Sức sống Điện Biên

Chẳng hẹn mà nên, tháng 5 này, người người muôn phương lại về với mảnh đất Điện Biên Phủ lịch sử, để nhớ hơn, để tự hào hơn về chiến thắng lẫy lừng của cả dân tộc cách đây 65 năm. Trên chiến trường xưa, Điện Biên đang đổi thay từng ngày với các địa danh: Him Lam, Độc Lập, đồi A1...

Đồi A1 - di tích nổi tiếng chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giờ là điểm đến hấp dẫn du khách.
Đồi A1 - di tích nổi tiếng chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giờ là điểm đến hấp dẫn du khách.

Hơn một tháng nay, khách du lịch đã nô nức về với Điện Biên. Nhiều người chọn hành trình theo quốc lộ 6 để có thể cảm nhận một Tây Bắc thơ mộng, một Pha Đin kỳ vĩ giữa núi rừng trùng điệp. Tháng 5, thả bước trên đại lộ Võ Nguyên Giáp (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), có cảm giác gương mặt nào cũng có nét thân quen, dường như trong mắt ai cũng đang cháy lên niềm kiêu hãnh. Đêm, trên đồi D1, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ lung linh với những ngọn đèn trang trí nhiều mầu.

Là người tham gia đánh Him Lam - trận mở màn trong chiến dịch Điện Biên Phủ, vào 17 giờ ngày 13-3-1954, nay thăm lại Him Lam, thăm lại Mường Thanh, Độc Lập trong lòng TP Điện Biên Phủ, ông Bùi Kim Điềm như “lạc vào cõi mơ”. Nhắc lại khó khăn của Điện Biên sau ngày giải phóng, ông Điềm không thể nào quên cảnh đói nghèo, bệnh tật hành hạ người dân Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Lay. Đồng ruộng thành chiến địa cho nên trong công cuộc cải tạo, bộ đội, nhân dân Điện Biên đã phải đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu. Bốn năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ruộng đất nơi đây còn bỏ hoang nhiều. Ngày ấy, trên nền chiến trường xưa, đâu đâu cũng thấy đủ các loại mìn. Vượt qua khó khăn, hiểm nguy, hàng nghìn chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong đi xây dựng nông trường Điện Biên đã chiến thắng “giặc” đói, “giặc” nghèo. Nhiều đồng chí trở thành kỹ sư trồng trọt, kỹ sư chăn nuôi, nhiều người là “lính già” trở thành “kỹ sư” trên cánh đồng mà năm xưa họ đã chiến đấu không khoan nhượng với quân thù.

Không riêng TP Điện Biên Phủ, hầu khắp các huyện, thị xã thuộc tỉnh Điện Biên, mấy tháng nay liên tiếp tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm nhằm thắp sáng thêm niềm tự hào Chiến thắng Điện Biên Phủ; đồng thời, ca ngợi công cuộc xây dựng và phát triển của Điện Biên sau 65 năm giải phóng. Mới đây, sáng 25-4-2019, bên lề hội thảo khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực”, do Bộ Quốc phòng phối hợp Tỉnh ủy Điện Biên tổ chức, đồng chí Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh nói về đổi thay ở Điện Biên với niềm tự hào. Từ một tỉnh nghèo đói, kiệt quệ vì chiến tranh, sản xuất manh mún, lạc hậu, Điện Biên vươn lên trở thành tỉnh có kinh tế trung bình trong khu vực trung du và miền núi phía bắc. Đến hết năm 2018, 100% số xã ở Điện Biên đã có đường ô-tô đến trung tâm; 88,24% số dân được sử dụng điện lưới quốc gia; thu nhập bình quân đầu người đạt 27,31 triệu đồng/người/năm. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư. Văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo phát triển nhanh. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ. Giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn, phát triển. Tình hình chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quan hệ đối ngoại mở rộng. Xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt kết quả tích cực…

Về Điện Biên hôm nay, về thăm Sở Chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng, các chiến sĩ Điện Biên năm xưa và cả du khách muôn phương ngỡ ngàng trước đổi thay của xã căn cứ địa. Chính tại nơi này 65 năm trước, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tham mưu chiến dịch ở, nơi đây chỉ toàn lau lách, rừng già; người dân sống thưa thớt, đường đi lối lại chủ yếu luồn rừng. Vậy mà nay, trung tâm xã Mường Phăng mang dáng dấp của một khu đô thị nhỏ miền núi. Từ cuối năm 1997 và đầu năm 1998, Mường Phăng được Nhà nước đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng. Ðiện, đường, trường, trạm gần như cùng lúc được xây dựng; trong đó, phải kể đến đoạn đường từ dốc Nà Nhạn vào trong xã được rải nhựa phẳng lỳ. Trên con đường, vẫn còn đó những địa danh mộc mạc mà bất tử, đó là “Dốc bảy tời”, “Ðồi chuối”... nơi Anh hùng quân đội Tô Vĩnh Diện hy sinh thân mình để cứu một khẩu pháo không bị rơi xuống vực. Phát huy tinh thần Ðiện Biên Phủ, bà con các dân tộc Mường Phăng đã và đang áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, loại bỏ dần các hủ tục, từng bước xóa đói giảm nghèo, xây dựng bản làng ngày càng ấm no.

Khi chúng tôi thực hiện bài viết này thì nhận được điện của đồng chí Mùa A Kềnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, mời về dự lễ công bố Mường Phăng đón Bằng công nhận xã nông thôn mới. Qua điện thoại, ông Mùa A Kềnh, vui mừng thông báo: Cuối năm 2018, Mường Phăng đã được công nhận xã nông thôn mới; kết cấu hạ tầng được đầu tư khang trang, đồng bộ. Hơn 1.000 hộ dân với gần 5.000 nhân khẩu đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú ở Mường Phăng không còn lo đứt bữa. Ngoài cấy lúa hai vụ, sản xuất trên nương và chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhiều gia đình dân tộc thiểu số đã đầu tư kinh doanh các dịch vụ ăn uống, hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch...

Với các cựu chiến binh là chiến sĩ Điện Biên thì điểm đến đầu tiên khi trở về Điện Biên chính là nghĩa trang liệt sĩ A1. Mong ước “đồng đội cũ gặp nhau” mà không thể tay trong tay cho mắt rưng rưng, vậy nên họ chỉ biết nhờ nén hương nói hộ nỗi lòng với những người đồng chí đã nằm lại. Đó là những Anh hùng, liệt sĩ của các sư đoàn bộ binh: 304, 308, 312, 316 và sư đoàn công pháo 351. 65 năm trước, họ là những người đi qua trận đánh 56 ngày đêm lịch sử. 65 năm sau, họ trở về chiến trường xưa, mong sao có một phút chụm mái đầu bạc, soi vào mắt nhau để nhớ lại cái thời quần nhau với địch giành giật từng mét chiến hào, từng mỏm đồi, khe suối. Trên chiến trường Điện Biên năm xưa, máu họ đổ xuống cho bây giờ sự sống lên xanh…