Miền Nam nhớ Bác

NDO -

NDĐT- Để tỏ lòng kính yêu đối với vị Cha già kính yêu của dân tộc, đồng bào miền nam đã xây dựng Đền thờ Bác Hồ ở nhiều địa phương để cho người dân lui tới sớm hôm. Những ngôi chùa của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang, cũng giữ bàn thờ Bác ở nơi tôn nghiêm nhất, ngay trong những ngày binh lửa đến tận bây giờ.

Đền thờ Bác Hồ được xây dựng mới khang trang tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng.
Đền thờ Bác Hồ được xây dựng mới khang trang tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng.

Quyết giữ đền thờ Bác

Miền Nam nhớ Bác ảnh 1

Đoàn người viếng Đền thờ Bác Hồ (đền cũ) tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng.

Những ngày đầu tháng 5, người dân miền Tây Nam Bộ tất bật chuẩn bị mừng sinh nhật Bác Hồ. Khắp các nẻo đường miền tây, từ nông thôn đến thành thị, rợp bóng cờ đỏ sao vàng và những dòng người tấp nập đi viếng các Đền thờ Bác Hồ.

Chuyến phà Đại Ngãi rú một hồi còi rồi rời bến bên đây bờ TP Sóc Trăng, lao đi hối hả như muốn cắt ngang con sông Hậu. Bởi chuyến phà hôm nay vô cùng đặc biệt, có những dòng người đang tấp nập tìm đến Đền thờ Bác Hồ ở huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Có lẽ, Đền thờ Bác là công trình quy mô và đẹp nhất ở huyện cù lao bốn bề xanh mát này.

Bí thư Huyện uỷ Cù Lao Dung Võ Thanh Quang cho biết, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đất và người Cù Lao Dung một lòng trung kiên theo Đảng, theo Bác Hồ. Đây cũng là nơi đầu tiên người dân lập Đền thờ Bác Hồ ngay trong lòng địch từ năm 1970. Đền thờ được gìn giữ và trùng tu đến tận bây giờ tại ấp Đền Thờ, xã An Thạnh Đông để tưởng nhớ vị Cha già kính yêu của dân tộc.

Ngày nay, đền thờ này được xây dựng khang trang trên diện tích 2,2 héc-ta bằng nguồn kinh phí đóng góp của chính người dân Cù Lao Dung và những tấm lòng trên khắp mọi miền tổ quốc. Nơi đây còn là nơi giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, tinh thần yêu nước cho bao thế hệ thanh niên và nhân dân đất của cù lao. Bên cạnh đó, vẫn giữ lại ngôi đền cũ, tuy nhỏ hơn, mái ngói đơn sơ nhưng vẫn vô cùng trang trọng. Bất cứ một đoàn khách nào khi đến viếng đền thờ Bác đều phải vào dâng hương viếng Bác ở ngôi đền cũ trước tiên.

Để giữ được ngôi đền từ trong lòng địch, người dân Cù Lao Dung đã không ngại mất mát hy sinh, dùng những “hàng rào người” để bảo vệ ngôi đền vốn chỉ bằng tre lá.

“Từ năm 1970 đến năm 1975, Cù Lao Dung là nơi xảy ra những chiến ác liệt, một mất một còn, nên địch càng quét ghê gớm lắm. Nhưng mà nhân dân ở đây rất anh hùng. Ngày hôm nay địch càng quét, phá xong, sáng ngày hôm sau có lại đền thờ mới. Thậm chí, địch đánh đập thì nhân dân giang tay ra chịu đựng, chứ không để cho địch phá hoại đền thờ Bác. Năm 1969, Bác mất thì năm 1970 nhân dân dựng lên Đền thờ Bác Hồ và quyết tâm gìn giữ đến tận bây giờ”, đồng chí Võ Thanh Quang xúc động nói.

Nằm đối diện bên kia bờ sông Hậu, tỉnh Trà Vinh cũng xây dựng một Đền thờ Bác Hồ tại xã Long Đức, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Hay tin Bác mất, quân và dân Trà Vinh biến đau thương, mất mát thành quyết tâm cách mạng và đã quyết định xây dựng một đền thờ để tưởng nhớ và làm theo ước nguyện của Người. Vì chiến tranh ngày càng ác liệt, và phải có thời gian để chuẩn bị địa điểm, vật tư, nên đến đầu năm 1970, ngôi đền mới được tiến hành khởi công và đến đầu năm 1971 mới khánh thành. Khi mới xây dựng, đền có kết cấu đơn sơ bằng vật liệu tre lá, diện tích khiêm tốn chỉ 16 m2. Địa điểm chọn xây Đền là một giồng đất cao ở ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, chỉ cách bót đồn địch vài trăm mét. Đền thờ Bác tuy không lớn, nhưng mang ý nghĩa hun đúc tinh thần cách mạng to lớn cho quân và dân Trà Vinh dũng cảm, kiên cường đánh giặc. Vì vậy, quân địch đã nhiều lần đưa quân càn quét, bắn bom đạn, đốt phá ngôi đền. Trong một trận càn ngày 10-3-1971, Đền thờ Bác đã bị địch đốt cháy. Đầu năm 1972, quân, dân Long Đức lại góp tiền của và công sức xây lại ngôi đền mới. Giặc phá, ta sửa, ta xây…. cứ thế giằng co, lòng dân không nản. Và đến ngày 29-4-1975, trước giờ hấp hối, quân địch lại lần nữa cấp tập dập bom đạn, làm hư hỏng một phần ngôi Đền. Năm năm xây dựng và bảo vệ ngôi đền, quân dân Long Ðức đã anh dũng chiến đấu, quyết tử giữ đền, loại khỏi vòng chiến hàng trăm tên địch. Nhiều chiến sĩ và nhân dân đã hy sinh anh dung, nhưng khu vực đền vẫn được giữ vững và nhanh chóng xây dựng lại sau mỗi lần bị địch phá hủy, đốt cháy.

Sau ngày đất nước thống nhất, Đảng bộ tỉnh Cửu Long quyết định trùng tu, xây dựng máy che bảo vệ khang trang. Năm 1989, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Long Đức (Trà Vinh) đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Đền thờ Bác Hồ là “Công trình trái tim”, một biểu tượng của tấm lòng người dân Trà Vinh đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu di tích Đền thờ Bác Hồ rộng 5,4 ha với các hạng mục chính như: Đền thờ Bác Hồ, nhà trưng bày thân thế sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, khuôn viên cây xanh, ao cá, khu vui chơi cắm trại…Và đặc biệt, mô hình Nhà sàn Bác Hồ được thiết kế, in sao và lắp khoa học với tỷ lệ 97% theo nguyên bản nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch ở Thủ đô Hà Nội.

Giáo dục truyền thống thế hệ mai sau

Miền Nam nhớ Bác ảnh 2

Đền thờ Bác Hồ ở xã Long Đức, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.

Những ngày đầu tháng 5, UBND huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan và lãnh đạo xã Lương Tâm phối hợp chặt chẽ với ngành văn hóa để bảo đảm công tác vận hành, tôn tạo thường xuyên Đền thờ Bác tại xã Lương Tâm. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các đoàn tham quan đến viếng. Riêng các trường phổ thông trong huyện phối hợp với ban quản lý Đền tổ chức các buổi ngoại khóa cho học sinh tại Đền nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tôn kính Bác cho các thế hệ học sinh.

Thầy Nguyễn Thanh Tâm, giáo viên Trường THPT Long Mỹ chia sẻ: “Trường có điều kiện thuận lợi vì gần Đền thờ Bác Hồ, nên giáo viên thường tổ chức tiết học giáo dục lịch sử cho các em tại đây. Mỗi một lần đến sinh hoạt tại Đền, giáo viên lại giúp học sinh hiểu hơn công lao to lớn của Bác Hồ với dân tộc, Tổ quốc Việt Nam. Đền thờ Bác còn có nhiều tư liệu sống động về Bác, về tấm lòng kiên trung của người dân Hậu Giang, một lòng theo Đảng, tri ân Bác Hồ”.

Phủ thờ Bác Hồ ở xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau được nhân dân trong vùng trang hoàng và trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh - thiếu niên. Con lộ dẫn về Phủ thờ Bác Hồ giờ đã được nới rộng đạt chuẩn nông thôn mới, xe chẳng mấy chốc đến nơi. Dân trong vùng kể rằng, ngay khi hay tin Bác mất, không khí trong vùng chìm trong đau thương, ai cũng mong muốn xây dựng một nơi thờ tự trang nghiêm để hương khói cho Bác. Nhưng do vùng còn ngổn ngang chiến sự và càn quét quyết liệt của quân thù, nên mãi đến tháng 4-1975, việc xây dựng Phủ thờ mới hoàn thành. Phủ thờ khi ấy diện tích chỉ khoảng 100m2, được làm bằng gỗ tràm, đước, mái lợp tôn, vách thiếc. Cạnh đó là nhà khách năm gian cũng bằng cây lá tạm do nhân dân trong vùng đóng góp.

Ông Sáu Tâm, người từng canh giữ Phủ thờ cho biết, để xây dựng được Phủ thờ, hàng trăm thanh niên, trai tráng trong vùng nỗ lực chở đất, lấp mương, lấp lung bàu trong nhiều ngày liền. Đất không đủ, bà con bơi xuồng xuống tận vùng đất gò cao ở kênh Tám, kênh Chín, kênh Mười để chở đất về đắp mặt bằng. Khi xây dựng xong, nhân dân ra sức bảo vệ, không để kẻ thù bắn phá.

Năm 1985, Phủ thờ xuống cấp và được xây dựng mới bằng tường, đòn tay bằng gỗ dầu, mái ngói, nền lát gạch. Đầu năm 2010, UBND tỉnh Cà Mau nâng cấp, mở rộng khuôn viên Phủ thờ lên hơn 4.000 m2, thêm các hạng mục công trình, như: tái tạo hố bom xưa, nhà truyền thống, nhà lục giác nghỉ chân, sân tập đa năng, cầu tàu, bờ kè, cây xanh, hệ thống cấp nước, hệ thống chiếu sáng, hồ cảnh... Phủ thờ Bác hiện nay còn là điểm sinh hoạt văn hóa, giáo dục truyền thống cho thanh niên, học sinh của tỉnh Cà Mau.

Lập bàn thờ, treo ảnh Bác

Miền Nam nhớ Bác ảnh 3

Đồng bào Khmer Bảy Núi, tỉnh An Giang, lập bàn thờ Bác Hồ trong các ngôi chùa và treo ảnh Bác trong nhà.

Nhiều bậc cao niên vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang cho biết, nhiều ngôi chùa Khmer ở Bảy Núi là những nơi đầu tiên lập bàn thờ Bác Hồ, cả trong giai đoạn trước và sau ngày giải phóng. Cũng như đồng bào các dân tộc khác ở Nam Bộ, khi Bác qua đời, người dân Khmer ở Bảy Núi đều mong muốn lập bàn thờ để thờ Bác. Tuy nhiên, khi đó nơi đây là vùng chiến địa, địch tập trung binh lực, hỏa lực hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng. Bấy giờ, việc thờ Bác Hồ công khai chỉ hạn chế trong vùng căn cứ cách mạng, còn bên ngoài thì bà con chỉ có thể ngưỡng vọng trong lòng. Đối với đồng bào Khmer ở Bảy Núi, các vị chức sắc, sư sãi, à cha, gia đình tham gia cách mạng, hình bóng Bác Hồ hiện diện trên bàn thờ vọng ở những ngôi chùa cổ kính, uy nghi nằm xa ngoài đồng, bao phủ dưới tán cây rừng hẻo lánh. Vì đó là nơi địch khó kiểm soát, ít lui tới.

Thầy giáo Chau Mo Ni Sóc Kha, Hiệu trưởng trường THCS Dân tộc Nội trú Tri Tôn, kể: “Cha tôi từng tu học ở trong chùa và ông thường kể lại rằng, thời đó Mỹ ngụy kiểm soát gắt gao các hoạt động thờ cúng ở các chùa để ngăn ngừa tinh thần ủng hộ cách mạng của các sư sãi, à cha và phật tử. Nhưng với niềm tin vào Bác Hồ và cách mạng, dù bị kiểm soát, bàn thờ Bác Hồ vẫn được lập bí mật trong các ngôi chùa nằm giữa đồng mà địch ít lui tới, như chùa Svaydoncum (còn gọi chùa B52, thuộc xã An Tức, huyện Tri Tôn), chùa Rô (xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang). Nhằm tránh tai mắt kẻ thù, các sư sãi, à cha và bà con Khmer chỉ lập bàn thờ vọng, không để di ảnh Bác và hằng ngày vẫn thắp nhang tưởng nhớ”. Sau ngày giải phóng, các chùa đều tôn trí bàn thờ trang nghiêm có ảnh Bác Hồ và mỗi dịp lễ hội, đồng bào Khmer sum vầy trong ngôi chùa nơi phum, sóc,lại nghe các vị sư kể lại những câu chuyện cảm động về Bác. Đặc biệt, những câu chuyện Bác Hồ căn dặn những cán bộ Khmer tập kết cố gắng học chữ Khmer, nâng cao kiến thức để giúp đỡ đồng bào. Nhiều chùa còn lưu giữ ảnh Bác Hồ với bộ dạng của một tu sĩ Phật giáo Nam Tông đang đi khất thực hay đang trò chuyện với các tu sĩ Khmer Nam Bộ nên nhiều đồng bào Khmer thấy hình ảnh của Bác Hồ thật gần gũi, kính ngưỡng.

Còn tại thị trấn Óc Eo, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống nhất huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, 100% hộ gia đình đã thực hiện treo ảnh Bác. Thật ra, ở Thoại Sơn, việc treo ảnh Bác đã được bà con thực hiện từ nhiều năm nay. Tất cả mọi người đều tự nguyện làm việc này, xem đây là cách để tri ân và giáo dục con cháu noi theo tấm gương của Bác.

Trong căn nhà vừa được sửa lại khang trang, chị Neang Sol ở ấp Tân Đông, thị trấn Óc Eo, vừa lau cẩn thận tấm ảnh Bác đặt trên bàn thờ vừa nói: “Là người buôn bán nhỏ, tôi chỉ biết treo ảnh Bác Hồ lên chỗ trang trọng nhất trong nhà để nhớ công ơn Người. Ngoài ra, gia đình tôi còn xem đó là một tấm gương để soi lại bản thân và giáo dục các con noi theo tấm gương của Bác”. Việc treo ảnh Bác Hồ tại thị trấn Óc Eo nói riêng và huyện Thoại Sơn nói chung đã được Huyện ủy Thoại Sơn phát động nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.