Chuyện ít biết về nữ anh hùng Kan Lịch

Quán cháo đêm “của Kan Lịch”

Trước khi lên A Lưới, tôi được nghe kể nữ Anh hùng Kan Lịch mở quán cà phê. Chắc là cho để khuây khỏa tuổi già. Đến nhà thì thấy có quán thật.

Nhưng, đó không phải là cà phê mà quán ăn đêm, bán đủ thứ cháo, phở, bún cùng rất nhiều đồ nhậu. Quán chỉ mở vào chiều tối, bán đến khuya, chuyên phục vụ dân lao động và khách nghèo.

Cũng tình cờ tôi gặp được chị Phạm Thị Liễu khi đang lúi húi lau chùi chuẩn bị cho buổi bán hàng.  Hỏi ra mới biết đó mới là chủ quán đích thực. Chị Liễu năm nay 54 tuổi, nhà ở tận xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên- Huế. Thị trấn A Lưới này cách quê chị đến gần trăm cây số, với hai chặng đổi xe gần nửa ngày trời.

Chuyện chị Liễu thuê khoảnh sân trước nhà của Anh hùng Kan Lịch nếu không gặp bà, có lẽ chẳng bao giờ tôi được biết. Chị Liễu kể rằng, chị có ba người con, con trai đầu đang học đại học Mỹ thuật ở TP Hồ Chí Minh, một đang học lớp 12, một học lớp 11 ở quê nhà.

Đồng ruộng ở Quảng Ngạn cằn cỗi, cát nhiều hơn đất, ruộng lại ít, hai vợ chồng làm ruộng quần quật quanh năm nhưng gạo cũng chẳng đủ nuôi sống cả gia đình. Để có tiền nuôi con học đại học, chị đã có hai năm đi bán rau ở TP Đà Lạt. Tiền thì cũng đủ sống nhưng đêm đêm chị lại quay quắt với bao nỗi lo về hai cô con gái đang tuổi ăn tuổi lớn ở quê nhà.

Trong một lần về quê, chị đánh liều lên A Lưới vì nghĩ rằng trên đó là miền núi, dù sao đất đai cũng rộng rãi, công việc nhà nông cũng đã quen thuộc nên sẽ dễ sống hơn quê mình. Đường về quê cũng ngắn và thuận tiện hơn, dễ dàng hơn cho việc chăm sóc, bảo ban con cái. Lên A Lưới mới biết thị trấn còn sầm uất hơn phố huyện của mình, nhà cửa mọc lên san sát, nhưng vườn thì ít mà cỏ gianh còi cọc thì nhiều.

Trong buổi chiều lang thang đi tìm việc, chị may mắn gặp Kan Lịch. Nghe tỏ chuyện, thế là cái sân trước nhà nữ Anh hùng thành quán cháo đêm, với giá thuê rất rẻ: 200.000 đồng/tháng. Bàn ghế bán hàng cũng do Kan Lịch cho mượn.

Đã gần bốn năm nay, cái giá thuê nhà ban đầu vẫn không hề thay đổi. Nhờ quán cháo đêm, mỗi tháng chị Liễu gom góp gửi cho người con trai 700.000 đồng để ăn học ở Tp Hồ Chí Minh, mua được một chiếc xe máy. Chồng chị cũng đã từ quê lên A Lưới, ngày ngày chạy xe ôm, tối đến giúp vợ bán hàng, phụ giúp vợ nuôi hai con gái và bố mẹ già ở quê. Khuya về, khi quán đóng cửa, đó cũng là tổ ấm cho anh chị ở vùng đất khách.

Đem chuyện này hỏi Kan Lịch, nữ Anh hùng thật thà:

- Chỗ này bình thường cho thuê cũng được một triệu đồng một tháng. Bán hàng đông khách lắm. Nhiều người bảo tôi “dại thế!” Nhưng lòng tôi không như người khác. Liệu ở đồng bằng nhưng nghèo lắm, mình giúp được gì thì nên giúp thôi. Người ta làm ăn được là tôi mừng rồi.

Và cũng gần bốn năm nay gia đình chị Liệu gọi vợ chồng Kan Lịch là bố mẹ. Tình thân đến nỗi nhiều người vẫn nghĩ đó là quán cháo đêm của con gái Anh hùng Kan Lịch.

Chuyện tình, chuyện đời

Chú Hồ Xuân Chiến, chồng của Anh hùng LLVT nhân dân Kan Lịch cũng là sĩ quan quân đội nghỉ hưu. Ông đi bộ đội chủ lực, thuộc Binh đoàn Trường Sơn, sau về Trung đoàn 47 của Quân khu. Tình yêu của ông bà đã được nhen nhóm trong những ngày kháng chiến và trải qua rất nhiều thử thách. Quen nhau năm 1959, đến tháng 4-1964 gia đình hai bên tổ chức cưới vắng mặt. Phải đến tháng 12-1969, hai vợ chồng mới chính thức được gặp mặt nhau khi cùng ra Hà Nội học. Năm 1971, tức đã bảy năm sau ngày cưới, vợ chồng Kan Lịch mới có đứa con đầu lòng.

Khi tôi tò mò hỏi, họ gặp nhau như thế nào trong chiến tranh, chú Chiến cười lớn:

- Bữa ấy tôi trên đường hành quân, thấy một cô đi cùng đường cũng khá đẹp nên thấy mến luôn. Khi đơn vị dừng chân ở làng, không ngờ lại gặp. Từ đó toàn xa thôi, nhớ nhung hay có gì muốn kể đều chỉ viết thư cho nhau. Hầu như tuần nào tôi cũng viết thư cho bà ấy...

Còn Kan Lịch thì kể:

- Tôi không biết có gặp lại nhau nữa không, nhưng cứ nghĩ khi thống nhất nước nhà sẽ hay. Lúc đó nếu ông ấy đã có vợ thì tôi đi lấy người khác.

Nhưng có lẽ nhờ tình yêu từ tuổi 17 ấy mà họ đã hạnh phúc đi bên nhau cả một chặng đường rất dài, cũng là điểm tựa để Kan Lịch trở thành một người mẹ lớn với rất nhiều thành viên mới trong nhà.

Ngoài hai con và bố mẹ chồng, gia đình ông bà liên tục tiếp nhận thêm chín người con nuôi. Bắt đầu từ người em chồng, vốn là bộ đội tại chiến trường Cam-pu-chia về bị bệnh và mất. Người em dâu đi lấy chồng mới. Thương cảm trước hoàn cảnh ấy, bà đã nhận hai đứa cháu con của họ về nuôi. Năm 1995 người anh trai của chồng bà lại chết để lại 6 đứa con. Người chị dâu khóc chồng đến nỗi mắt không còn nhìn thấy. Gánh nặng gia đình người anh chồng một lần nữa dồn cả lên gia đình Kan Lịch. Bà đã cưu mang cả người chị dâu mù cùng bầy con dại.

Có thời điểm gia đình đại gia đình Kan Lịch lên đến 15 người. Với đồng lương eo hẹp của hai sĩ quan quân đội thời kỳ ấy quả là một gánh nặng quá sức. Kan Lịch đã phải làm đủ mọi việc để trang trải cho gia đình lớn. Có thời điểm cả nhà bà phải ăn cháo, ăn củ rừng tạm bợ qua ngày. Lúc khó khăn nhất, một củ sắn nặng bảy tám cân được bà cạo vỏ, xắt nhỏ chia đủ cho hai bữa. Bà kể: “Nâng bát cháo lên mà nước mắt tràn xuống.”

Hiện các con của Kan Lịch đều đã trưởng thành. Cuộc sống vẫn khó khăn nhưng không còn quá vất vả như trước. Hai người con ruột của Kan Lịch đã có gia đình riêng. Người con gái Hồ Thị Kim Thắng làm Chủ tịch Hội phụ nữ thị trấn. Con trai Hồ Xuân Lợi là Phó công an thị trấn A Lưới, con dâu là cán bộ khối dân vận. Chín người con nuôi cũng đã trưởng thành, tách ra ở riêng. Cả ba cô con gái nuôi đều đã lấy chồng, sáu người con trai chỉ còn một anh chưa lấy vợ, nhưng đủ tự lập để chăm sóc và sống cùng người mẹ bị mù. Khi huyện có chủ trương cấp đất và tiền để người dân tộc Pa Kô tái định cư và xóa nhà tạm tại thôn A5, xã Hồng Vân (A Lưới), Kan Lịch quyết định dùng toàn bộ 10 triệu đồng mà Nhà nước tặng mỗi Anh hùng trước đó, cùng ít tiền mà hai vợ chồng gom góp được, chia đều cho các con để làm nhà.

Kan Lịch kể với tôi rằng, hầu như tháng nào gia đình bà cũng được đón các người bạn Lào sang chơi. Đó là những đồng đội cũ, từng cưu mang Kan Lịch trong chiến tranh, những khi bị giặc truy bắt. Những năm tháng chiến đấu chung một lý tưởng, một kẻ thù đã khiến họ xích lại bên nhau, thân thiết như ruột thịt.

Ngày còn khó khăn, mỗi khi có bạn sang, dù hôm ấy trong nhà hết gạo, Kan Lịch cũng tìm mọi cách để có những bữa cơm tươm tất đãi bạn. Khi đời sống khấm khá lên, biết những bạn Lào về già đời sống có nhiều thiếu thốn, mỗi lần khi bạn sang thăm trở về, chị lại lẳng lặng, lúc thì hộp mì tôm, lúc thì chiếc áo, cái màn dúi vào tay bạn để đi đường.

Kan Lịch thường dặn anh Lợi: “Con làm công an, dù chúng ta mỗi người một quốc tịch, một Tổ quốc khác nhau, nhưng đó là những anh em của bố mẹ, của A Lưới, lúc nào cũng phải kính trọng, giúp được gì phải hết sức mình.”

Bác khuyên mình: “Làm Anh hùng khó lắm, giữ Anh hùng khó hơn”

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hồ Kan Lịch đã lãnh đạo đội du kích Hồng Bắc gồm 160 người trực tiếp đánh 49 trận lớn nhỏ. Do những thành tích xuất sắc trên, tháng 7-1967, Đảng và Nhà nước đã tặng bà Huân chương Quân công giải phóng hạng ba và danh hiệu Anh hùng LLVTND. Kỷ niệm về những cuộc chiến, những chiến công rất nhiều, nhưng bà vẫn nhớ nhất kỷ niệm bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường của Pháp. Với khẩu súng trường được trang bị, Kan Lịch đã bị bắn hạ một chiếc Đa-kô-ta rơi cách sân bay 2km. Đây cũng là chiếc máy bay đầu tiên bị bắn rơi ở phía tây Thừa Thiên-Huế.

Kan Lịch cho biết, chính nhờ chiến công này mà bà đã được thỏa nguyện mong ước của đời mình, được gặp Bác Hồ kính yêu.

Trung tuần tháng 5-1968, để thỏa ước mong của Bác Hồ kính yêu được gặp nữ anh hùng người dân tộc Pa Kô đầu tiên bắn rơi máy bay địch bằng súng trường trên dải Trường Sơn, Quân khu Trị Thiên đã tổ chức đưa Hồ Kan Lịch ra Hà Nội.

Kan Lịch bồi hồi nhớ lại: “Bác tặng cho mình bút viết, radio và ân cần dạy bảo mình từ việc chung cho đến việc riêng. Ngay cả chuyện tình cảm của mình, Bác cũng biết, nên khuyên: “Cháu hãy viết thư ngay cho chú Lích (tức Hồ Văn Chiến, sau nay là chồng của Kan Lịch) báo cho chú ấy và gia đình biết đã ra đây được gặp Bác, ăn cơm với Bác. Đã hứa với ai thì cháu phải chung thủy, giữ lời hứa cho trọn vẹn”...

Trong căn nhà nhỏ vừa xây xong của nữ Anh hùng Kan Lịch, bàn thờ Bác Hồ được đặt ở vị trí trang trọng nhất, sát cạnh nơi hai vợ chồng vẫn trò chuyện hàng ngày. Kan Lịch nói “Tết nào mình cũng làm cơm cúng Bác Hồ, mời Bác về ăn Tết với gia đình”. Chiếc đài Bác tặng, một kỷ vật vô giá bà đã chuyển giao cho Bảo tàng Lịch sử trưng bày, gìn giữ.

Ở cái tuổi gần 70, Kan Lịch vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Đã 40 năm đã trôi qua kể từ ngày được gặp Bác, nữ Anh hùng dân tộc Pa Kô vẫn không quên những lời Bác dặn dò: “Từ sau ngày được gặp Bác, đi đâu, làm gì mình cũng khắc ghi lời Bác dạy: Cháu Kan Lịch này, làm ra Anh hùng là khó nhưng không khó bằng giữ được Anh hùng. Cháu phải cố gắng làm tốt mọi công việc của mình để phát huy tác dụng của một nữ anh hùng, đừng thỏa mãn và dừng tại chỗ ”.

Khắc ghi lời Bác dạy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Kan Lịch luôn nỗ lực để không chỉ trở thành một cán bộ tốt, người vợ tháo vát, người mẹ, người bà tốt mà còn sống chan hòa, luôn giúp đỡ người dân trong vùng mỗi khi họ gặp khó khăn.

Cái nắng chói chang tháng năm ở A Lưới, ngôi nhà mái ngói đỏ rực của bà nằm ngay bên con đường Hồ Chí Minh. Kan Lịch kể rằng, đoạn đường Hồ Chí Minh đi qua thị trấn A Lưới được xây dựng trên chính nền đường 1B cũ, con đường từng đã in dấu chân của người Pa Kô tham gia làm Đường 559 trong chiến tranh.

Bên bàn khách, trông nữ Anh hùng thật hạnh phúc khi miên man trong những câu chuyện đánh Mỹ của bà con Pa Kô , của thế hệ những thanh niên dân công đầu tiên phục vụ con đường chiến lược này... Câu chuyện cuộc đời như sợi chỉ dài không dứt, chạy liền mạch trong những trang sử dài anh dũng kiên cường của dân tộc