Phúc Sen, lò rèn vẫn đỏ lửa

Dù hiện tại, nghề nông mang lại thu nhập cao hơn nhưng người dân xã Phúc Sen vẫn duy trì nghề rèn truyền thống. Những sản phẩm, nông cụ họ làm ra thiết thực phục vụ đời sống, sản xuất của nông dân trong vùng, đồng thời giúp giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Nùng ở huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng.

 Vợ chồng anh Lương Văn Luyện làm khuôn dao.
Vợ chồng anh Lương Văn Luyện làm khuôn dao.

Nghề rèn thật sự vất vả

Non nước Cao Bằng ngày đầu xuân với những ruộng ngô bạt ngàn, những con cón được bó thành hàng ở đồng ruộng chuẩn bị cấy khiến nơi đây trở nên thơ mộng, sắc mầu hơn. Ðang đắm chìm trong khung cảnh mộc mạc, hữu tình ấy bỗng văng vẳng bên tai tiếng búa đập nhịp nhàng, lanh lảnh khiến tôi bừng tỉnh. Thì ra xe đã chạy tới Phúc Sen, một xã có nghề rèn truyền thống lâu đời, rất nổi tiếng của huyện Quảng Uyên.

Nói tới Phúc Sen, người ta biết ngay tới những con dao, cây búa và các nông cụ cầm tay được làm từ đây. Các sản phẩm của Phúc Sen nhìn bề ngoài không có độ bóng bẩy, bắt mắt nhưng chất lượng thì hiếm nơi nào sánh được. Nếu Hà Nội có Ða Sỹ thì Cao Bằng có Phúc Sen. Sở dĩ dao, búa, nông cụ cầm tay của Phúc Sen được nhiều người ở các tỉnh, thành phố phía bắc ưa chuộng là vì hai yếu tố: chất lượng và được làm thủ công.

Nói về chất lượng, nguyên liệu chính mà ở đây là phôi thép, đóng vai trò quan trọng. Theo ông Lương Văn Hải, chủ lò rèn Việt - Hải, họ thường mua nhíp ô-tô làm nguyên liệu. Hỏi ông nhíp ô-tô là gì và tại sao chỉ dùng nhíp ô-tô, ông Hải chỉ biết đây là một loại thép tốt để làm dao. Tìm hiểu thêm thì tôi được biết, nhíp ô-tô là các tấm thép được ghép lại. Toàn bộ phần tải trọng phần trên của xe được đặt lên khung nhờ các nhíp này. Bộ phận nhíp, nhờ có tính đàn hồi tốt cho nên giảm được chấn động lên phần trên của xe, nhất là khi đi trên đoạn đường gồ ghề. Chính yếu tố này khiến người Phúc Sen sử dụng chúng để rèn dao và nông cụ. Trước đây, các lò rèn ở Phúc Sen thường dùng nhíp xe U-oát, còn bây giờ, họ dùng nhíp xe tải hay xe SUV.

Sau khi mua nguyên liệu về với giá khoảng 20 nghìn đồng/kg, người thợ sẽ cán mỏng nhíp xe hoặc để nguyên tấm tùy theo công năng của dao và nông cụ. Chẳng hạn như dao thái, họ sẽ phải cán mỏng nhíp xe và như thế, mỗi ki-lô-gam sắt có thể làm được từ ba đến bốn con dao. Còn đối với dao chặt thì họ thường để nguyên tấm thép bởi có thế người sử dụng mới chặt được khúc xương to. Cũng vì vậy mà những con dao chặt có bản dày và khá nặng, khoảng sáu đến bảy lạng sắt.

Ở Phúc Sen, người làm rèn đều là người dân tộc Nùng. Họ làm rèn theo truyền thống cha truyền con nối dù là nghề rất nặng nhọc. Anh Lương Văn An, chủ lò rèn Lương An cho biết, người làm rèn đòi hỏi phải có sức khỏe dẻo dai kết hợp với đôi tay khéo léo. Nếu không, rất khó để họ làm ra được những con dao chặt vừa sắc, vừa nặng và dày như vậy. Thực tế thì việc làm rèn chẳng thể một người làm mà luôn phải có hai người, nhất là khâu quai búa để làm khuôn. Ðơn cử như việc làm chuôi dao, tùy theo từng loại dao mà phải hai người quai búa tạ từ 15 đến 30 phút với ba lần qua lửa rồi uốn, thì chuôi dao mới dần dần được tạo thành.

Cũng chính vì nghề rèn ở Phúc Sen vẫn mang tính thủ công cho nên chiếc máy mài gần như là thứ duy nhất có yếu tố… hiện đại ở đây. Bởi từ làm khuôn, lò nung, tôi thép… tất cả đều cần đến bàn tay, sức lực của người thợ. Có thêm chiếc máy mài sẽ giúp họ giảm bớt sức người và tăng sản lượng bởi để mài mỗi lưỡi dao cũng mất từ 15 đến 30 phút, trong khi trước đây khi không có máy mài, họ đều phải mài bằng tay.

Phần lớn thợ rèn ở Phúc Sen đều cho biết, do làm thủ công cho nên mỗi ngày một lò rèn cũng chỉ làm được từ bốn tới tám con dao. Còn nếu làm bằng máy như ở các địa phương khác, số lượng sẽ rất nhiều vì dao được dập khuôn, sạt lưỡi bằng máy.

Vẫn say sưa với nghề

Vất vả là thế, nhưng người xã Phúc Sen rất yêu nghề rèn. Họ làm rèn quanh năm và chỉ buông tay vào những ngày bận làm đồng. Anh Lương Văn Ðình, chủ lò rèn Lương Ðình cho hay, so với làm nông, nghề rèn vất vả hơn và thu nhập cũng thấp hơn, nhưng họ không biết làm gì ngoài làm rèn. Họ làm rèn từ khi còn nhỏ, cầm được búa là làm được nghề và cứ thế làm cho tới bây giờ. Kinh nghiệm làm rèn cũng theo đó rồi lớn dần hơn.

"Tuy nhiên, khá nhiều thanh niên của xã Phúc Sen hiện nay đã không còn muốn theo nghề. Chúng muốn lên thành phố làm cho các công ty để khỏi vất vả và lại kiếm được nhiều tiền hơn", anh Ðình nói.

Trăn trở với suy nghĩ này, tôi hỏi ông Hải thì ông cười và nói: "đúng là nhiều thanh niên hiện không còn làm nghề nữa. Học xong, chúng lựa chọn lên thành phố, lên Thủ đô đi làm, nhưng không lo đâu, đó chỉ là số nhỏ thôi, chứ xã vẫn còn nhiều người làm nghề lắm. Bởi vì đây cũng là một công việc đều đều và cho thu nhập ổn định. Ngoài gia công cho những đơn đặt hàng, chúng tôi cũng bán lẻ cho người trong huyện, trong tỉnh và nhiều khách du lịch".

Ðược biết, trước đây, nghề rèn phần lớn là việc của đàn ông nhưng hiện nay phụ nữ cũng làm nghề. Anh Lương Văn Luyện, chủ lò rèn Lương Luyện cho hay, ngoài những công việc nội trợ, đồng áng, chăm sóc con cái thì người vợ chính là trợ thủ đắc lực của anh. Thật khó tin nếu không chứng kiến tận mắt tại lò rèn, anh Luyện và vợ đang quai búa nhịp nhàng để làm khuôn cho những chiếc dao thái. Ẩn chứa bên trong đôi bàn tay nhỏ bé của người phụ nữ 33 tuổi ấy, là sức mạnh của một người đàn ông trong từng động tác nâng búa và đập xuống miếng thép dày. Ðược biết, không chỉ có lò rèn của anh Luyện, mà khá nhiều lò rèn khác, người vợ luôn được xem là cộng sự của chồng. Hay với những gia đình có con trai lớn, đã giúp được bố thì người mẹ lại đảm nhận khâu bán hàng hoặc tiêu thụ sản phẩm.

Anh Luyện cho biết, hiện nay có nơi đã đầu tư máy móc để làm dao và nông cụ nhằm giảm sức lao động và tăng số lượng sản phẩm, nhưng tiền đầu tư cho máy là quá lớn đối với những hộ làm rèn như anh. Vì thế, ở Phúc Sen, anh và nhiều lò rèn vẫn chọn làm rèn kiểu truyền thống, một công việc phù hợp với kinh tế gia đình, ổn định và thân thuộc trong thời gian nông nhàn.

Ở Phúc Sen nếu không phải làm đồng thì cứ sáng trời là lò rèn đỏ lửa, tiếng búa lại vang lên nhịp nhàng và dồn dập, tiếng máy mài lại xè xè đến inh tai. Những người thợ rèn thì khuôn mặt lúc nào cũng phủ đầy một mầu đen xám của bụi thép, bụi than, những đôi tay thì lem luốc. Tất cả những âm thanh đó, những hình ảnh đó chỉ biến mất lúc trời "không còn nhìn thấy được nữa" như anh Ðình chia sẻ.

Rời các lò rèn khi ánh lửa chỉ còn là những chấm nhỏ sau cánh cửa xe, tôi thấy lạc quan hơn với câu nói của ông Hải, vất vả là thế, nặng nhọc là vậy nhưng người Nùng nơi đây vẫn rất quý nghề, lạc quan và say sưa làm việc. Dù sao thì đó cũng là nghề truyền thống của cha ông cho nên họ sẽ gìn giữ, tiếp tục duy trì và mở rộng. Chưa kể Phúc Sen nằm trên cung đường Trùng Khánh, Bản Giốc và như thế, những lò rèn nơi đây sẽ luôn được rất nhiều khách du lịch thập phương nhớ tới, cứ như thể tiếng búa, tiếng đe đã văng vẳng bên tai họ suốt hành trình.