Tết đặc biệt của chiến sĩ cứu nạn trên biển

NDO -

NDĐT – 5 giờ chiều 30 Tết năm 2018, tàu Sar 413 phóng hết tốc lực quay về cảng Vũng Tàu mang theo tám thuyền viên đã bị trôi trên biển gần một ngày và một thi thể về bờ. Trong khi đó, tàu 272 đã tiếp tục thay thế, rời cảng đi cứu nạn vào chiều muộn 29, xuyên qua Tết tìm ba thuyền viên còn lại. Chưa năm nào, các chiến sĩ tàu Sar lại có một cái Tết đặc biệt tới vậy.

Thuyền trưởng tàu Sar 413 Đinh Xuân Trường (giữa).
Thuyền trưởng tàu Sar 413 Đinh Xuân Trường (giữa).

Tết đặc biệt trong đời cứu nạn

Biển Vũng Tàu những ngày gần Tết động lớn. 28 Tết năm 2018, tàu cá BV 98791 TS do ông Lê Văn Lộc (SN 1976, ở số 48/2, Lương Văn Can, phường 2, thành phố Vũng Tàu) là chủ tàu kiêm thuyền trưởng chở 12 thuyền viên đang hành trình về bờ ăn tết thì bị mất liên lạc với gia đình. Mọi cố gắng liên lạc với tàu cá chìm vào vô vọng. Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tra cứu thông tin tìm vị trí tàu bị nạn, đồng thời phát thông báo tìm kiếm cứu nạn hàng hải khẩn cấp yêu cầu các phương tiện hành trình qua khu vực đến hỗ trợ tìm kiếm.

Tết đặc biệt của chiến sĩ cứu nạn trên biển ảnh 1

Phó Giám đốc MRCC Vũng Tàu Lương Trường Phi trao đổi thông tin về cứu nạn.

Không chút chần chừ, chiều 14-2-2018 (ngày 29 Tết), Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (MRCC) điều động tàu chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn Sar 413 tại Vũng Tàu khẩn trương ra hiện trường phối hợp với tàu BP 13.04.01 của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang trực tại Côn Đảo tổ chức tìm kiếm cứu nạn. Tàu Sar 413 được điều động chạy hết tốc lực đến điểm tàu cá bị chìm, cách Côn Đảo khoảng 17 hải lý về phía Tây Bắc.

Thuyền trưởng Sar 413 Đinh Xuân Trường kể lại, tại điểm tàu cá bị nạn, gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9, con thuyền bị lật úp, trôi dạt rất khó tiếp cận. Các ngư dân nhiều giờ trôi dạt trên biển, kiệt sức vì đói và lạnh. Bằng mọi nỗ lực, các chiến sĩ tàu Sar đã tìm kiếm được tám thuyền viên và đưa lên tàu an toàn. Họ vẫn chưa thôi cảm giác hốt hoảng, sợ hãi vì cơn sóng to, gió lớn đã đánh úp tàu cá của họ khoảng một ngày trước. Trong cơn giận dữ của biển khơi đó, con thuyền mang lại kế sinh nhai cho họ đã cướp đi tính mạng của một ngư dân, ba ngư dân còn lại mắc kẹt trong tàu.

“Chúng tôi triển khai mọi biện pháp để cố gắng tìm kiếm thi thể các ngư dân. Các thợ lặn đã xuống dưới con tàu kẹt. Nhưng chúng tôi chỉ tìm được một thi thể”, anh Trường kể.

Tết đặc biệt của chiến sĩ cứu nạn trên biển ảnh 2

Những ngư dân tàu cá BV 98791 may mắn sống sót được đưa về bờ.

Trong số tám ngư dân may mắn sống sót, có những người sức khỏe suy kiệt nặng, khó thở và nhiễm lạnh. Sar 413 được lệnh về bờ để cấp cứu bảo toàn tính mạng cho tám ngư dân. Chiếc tàu nhỏ hơn – Sar 272 nhận lệnh lên đường thay thế vào ngày 29 Tết, khi cái Tết gần kề.

Tàu Sar 413 về bờ vào 11 giờ trưa 30 Tết, lúc này, Sar 272 đã ra tới điểm cứu nạn để tiếp tục tìm kiếm ba thi thể còn lại đang bị mắc kẹt trong con tàu bị đánh lật úp. Đó là một khoảnh khắc thật sự không thể quên trong cuộc đời đi cứu nạn của một thuyền trưởng rắn rỏi như anh Trường. “Các gia đình ôm nhau khóc vì hạnh phúc thấy con mình, chồng mình sống sót trở về. Gia đình nhận thi thể thì lặng đi vì nỗi đau đớn mất người thân ngay trước giao thừa. Chúng tôi cũng đã chứng kiến nhiều khoảnh khắc có cả hạnh phúc và đau thương mất mát như vậy. Nhưng chuyến đi ấy thật sự anh em chúng tôi không thể quên, vì không mang được cái Tết trọn vẹn cho ngư dân”, thuyền trưởng Sar 413 ngậm ngùi nói.

Anh Lương Trường Phi, Phó Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III Vũng Tàu kể lại, sáng 29 Tết, những thực phẩm chuẩn bị bày mâm ngũ quả cúng giao thừa trên tàu Sar 272 được dỡ xuống. Cây mai cũng được di chuyển lên bờ. Bỏ lại những gì đã chuẩn bị cho Tết, tất cả chiến sĩ mặc áo cam trên tàu Sar 272 xác định đi chuyến này với tâm thế đón giao thừa trên biển. Nhiều người đã có lịch nghỉ phép được ra bắc ăn tết, cũng để lại phép, cáo lỗi với gia đình và họ hàng vì nhiệm vụ.

Tết đặc biệt của chiến sĩ cứu nạn trên biển ảnh 3

Đây là một trong những chuyến đi cứu nạn đáng nhớ trong cuộc đời các chiến sĩ mặc áo cam.

30 Tết, anh em tàu Sar chúc tết nhau qua bộ đàm và không quên đặt niềm tin vào tàu Sar 272 hoàn thành nhiệm vụ cứu nạn. Họ đã đón giao thừa trên biển, trong thời tiết biển động và một con tàu đang lật úp. Các thợ lặn thay phiên nhau lặn xuống để tìm kiếm ba thi thể còn lại. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Độ cho biết, lúc này trong lòng anh em cũng vừa mệt, vừa tâm trạng vì đón Tết trên biển. “Dù là trong lòng rất buồn không được đoàn tụ gia đình đầu năm, nhưng công việc nào chúng tôi xác định cũng phải hoàn thành. Tất cả vì tinh thần tính mạng con người là trên hết”.

Mặc dù trấn an anh em trên tàu như vậy, nhưng sáng mùng 2 Tết, khi tàu cạn nhiên liệu phải cập cảng Côn Đảo lấy dầu và nước, các chiến sĩ áo cam mới thấm thía nỗi buồn. “Cầu cảng Côn Đảo thường ngày nhộn nhịp bao nhiêu thì hôm ấy vắng lặng bấy nhiêu. Xa xa có vài cái ghe ngư dân tranh thủ đánh bắt. Trên bờ, chỉ có những thuyền viên chúng tôi và vài con chó”, anh Độ kể. Tất cả ngồi lặng trên bờ, ngóng về phía gia đình, tranh thủ nghỉ ngơi trước khi lại bước vào cuộc tìm kiếm khó khăn trước mắt.

Bốn ngày tìm kiếm trong vô vọng, Sar 272 được điều động về bờ vào chiều mùng 4 Tết. Với những chiến sĩ hàng chục năm mặc áo màu cam, đây là lần đầu, họ có chuyến đi cứu nạn xuyên Tết. Và đây cũng là một cái Tết buồn, khi không thể mang chút niềm an ủi còn lại cho những gia đình đang ngóng chờ thi thể con mình từ bờ Vũng Tàu.

Những hy sinh thầm lặng của chiến sĩ áo cam

Với tàu cứu nạn, vị trí thuyền trưởng không thể rời bỏ. Vì thế, dù là ngày Tết hay ngày thường, hai thuyền trưởng có tuổi nghề gần như trẻ nhất tại Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam như anh Trường, anh Độ đều gác lại cơ hội đón Tết cùng gia đình lớn tại Hải Phòng.

Gan lì, ít nói và đặc biệt ít biểu cảm cảm xúc – đó là hình ảnh mà thuyền trưởng Sar 413 mang lại cho người đối diện. Vì thế, ngay cả khi người bố thân thương của anh ở phút lâm chung, đang chờ đợi đứa con trai cả trở về nhìn và nắm tay ông lần cuối, anh cũng nén lại trong lòng, không nói một câu. Đó là khi, anh đang phải tập trung hết sức cho một chuyến cứu nạn được coi khó khăn và thách thức nhất năm 2019.

Anh Lương Trường Phi kể lại cho chúng tôi nghe, lãnh đạo Trung tâm càng ân hận bao nhiêu vì đã không giúp được thuyền trưởng Sar 413 được gặp bố lần cuối, thì càng khâm phục bấy nhiêu tinh thần kiên cường và hy sinh của thuyền trưởng Đinh Xuân Trường.

Tết đặc biệt của chiến sĩ cứu nạn trên biển ảnh 4

Tàu Đại Hải Phát 17 bị chìm, lún sâu vào sình non.

Ngày 17-11-2019, tàu Đại Hải Phát 17 đi từ cảng Cái Mép, Thị Vải xuống nhà máy nhiệt điện Trà Vinh, đến vị trí cách mũi Vũng Tàu 43 hải lý về phía Nam Tây Nam bị mắc kẹt vào lúc 15 giờ 30 phút. Tự tin với chủ tàu sẽ thuê tàu kéo lai dắt về, thuyền trưởng chỉ báo với chủ tàu. Ba ngày sau, trong cuộc họp giao ban tại Cục Hàng hải Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam nắm thông tin có tàu mắc cạn, yêu cầu kiểm tra thông tin. MRCC Vũng Tàu nhận lệnh kiểm tra, nhưng chủ tàu kiên quyết chờ tàu từ Trà Vinh ra lai dắt.

Nhưng thật không may, con tàu ra lai dắt gặp sóng to, gió lớn tiếp tục mắc cạn, vùng vẫy tìm cách thoát và sau đó bỏ về Trà Vinh. Tàu Đại Hải Phát 17 lúc này càng lún sâu vào sình non, chìm lún xuống. 2 giờ chiều 20-11-2019, tàu lún và nghiêng 20 độ. Nếu tiếp tục chờ đợi, chỉ vài con sóng to, tàu sẽ lật ngang và chìm.

Lúc này, chín thuyền viên và hai hành khách mới hoảng hốt, cầu cứu cứu nạn. 55 phút sau, thuyền trưởng Trường cho tàu Sar 413 chạy hết tốc lực ra ứng cứu. Ba giờ sau, tàu tiếp cận vị trí bị nạn. Lúc này, chiếc Đại Hải Phát chỉ còn nóc ngoi trên mặt nước. Các thuyền viên đu bám vào cột cờ, cơ hội sống sót thật mong manh.

Tết đặc biệt của chiến sĩ cứu nạn trên biển ảnh 5

Chiếc Đại Hải Phát chỉ còn nóc ngoi trên mặt nước.

Tàu chìm, loa ngoài của tàu Sar bị sóng gió đánh bật. Sóng cao 4 m trực chồm lên mặt boong khiến việc hạ xuồng khó khăn gấp bội. Tiếp cận thế nào đây khi trời tối mịt mù, đèn không có, liên lạc bị ngưng toàn bộ. Thuyền trưởng Trường “kìm cương” tàu Sar cho không bị sóng đánh xô vào bãi cạn. Thật ra, lúc này, trong lòng anh cũng đang rối bời và hoang mang tột độ vì biết bố đang hấp hối khi mới phát hiện bạo bệnh vài tháng trước. Anh chỉ biết tự nói với lòng mình, cầu mong người bố thân thương ở Hải Phòng có thể chờ anh hoàn thành nốt nhiệm vụ khó khăn này, kịp ra bắc nhìn ông lần cuối.

Gần hai giờ liên lạc bằng cách ra hiệu, các thuyền viên tàu Đại Hải Phát xuống phao bè thả trôi xa khỏi bãi sình. Các thủy thủ tàu Sar thả dây để kéo phao bè lại gần. 11 người được cứu lên tàu an toàn. Chỉ cần chậm 30 phút ứng cứu, có thể sẽ có một nửa số thuyền viên đó sẽ phải nằm lại với biển khơi.

Anh Trường quay về bờ trong một trạng thái vừa hân hoan, vừa rối bời. Anh vừa ghi thêm được một dấu ấn trong nghề nghiệp cứu nạn. Nhưng chuyến đi ra Bắc quá dài thời gian, không biết có còn kịp mà được nói đôi điều với bố. Và chuyến trở về đó, thật sự không kịp cho anh được nghe những lời trăng trối từ ông.

Tết đặc biệt của chiến sĩ cứu nạn trên biển ảnh 6

Các chiến sĩ tàu Sar nỗ lực cứu được 11 ngư dân.

“Trường về bờ và không nói với chúng tôi về việc bố anh nguy kịch và đã được bệnh viện trả về. Chuyến đi cứu nạn tàu Đại Hải Phát 17 về muộn, Trường bị trễ chuyến bay. Đó là một đêm rất dài trong cuộc đời của Trường. Vì đêm đó, ông đã không chờ được con trai mình”, anh Phi chua xót nói.

Câu chuyện buồn đó, cũng đã đến với đại phó tàu 413 Nguyễn Chí Huân trong một chuyến đi cứu nạn giữa tháng 6 năm 2019. Sau chuyến cứu nạn, tàu cập bến, anh chạy hết tốc lực ra xe về Bình Dương để kịp nhìn bố lần cuối. Thật may, Bình Dương đủ gần để anh kịp nắm tay bố lần cuối, trước khi ông rời cõi tạm.

***

Ngư dân vùng biển Vũng Tàu đánh bắt vào mùa không có trăng. Đó là thời điểm cá nhiều nên họ chọn đón Tết sớm hoặc muộn. Những chuyến đi đánh cá đầu năm kéo dài từ 16-12 tháng chạp đến mùng 10 Tết. Vì thế, những chiến sĩ cứu nạn vùng biển này luôn xác định tâm thế cứu nạn xuyên Tết. Bữa cơm sum họp có thể phải bỏ, vợ con gửi về quê ngoại, nhiều năm chẳng đón giao thừa cùng bố mẹ, không mấy khi có cuộc vui trọn vẹn dành cho những đứa con. Nhưng họ vẫn yêu công việc cứu nạn. Sóng gió biển khơi, nỗi đau ly biệt, những thương tích để lại sau mỗi chuyến cứu nạn chẳng hề hấn gì với họ khi được góp nhặt niềm hạnh phúc bằng những ánh mắt sáng rực rỡ, những nụ cười thân thiện của ngư dân trên biển. Và cứ thế, họ tự hào khoác lên mình chiếc áo màu cam.