"Tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ "

Nhắc đến đồng bằng sông Cửu Long, người ta nghĩ ngay đến những cánh đồng bạt ngàn lúa oằn bông rộ chín, những con sông ăm ắp cá tôm, chở nặng phù sa. Vùng đất “trên cơm dưới cá” ấy sẽ đơn điệu biết bao nếu thiếu đi cảnh sắc và hương vị của mùa nước nổi…

"Tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ "

Khác với những nơi khác, ở đồng bằng sông Cửu Long, người ta không gọi mùa nước dâng cao, đổ về các cánh đồng, dòng sông là “mùa nước lũ”, mà gọi là “mùa nước lên”, “mùa nước nổi”… Dòng nước cuồn cuộn, hung dữ từ thượng nguồn Mê Công sau khi đi qua đại ngàn, đổ vào Cửu Long, chan hòa đồng ruộng, kênh mương, lòng được trải rộng, hiền hòa, ban cho vùng đất này nhiều phù sa và sản vật.

Theo thông lệ, cứ vào khoảng đầu tháng 6, tháng 7 âm lịch, cư dân thượng nguồn sông Cửu Long lại bắt đầu một mùa làm ăn mới. Nhưng những năm gần đây, nhiều đập thủy điện được xây dựng dọc theo sông Mê Công cùng với tình trạng biến đổi khí hậu, khiến mùa nước nổi về muộn và lưu lượng nước năm sau thấp hơn năm trước. Kinh nghiệm cha ông đã đúc kết: “Tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ”, nhưng năm nay mới bước vào trung tuần tháng 6 mà mực nước ở các nhánh sông đã bắt đầu dâng cao, báo hiệu mùa lũ mới về sớm hơn và nước có thể cao hơn.

Những chiếc xuồng cất dưới sàn nhà từ năm ngoái được đem ra trét dầu chai; lưới được sắm mới, ngư cụ sẵn sàng; đê điều được kiểm tra, mái nhà, chân cột, cây cầu được sửa chữa. Không khí đón mùa nước nổi sôi động dần theo từng con nước lớn, cảm giác rằng người dân thượng nguồn sông Cửu Long chuẩn bị cho một mùa làm ăn nhiều hơn là đương đầu với mùa lũ ngập trắng đồng.

Nhớ lại mùa nước lớn kinh hoàng năm 2000, ông Phan Thanh Hùng, nhà ven sông Hậu, đoạn chảy qua TP Châu Đốc cho biết: “Năm đó, nước về sớm, đột ngột dâng cao, ngập hết các con đường trong thành phố, mọi sinh hoạt đều lâm vào tình cảnh khó khăn; giao thông đường bộ tê liệt hoàn toàn. Đã có hàng chục người chết vì đuối nước, hàng trăm ngôi nhà bị lũ cuốn trôi và hầu như tất cả các ngôi nhà ở Châu Đốc đều có dấu “chớn” của nước nổi in đậm”. “Chớn” cách chân tường hơn 1 m, chia thành hai gam mầu đậm, nhạt khác nhau của phù sa đọng lại sau khi nước rút là dấu con nước lên. Nhìn vào ngấn “chớn” người dân biết nước năm nay đã về được bao nhiêu, và lượng nước nhiều hay ít hơn những năm trước.

"Tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ " ảnh 1

Người dân thu hoạch bông súng đồng trong mùa nước nổi.

Có người ví von rằng, “Nước lũ ở vùng châu thổ sông Cửu Long cũng như một Thánh mẫu tuy khó tính, khó chiều nhưng sâu thẳm lòng dạ rất đỗi hiền từ. Đằng sau những phạt vạ, giáng họa, Thánh mẫu luôn phóng khoáng ban tặng cư dân những đặc ân rất đỗi thân thương”. Với gia đình ông Nguyễn Văn Cư ở xã Đa Phước, huyện An Phú (An Giang) thì mùa nước lên là mùa nghỉ ngơi sau một vụ lúa tất bật. Đó cũng là mùa cho đất nghỉ, rửa phèn mặn, phân bón hóa học và đón phù sa về bồi tụ cho đất thêm màu mỡ, nhấn chìm các loài côn trùng, sâu bọ phá lúa; đưa cá về sinh sôi mang lại nguồn lợi thủy sản. Hình ảnh những chiếc xuồng giăng lưới, cắm câu, đặt lọp neo kề bên nhau, trên thuyền ngư dân trò chuyện, chia nhau từng điếu thuốc, chung trà, minh chứng cho nét đẹp tính cách hào sảng, phóng khoáng và gần gũi của người miệt đồng bằng sông nước.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất tương đối thấp, những vùng trũng tập trung nhiều ở khu vực ven biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia; mùa nước về theo sông tràn vào đồng ruộng, mênh mông là nước, lác đác vài ngôi nhà, đọt cây nhưng trên cánh đồng nước ấy là một cuộc mưu sinh nhọc nhằn nhưng thấm đẫm nghĩa tình. Hầu hết người dân vùng này đều cất nhà sàn cao. Nghèo cách mấy cũng cố gắng xây dựng chân cột, mái nhà vững chắc. Những ngôi nhà cất gần nhau thành từng xóm, làng nằm rải rác trên đồng nước. Con đường tuy đã được đắp cao nhưng vẫn bị nước nhấn chìm, cho nên những cây cầu tre, ván bắc tạm, nối nhà này với nhà kia. Người trẻ thì lên xuồng, ra sông hoặc sang đất bạn mưu sinh. Sau một ngày lao động vất vả, mọi người lại quây quần bên nhau với mớ cá tôm vừa đánh bắt, nhâm nhi ly rượu trong cơn gió chiều.

Tình làng nghĩa xóm được thắt chặt vào mùa nước nổi. Những đứa trẻ có ba mẹ đi làm sớm, được đem đến gửi nhà hàng xóm trông coi giúp. Cứ nhà nào được mẻ cá, mẻ bông súng, bông điên điển thì lại đem chia cho các nhà khác, có món ăn nào ngon cũng đem chia cho nhau. Người dân nơi đây bám vào sông, vào đồng, vào tình làng nghĩa xóm; hồn nhiên đón con nước như thể đó là người bạn, là nguồn sống mà tạo hóa ban tặng một cách hồn hậu và bao dung.

Anh Trần Minh Hải, nông dân sống trên cánh đồng ven biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia cho biết, vừa qua vụ lúa, đang xả lũ cho nên anh chị tranh thủ sắm một chiếc ghe cào, đi cào cá trên sông. Mỗi ngày trừ chi phí, hai vợ chồng cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng, có bữa “sông đãi” nhiều cá tôm thì có thể kiếm được vài triệu đồng. Anh Hải cho biết, năm nay con nước về sớm do vậy mà mùa cá linh cũng đến sớm hơn. Đây là loại cá sông sống trong tự nhiên, không thể nuôi được, chỉ về theo mùa nước nổi. Trong mấy năm gần đây, lượng cá linh giảm sút đáng kể, không đủ cung ứng cho thị trường. Những ngày đầu mùa này, giá cá linh non bán tại chỗ từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng/kg, riêng ở các chợ có giá từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng/kg. Những người cào cá ở Châu Đốc dự đoán sẽ có một mùa “ít cá nhưng nhiều tiền”.

Tuy nhiên, lênh đênh trên sông mùa nước lớn cũng gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm. Những lúc mưa to, gió lớn không thể đánh bắt, kể như mất trắng một ngày. Đó là chưa kể đến việc lưới mắc gốc cây, vật cản bị rách nếu không kịp thời phát hiện ra thì phải lặn xuống đáy sông mò gỡ lưới. Vào mùa cao điểm, ngư dân thường đánh bắt thủy sản vào ban đêm, để kịp có cá tôm tươi sống bán vào phiên chợ sớm. Vì cuộc mưu sinh, ngư dân không những phải chấp nhận dầm mình trong mưa gió, sương đêm, mà còn phải đối diện với sông sâu, sóng dữ.

"Tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ " ảnh 2

Người dân thu hoạch cá linh mùa nước nổi.

Ngư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long có tập tục thờ cúng “Bà Cậu”; tùy theo quy mô và phương tiện đánh bắt mà có cách cúng kiếng khác nhau. Tuy nhiên phần chung vẫn là, mỗi lần sắp đi đánh bắt cá, người ta phải rửa mui ghe, xuồng và khấn vái “Bà Cậu độ cho con ra sông (đồng) mạnh giỏi, trúng lưới (câu)”. Phải chăng trước sóng gió bất thường, trước cuộc mưu sinh “nhất phá sơn lâm, nhì đâm Hà Bá”, người ta nương tựa vào “Bà Cậu” như một chỗ dựa tinh thần để bám sông, bám đồng trong mùa nước nổi… Trong số những cư dân theo nghề “Bà Cậu” còn có một nhánh nghề ít người nhắc đến, là nghề thợ lặn. Đây là một nghề gắn liền với nghiệp “Bà Cậu”, có nhiều yếu tố tâm linh và vô cùng nguy hiểm. Khi con nước dâng cao sẽ xảy ra hiện tượng quay dòng, thuyền bị sóng đánh chìm hoặc xảy ra tai nạn. Người thợ lặn tham gia trục vớt thuyền đắm, gỡ lưới mắc vào vật cản, và cả lặn tìm thi thể người chết đuối… Hầu như họ không được học qua trường lớp nào, không có thiết bị chuyên dụng hay dụng cụ bảo hộ. Không ít những trường hợp bị áp suất nước làm cho bị vọp bẻ (chuột rút), mất hơi, vỡ tim… chết thảm. Tuy nhiên theo sự sống còn của nghề sông nước, những thợ lặn “duyên đến, nghiệp kêu” vẫn nối tiếp nhau trên khắp các nẻo sông, nhất là trong mùa nước nổi.

Anh Ngô Văn Tâm Em, người có hơn 30 năm làm nghề thợ lặn ở khúc sông Chợ Thủ (thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) cho biết: Trung bình tháng nào cũng có người gọi anh lặn trục vớt ghe, tìm vật dụng rơi, mò người đuối nước… Vào cữ tháng 7, tháng 8 âm lịch, công việc bận rộn từ sáng đến chiều, có khi lặn cả ban đêm. Tiền công tùy thuộc vào độ khó dễ, trung bình mỗi ngày lặn tìm đồ vật, anh cũng thu được từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng, thậm chí bốn đến năm triệu đồng.

Vào mùa nước nổi, người theo nghề “Bà Cậu” nhiều việc thì người dân buôn bán thủy sản cũng ăn nên làm ra theo con nước. Nhiều “chợ ma” được hình thành trên các đoạn sông. Đây là những phiên chợ đầu mối đặc biệt do các ngư dân hẹn nhau nhóm họp khoảng từ 3 đến 5 giờ sáng, bán hàng cho thương lái. Từ các “chợ ma” này, những con tôm, cá, chuột, rắn, rùa… được đưa đến chợ, quán ăn, nhà hàng nhiều nơi trong khu vực và cả nước.

Với nguồn thủy sản phong phú, mùa nước nổi góp phần tạo ra những món đặc sản dân dã mà chỉ trong mấy tháng nước lên mới có thể tìm đủ nguyên vật liệu. Những món được chế biến từ cá, mắm đi kèm với rau đồng, bông điên điển không chỉ hấp dẫn cư dân nơi đây mà còn thu hút du khách và người phương xa. Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam đã qua, nhưng lượng khách du lịch đến với vùng đất đầu nguồn Châu Đốc vẫn rất đông. Ngoài du lịch tâm linh, còn có một lượng lớn du khách đến đây vì mùa nước nổi. Nhờ vậy mà lao động địa phương có công ăn việc làm xuyên suốt, kiểu “mùa khô xuống đồng, mùa nước ra sông”. Khi các chợ đã bắt đầu nhộn nhịp cá linh, cá đồng, bông điên điển… thì cũng là lúc mùa nước nổi tràn về.

Vói những người con vùng sông nước đi xa, nỗi nhớ quê hương đầu tiên không phải là hình ảnh góc bếp, sân vườn mà thường là ký ức về mùa nước nổi. Khi mặt trời nhô lên lúc hừng đông thì cũng là lúc trên mặt nước bắt đầu nghe tiếng xuồng rẽ sóng đưa người đi chợ, đi học, đi đánh lưới. Khi tiếng kêu vịt chạy đồng, tiếng lòi tói xuồng về bến sông, tiếng ếch nhái kêu tìm bạn… vang lên là lúc hoàng hôn đang dần buông xuống. Vào mùa nước nổi, những người dân đồng bằng sông Cửu Long đi làm ăn xa đều cố gắng về thăm quê một lần, để được tắm mình trong ký ức, thưởng thức món cá linh kho mía, tép xào bông điên điển… - món ăn thuở xưa chỉ dành cho những người nghèo đói, khó nhọc nay trở thành đặc sản miền quê này.

Sẽ lạ, khi biết rằng trong tâm thức cư dân đồng bằng sông Cửu Long không có khái niệm mùa nước lũ. Con nước dữ khi về đến Cửu Long, được chào đón nồng hậu; những kênh rạch như những cánh tay của ruộng đồng hân hoan đón phù sa cùng nhiều sản vật. Với những đặc ân hết sức hào phóng ấy, không lẽ lại gọi đó là mùa lũ và chối từ tấm lòng của con nước về hằng năm?

Khi chúng tôi hoàn thành bài viết này, tại ngã ba sông Châu Đốc, con nước bắt đầu lên cao. Cư dân nơi đầu nguồn gửi tới chín nhánh sông niềm tin vào một “mùa nước đẹp”…