Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa

Kỳ 3: Nhà của bọn anh

NDO -

NDĐT - Trung tá Nguyễn Văn Lâm, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/20 Ba Kè chỉ về phía trước mắt: “Nhà bọn anh đấy”. Là nhà của bọn anh! Tôi nghe rất nhiều lần câu nói ấy trong suốt hành trình, từ nhiều người lính nhà giàn.

Bánh chưng gói vội trên nhà giàn DK1/16 Phúc Tần.
Bánh chưng gói vội trên nhà giàn DK1/16 Phúc Tần.

Đường lên nhà

Nhận nhiệm vụ ra nhà giàn thay quân, với anh em cán bộ chiến sĩ, bơi ra nhà là cách an toàn hơn cả. “Bọn anh bơi suốt”, Trung tá Lâm cười hiền. Anh em ra nhà giàn mùa này, cũng đều xác định 8-9 phần chẳng dễ dàng. Cuối cùng, Đại úy Vũ Duy Hoàng phải đu dây lên nhà 1/16. Đại úy Đỗ Văn Thực phải bơi lên tàu trực Trường Sa 06 để đợi thuận lợi mới tiếp cận được nhà mình DK1/18.

Kỳ 3: Nhà của bọn anh ảnh 1

Trung tá Nguyễn Văn Lâm đang chuẩn bị lên nhà giàn DK1/20.

Đại tá Đinh Văn Thắng, dù biết rõ lính của mình, vẫn cẩn thận hỏi: “Các cậu bơi được đấy chứ?”. Nhưng ông cũng hiểu, những sĩ quan ấy cả tuổi thanh xuân trên biển, bơi trên biển còn nhiều hơn cả ở nhà chạy xe đưa vợ đi chợ.

Anh Lâm tính trong đời lính nhà giàn của anh, anh bơi nhiều vô kể. Nhận nhiệm vụ ra nhà giàn mùa sóng gió là bơi, nên anh cũng không đếm, mà việc bơi giữa mùa biển động cũng thành thường rồi. Từ tàu đến chân nhà giàn chỉ cách tầm vài trăm mét, nhưng trên tàu, gần như toàn bộ anh em đang căng sức để giữ dây bảo đảm thăng bằng. Dây thừng nối giữa mũi tàu và nhà giàn, phao được thả xuống, phía dưới biển, sóng vẫn cuộn lên, đập ầm ầm vào chân những cây cột nhà giàn. Khâu chuẩn bị, vậy mà cũng phải mất cả tiếng, để chờ thời điểm thuận lợi nhất. Trong khi nhân vật chính, Trung tá Lâm vẫn chỉ cười, kiên nhẫn đợi.

Cho đến khi bóng áo phao màu da cam lao xuống biển, khi người lính đặt tay lên bậc cầu thang an toàn, leo lên nhà vẫy tay lại chào, chúng tôi mới vỡ òa lên. Đến cả nhiếp ảnh gia Nguyễn Á, người đã kinh qua từ Trường Sa đến Hoàng Sa, buông máy ảnh mắt lấp lánh nước.

Clip: Dùng dây kéo để đưa người lên nhà giàn.

Những thanh xuân trên biển

Năm nay đón Tết ở “nhà của mình”, Đại úy Vũ Duy Hoàng vẫn canh cánh chuyện ngôi nhà xây dở của hai vợ chồng. Trên tàu, chốc lại có điện thoại hỏi chuyện nhà cửa. Tiếng anh ngắt quãng: “Thôi các anh giúp cho, em ngoài này không về được”. Trung úy chuyên nghiệp Đậu Văn Thường bảo ở đây, chẳng anh em nào có mặt lúc vợ xây nhà.

Kỳ 3: Nhà của bọn anh ảnh 2

Chăm sóc vườn rau trên nhà giàn.

Tôi gặp ở DK rất nhiều gương mặt, họ đều đã gắn bó với DK với khoảng thời gian tính bằng thập kỷ. Bởi vậy, cái pháo đài giữa biển, không chỉ là cột mốc chủ quyền, đó là nhà mà những người lính lựa chọn gắn bó và đánh đổi những năm tháng thanh xuân.

Năm năm, chín năm, 10 năm liên tiếp ăn Tết nhà giàn là câu chuyện bình thường đến mức nó thậm chí không còn là tin tức lạ trong câu chuyện của chúng tôi. Như Thượng úy Lê Quang Tiệp đã đi qua chín cái nhà giàn, 10 năm qua chưa một lần ăn Tết ở nhà. Như Trung úy Đậu Văn Thường, cũng đã tám mùa xuân trên biển.

Trung tá Nguyễn Văn Lâm đã nhiều năm đi từ Trường Sa, giờ đến DK1. Vợ sinh đứa con đầu lòng anh vẫn đang ngoài đảo. Đến giờ con lớn, vẫn là mẹ con nuôi nhau, bố đi biền biệt. Vậy nhưng lúc nào anh cũng cười. “Thì mình cứ cười cho nó thấy thoải mái”, người chỉ huy trưởng nheo nheo đôi măt chân chim nhìn ra biển xa.

Kỳ 3: Nhà của bọn anh ảnh 3

Phút chia tay gia đình chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ của bộ đội nhà giàn.

Đại úy Đỗ Văn Thực, ra nhà giàn DK1/18 lúc vợ đang mang bầu đứa con thứ hai.

Đại úy Lê Xuân Viên, ngậm ngùi: “Vợ mình cũng vất vả, sinh cả hai đứa con chẳng đứa nào mình có nhà”.

Đại úy Lê Duy Sửu, 12 ngày trên biển, bảo về nhà, có ba ngày nghỉ, nhất định anh phải đưa cậu con trai đi chơi, cả ba ngày chỉ dành cho con thôi: “Hứa với nó mãi mà chẳng lúc nào đưa đi được”.

Thiếu tá Cao Đức Lương, nấu ăn ngon như một đầu bếp thực thụ, đam mê nghề bếp tới mức mỗi bữa cơm trên tàu đều như một nghệ thuật. Từ cách cuộn trứng, cách kho miếng cá đậm vị đúng chất Nghệ, miếng thịt bò sốt vừa tới… Thực đơn các món không hôm nào giống nhau. Dù giờ anh là bếp trưởng, có nhiều người phụ giúp, nhưng cánh lính tàu 261 bảo thiếu anh thì đường ăn uống của tàu sẽ thiệt lắm. Có điều, quanh năm nấu nướng cho đồng đội, với chính gia đình mình anh lại ít có dịp trổ tài.

Bánh chưng gói vội

Hôm tàu khởi hành đi chúc Tết, Đại úy Vũ Duy Hoàng tỉ mẩn xếp từng chiếc lá dong: “Ra đó cho anh em có cái Tết”. Tết nhà giàn, giữa bốn bề nước, đơn giản đến không ngờ.

Kỳ 3: Nhà của bọn anh ảnh 4
Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên vùng biển thềm lục địa phía nam được tổ chức tại khu vực bãi cạn Phúc Tần.

Lỡ hẹn sau 4-5 lần, khi quay lại Phúc Tần, sóng bỗng êm hẳn, đoàn công tác của tàu 261 lên được nhà giàn qua đường dây kéo. Chuẩn đô đốc Phạm Khắc Lượng nói chắc trời thương, anh em liệt sĩ cũng phù hộ cả đoàn. Bởi nơi chúng tôi đến, bãi Phúc Tần, cũng là nơi mà cơn bão ngày 5-12-1990 đã quật đổ nhà giàn DK1/3, cuốn tám cán bộ chiến sĩ xuống biển và ba người đã mãi mãi không trở về.

Cả pháo đài giữa biển bỗng nhiên trở nên tất bật. Lá dong chuyển từ bờ, qua 10 ngày bão tố đến nơi cũng tơi tả, héo rũ. Buổi gói bánh chưng được chuẩn bị rất nhanh với gạo và đỗ ngâm vội, tất cả tất bật nhặt đồ, rửa lá trong tiếng giục nhau í ới. Cái bánh gói ra cũng bé hơn bình thường. Lê Văn Giới, chiến sĩ của DK1/16 Phúc Tần lóng ngóng với mỗi tấm lá, bảo cậu chưa từng gói bánh chưng. Quê Giới ở Sóc Trăng, Tết cả nhà thường gói bánh tét. Ra đây giữa các đồng đội đủ bắc - trung - nam, gói bánh chưng thành một trải nghiệm đáng nhớ với cậu lính trẻ.

Giới bảo lúc mới đặt chân lên nhà giàn, cậu cũng hơi buồn. Nhưng bây giờ cậu đã quen, thậm chí còn biết nhắn động viên cả bố mẹ đang ở nhà lo cho cậu con trai mới lớn: “Các anh giúp nhiều nên em quen rồi, ở đây cũng vui”.

Tôi hiểu mỗi câu “nhà của bọn anh”, không phải là câu đùa vui. Với họ, đó là một lời hứa. Lời hứa nghe rất nhẹ nhàng của Chính trị viên Nhà DK1/20 qua bộ đàm trên tàu: “Chúng tôi xác định bảo vệ bình yên Tổ quốc là nhiệm vụ hàng đầu. Chúng tôi hứa sẽ đónTết vui vẻ, không để bất ngờ trong mọi tình huống”.

Lời hứa ấy, cứ văng vẳng khi tôi đứng trên DK1/16, nhà giàn duy nhất chúng tôi được đặt chân lên trong suốt hành trình 12 ngày, khi chúng tôi thắp hương trước bàn thờ liệt sĩ Tạ Ngọc Tú. Anh hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tại Phúc Tần ngày 21-4-2001.

Người ở Phúc Tần cũng nói, năm nay, mới chỉ có hai đoàn khách lên thăm được nhà.

Có bình yên nào không xót xa…….

* Kỳ 2: Lính đứng vời trông

* Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa