chung chung. Vậy sau lần này, phải mất bao lâu nữa những tấm bảng mới được cắm lên? Bao nhiêu năm nữa mới có công trình nghiên cứu kế tiếp để người dân được an toàn thực sự?

Và hiện tại, những người dân đáng thương ở đây sẽ phải tiếp tục sống thế nào?