“Vườn miền nam” trên vùng trung du Quảng Ngãi

NDO -

NDĐT- Sầu riêng, bưởi da xanh, chôm chôm, cam, nhãn… xanh tươi, mướt mát mọc lên giữa vùng trung du huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Đến đây, ai cũng có thể ngỡ ngàng khi nhìn thấy cả “vườn cây trái miền nam”. Mươi năm qua, những vườn trái cây đã đổi thay cả vùng trung du, đưa nhiều gia đình nông dân bên bờ sông Phước Giang sung túc, khấm khá.

Từ vườn cây ăn quả, nông dân Phạm Văn Đạt thu nhập cao mỗi năm.
Từ vườn cây ăn quả, nông dân Phạm Văn Đạt thu nhập cao mỗi năm.

Trồng vườn cây, xây nhà lớn

“Vườn miền nam” trên vùng trung du Quảng Ngãi ảnh 1

Vườn cây trái với nhiều loại trái cây đặc trưng miền Nam xanh tươi của nhà nông Nghĩa Hành, Quảng Ngãi.

Những ngày cuối đông, vợ chồng ông Phạm Văn Đạt và bà Huỳnh Thị Ba ở xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành tất tả chuẩn bị về nhà mới. Năm nay không mưa lũ, việc làm nhà, dọn dẹp nhanh chóng, thuận tiện hơn cho gia đình lão nông đã ở tuổi 78. Căn nhà hai tầng, xây dựng trên khuôn viên 150m2, trị giá hơn 1,1 tỷ đồng nổi bật giữa vùng quê, thỏa nguyện được ước mơ của ông bà sau bao năm. “Phần lớn tiền làm nhà là từ vườn trái cây đấy”, ông Đạt cười róm rém.

Ông vẫn còn nhớ rõ những ngày đầu có duyên với cây trái xứ miền nam. Năm 1999, từ mô hình hỗ trợ của hội nông dân ông bắt đầu kết duyên với cây ăn trái. Ông chọn một góc khu vườn tạp trồng hơn 20 cây chôm chôm với hy vọng kiếm thêm thu nhập. Thời gian đầu chưa quen cây giống, cách trồng nên trái ra nhỏ, ít khiến ông nao lòng, muốn bỏ dở. Sau nhiều lần trồng thử nghiệm, cây chôm chôm bắt đầu sinh trưởng tốt, trái to, trĩu quả. Có thu nhập, cây phát triển tươi tốt ông mạnh dạn trồng thêm bưởi da xanh, cam, quýt, sầu riêng, măng cụt. Khu vườn tạp gần 5.000m2 được dọn dẹp, phát triển thành “vườn cây trái miền nam”. Mỗi năm vợ chồng ông thu hoạch khoảng năm tấn trái cây các loại, lợi nhuận 150 - 180 triệu đồng mỗi mùa.

“Hồi đó nhiều người làm rồi bỏ dở dang. Mình cứ cố bám giữ, rút kinh nghiệm, khắc phục khó khăn. Phải nói là nhờ vườn cây trái mà mình thoát nghèo. Mươi năm qua, gia đình tôi sống nhờ vào đó cả, xây được cái nhà cũng mừng lắm rồi”, ông Đạt phấn khởi.

Vườn trái cây của ông Phạm Văn Công đang trong đợt thu hoạch cuối cùng của vụ mùa. Năm nay, ông thu 2,5 tấn trái cây chôm chôm, cam, mít. Ông Công cho biết, các loại trái cây bắt đầu xuống giống từ tháng năm. Đến tháng 10, 11, ông bắt đầu thu hoạch. Nhờ khí hậu ôn hòa, đất phù sa ven sông Phước Giang, nên vườn trái cây cho năng suất cao, thu hoạch trái vụ so với các tỉnh miền nam nên thương lái thu mua giá cao. Mỗi năm, vườn trái cây 2.500m2 cho ông thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng. Nguồn thu nhập lớn đã giúp gia đình ông thoát nghèo nhiều năm qua.

“Làm nông nghiệp đã khó, làm để có tiền thoát nghèo càng khó hơn. Ngày xưa cực lắm, khó khăn nhiều. Giờ nguồn thu nhập chính là vườn cây trái, trồng được mà giá bán cao nên mới thoát được cái nghèo”, ông Đạt tâm sự.

Không còn cảnh đất khô, cằn cỗi như cách đây vài chục năm, vùng đất trung du Nghĩa Hành nay đã được phủ một màu xanh mướt bởi những giống cây trồng xứ sở miền nam. Qua bao năm, các mô hình vườn cây ăn trái góp phần lớn xóa đói giảm nghèo cho nhà nông miền trung du này.

Phát triển vùng trồng cây ăn quả tập trung

“Vườn miền nam” trên vùng trung du Quảng Ngãi ảnh 2

Dòng sông Phước Giang mỗi năm bồi đắp đất, phù sa cho các vùng ven sông huyện Nghĩa Hành. Ở đây, không khí trong lành, ôn hòa, đất màu mỡ cây trái tốt tươi sau mỗi mùa mưa. Các xã Hành Minh, Hành Nhân, Hành Đức, Hành Tín Đông, nơi sông Phước Giang đi qua vì thế được thiên nhiên ưu đãi hơn so với nhiều nơi trong vùng trũng Nghĩa Hành. Đây cũng là vùng được chọn phát triển vườn cây ăn trái với các giống cây từ miền nam như sầu riêng, bưởi, cam, nhãn xuồng, chôm chôm.

Sau mô hình thí điểm năm 1999, huyện Nghĩa Hành triển khai 45 ha cây ăn trái trên diện rộng từ năm 2005 các xã ven sông Phước Giang. Từ số ít hộ dân tham gia trồng, trọt cho thu nhập cao, thoát nghèo, chính quyền địa phương mạnh dạn mở rộng vùng trồng cây ăn trái. Sau nhiều năm thực hiện, đến nay toàn huyện Nghĩa Hành có hơn 300ha cây ăn trái các loại, nhiều nhất là sầu riêng 34,5ha, bưởi 42,6 ha, chôm chôm 28,5ha… Các giống cây miền nam trồng vùng trung du sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao so với nhiều loại cây trồng khác. Trung bình, mỗi hộ dân trồng, phát triển vườn cây ăn trái, mỗi năm thu về từ 50 - 170 triệu đồng. Nguồn thu ổn định, năng suất cao đã giúp nhà nông vùng ven sông Phước Giang thoát nghèo.

“Tùy vùng mà mình chọn nuôi trồng sao cho hợp lý. Ở vùng này, so với trồng lúa nước hay nuôi bò, heo, trồng cây ăn trái thu nhập cao gấp nhiều lần. Tới mùa thương lái mua hết, mình không cần lo. Vì tháng 10, 11 thì các tỉnh phía nam hết mùa trái cây, nên mình thu hoạch sẽ được giá”, ông Huỳnh Ngọc Cư, thôn Kỳ Thọ Nam 2, xã Hành Đức chia sẻ.

Tiềm năng và triển vọng về phát triển cây ăn quả giúp nông dân vùng trung du Nghĩa Hành thoát nghèo. Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Nghĩa Hành mở rộng vùng chuyên canh cây ăn trái giai đoạn 2016 -2020, trồng các loại cây trái giống miền nam trên diện tích 1.000 ha. Vùng đất được chọn làm vùng chuyên canh là Hành Nhân, Hành Phước, Hành Thiện và Hành Đức.

“Nghĩa Hành là vùng rốn lũ của Quảng Ngãi cũng nhiều khó khăn. Ở các xã ven sông, nước lũ bồi đắp phù sa, nước rút nhanh nên phù hợp với cây ăn trái. Nhiều năm qua, nguồn thu nhập, lợi nhuận lớn nhất trong các loại cây trồng tại địa phương chính là cây ăn trái”, ông Lê Quang Nhu, Phó phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hành chia sẻ.

Vùng chuyên canh rộng lớn được kỳ vọng là cây trồng chủ đạo, mang lại thu nhập cao, cải thiện kinh tế gia đình nông dân. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Phan Bình cho biết, địa phương đang phấn đấu là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi. Vì vậy, bên cạnh đạt được các tiêu chí, việc tái cơ cấu, chọn lựa hướng đi phát triển cho ngành nông nghiệp là ưu tiên lớn của địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện hiện là 4,05%, thu nhập bình quân đầu người 33 triệu đồng mỗi năm là nỗ lực lớn của chính quyền địa phương.

“Thu nhập chính của người dân trong huyện vẫn là nông nghiệp. Vì vậy, trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp chúng tôi chọn quy hoạch, phát triển cây ăn quả là mũi nhọn. Chúng tôi sẽ mở rộng 1.000 ha diện tích cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chủ yếu là bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm. Quy hoạch cây trồng theo từng vùng phù hợp sẽ tăng giá trị gia tăng trên diện tích. Nhờ đó sẽ giữ được mức thu nhập, mức sống cao cho người dân”, ông Phan Bình khẳng định.