Trên đỉnh Sa Mù

Xuất phát từ thành phố Đông Hà (Quảng Trị) trong cơn mưa tầm tã, chiến sĩ biên phòng Nguyễn Văn Dũng, người cầm lái của cả đoàn lo lắng: Vất vả rồi, thời tiết này thì trên Sa Mù sẽ mưa rất to, mây giăng kín, lạnh giá, đi lại khó khăn. Thế nhưng, với những con người đam mê khám phá, được một lần đến với Sa Mù, trải nghiệm cảm giác mới mẻ, về với thiên nhiên, đắm chìm trong mây trời bảng lảng, nghe âm thanh của núi rừng, thì còn gì tuyệt hơn...

Đỉnh Sa Mù.
Đỉnh Sa Mù.
Trên đỉnh Sa Mù ảnh 1

Kiểm tra quá trình sinh trưởng của cây hoa lan hồ điệp trong nhà kính. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Đà Lạt thu nhỏ trên đỉnh đèo

Con đường dẫn lên đèo Sa Mù ngày mưa rất vắng, thi thoảng mới có một chiếc xe chạy ngược chiều. Dốc chót vót, khúc khuỷu như tay vượn. Thượng úy Phan Vĩnh, Đồn Biên phòng Hướng Lập (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) kể: “Trước kia, chưa có đường giao thông, nhắc đến địa danh Sa Mù ai cũng rùng mình, vì địa thế hiểm trở, nhiều dốc dựng đứng, muốn sang bên kia thì chỉ còn cách đi vòng hơn 30 km, thậm chí có những đoạn chưa thấy dấu chân người...”. Năm 1997, Đoàn Công binh Lũng Lô (thuộc Bộ Tư lệnh Công binh) được giao phụ trách khai thông phía nam đèo, để tiện giao thông đi lại. Đoạn còn lại từ đỉnh đèo kéo xuống phía bắc chân đèo do Đoàn 384 (thuộc Binh đoàn 12) phụ trách. Vậy là cung đèo dài 19,8 km, có độ cao gần 1.400 m so với mặt nước biển, giáp biên giới Việt Nam - Lào hoàn thành, nối liền hai xã Hướng Phùng và Hướng Việt của huyện Hướng Hóa, mở ra nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. Nơi đây quanh năm mây phủ trắng xóa, tiết trời mát mẻ, được ví như một Đà Lạt thu nhỏ với nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Gió dàn dạt thổi, mưa nặng hạt dần, gõ đồm độp vào kính xe. Nước rũ là là không gian, tựa màn sương vương trên miên man phiến núi. Mất hơn hai giờ đồng hồ xuyên qua mây mù với những khúc cua tay áo, bồi hồi gấp gáp đến thót tim, đoàn chúng tôi mới tới Trạm Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ Bắc Hướng Hóa (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị). Đến trạm cũng là lúc mưa tạnh, chỉ còn tiếng gió thổi vi vút, gầm trời thả những đám mây ềm ệp thật gần, tưởng như giơ tay với được. Giám đốc Đào Ngọc Hoàng có vẻ ngoài giản dị, chân chất, đúng nghĩa một con người cả đời chỉ làm khoa học. Sau màn làm quen, vị giám đốc dẫn chúng tôi đi thăm những thành quả của trung tâm. Vừa đi, ông vừa chia sẻ: Năm 2016, Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) tỉnh Quảng Trị mới bắt đầu khảo sát và lập Dự án xây dựng Trạm Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ Bắc Hướng Hóa trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin khoa học - công nghệ. Mục tiêu của dự án nhằm nghiên cứu, khảo nghiệm các đối tượng cây trồng mới, các loại dược liệu quý và một số loại hoa có giá trị gia tăng cao, phù hợp đặc điểm của tiểu vùng khí hậu mang tính đặc thù; hướng tới xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất, chế biến để nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đó, trạm sẽ là nơi triển khai các mô hình ứng dụng nghiên cứu KH và CN, dựa trên những kết quả đạt được của các công trình nghiên cứu đã công bố, tiến hành nhân rộng ở nhiều địa phương trong cả nước có đặc điểm về điều kiện tự nhiên và khí hậu tương tự; xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, ngoài việc nâng cao đời sống người dân, cải thiện tình hình sản xuất du canh du cư, tự cung tự cấp, mà còn góp phần ổn định kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh dọc tuyến biên giới. Địa điểm thực hiện dự án thuộc địa phận xã Hướng Phùng, là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng và có đường giao thông thuận lợi...

Khởi nguồn con số không...

Mở cửa căn nhà kính, nơi trồng hơn 13 nghìn cây hoa lan hồ điệp, ông Hoàng nhớ lại, khi tham gia lập dự án, ông rất hoang mang, bởi lúc ấy giữa núi rừng hoang vu trong tay chưa có một chút gì ngoài sự quyết liệt của đội ngũ lãnh đạo Sở KH và CN, sự ủng hộ hết mình của UBND tỉnh, Bộ KH và CN, nhiệt huyết của cán bộ và nhân viên trung tâm. Nói bắt đầu từ con số không là bởi lúc đó, chưa ai biết sẽ bắt đầu công việc từ đâu và phải làm những gì… Thế nhưng, với những nỗ lực của Sở KH và CN, sự giúp đỡ của địa phương, của các chiến sĩ bộ đội biên phòng đứng chân trên địa bàn, hình hài trạm nghiên cứu và ứng dụng dần hoàn thiện. Với nguồn vốn ban đầu của dự án là từ Chương trình nông thôn miền núi của Bộ KH và CN, vốn của Sở KH và CN tỉnh và vốn đối ứng của trung tâm, các cán bộ nghiên cứu đã đo đạc, khảo sát các thông số tại nhiều điểm khác nhau trên đèo Sa Mù về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng,… Những số liệu thu được cho thấy khu vực đèo Sa Mù phù hợp nhiều loại cây ôn đới, thích hợp một số giống cây nhập từ nước ngoài, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Để xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trạm từng bước xây dựng hạ tầng và nhà xưởng phục vụ sản xuất, gồm: hệ thống nhà kính với đầy đủ trang thiết bị; sử dụng hệ thống nước tự chảy lấy từ trên núi, sử dụng quy trình tưới tự động, nhỏ giọt; hệ thống cảm biến tự động; hệ thống làm mát, giữ nhiệt; pin sử dụng năng lượng mặt trời; hệ thống ca-mê-ra theo dõi; hệ thống điều hành, vận hành từ xa qua in-tơ-nét. Mặc dù con số đầu tư ban đầu hơi cao so với sản xuất nông nghiệp thông thường, tuy nhiên về lâu dài sẽ góp phần bảo vệ môi trường và hạ giá thành sản phẩm, bởi lẽ tất cả đều sử dụng những nguyên liệu sẵn có từ thiên nhiên. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ nghiên cứu của trung tâm thường xuyên học tập, nghiên cứu những công nghệ mới nhất trong nông nghiệp, nhất là công nghệ sản xuất sản phẩm ôn đới và tiếp nhận các quy trình công nghệ được chuyển giao.

Quả thật, nhìn cơ ngơi khang trang, căn nhà kính với hàng chục nghìn cây lan hồ điệp đua nhau khoe sắc, mới nể phục ý chí và nghị lực của cán bộ và nhân viên nơi đây. Lan hồ điệp là loài hoa rất “khó tính”, thời gian từ lúc trồng đến khi cho hoa là khoảng hai năm. Hai năm để cho ra một nhành hoa làm đẹp cho đời, các kỹ sư, nhân viên nơi đây đã phải “ba cùng” với hoa, theo dõi độ ẩm, hướng gió, ánh sáng, nhiệt độ... Có những người cả tháng mới “xuống núi”, thường được gọi vui là tái hòa nhập cộng đồng. Đang chăm chút tỉa từng cánh hoa, kỹ sư nông nghiệp Lê Ngọc Trí cho biết: “Mặc dù mới ra trường, nhưng em đã xung phong lên đây, với sức trẻ và lòng nhiệt huyết, em mong được cống hiến hết mình cho nền nông nghiệp. Từ đó, có thể chuyển giao công nghệ cho nông dân, nhất là bà con người dân tộc Vân Kiều sinh sống nơi đây, giúp họ thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững”.

…đến kỳ “trái ngọt”

Dẫu điều kiện nơi đây phù hợp để hình thành vùng nguyên liệu, sản xuất, chế biến sản phẩm chất lượng cao, nhưng để có hiệu quả, tạo thu nhập cho người dân, thì những con người dấn thân lên vùng núi sơ khai này đã phải đánh đổi, hy sinh rất nhiều. Theo anh Nguyễn Trường Học, cán bộ phụ trách kỹ thuật tại trạm, các mô hình sản xuất thử nghiệm tập trung vào các loại hoa có giá trị kinh tế cao như: tuy-líp, ly, lan hồ điệp..., tất cả đều được ứng dụng công nghệ cao, chăm sóc theo hướng tự động hóa, khép kín, hệ thống giám sát và điều khiển từ xa, giúp chủ động hoàn toàn trong khâu chăm sóc hoa. Nói về công việc thì say mê như vậy, nhưng khi được hỏi về gia đình, anh Học như trầm lại. Lo lắng về những người thân đã tuổi cao, sức yếu, lo lắng về con thơ đang tuổi học hành, nhưng vì đam mê khoa học, anh và người vợ hiền đã cùng nhau lên đây xây tổ ấm ở vùng đất này.

Với vị trí địa lý đặc biệt cũng như điều kiện khí hậu, cùng với việc ứng dụng công nghệ cao, không chỉ các loại hoa cao cấp thích nghi và phát triển tốt ở khu vực Bắc Hướng Hóa mà nơi đây còn là địa điểm lý tưởng để xây dựng mô hình sản xuất một số loại dược liệu quý, có giá trị cao như: đông trùng hạ thảo, lan kim tuyến, sâm Ngọc Linh, thất diệp nhất chi hoa và trồng thử nghiệm thành công nhiều mô hình dâu tây, cà chua siêu ngọt… Ngoài ra, cơ sở nuôi cấy mô đã được đầu tư xây dựng, sản xuất cây giống phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Một số loại hoa và sản phẩm dược liệu trồng thử nghiệm bước đầu đã được đưa ra thị trường. Cụ thể, tháng 11 vừa qua, lứa hoa lan hồ điệp trồng thử nghiệm đầu tiên được giới thiệu với một bộ phận khách hàng trong tỉnh và được nhiệt tình đón nhận. Đáng chú ý, cây dâu tây trồng thử nghiệm đã cho trái, chất lượng không thua kém dâu tây trồng ở Đà Lạt, bước đầu nhân rộng, dự kiến sẽ cho thu hoạch trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Kết quả này chứng tỏ những sản phẩm do trạm trồng thử nghiệm thích hợp khí hậu, thời tiết, hợp nhu cầu và thị hiếu của người dân.

Trò chuyện với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng khẳng định: “Với những kết quả bước đầu, Trạm Nghiên cứu, ứng dụng KH và CN Bắc Hướng Hóa đã trở thành mô hình trọng điểm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Quảng Trị, tạo ra những sản phẩm bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Đây cũng là cơ sở, tiền đề để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn, nhất là các sản phẩm mũi nhọn như cây dược liệu và nông nghiệp hữu cơ”. Giám đốc Sở KH và CN Trần Ngọc Lân chia sẻ thêm: “Đây cũng là nguồn động viên lớn lao cho chúng tôi, những người làm khoa học, đồng thời cho thấy một hướng đi hiệu quả, thiết thực vì đã “đánh thức” tiềm năng, lợi thế của vùng đất “ngủ quên” lâu nay. Những năm tới, Sở sẽ nghiên cứu, ứng dụng, nhân rộng các mô hình đã thử nghiệm thành công tại trạm. Chúng tôi mong muốn tiếp tục được tỉnh, Bộ KH và CN, các doanh nghiệp ủng hộ để sản phẩm nông nghiệp Quảng Trị có thể tiến xa, đến với thị trường các tỉnh trong khu vực và cả nước”.

Xe bồng bềnh trôi trên con đường vàng rực mầu của hoa cúc quỳ đang vào mùa, mây trắng lững lờ, gió ào qua từng ô cửa. Vậy mà, mỗi con người ở đây hằng ngày phải đối mặt với gió rét, sự thiếu thốn, nỗi nhớ nhà... Làm khoa học đã là một sự hy sinh thầm lặng. Làm khoa học nông nghiệp ở Sa Mù càng phải hy sinh gấp bội.