Nỗi niềm gốm Phù Lãng

Những cơn mưa dông bất chợt đầu hè khiến tiết trời trở nên mát và dễ chịu hơn. Con đường ngoằn ngoèo dẫn vào làng gốm Phù Lãng, xã Phù Lãng, huyện Quế Võ
(Bắc Ninh) ít người qua lại. Thi thoảng chúng tôi mới gặp một vài người dân xuất hiện trước cửa nhà hoặc lác đác có xe máy phóng qua. Gần như không có xe tải vào làng lấy hàng chở ra phía quốc lộ 18.

Nghệ nhân Nguyễn Ðức Thịnh (bên trái) và họa sĩ Lương Mỹ Hòa hoàn thành nhóm tượng gốm.
Nghệ nhân Nguyễn Ðức Thịnh (bên trái) và họa sĩ Lương Mỹ Hòa hoàn thành nhóm tượng gốm.

Gian nan làng nghề

Trong thời đại công nghiệp 4.0, việc vẫn trung thành với những sản phẩm thủ công khiến làng gốm Phù Lãng gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất và cạnh tranh. Tìm hướng đi mới để giúp làng nghề đứng vững và phát triển đang là trăn trở bao lâu nay của người dân Phù Lãng.

Ấn tượng ban đầu khi men theo những con đường dọc sông Cầu là từng hàng chum, vại, lọ, bình… được xếp ngay ngắn bên đường; những chồng củi đốt cao quá đầu người kéo dài từ đầu đến cuối làng. Dường như có chỗ nào trống là người dân để đồ gốm ở đó. Chum, vại để sát tường nhà, ở các góc sân, bên cạnh đường. Thậm chí ra sát bờ đê, những chiếc bình, lọ mầu đất hòa lẫn mầu xanh của cây cỏ, dòng sông. Không gian ấy càng khiến Phù Lãng trở nên yên bình, tĩnh lặng.

Ðằng sau sự thanh bình đó là những băn khoăn, trăn trở của chính quyền địa phương và các hộ dân. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lãng Lê Phú Thành, toàn xã hiện có khoảng 2.500 hộ thì có hơn 300 hộ làm nghề gốm, doanh thu năm 2018 chỉ hơn 30 tỷ đồng. Con số này so với những làng gốm như Bát Tràng là không cao, đồng thời cho thấy những thách thức mà làng nghề Phù Lãng có tuổi đời 800 năm đang phải đối mặt trong việc nâng cao giá trị của sản phẩm và thu nhập cho người dân.

Ông Thành cho biết thêm, số cơ sở gốm có lợi nhuận từ 500 triệu đồng đến 600 triệu đồng/năm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ðặt vấn đề về những giải pháp có thể giúp người dân thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, ông Lê Phú Thành thừa nhận, Phù Lãng vẫn chưa tìm ra được cách giải quyết hợp lý nào để nghiên cứu thị trường hay quảng bá sản phẩm. Tất cả đều là sự tự thân vận động của các cơ sở gốm và người dân.

Ngồi nghe ông Thành kể, chúng tôi tranh thủ nhẩm tính, với mỗi lò gốm có chi phí khoảng 85 triệu đồng/lần đốt, sau khi trừ các chi phí khác thì thu nhập của các hộ dân trong một tháng là không cao. Tiền công trung bình của một người thợ chỉ khoảng bốn đến năm triệu đồng/tháng. Bù lại, lợi thế của làng gốm Phù Lãng để giúp người dân và một số gia đình gắn bó với nghề là gốm ở đây chỉ đun bằng củi, không phải bằng than cho nên môi trường không bị ô nhiễm, cảnh quan của làng cũng nhờ vậy mà được giữ nguyên.

Nỗi niềm gốm Phù Lãng ảnh 1

Tranh gốm của nghệ nhân làng Phù Lãng.

Tìm nguồn sống mới

Ðược Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lãng Lê Phú Thành giới thiệu, thay vì tới gốm Nhung, gốm Ngọc hay gốm Thiều đã rất nổi tiếng ở trong nước và nước ngoài, chúng tôi đến Làng nghề truyền thống Việt Nam, một mô hình kinh doanh của tư nhân được đánh giá sẽ tạo ra những thay đổi ở địa phương và là hướng đi mới cho người dân. Gặp anh Nguyễn Ðức Thịnh và chị Nguyễn Thị Hoa, chúng tôi vừa theo dõi hai vợ chồng dọn dẹp khu nhà, vừa nghe kể về sự ra đời của Làng nghề truyền thống Việt Nam.

Anh Thịnh cho hay, nhận thấy làng gốm Phù Lãng lâu nay vẫn chỉ là một làng nghề thủ công, chưa gắn kết với du lịch, thiếu cơ sở vật chất để du khách có thể nghỉ ngơi, tham quan và tìm hiểu cuộc sống tại đây, anh và hai người bạn quyết tâm xây dựng mô hình làng nghề kết hợp du lịch trải nghiệm. Với suy nghĩ việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ đem lại lợi nhuận, giúp người dân nâng cao thu nhập mà còn là một cách thức để gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của làng gốm Phù Lãng, cũng như mong muốn tạo ra phương thức giới thiệu sinh động về làng nghề trong việc xây dựng nông thôn mới và hội nhập. Vợ chồng anh Thịnh và những người bạn đã bắt tay khởi công dự án từ tháng 9-2018 đến tháng 3 năm nay, Làng nghề truyền thống Việt Nam đã hoàn thành để đón khách du lịch.

Ngay sau rằm tháng Giêng năm Kỷ Hợi, Làng nghề truyền thống Việt Nam đã mở cửa đón hàng trăm học sinh đến tham quan. Trên diện tích 6.000 m2, tại đây có nhiều khu trải nghiệm như nặn đất, làm tranh, nặn tò he, làm tranh Ðông Hồ… Trẻ em được nghệ nhân của cơ sở gốm Ðức Thịnh giới thiệu và hướng dẫn quy trình làm gốm, được tham quan những lò gốm cổ bên dòng sông Cầu.

Thấy chúng tôi tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của mô hình kinh doanh du lịch trải nghiệm đầu tiên tại Phù Lãng này, anh Nguyễn Văn Sinh, một đối tác trong dự án Làng nghề truyền thống Việt Nam - người có nhiều kinh nghiệm làm du lịch cho biết thêm, họ sẽ liên kết với các doanh nghiệp lữ hành để đón những tua du lịch từ Hạ Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng)… về địa phương tham quan, trải nghiệm nghề làm gốm với các nghệ nhân. Ðồng thời, kết hợp với nhiều trường học để đưa học sinh tới đây, hy vọng giúp các em hiểu hơn những giá trị văn hóa truyền thống của làng gốm Phù Lãng.

Theo anh Thịnh và anh Sinh, người Phù Lãng tâm huyết với nghề là một chuyện, họ cũng cần làng nghề phát triển bền vững để nuôi dưỡng niềm đam mê. Vì thế, bên cạnh việc điều hành chung tại Làng nghề truyền thống Việt Nam, nghệ nhân Nguyễn Ðức Thịnh vẫn tiếp tục sáng tác và làm tranh gốm.

Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, mẹ là họa sĩ Lương Mỹ Hòa từng công tác ở Trường trung học Văn hóa và Thông tin Hà Bắc, nay là Trường trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang, nghệ nhân Ðức Thịnh say mê với điêu khắc từ nhỏ. Sau này, khi theo học ngoài giờ tại Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội, anh Thịnh càng có thêm kiến thức để hoàn thiện chuyên môn cũng như phát triển dòng tranh gốm đang rất được thị trường ưa chuộng. Nghệ nhân Ðức Thịnh cho biết, tùy theo kích thước, một bức tranh gốm tường mất ít nhất 10 ngày để hoàn thành với khoảng 9 đến 10 công đoạn. Bù lại, giá tranh rất cao, mang lại thu nhập đáng kể cho cơ sở gốm của anh, thay vì họ phải lấy công làm lãi như một số sản phẩm khác.

Ngoài tranh gốm, nghệ nhân Ðức Thịnh còn đắp tượng. Theo gien của mẹ, vốn rất giỏi về điêu khắc, những bức tượng mà anh Thịnh tạo ra đều rất có hồn và tính thẩm mỹ cao. Năm 2016, nghệ nhân Ðức Thịnh đã được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề Việt Nam khi anh mới 33 tuổi. Tác phẩm tượng, nhóm tượng của anh Thịnh làm ra sẽ được bán cho khách du lịch, người chơi hoặc được trưng bày ngay tại Làng nghề truyền thống Việt Nam.

Dễ thấy gốm Phù Lãng đều có mầu men nâu, đen, vàng nhạt, vàng thẫm, vàng nâu… mà người ta gọi chung là men da lươn. Họa sĩ Mỹ Hòa cho biết thêm, nét đặc trưng nổi bật của gốm Phù Lãng là sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm bong, còn gọi là chạm kép, dáng sản phẩm thô phác, mộc mạc nhưng khỏe khoắn, chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất với lửa, đậm nét của điêu khắc tạo hình.

Ðể làng gốm phát triển bền vững; để mầu men không bị phai nhạt theo thời gian, Phù Lãng rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của người dân trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng, cảnh quan, chương trình sản xuất gốm mỹ nghệ chất lượng cao. Hiện tại, làng gốm Phù Lãng đang thiếu nhiều thứ, từ những điều nho nhỏ như tấm biển chỉ dẫn đường, đến những chính sách hỗ trợ về thông tin thị trường, quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu một cách chuyên nghiệp hơn.