Tết là những ngày thường

NDO -

NDĐT – Tết hay ngày thường, vẫn có những nỗi niềm của những số phận “chẳng như bình thường”. Và vẫn còn có nhiều người sẵn lòng san sẻ bớt thời gian được đầm ấm bên gia đình của mình để chăm lo cho những người có hoàn cảnh đặc biệt. Với họ “Tết là những ngày bình thường” khi đã chọn gắn bó với những người kém may mắn.

Học sinh Trường tiểu học Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm, Hà Nội) biểu diễn văn nghệ chào xuân cùng Nguyễn Thúy (áo vàng) và các bạn tại Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội.
Học sinh Trường tiểu học Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm, Hà Nội) biểu diễn văn nghệ chào xuân cùng Nguyễn Thúy (áo vàng) và các bạn tại Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội.

Những cái Tết đầu tiên

Bé An (tên do PV đặt) mở to mắt, lạ lẫm nhìn hai người lạ tới bế mình tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 3, cơ sở 2 (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Hà Nội). Là trẻ mồ côi được chăm sóc tại đây từ khi còn đỏ hỏn, mới đây An đã được cha mẹ nuôi đến đón về chăm sóc. Năm nay chắc chắn sẽ là một cái Tết khác hẳn của em, bởi lần đầu tiên từ khi sinh ra trên đời, An đã có và được ở bên bố mẹ, gia đình.

An còn quá nhỏ để hiểu hết ý nghĩa của việc được sum vầy bên gia đình trong những ngày Tết đến, Xuân về. Còn trên gương mặt những người mẹ ở Trung tâm thì ánh lên rõ rệt niềm hạnh phúc khi thêm một đứa con lần đầu có Tết, theo đúng nghĩa là được quây quần bên gia đình thực sự của mình.

Bận rộn thúc giục các mẹ mặc quần áo để đưa An ra xe, chị Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Giám đốc Trung tâm, xúc động: “Chia tay bao giờ cũng nhớ nhưng cũng rất mừng vì các con đã có cha, có mẹ, có mái ấm gia đình”.

Khác với An, 16 đứa trẻ ở Trung tâm năm nay sẽ tiếp tục đón Tết với những người “mẹ” - cách các cô ở đây vẫn dùng để xưng hô với các em. Các con hầu hết đều rất nhỏ, đa số dưới 5 tuổi, thậm chí có bé chỉ mới chưa đầy hai tháng tuổi. Các con đều là trẻ mồ côi, trẻ mất nguồn nuôi dưỡng… Và các mẹ của Trung tâm là những người trực tiếp lo toan, bù đắp cho các con có một cái Tết sao cho đủ đầy đúng nghĩa, với bánh chưng, áo mới, lì xì và cả hơi ấm tình thân.

Trung tâm Bảo trợ xã hội 3, cơ sở 2 là nơi tiếp nhận các bé từ sơ sinh đến 5 tuổi. Tại đây chỉ số ít trẻ bị khuyết tật, còn đa số các em phát triển bình thường. Các con được chăm sóc đến khi 5 tuổi, sau đó sẽ được gửi tới cơ sở chính để đi học. Có thể nói, niềm mong mỏi lớn nhất của các “mẹ” ở đây là con sẽ may mắn được nhận nuôi và có một mái ấm gia đình.

Mẹ Chi (quê ở Nghĩa Hưng, Nam Định) đã 13 năm trực tiếp chăm sóc các trẻ sơ sinh được đưa về Trung tâm, thổ lộ: “Mỗi con rời xa mái nhà Trung tâm về với cha mẹ nuôi tôi đều cảm thấy rất mừng vì tin rằng khi về với gia đình mới, các con sẽ được chăm sóc và yêu thương nhiều hơn để hướng tới tương lai tươi sáng”.

Tết là những ngày thường ảnh 1

Mẹ Chi 13 năm gắn bó với việc chăm sóc các trẻ sơ sinh tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 3.

Phó Giám đốc Trung tâm, chị Thu Phương có kinh nghiệm hơn 20 năm gắn bó với lĩnh vực công tác xã hội, đã quen với việc trực cả bảy ngày Tết. Nhưng đây là năm đầu tiên chị đón Tết cùng các mẹ và các con nhỏ tại Trung tâm kể từ khi về nhận công tác quản lý từ đầu tháng 1-2018. Những năm trước, chị thường đón Tết tại cơ sở chính, nơi có cả người già và trẻ nhỏ. “Ở đó, vào dịp lễ Tết, mình phải luôn túc trực, nếu có các cụ mất thì phải tổ chức tang lễ, còn với trẻ nhỏ thì là lúc ốm đau… Đó là chuyện bình thường của công việc rồi” - chị Phương tâm sự. “20 năm làm việc, nếu cảm thấy bình thường thì mới gắn bó được. Những người nào không trụ được đã rời đi rồi, còn những ai thích sự thầm lặng, tỉ mỉ, muốn dành tình cảm cho các con thì tiếp ở lại cống hiến”.

“Mình coi Trung tâm như nhà. Tết đến cũng mua đào, quất cho có không khí. Nếu điều kiện cho phép thì mua cả hai, không thì chỉ một thôi. Trung tâm cũng tổ chức đầy đủ từ gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả, tổ chức giao thừa, mua quần áo mới cho tới lì xì mừng tuổi để các con không cảm thấy bị thiệt thòi…”

“Mình coi bọn trẻ ở đây như con và luôn mong muốn các bé có được gia đình, được đoàn tụ, học hành để sau này có công ăn việc làm, dựng vợ gả chồng, có con cái”, chị Phương nói.

Nỗi niềm không chờ Tết

Những ngày sát Tết, cô giáo Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã tổ chức đưa các em học sinh của mình đến thăm, tặng quà cho các bạn, các bác ở Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội. Các thầy cô, các em học sinh còn chuẩn bị một tiết mục văn nghệ mừng xuân rộn rã, vui tươi, tràn ngập không khí ngày Tết để biểu diễn tại đây. Đã 10 năm nay, cô Bích Liên đều đặn đến với trung tâm này. “Tôi nghĩ, quà, vật chất là một phần, còn ngoài ra, sự giao lưu, chia sẻ sẽ làm ấm lòng cả người cho và người nhận và quan trọng là tình cảm này sẽ lan tỏa tới ngày một nhiều người hơn”, cô Liên chia sẻ.

Tết là những ngày thường ảnh 2

Học sinh Trường tiểu học Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm, Hà Nội) háo hức chuyển quà vào Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội.

Nếu lần đầu tiên tới đây, không ít người sẽ thấy vừa ám ảnh vừa xót xa và cả sợ hãi nữa. Đó cũng chính là cảm giác xâm chiếm tâm trí của Lê Thúy Mai, 25 tuổi, hiện là nhân viên hộ lý của Nhà trẻ 4, khi mới bước chân vào làm việc tại Trung tâm.

“Ban đầu tôi cảm thấy sợ rồi sau đó là thương nhiều hơn. Ở đây có quá nhiều đứa trẻ khuyết tật, không phát triển bình thường. Đôi khi tôi phải chứng kiến cả những ranh giới của sự cận kề sống - chết mong manh”, Mai nói.

Nhắc tới bé Hiền, một em nhỏ kém may mắn hơn cả trong số các con được chăm sóc ở đây, Mai lại rơi nước mắt. Lúc mới được đưa vào Trung tâm, sức khỏe bé rất kém, phổi bị xẹp, thường xuyên phải đi viện cấp cứu. “Con phải đặt ống thở và cảm giác có thể “đi” bất cứ lúc nào” - cô Mai, người trực tiếp trông Hiền ở bệnh viện không thể quên những ngày tháng ấy. Khoảng bốn tuần sau thì cháu bắt đầu ăn được một chút cháo, các cô ai cũng mừng rơi nước mắt.

Thế nhưng, mới làm nửa năm, nhưng Mai cảm thấy rất gắn bó với nơi này với tâm niệm “mình càng cố gắng, các cháu càng đỡ thiệt thòi hơn”. Năm nay là năm đầu tiên Mai ăn Tết ở Trung tâm. Tối 30 Tết, thay vì quây quần bên gia đình của mình, Mai sẽ có mặt để cùng đón giao thừa với các con, một khoảnh khắc mà cô tin chắc sẽ để lại ấn tượng sâu đậm trong cuộc đời mình. Mai dự định sẽ cùng các chị trong tổ mang bánh chưng, giò, mứt, những đồ tự làm ở nhà vào cho các cháu. “Các cháu không thiếu đồ ăn vì Trung tâm đã có, nhưng đó là tấm lòng của các chị em trong tổ”, Mai cười, chia sẻ.

Ông Phùng Công Lợi, Phó Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội cho biết, hiện cơ quan đang có 100 cán bộ nhân viên, chăm sóc cho 360 người già và trẻ tàn tật. Hầu hết họ sẽ ở lại ăn Tết ở Trung tâm, và vì vậy, cũng như mọi năm, cán bộ, lãnh đạo sẽ được huy động để chăm lo cho họ trong dịp này.

Với các cán bộ nhân viên ở đây, Tết cũng như ngày thường, đều phải trực 24/24 vì người khuyết tật cần hỗ trợ gì thì phải có mặt ngay lập tức. “Có những lúc trong dịp Tết mà có đến ba – bốn cháu nhỏ và người già phải đi viện cấp cứu, rồi có người như chị Trưởng phòng sơ sinh thì nhiều năm nay ngày mùng 1 Tết đều ở luôn đây mà không về nhà”, Phó Giám đốc Lợi chia sẻ.

“Người khuyết tật cũng cần có không khí ngày Tết. Hằng năm, Trung tâm đều chuẩn bị, tổ chức, ngày 30 Tết thì mời mọi người lên hội trường để chúc Tết, những người không đi được thì mình xuống tận nơi trong lúc giao thừa, đi từng phòng để chúc Tết. Rồi đến sáng mùng 1, các đồng chí trong ban lãnh đạo lại đến từng phòng hỏi han các cụ, các cháu ngày Tết có vui vẻ không hay có ai bị ốm đau, rối loạn tiêu hóa…Và quan trọng là động viên mọi người. Đó là điều chúng tôi duy trì trong nhiều năm qua”, ông Lợi nói thêm.

Tết là những ngày thường ảnh 3

Các bạn nhỏ chăm chú lắng nghe câu chuyện sinh hoạt hằng ngày tại Trung tâm.

Có thể nói, cùng với các chế độ chính sách của Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có tấm lòng nhân ái, cuộc sống hằng ngày của những người tàn tật, cơ nhỡ, đặc biệt là đối tượng trẻ em mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng… đã có sự cải thiện. Tuy nhiên, những người làm công tác xã hội như chị Phương, anh Lợi vẫn luôn đau đáu cùng công việc gắn với số phận của những con người thiệt thòi này.

“Đời sống vật chất thì vô cùng, với sự quan tâm của Nhà nước, cuộc sống các con cũng đã duy trì được ở mức bình thường. Nhưng về khía cạnh tinh thần, chắc chắn các con cũng cảm nhận được sự thiệt thòi của mình”, giọng chị Phương trùng xuống khi nói về những đứa trẻ của mình. Mỗi đứa bé ở đây cũng giống như chính đứa con ruột của mình, cũng cần được che chở, bao bọc bởi bàn tay ấm áp của người mẹ. Chỉ khác là với những đứa trẻ có ba mẹ chăm lo thì được hưởng trọn vẹn tình yêu thương và được chăm sóc đầy đủ hơn, còn ở đây chỉ có một mẹ chăm sóc mấy con nên sự quan tâm cũng phải san sẻ cho tất cả các bé. “Cũng như với con mình, tôi chỉ mong muốn các con có được gia đình, được đoàn tụ, được học hành để sau này có công ăn việc làm, dựng vợ gả chồng, có con cái”.

Lại thêm một năm nữa ăn Tết tại Trung tâm, Nguyễn Thúy (là trẻ tàn tật đang sinh sống tại Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội) hôm nay trông thật khác dưới tà áo dài vàng rực rỡ. Em dường như rất vui vì sự có mặt của các bạn Trường Tiểu học Trần Quốc Toản đến thăm Trung tâm. Thúy đảm nhận một tiết mục đơn ca, cũng là dấu ấn của chương trình. Bởi khi giọng hát của em cất lên, tất cả mọi người dường như quên đi khiếm khuyết trên cơ thể của Thúy, để nhận ra em vẫn là một đứa trẻ với đầy đủ những tình cảm đầy tha thiết. Em đã hát: “Cần một người mẹ ở bên đời con, Nhưng đó chỉ là giấc mơ của con, Cần một người mẹ bên con lúc buồn, Cần một bàn tay hơi ấm luôn còn mãi. Cần một người mẹ chở che đời con. Nhưng đó chỉ là trong trí tưởng tượng thôi…”.