Bức xúc chuyện dân sinh ở “Lung ông trời”

NDO - NDĐT- Ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (dân địa phương thường gọi là Lung ông trời) ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang hiện có 109 hộ (với trên 380 nhân khẩu) sống xen lẫn trong rừng. Hầu hết cuộc sống của họ lâu nay gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn… Trong khi đó, chuyện giải quyết vấn đề dân sinh, công tác quản lý, bảo vệ rừng đang là vấn đề bức xúc…

Vất vả mưu sinh, gian nan tìm con chữ

Trong số 109 hộ đang sống trong phân khu bảo vệ nghiệm ngặt của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (thành lập năm 2002) có hộ nhận khoán đất rừng (từ thời còn Lâm trường Phương Ninh) để trồng lúa, mía, số khác thì sống bằng nghề làm thuê, đánh bắt thủy sản, đốn sậy bán, đặc biệt có hơn 60 hộ không đất sản xuất, tìm cách vào rừng khai thác sản phẩm phụ để mưu sinh.

Ông Nguyễn Văn Quyết ba đời sống với đất rừng này, có nhà ở Tiểu khu 2, Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, do không có đất sản xuất, hàng ngày vợ chồng ông phải vào rừng đốn sậy để bán cho những người trồng các loại dây leo làm giàn. Trước đây ông cũng làm thuê, nhưng gần đây sức yếu phải chuyển qua nghề đốn sậy bán. Mỗi ngày vợ chồng ông chỉ đốn được khoảng 1.500 cây sậy, với giá 4.500 đồng/bó (bó 100 cây), kiếm được khoảng 60.000 đồng. Những lúc nắng nóng gay gắt hay mưa dầm, không vào rừng đốn được, cuộc sống càng khó khăn hơn.

Ông Quyết cho biết: “Dù biết rằng cấm không cho vào rừng, nhưng vì cuộc sống, vì chén cơm manh áo, không thể làm khác hơn được. Cuộc sống ở đây, từ cái ăn, cái uống, cái mặc đều nhờ vào đất rừng, nhưng chỉ đắp đổi qua ngày, thậm chí hàng tháng trời chưa ra tới chợ để mua hàng hóa”. Nhìn căn nhà lá lụp xụp, ông Quyết tỏ ra lo lắng: “Năm nay chắc lại thêm một cái Tết buồn tẻ!”.

Đối với những hộ có nhận khoán đất rừng trồng lúa hay mía thì có phần đỡ hơn. Ông Lâm Văn Lục đến đây sống từ năm 1989, nói rằng: Ở đây bà con chịu đủ thứ thiệt thòi. Làm nông nghiệp mà không có vốn thì bó tay. Những hộ còn hợp đồng nhận khoán đất thì được lãnh đạo Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng tín chấp để ngân hàng cho vay, mức cao nhất cũng chỉ 10 triệu đồng để phục vụ sản xuất. Còn những hộ có hợp đồng nhận khoán nhưng đã hết hạn thì gặp rất nhiều khó khăn. Bí quá phải vay bên ngoài với lãi suất cao, hoặc phải chịu cảnh các đại lý kê giá khi mua vật tư phân bón thiếu chịu. Cuộc sống tuy cũng có cái ăn, cái mặc, nhưng chất lượng cuộc sống không bằng ai, khi phải sống trong điều kiện không có lộ giao thông, không nước sạch để sử dụng, còn điện thắp sáng thì phải câu đuôi của những hộ quen từ xã Phương Phú cách nhà hàng trăm mét, có khi cả cây số, nhưng chỉ có khoảng mười mấy hộ thôi. Câu điện nhờ vừa phải trả với giá cao (khoảng 3.000 đ/KW),vừa không an toàn vào mùa mưa, nhất là những lúc giông gió mạnh.

Vì ở lọt tỏm trong khu rừng, không có trạm xá, tổ y tế, nên những khi ốm đau, bà con phải mất cả chục cây số vừa đường sông và đường bộ để ra bệnh viện ở thị trấn cây Dương (huyện Phụng Hiệp). Đau lòng nhất có lẽ là chuyện học hành của các em nhỏ sống ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, vì ít có điều kiện đến trường. Một phần vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, một phần vì nhà xa trường, đường sá lại không thuận tiện, phải bỏ học giữa chừng, hoặc đến lớp trễ.

Em Đặng Quốc Anh, 14 tuổi, nhưng mới học lớp 6. Hàng ngày, em phải ra tận xã Phương Phú để học, mất gần 4 cây số. Quốc Anh tâm sự: “Em rất muốn đi học, nhưng vì nhà nghèo, không biết em theo học được tới đâu!?”. Còn em Đoàn Văn Điệp mới học hết lớp 5 phải nghỉ học từ mấy năm trước để phụ giúp gia đình. Nhà em có tới 5 miệng ăn, lại không đất sản xuất, nên việc học của em phải bỏ dỡ dang. Mới 17 tuổi, em phải theo cha đi đào đất, cắt lúa, làm mía mướn cho người ta, thậm chí vào rừng đốn sậy để bán. Mong muốn của em cũng giống như bao đứa trẻ khác là được đến trường, muốn biết chữ để đọc để viết như người ta. “Trong khu nghiêm ngặt này cũng có cả chục em đồng trang lứa như em, nhưng hầu như không có ai theo học đến cấp 3. Nếu muốn học tiếp phải ra tận thị trấn Cây Dương, hoặc sang huyện Long Mỹ. Điều này thực sự là quá khó, bởi cuộc sống vốn đã khó khăn, lấy tiền đâu mua sách vở, tiền đâu ở trọ… Cuối cùng cũng phải nghỉ học thôi”, em Điệp nói.

Thấy bọn trẻ đi học khó khăn, nhiều hộ sẵn lòng đưa rước mà không hề tính toán. Ông Đinh Văn Khải trước kia cuộc sống gia đình cũng lắm khó khăn, bây giờ tương đối ổn định, nên ông thường dùng xuồng máy để đưa các em nhỏ trong xóm đến trường. Ông Khải, bảo: “ở đây con nhà nghèo, chuyện học hành rất tội. Xưa mình không có điều kiện học hành, bây giờ phải cố tìm mọi cách để có cái chữ cho con cháu. Nhưng lo được lúc nào hay lúc nấy vậy!”.

Lúng túng tìm giải pháp tối ưu

Theo Ban Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, hiện trong khu bảo tồn có trên 1.250 hộ sinh sống với 5.580 khẩu (trong đó chỉ có 593 hộ dân nhận khoán đất rừng với diện tích trên 612 ha để sản xuất nông nghiệp từ thời còn Lâm trường Phương Ninh và cũng có số tự chiếm đất rừng để canh tác). Hiện có khoảng 600 em đang theo học cấp 1 và cấp 2, còn cấp 3 phải ra ngoài thị trấn. Đa phần đời sống bà con ở đây còn lắm khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm khoảng 14%. Riêng đối với khu bảo vệ nghiêm ngặt, tổng diện tích đất rừng người dân đang canh tác khoảng 75ha.

Điều trăn trở của khu bảo tồn là nếu không tạo công ăn việc làm, trẻ em không học hành đến nơi đến chốn sẽ còn cảnh phá rừng, đánh bắt thủy sản, đốt ong lấy mật rất dễ xảy ra cháy rừng, chưa kể đến nay đã có 18 hộ lấn chiếm đất rừng với diện tích khoảng 10ha. Vấn đề trước mắt là làm sao sớm di dời số dân này ra khỏi khu bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng phải đảm bảo ổn định đời sống cho bà con. Đối với các hộ còn lại sống ở các khu, vùng khác như khu phục hồi sinh thái, vùng đệm, vùng lõi… thì vận động họ từng bước chuyển sang trồng rừng. Ông Nguyễn Hoàng Thọ, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, cho biết: hầu hết các hộ dân sống trong khu bảo vệ nghiêm ngặt đến từ nhiều địa phương lân cận, thậm chí từ Kế Sách (Sóc Trăng). Để giải quyết vấn đề này, khu bảo tồn đang lập thiết kế xây dựng khu tái định cư ở khu hành chính dịch vụ theo chủ trương của tỉnh để di dời số hộ dân này ra khỏi khu bảo vệ nghiêm ngặt. Khu tái định cư này có diện tích 5,4ha, kinh phí dự kiến khoảng 24 tỉ đồng, đáp nhu cầu khoảng 200 chỗ ở.

Tuy nhiên, cái khó là phải lo đất cho bà con sản xuất, nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống tốt hơn hiện tại. Vì địa phương không có quỹ đất công, nên Khu bảo tồn đang xây dựng 3 phương án để trình UBND tỉnh: Phương án một là lấy khoảng 100ha đất ở khu Gò Lức trong phân khu phục hồi sinh thái để đổi cho dân. Đất khu này sẽ liền canh liền cư, làm lúa trúng, lại gần chợ Cái Sơn, xã Phương Bình, Phụng Hiệp (chỉ cách khoảng 1,5 km), hơn nữa nơi đây đã có lưới điện quốc gia đi qua. Phương án 2 là lấy đất ở khu khoa học thực nghiệm để làm đất sản xuất cho bà con. Đây cũng là đất rừng, nhưng không liền canh, liền cư, lại vùng trũng, nhiều lung bào, chi phí san lắp mặt bằng cao. Còn phương án thứ ba là giải quyết tái định cư tự do, nhà nước hỗ trợ theo thỏa thuận.

Theo ông Thọ, phương án 2 và 3 người dân khó lòng chấp nhận. Còn phương án 1 lấy đất rừng đổi đất rừng để giao cho dân sản xuất nông nghiệp thì cấp trên có duyệt cho hay không?

Với mục đích nhằm thực hiện các biện pháp bảo vệ nguồn tài nguyên trong khu bảo tồn, cải thiện đời sống nhân dân, việc bức xúc nhất hiện nay là cần phải có quy hoạch khu nhà và đất sản xuất theo hướng trồng rừng cho hộ dân sống trong khu bảo tồn theo từng vùng, từng khu nhất định.

Đồng thời xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm, giúp cho con em họ được học hành. Có như vậy họ mới yên tâm sản xuất, “chung lưng đấu cật” với khu bảo tồn, để bảo vệ rừng và yêu quý rừng hơn.