Tất tả ngược xuôi tìm nước cứu cây trồng

NDO -

NDĐT - Tại hai huyện phía đông của tỉnh Đác Lắc là Ea Kar và M’đrắc đang diễn ra tình trạng nắng nóng bất thường kéo dài, khiến hàng nghìn ha cây trồng các loại của nông dân bị khô hạn, gây thiệt hại lớn. Những ngày này, cho dù người nông dân tại đây đang tất tả đi tìm nguồn nước cứu cây trồng, thì nhiều diện tích lúa nước đã cháy trắng do hồ đập trên địa bàn cạn trơ đáy.

Nông dân xã Krông Jing, huyện M’đrắc bòn hút những giọt nước ít ỏi còn lại để cứu cây trồng. Ảnh: Tiến Ninh.
Nông dân xã Krông Jing, huyện M’đrắc bòn hút những giọt nước ít ỏi còn lại để cứu cây trồng. Ảnh: Tiến Ninh.

Theo thống kê của UBND huyện M’đrắc, tính đến ngày 14-8, thời tiết nắng nóng kéo dài kèm theo gió mạnh đã làm cho gần 1.000 ha cây trồng vụ hè thu trên địa bàn huyện bị khô hạn. Hiện nay, hầu hết các công trình thủy lợi và hồ chứa đã cạn kiệt nguồn nước, không còn khả năng cung cấp nước tưới nên người nông dân đang xoay xở tìm nước chống hạn cho cây trồng.

Có mặt tại huyện M’đrắc trong những ngày giữa tháng Tám này, đến đâu chúng tôi cũng chứng kiến cảnh nông dân chạy ngược chạy xuôi tìm nước cứu cây trồng.

Công trình thủy lợi Ea Kpal, xã Krông Jing hiện phục vụ nước tưới cho cánh đồng lúa nước rộng 80 ha của người dân địa phương, nay đã cạn trơ đáy. Dự kiến trong vài ngày tới, công trình này sẽ không còn đủ nước để bơm tưới, trong khi đó cây lúa đang vào giai đoạn làm đòng non rất cần nước, khiến cho người nông dân tại đây ăn ngủ không yên.

Đang xoay xở sửa bơm để bòn hút những giọt nước còn lại cuối cùng trên lòng hồ Ea Kpal để cứu cây trồng, ông Y Thoan Ksơr ở buôn M’lốc B, xã Krông Jing lo lắng kể: “Vụ hè thu này, gia đình tôi làm được gần một ha lúa nước, nhưng nhiều tháng nay trên địa bàn có mưa rất ít, đến nay đã có khoảng một sào bị mất trắng, diện tích còn lại thiếu nước nghiêm trọng. Để cứu diện tích lúa này, đã 10 ngày nay tôi cùng với bà con trong Buôn sử dụng máy bơm của gia đình và ngày đêm ăn ngủ tại hồ để bơm nước cứu lúa, nhưng tình hình không mấy khả quan, vì hồ đã cạn nước rồi. Trong những ngày tới, nếu trời không có mưa thì toàn bộ diện tích lúa ở đây sẽ mất trắng, người nông dân sẽ trắng tay”.

Đến những cánh đồng của xã Cư M’ta, huyện M’đrắc, người dân cũng chạy đôn chạy đáo tìm nguồn nước chống hạn cho cây trồng. Theo thống kê của UBND xã Cư M’ta, trong vụ hè thu 2019, toàn xã gieo trồng được hơn 870 ha cây trồng các loại, trong đó lúa nước 295 ha, ngô 60 ha, sắn 280 ha, mía 125 ha, cây trồng khác 96 ha… Do nắng nóng kéo dài nên đến nay toàn xã có trên 204 ha lúa nước bị hạn, trong đó có trên 140 ha lúa nước mất trắng, tập trung tại các cánh đồng buôn Leng, buôn Phao và các thôn 1, 2, 3, 4, 19, 20...

Để cứu lúa, các công trình thủy lợi trên địa bàn xã đã xả cạn nước, trong đó công trình Ea Má phục vụ nước tưới cho 37 ha lúa đã hết nước tưới từ đầu tháng 7; công trình thủy lợi Ea Ktung Xây phục vụ nước cho 17 ha lúa cũng trong tình trạng cạn kiệt... Trước tình trạng trên, trên 60 ha lúa nước trên địa bàn xã hiện có nguy cơ mất trắng nếu không có nước tưới trong những ngày tới.

Vừa đi kiểm tra và chỉ đạo công tác chống hạn trở về, Phó Chủ tịch UBND xã Cư M’ta Bùi Văn Khang cho biết: Để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, UBND huyện M’đrắc hỗ trợ cho địa phương máy bơm và nhiên liệu để bơm nước chống hạn, UBND xã cũng đã vận động người dân huy động các máy bơm nhỏ để thành lập tổ và phân ca túc trực 24/24 để bơm nước cứu lúa. Trong những ngày qua, tại các công trình thủy lợi Ea Má, Ea K’Tung Xây, hồ Krông Jing các máy bơm của huyện, xã và của người dân ngày đêm hoạt động hết công suất để đưa nước vào ruộng cứu lúa... Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng kèm theo gió lớn khiến nguồn nước ngày càng cạn kiệt nên nhiều cánh đồng cây lúa đang trong giai đoạn làm đòng bị khô héo, người dân hết sức lo lắng.

Tất tả ngược xuôi tìm nước cứu cây trồng ảnh 1

Nhiều diện tích lúa nước ở xã Cư M’ta, huyện M’đrắc đã bị khô cháy, mất trắng hoàn toàn. Ảnh: Tiến Ninh.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện M’đrắc, toàn huyện hiện có 63 công trình thủy lợi, trong đó có 53 hồ chứa, 10 đập dâng với 60 km kênh mương, đáp ứng 70% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới. Mặc dù hiện nay đang trong giai đoạn giữa mùa mưa Tây Nguyên, nhưng do lượng mưa trên địa bàn ít, thời tiết khô hanh kéo dài khiến lượng nước trong các công trình thủy lợi, hồ đập trên địa bàn huyện giảm mạnh, một số công trình mực nước thấp hơn ngưỡng tràn từ 0,1m đến 2,2 m; dòng chảy trên các sông, suối đều thiếu hụt không bảo đảm nguồn tưới cho cây trồng.

Tính đến ngày 14-8, toàn huyện M’đrắc đã có trên 800 ha cây trồng bị hạn, trong đó diện tích lúa nước trên 360 ha; ngô 220 ha; đậu đỗ và các loại cây trồng khác gần 240 ha,... tập trung chủ yếu tại các xã Cư Króa, Cư M’ta, Ea Mđoal và Krông Jing...

Trưởng phòng NN và PTNT huyện M’đrắc Nguyễn Thế Thập cho biết, trước tình hình hạn hán đang ngày càng gay gắt, UBND huyện M’đrắc đã chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các xã, thị trấn tập trung hỗ trợ nông dân chống hạn, điều tiết lịch bơm tưới luân phiên một cách hợp lý, hướng dẫn người dân tăng cường công tác nạo vét kênh mương, thủy lợi, khơi thông dòng chảy tránh thất thoát nguồn nước. Huyện cũng đã bố trí 18 máy bơm có công suất 16-26 mã lực và hỗ trợ dầu bơm nước cho bà con trong vùng hạn, nhằm giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra.

Từ huyện M’đrắc chúng tôi xuôi về xã Ea Sô, huyện Ea Kar, mặc dù hiện nay đang là thời kỳ cao điểm của mùa mưa Tây Nguyên nhưng do thời tiết diễn biến bất thường, lượng mưa ít hơn mọi năm nên đã khiến phần lớn diện tích cây trồng của địa phương bị ảnh hưởng nặng.

Gia đình bà Hoàng Thị Anh ở buôn Ea Kông, xã Ea Sô làm được một ha ngô, hiện đang bước vào thời kỳ cây ngô trổ cờ cần nước nhất thì lại gặp thời tiết khô hạn. Do tình trạng thiếu nước kéo dài đã khiến vườn ngô của gia đình bà Anh cũng như nhiều hộ dân ở địa phương héo rũ. Nếu tình trạng này kéo dài thêm nửa tháng thì quả ngô sẽ không có hạt. Theo bà Anh, để trồng một ha ngô này gia đình bà đã đầu tư gần 10 triệu đồng, nay lại gặp hạn giữa mùa nên mất trắng, giờ chỉ biết chặt bỏ cho bò ăn, cày xới đất chuẩn bị cho vụ sản xuất sau.

Còn gia đình anh Y Phức Niê ở buôn Ea Púc, xã Ea Sô đầu tư trồng được 1,3 ha mía đã được ba tháng tuổi, nhưng từ đầu mùa mưa đến nay trên địa bàn xã lượng mưa rất ít, thiếu nước nên cây mía chậm phát triển. Anh Y Phức cho biết: “Vào thời điểm này các năm trước, trên địa bàn xã có mưa rất nhiều nên cây cối đều xanh tốt, riêng cây mía đã cao được hơn một mét. Còn năm nay do mưa ít nên hiện nay cây mía còn chưa có thân, trong khi đó chỉ còn bốn tháng nữa là đến thời điểm thu hoạch mía, vì vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất vườn mía”.

Theo phản ảnh của người dân xã Ea Sô thì chưa bao giờ họ phải đối diện với tình trạng khô hạn ngay giữa mùa mưa như năm nay. Nếu tình trạng này kéo dài đến hết tháng 8 thì năng suất các loại cây trồng sẽ giảm mạnh, thậm chí nhiều diện tích ngô, lúa, đậu đỗ sẽ mất trắng, khiến đời sống của người nông dân lại rơi vào khó khăn.

Ông Lê Tất Chiếm, cán bộ nông nghiệp-thủy lợi xã Ea Sô cho biết, đến nay trên địa bàn xã vẫn chưa có công trình thủy lợi, nguồn nước phục vụ sản xuất chủ yếu từ nước mưa và các con suối… Nhưng từ đầu tháng 5 đến nay, lượng mưa trên địa bàn rất ít khiến các suối khô cạn. Một số hộ dân cố gắng nạo vét ao hồ, chặn suối tạo nguồn nước tưới, nhưng cũng chỉ được trong một thời gian ngắn và cũng chỉ cứu được diện tích cây lâu năm, còn các diện tích cây trồng nhờ nguồn nước mưa như mía, sắn, ngô, đậu đỗ các loại thì bị khô cháy, gây thiệt hại nặng.

Thống kê sơ bộ của UBND xã Ea Sô, do ảnh hưởng của đợt khô hạn này trên địa bàn xã có khoảng 1.130 ha mía và 540 ha sắn không phát triển, năng suất dự kiến giảm mạnh; gần 30 ha ngô mất trắng do thiếu nước...

Để ứng phó với thời tiết diễn biến bất thường, Đảng ủy, UBND xã Ea Sô vận động các hộ dân nạo vét ao hồ tạo nguồn nước tưới cho cây trồng; đồng thời khuyến khích người dân chuyển đổi một số diện tích cây trồng cần nguồn nước tưới lớn, năng suất kém, ít chịu hạn sang trồng các loại cây có nhu cầu tưới nước ít hơn, nhất là cây dược liệu như sả, hương nhu, một số các cây ăn trái.

Theo Sở NN và PTNT tỉnh Đác Lắc, năm nay thời tiết ở Đác Lắc diễn biến hết sức bất thường và không theo quy luật của mọi năm. Cùng vào một thời điểm nửa đầu tháng 8, tại các huyện phía tây, phía bắc của tỉnh mưa lớn kéo dài gây ngập lụt trên diện rộng, như ở huyện Buôn Đôn và Ea Súp, sự cố vỡ đê bao Quảng Điền ở huyện Krông Ana, làm ngập lụt hàng chục nghìn ha cây trồng, cuốn trôi nhiều gia súc, gia cầm và ảnh hưởng hàng trăm ngôi nhà của nhân dân, gây thiệt hại hết sức nặng nề.

Trong khi đó, tại hai huyện nằm phía đông của tỉnh là Ea Kar và M’đrắc lại xảy ra nắng nóng kéo dài khiến các ao hồ, đập thủy lợi và sông suối trên địa bàn cạn kiệt nguồn nước, dẫn đến hàng nghìn ha cây trồng bị khô hạn, giảm năng suất, trong đó nhiều diện tích mất trắng, gây thiệt hại nằng nề cho nông dân. Điều này gây khó khăn rất lớn cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu, ảnh hưởng lớn đến đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn cũng như sự phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh Đác Lắc.