Văn hóa và phát triển

Dưới bóng tre xanh xứ cù lao

Theo chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, con người cùng tre, trúc đã hình thành một sự gắn kết bằng tâm linh, tình nghĩa. "Dưới bóng tre của ngàn xưa, thấp thoáng mái chùa cổ kính/Dưới bóng tre xanh, ta gìn giữ một nền văn hóa lâu đời/Dưới bóng tre xanh, đã từ lâu đời, người dân Việt Nam dựng nhà, dựng cửa, mở ruộng, khai hoang" (Cây tre Việt Nam - Thép Mới).

Bên cạnh vấn đề mưu sinh, nghề đan lát ở xã Long Giang, cù lao Ông Chưởng vẫn được duy trì như một nét đẹp văn hóa. Ảnh: LÊ NGHĨA
Bên cạnh vấn đề mưu sinh, nghề đan lát ở xã Long Giang, cù lao Ông Chưởng vẫn được duy trì như một nét đẹp văn hóa. Ảnh: LÊ NGHĨA

Từ những ngày đầu khai hoang mở cõi, các bậc tiền nhân đã biết dùng tre làm vũ khí để chống lại các loài thú dữ. Ðến lúc lập ấp, kiến tạo xóm làng, cây tre đã sống cùng con người, trở thành cột nhà, vách liếp, giúp con người tề gia - lập nghiệp. Ðể phát triển cuộc sống, an cư ở vùng đất mới, ông bà ta đã sáng tạo ra các dụng cụ sinh hoạt bằng những thứ sẵn có chung quanh. Một lần nữa, cây tre lại góp sức qua những thăng trầm của quá trình khẩn hoang. Từ cây tre, những sản phẩm như giỏ, rổ, rá... dần dần ra đời, phục vụ đời sống của con người thời đầu lập làng mở đất. Cũng từ đó, nghề đan lát phát triển theo thời gian, những sản phẩm làm ra phong phú hơn, nguyên liệu đa dạng hơn với cả trúc, mây, nứa... Lớp trước truyền cho lớp sau, các làng nghề đan lát nối nhau ra đời.

Ði qua những ngôi nhà ven rặng tre già ở xã Long Giang, huyện Chợ Mới (An Giang), người ta có thể nghe thấy tiếng chẻ tre, tiếng những sợi nan được vót đều tay vang lên rộn rã, làm bật lên sức sống của vùng cù lao Ông Chưởng, nơi được bồi đắp bởi hai nhánh sông Tiền và sông Hậu. Nhờ địa thế tự nhiên vốn là vùng đất tre trúc mọc nhiều như một cánh rừng, những bậc tiền nhân tại mảnh đất cù lao đã tận dụng nguồn tài nguyên quý giá này để mưu sinh.

Gần 100 năm qua, với bao thăng trầm, chịu sự ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, tâm lý tiêu dùng phổ biến của lối sống hiện đại, vượt qua tất cả những điều đó, làng nghề đan lát Long Giang vẫn trụ vững như chứng minh cho giá trị của cây tre, cây trúc trong đời sống con người.

Ngoài việc gìn giữ những giá trị truyền thống, làng nghề đan lát đang tạo thu nhập cho 133 hộ gia đình với hơn 500 lao động tại địa phương. Người dân ở đây không ai biết rõ Thầy nghề, Tổ nghiệp của nghề đan lát là ai, nhưng nhà nào cũng gắn bó với công việc này bởi cái nghiệp cha truyền con nối. Trong những năm kháng chiến, những chiếc rổ, thúng do dân làng làm ra dùng để vận chuyển gạo, muối, thuốc men, đến tay bộ đội, du kích. Thời bình, những hạt gạo, hạt bắp (ngô) đầu tiên trên mảnh ruộng nhà được sàng lọc cẩn thận qua chiếc nia tre, kết tinh trong đó là mồ hôi, công sức của người nông dân và những người thợ đan lát lành nghề. Cứ thế, nghề đan lát nương theo chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc mà phát triển.

Ông Lê Long Bằng năm nay đã gần 80 tuổi cho biết, làm nghề cũng lắm công phu, để có một chiếc rổ tre bền chắc thì khâu chọn tre là quan trọng nhất. "Nghề này vậy đó, có khi ngồi chẻ chẻ vót vót từ sáng tới sẩm tối mà không hay, giờ tay tui cũng run, mắt cũng kèm nhèm, mà làm từ hồi trẻ tới giờ cứ quen tay quen chân nên không nghỉ được".

Phải chọn những cây tre, trúc không được quá già vì tre già sẽ giòn, dễ gãy; những cây tre, trúc còn non cũng không được sử dụng vì lúc này chưa đủ độ dẻo dai. Người thợ lành nghề, giàu kinh nghiệm luôn chọn những cây tươi, bánh tẻ, thân chắc, có mầu xanh đẹp, không có lỗ sâu mọt. Sau đó phải ngâm nước một thời gian, do trong tre, trúc có một lượng bột đường, theo những người thợ làm nghề nói thì việc ngâm tre, trúc góp phần làm tăng độ bền dẻo và giúp phòng, chống mối mọt. Thời gian ngâm tre có thể từ vài tuần, cho đến cả năm tùy theo mục đích sử dụng. Tre sau khi ngâm sẽ được chẻ và vót thành từng sợi nan có độ lớn nhỏ khác nhau, tùy theo yêu cầu của từng loại sản phẩm. Sau khi những sợi nan đã thành hình thì sẽ được mang đi phơi khô rồi mới sử dụng.

Tại làng đan lát Long Giang, từ người lớn cho đến trẻ nhỏ ai ai cũng có việc để làm, nếu những công việc nặng nhọc như chặt tre, chẻ thanh là của cánh đàn ông, thì sự cẩn thận và tỉ mẩn của phụ nữ sẽ phù hợp để vót nan; còn với công đoạn đan lát không thể thiếu đi bàn tay của những đứa trẻ vốn từ nhỏ đã quen mùi tre, trúc. Ông Nguyễn Thanh Hải (xã Long Giang, huyện Chợ Mới) cho biết: "Tui đã làm nghề gần 20 năm rồi, cũng do ông bà truyền lại, giờ tui đang dạy lại cho mấy đứa cháu ở nhà. Một đứa học lớp 2, một đứa mới năm tuổi thôi mà đứa nào cũng biết đan lát, mình già rồi đan không nhanh, không khéo bằng mấy đứa nhỏ".

Công đoạn đan các nan tre lại với nhau được gọi là đát, đây là công đoạn tương đối nhẹ nhàng, thường được người cao tuổi và con trẻ thực hiện. Tùy theo loại sản phẩm mà sẽ có cách đát thưa hay đát dày. Khi đát xong sẽ cho ra một tấm lưới bằng nan xen kẽ, chắc chắn được gọi là mê, những mê rổ rá, nong, nia... đến lúc này lại được đem đi phơi dưới nắng một lần nữa. Nghề đan thật lắm công phu, qua bao nhiêu công đoạn mà vẫn chưa thành hình, do lúc này những tấm mê vẫn chỉ là một tấm tre, trúc hình phẳng chưa ra vật dụng gì cả. Phải lọng vành (lận) xong thì mê mới thành rổ, đây là công đoạn hoàn toàn do cánh đàn ông, những chàng trai lực điền đảm trách. Vành luôn đi theo cặp, thường được gọi là vành trong - vành ngoài, loại tre được sử dụng làm vành thường là tre cật, đã tương đối già, nhưng vẫn đủ dẻo để uốn nắn. Khi lọng vành người đàn ông sẽ sử dụng sức mạnh của mình để lận chiếc mê sao cho lọt vào trong vành để cho ra hình dáng của sản phẩm. Việc cuối cùng là nứt, hiểu nôm na là buộc vành trong và vành ngoài vào chiếc mê, sao cho chắc và đẹp nhất; nứt cũng có nhiều phương cách khác nhau, mà chỉ có những người thợ mới nắm rõ.

Trong những năm tháng trước đây, bà con xứ cù lao thường chỉ canh tác lúa hai vụ, tận dụng khoảng thời gian nông nhàn, làm thêm nghề đan lát. Những chiếc rổ, thúng, nong, nia... đã ra đời từ những bàn tay còn vương mùi bùn đất. Những sản phẩm được làm bằng tre làng, trúc xóm đã giúp vơi bớt đi phần nào gánh nặng mưu sinh cho người dân. Giai đoạn thịnh vượng nhất của làng nghề đan lát Long Giang là trước khi nước ta bước vào nền kinh tế thị trường. Khi ấy, cứ vào độ tháng 7, tháng 8 Âm lịch, con nước từ thượng nguồn sông Mê Công đổ về mang theo cơ man phù sa và cá tôm. Ðó cũng là lúc làng nghề trở nên sôi động hơn bởi những cuộc giao thương, mua bán với những ngư dân được con nước cưu mang, trao tặng vô vàn những sản vật mùa nước nổi. Thế nên, những người thợ nơi làng nghề cũng được hưởng phần nào, bởi những dụng cụ như lọp, đăng, nôm... bán chạy hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, khi kinh tế càng phát triển, công nghệ càng hiện đại thì cũng là lúc những sản phẩm gia dụng bằng nhựa chiếm lĩnh thị trường, hiện diện trong bếp của mọi gia đình.

Theo đó, làng nghề đan lát Long Giang đã mất sự hưng thịnh, thay vào đó là sự lặng lẽ như thành thói quen của những gia đình quyết tâm bám trụ với nghề: "Nghề nó nuôi mình thì bây giờ mình phải nuôi lại nó, mặc dù bán, buôn không còn được như trước nhưng tui mong mấy đứa cháu nó vẫn theo nghề mình" - bà Phạm Thị Ðiểu, có hơn 40 năm gắn bó với nghề đan lát, nay ở vào tuổi 70 chia sẻ. Mặc dù con cháu đều đi làm và kinh tế gia đình tương đối dư giả nhưng đều đặn, bà vẫn chẻ nan, đan mê rổ, cho dù chỉ kiếm được 50 đến 60 nghìn đồng/ngày. Một đặc thù riêng của nghề đan lát là mọi công đoạn đều phải làm thủ công, do vậy chỉ bằng kinh nghiệm và bàn tay tài hoa của người thợ lành nghề mới có thể cho ra đời những sản phẩm chắc chắn và bền, đẹp.

Xuất thân từ gia đình đã có bốn đời làm nghề đan lát, ông Ðinh Hùng Cường đại diện làng nghề đan lát Long Giang, huyện Chợ Mới chia sẻ: "Gần đây làng nghề có xu hướng khởi sắc trở lại, ngoài tiêu thụ trong nước thì những sản phẩm đan lát còn được xuất khẩu qua nước bạn Cam-pu-chia. Ðiều này góp phần giúp bà con bám trụ với nghề, tuy nhiên số lượng thợ ngày càng sụt giảm, hầu hết chỉ còn những người lớn tuổi làm nghề ". Trung bình mỗi sản phẩm được bán ra với giá từ 20 nghìn đồng đến hàng trăm nghìn đồng, tùy theo kích cỡ. Ông Cường cho biết, hiện nay người tiêu dùng đang quan tâm, quay lại với các sản phẩm thủ công truyền thống. Những đồ dùng được làm ra từ bàn tay của người thợ chân chất và món quà thiên nhiên ban tặng là tre trúc, lại dần lấy được niềm tin của người tiêu dùng.

Nhưng trên cả yếu tố kinh tế và những biến thiên thời gian, vẫn còn đó vốn văn hóa và những giá trị tinh thần không gì có thể thay thế được. Ðó chính là lý do những người dân làng nghề đan lát vẫn đau đáu tìm cách giữ nghề, truyền nghề lại cho các thế hệ con cháu. Những ai lớn lên từ lũy tre làng, tuổi thơ trải dài cùng khói đồng, thúng lúa, hẳn vẫn có cảm giác rưng rưng, khi nhìn thấy rổ, rá, giần, sàng làm từ thân tre, thân trúc.

Cánh đồng ta năm đôi ba vụ

Tre với người vất vả quanh năm

Ðúng như nhà văn Thép Mới đã từng viết, chính cái vất vả trong những năm tháng dãi dầu, con người cùng tre, trúc và nghề đan lát hình thành một sự gắn kết bằng tâm linh, bởi nghĩa tình. Những gắn kết đó khiến người thợ đã trót "thương" cái nghề cha ông mình để lại, vẫn cố gắng lưu giữ và trao truyền những giá trị văn hóa và tinh thần đã chất chứa từ bao đời cho những thế hệ mai sau.