Người thợ đàn

Từng tập và chơi được một số nhạc cụ dân tộc, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng, để làm ra một cây đàn lại phức tạp và tỉ mẩn đến vậy. Và để có được những nhạc cụ chất lượng cao, đạt tới độ tinh hoa của nghề, bên cạnh kỹ thuật làm đàn, yếu tố không kém phần quyết định là tình yêu và niềm đam mê mà những người thợ đàn gửi gắm vào từng nhạc cụ được họ chế tác.

Phạm Xuân Anh và vợ anh là chị Bùi Thị Dung chế tác một cây đàn mới.
Phạm Xuân Anh và vợ anh là chị Bùi Thị Dung chế tác một cây đàn mới.

Nghề chọn người

Có lẽ, ít người biết được rằng, những chiếc đàn như nhị, bầu, tỳ bà, nguyệt, tranh hay tam thập lục mà rất nhiều sinh viên, giảng viên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và nghệ sĩ dòng nhạc dân tộc của các nhà hát, đoàn nghệ thuật đang sử dụng, lại được làm ở một ngõ nhỏ tại TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Biết được điều này từ chị Ngô Thị Hằng, chủ cơ sở sản xuất nhạc cụ dân tộc Hằng - Anh, đã gợi cho tôi sự tò mò, thôi thúc tìm về căn xưởng nhỏ, nơi ra đời các loại đàn "thửa riêng" với chất lượng cao, mẫu mã đẹp được thị trường ưa chuộng trong hơn mười năm qua.

Cứ ngỡ đến TP Hòa Bình sẽ dễ dàng tìm ra xưởng đàn theo địa chỉ, nhưng cũng phải ngoằn ngoèo qua nhiều ngõ nhỏ được đánh số như bàn cờ ở đường An Dương Vương, phường Chăm Mát, chúng tôi mới tới nơi. Ðón tôi là một chàng trai tuổi đầu 8x rất chững chạc và nhanh nhẹn. Ðó là Phạm Xuân Anh, người thợ chính của xưởng.

Trong câu chuyện, Xuân Anh cho biết, từ nhỏ, anh đã có may mắn quan sát rồi tiếp xúc với nghề mộc, sau đó lại có cơ hội xem, tìm hiểu và học hỏi cách làm ra những nhạc cụ dân tộc từ nhà nghiên cứu, cải tiến nhạc cụ Tạ Thâm, khi ông từ Sơn La về sinh sống gần nhà anh tại TP Hòa Bình. Thân tình rồi trở nên gắn bó, Xuân Anh quyết định theo nghề làm đàn với gia đình ông Tạ Thâm vào năm 1997, khi ấy đã chuyển xuống Hà Nội. Ban đầu, anh chỉ làm đàn T’rưng, sau là tất cả các loại nhạc cụ dân tộc. Thậm chí, anh là thợ chính của xưởng sản xuất nhạc cụ dân tộc của vợ chồng người con trai của ông Tạ Thâm. Sau này, do những thay đổi, người thợ đàn trẻ quê Hòa Bình chuyển sang làm đàn cho người con dâu trước đây của ông Tạ Thâm là chị Ngô Thị Hằng và gắn bó công việc trong hơn mười năm qua ở xưởng đàn Hằng - Anh. Họ không chỉ duy trì việc sản xuất các sản phẩm truyền thống mà còn phát triển xưởng đàn lên những cấp bậc trình độ mới. Chất lượng các nhạc cụ, nhất là các loại đàn dân tộc đạt tới trình độ cao khiến uy tín của xưởng ngày càng lan tỏa. Rất nhiều sinh viên, thầy cô giáo ở các cơ sở đào tạo nhạc dân tộc và nghệ sĩ các đơn vị nghệ thuật đều sử dụng nhạc cụ được làm ra từ xưởng sản xuất Hằng - Anh. Ðiều đáng nói, tất cả những nhạc cụ do xưởng sản xuất đều là hàng thửa riêng, nghĩa là không phải hàng bán sẵn.

Uy tín của xưởng đàn có được là cả một quá trình lao động, tìm tòi nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao của người thợ trẻ Xuân Anh. Theo đuổi nghiệp làm đàn, theo anh, giai đoạn khó khăn nhất là thời kỳ đầu học nghề, nhưng đây cũng là giai đoạn anh có cơ hội được tiếp xúc với nhiều người thầy giỏi, có khả năng thẩm thấu nhạc cụ và trình diễn như NSND Thanh Tâm ở bộ môn đàn bầu, NSND Thế Dân ở bộ môn đàn nhị... Qua đó, Xuân Anh có dịp quan sát, lắng nghe những góp ý của họ và thể hiện trên các sản phẩm của mình. Ðam mê với nghề làm đàn, nỗ lực tìm hiểu, nghiên cứu nguyên lý của từng loại nhạc cụ, Xuân Anh ngày càng hoàn thiện kỹ thuật sản xuất. Theo anh, việc sản xuất đàn không chỉ đơn giản là chọn gỗ (với sáu đến bảy loại gỗ), tạo phom (nhiều loại, thiết kế khác nhau), làm mặt, lên dây hay cân chỉnh âm thanh mà còn là sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó, tay nghề của người thợ là rất quan trọng. Ðâu phải người thợ nào cũng có thể làm ra một mặt đàn hoàn chỉnh hoặc có tai nghe tốt để chỉnh âm khi hoàn thiện sản phẩm. Xuân Anh thừa nhận, trong công việc này, đúng là "nghề chọn người" chứ không phải "người chọn nghề" bởi nếu không anh đã có thể theo nghề mộc dân dụng chứ không phải làm đàn. Ðặc biệt là nếu không có tình yêu với nhạc cụ dân tộc, sự say mê đến mức chấp nhận tất cả mọi khó khăn, thì rất khó để người thợ đàn có thể tỉ mẩn, nắn nót làm ra từng chiếc đàn nhị, đàn tranh, đàn tam thập lục… trong khoảng thời gian dài như vậy.

Xuân Anh kể: Quan trọng nhất trong quá trình sản xuất vẫn là phải có tai thẩm âm. Vốn là người kỹ tính và cẩn thận, cho nên anh chỉ giao cho thợ phụ đảm nhiệm phần pha chế gỗ, tạo phom, còn những khâu khác anh đều tự tay thực hiện và có thêm sự hỗ trợ của vợ anh là chị Bùi Thị Dung, vốn là một tay đục, chạm rất giỏi trong nghề làm đàn. Anh cho biết, để sản xuất chiếc đàn nhị, một loại đàn đơn giản nhất trong các loại nhạc cụ dân tộc, chỉ gồm có một bầu và một cần, song cũng phải mất một ngày. Còn đàn tam thập lục, nhất là đàn tranh thì cần đến vài ngày, thậm chí cả tuần. Có những người thợ làm đàn tới mười năm mà không thể làm được mặt của đàn tranh vì nó có dạng hình cầu, nghĩa là thợ làm đàn phải am hiểu về hình học không gian, đó là chưa kể đến khâu lắp cầu, lắp dây lại phải hiểu biết cả về tính chất vật lý thì mới cho ra đời những sản phẩm đàn chuẩn mực. Không những thế, việc thay đổi sân khấu biểu diễn thời công nghệ số cũng buộc người thợ làm đàn phải áp dụng công nghệ để cải tiến nhạc cụ cho phù hợp. Trên những sân khấu biểu diễn lớn, Xuân Anh nghiên cứu cải tiến lắp thêm mô-bin và loa trong các nhạc cụ dân tộc để tăng thêm hiệu ứng âm thanh. Thêm khâu nào thì người làm đàn lại phải học hỏi và tìm hiểu thêm khâu đó, do vậy để trở thành một thợ đạt đến trình độ cao như Xuân Anh không hề dễ. Chính vì cái tâm, cái duyên với nghề làm đàn của anh, cho nên nghề cũng không phụ người. Xưởng đàn Hằng - Anh lúc nào cũng rộn ràng tiếng máy khoan, tiếng đục, tiếng đàn quanh năm.

Nhọc nhằn là thế nhưng thu nhập từ nghề làm đàn lại không cao. Xuân Anh cho hay, nghề chỉ giúp anh đủ trang trải cuộc sống. Có điều, đã trót "nặng lòng" với nghiệp đàn, cho nên anh gắn bó với nghề suốt hơn 20 năm qua và có lẽ đến tận sau này.

Lấy chữ tín làm tôn chỉ

Cùng với người thợ trẻ "say đàn" Xuân Anh, phải kể tới người đã "song kiếm hợp bích" với anh trong công việc, phụ trách việc giao dịch cho xưởng chế tác nhạc cụ. Chị Hằng cho biết, chỉ có quyết tâm và tình yêu với nghệ thuật truyền thống là không đủ nếu chị thiếu một người thợ giỏi như Xuân Anh. Chị bảo: Ðiều khó nhất, mang lại uy tín khi làm đàn là phải có được người thợ tốt, sau mới là nguyên liệu, rồi giá thành. Nghệ sĩ đàn tỳ bà nổi tiếng Vũ Diệu Thảo đã đặt xưởng làm những chiếc đàn chất lượng, đẹp, có bản sắc. Chị Hằng kể, có những người như nghệ sĩ Hương Ly sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lớn để có được cây đàn tỳ bà độc bản, với những họa tiết được chạm khảm rất đẹp trên mặt đàn và thường xuyên theo nghệ sĩ lưu diễn trong các chương trình biểu diễn lớn.

Hơn tất cả, dù là người chơi đàn nghiệp dư cho đến sinh viên hay các giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, chị Hằng và Xuân Anh luôn dành cho họ một sự quan tâm chu đáo khi họ tìm đến để nhờ tư vấn, đặt đàn hay bảo dưỡng, sửa chữa. Có lẽ, sự tỉ mẩn của nghề may mà chị đã học, đã quan sát ở người bố của mình đã giúp chị gắn bó với nghề làm đàn như vậy. Nhờ đó, dù không phải là người chơi đàn, làm mộc, nhưng chị vẫn có thể căng dây, chỉnh âm và chỉ cần nhìn gỗ cũng biết được mình cần loại gì, gỗ nên cất trong bao lâu mới dùng được... Và như Xuân Anh chia sẻ, một chiếc đàn có thể được làm bằng gỗ trắc, gỗ mun đắt tiền, song một chiếc đàn cũng có thể được làm từ nhiều loại gỗ khác mà chỉ người trong nghề như anh, như chị Hằng mới biết rõ phù hợp với từng loại nhạc cụ. Xưởng đàn Hằng - Anh từng nhận đơn hàng của một trường học, nhưng thay vì sản xuất hàng loạt theo số lượng, chị đã khuyên người đại diện của trường học đó nên cân đối lại ngân sách để đặt hàng một số cây đàn chất lượng cao, bảo đảm các học sinh có đàn chất lượng tốt, trong khi xưởng đàn cũng giữ được uy tín.

Chị Hằng kể, cộng tác làm đàn với Xuân Anh, giúp chị cảm nhận được những giá trị đáng quý, đáng trân trọng của nghề. Hiện tại, cô con gái của chị Hằng chính là nghệ sĩ vi-ô-lông trẻ Tạ Khánh Ly và cậu con rể chơi đàn ghi-ta cũng khá nổi tiếng trong giới chơi đàn đất Hà thành.