Dọc về rừng U Minh Thượng

NDO -

NDĐT - Xe chúng tôi men theo con đường nhựa vòng quanh Vườn Quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang), tận mắt nhìn những rẫy mía, rẫy khóm, rẫy chuối xanh ngút ngàn, vườn cây ăn trái trĩu quả, đủ sắc của các loại rau màu như: gừng, ớt, đậu đũa, dưa leo, bầu, bí, dưa hoàng kim… Đặc biệt, vườn thanh long thẳng tắp, lộng lẫy dưới ánh nắng chiều…

Vườn Quốc gia U Minh Thượng
Vườn Quốc gia U Minh Thượng

Trở lại U Minh Thượng lần này, chúng tôi đến thăm ông Mười Đởm. Xe đến Công Sự, qua cầu vượt ngang quốc lộ 63, chạy thêm vài trăm mét là đến nhà ông Mười, thuộc ấp Công Sự, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng. Ông Mười Đởm, tên khai sinh là Bành Văn Đởm, năm nay đã 87 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Cuộc đời của ông Mười gắn liền với vùng đất này, trước kia hoạt động cách mạng, xây dựng quê hương, giờ an dưỡng tuổi già. Ông Mười nguyên là Giám thị Trại giam Kênh Bảy, nguyên Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Thượng. Ông là người đã chủ trương mượn sức của những trại viên ở Trại giam Kênh Bảy vào công cuộc khai phá vùng đất chua phèn U Minh Thượng, đưa dân nghèo vào phát triển kinh tế và giữ rừng.

Hỏi về sự phát triển của vùng đệm U Minh Thượng, ông Mười bảo: “Vội gì, phải thấy sự vất vả, khổ cực của ngày hôm qua thì mới thấy được sự phát triển của ngày hôm nay”. Theo ông Mười, những năm 80 thế kỷ trước, dân cư ở đây thưa thớt, rừng ra tận sông Cái Lớn. Người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu kiến thức nên phá sinh kế. Trong thời gian ngắn mà diện tích rừng U Minh Thượng bị phá nhiều hơn trong thời chiến tranh.

Dự án phát triển kinh tế nông hộ vùng đệm U Minh Thượng mở ra (tháng 6-1999) là một bước đột phá lớn trong cách nghĩ, cách làm của những con người dám đổi mới và hành động. Ngân sách đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng một con đường láng nhựa dài hàng chục cây số len lỏi theo con đê ngày xưa. Hơn 3.500 hộ nghèo trong vùng được cấp gần 15.000 ha đất rừng để phát triển kinh tế và giữ rừng. Mỗi hộ dân được cấp từ bốn đến năm ha. Rừng hình thành hai đê bao, gọi: đê bao trong và đê bao ngoài. Khu vực từ đê bao trong ra đê bao ngoài được chuyển đổi thành rừng sản xuất, tạo thành vành đai bảo vệ rừng.

Ngày ấy, mỗi năm ngân sách phải cứu đói cho hơn 1.000 hộ nhưng hiện tại vùng đệm U Minh Thượng không còn hộ đói, nghèo giảm từ 60% xuống còn khoảng 12%. Hiện tại, trong vùng đệm có gần 1.000 hộ dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều hộ có mức thu nhập khá cao như: ông Võ Văn Sấm, ngụ ấp kinh 5, xã An Minh Bắc trồng xoài doanh thu từ 500-600 triệu đồng/năm; hộ ông Mai Duy Tân, ngụ ấp Kinh Tư, xã An Minh Bắc nuôi gà thương phẩn lãi hàng năm trên 200 triệu đồng; hộ ông Dương Văn Trung ngụ xã Minh Thuận lãi gần 200 triệu đồng từ mô hình tôm-lúa-cua…

Ông Mười Đởm vỗ vai: “Muốn biết vùng đệm U Minh Thượng thay đổi ra sao xuống dân thì rõ. Bác giờ cũng là một nông dân vùng đệm, trồng mía, cây ăn quả, hoa màu, nuôi cá… mỗi năm cũng thu hoạch vài trăm triệu”. Theo chỉ dẫn của ông Mười, chúng tôi đến nhà của hai chị em Phan Thị Hồng Ý và Phan Thị Hồng Thu, cách đó vài trăm mét. Đây là hai người phụ nữ đã đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng thành công trên vùng đất U Minh Thượng. Con đường láng nhựa rộng 5m chạy ngang khuôn đất của hai chị em Ý và Thu, nhờ vậy mà giá đất khu vực này cao hơn hẳn so với những nơi khác trong vùng.

Dọc về rừng U Minh Thượng ảnh 1

Vườn thanh long của chi em Hồng Ý và Hồng Thu.

Chiều đến, mặt trời sắp lặn, nhưng căn nhà nằm bên cạnh ao cá cửa vẫn đóng. Hồng Ý và Hồng Thu đang ở vườn thanh long. Vào vườn thanh long của chị em Ý và Thu, chúng tôi ngỡ đang đi vào một khu du lịch sinh thái. Những dòng kênh xẻ dọc trong vườn. Những hàng thanh long thẳng tắp đang mùa cho quả, dưới mặt đất phạt dọn sạch sẽ. Chị Thu thao tác cho chiếc máy bơm nước hoạt động. Những tia nước bắn lên nền trời xanh dạ với những tia nắng chiều, tạo nên một khung cảnh lao động đẹp, rất “công nghệ”.

Khi dự án kinh tế vùng đệm U Minh Thượng được triển khai, chị em Ý và Thu là một trong số 76 hộ gia đình chính sách được cấp đất 5ha đất cặp với vùng bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia. Đến khi làm con đường chạy ngang, đất của Y và Thu chỉ còn khoảng hơn 4ha. Những ngày đầu nhận đất, cuộc sống của hai người phụ nữ này vô cùng vất vả, thiếu thốn nhưng họ đã nắm tay nhau từng bước vượt qua. Nhiều mô hình kinh tế được hai người phụ nữ “lỡ thì” này đưa từ nơi khác về áp dụng trên đồng đất phèn U Minh Thượng và đã thành công, được nhân rộng ra toàn vùng. Điển hình là mô hình trồng đu đủ đã giúp hai chị em trả được nợ ngân hàng và có tích lũy để đầu tư các mô hình kinh tế khác.

Tháo chiếc khăn che mặt xuống, chi Hồng Ý bộc bạch: “Khu vườn này có tổng cộng 1.250 trụ thanh long, bình quân mỗi trụ tôi đầu tư khoảng 150.000 đồng, chưa tính nhân công nhà bỏ ra, chi phí ban đầu khoảng 200 triệu đồng. Trồng thanh long khoảng hai năm sẽ cho thu hoạch. Tôi đã thu hoạch được khoảng 350 triệu đồng và đang chuẩn bị thu hoạch đợt tiếp theo khoảng sáu tấn, với giá bán từ 25.000 đến 35.000 đồng/kg, dự kiến thu về khoảng 200 triệu đồng”.

Cái khó của chị em Hồng Ý, Hồng Thu và những người trồng thanh long ở vùng đệm U Minh Thượng là khâu tiêu thụ. Hiện, toàn vùng có khoảng 3.000 nọc thanh long, mỗi đợt thu hoạch khoảng 10 tấn quả, người nông dân phải tự chi phí vận chuyển sang huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long mới cân được cho vựa, giá cả cũng do vựa định. Chính vì vậy, nông dân vùng đệm U Minh Thượng còn đắn đo chưa dám nhân rộng mô hình trồng thanh long ruột đỏ, mặc dù cây này rất phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất này. “Chúng tôi lo lắng đến một ngày nào đó, chủ vựa nói “không mua thanh long nữa”. Nếu cây thanh long được Nhà nước hỗ trợ tìm đầu ra, nông dân U Minh Thượng sẽ làm giàu”, chị Hồng Ý mong muốn.

Rời vườn thanh long của hai nữ nông dân Thu và Ý, chúng tôi theo con đường nhựa đến gia đình anh Huỳnh Văn Hạt, ngụ ấp Kinh 6, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng. Ngồi trong căn nhà mới khang trang vừa xây dựng xong trị giá hơn nửa tỷ đồng, anh Hạt cho biết: Năm 2002, rừng cháy, nông dân vùng đệm U Minh Thượng khủng hoảng, nhiều hộ bán đất bỏ đi nơi khác làm ăn.

“Tôi không may mắn như các hộ nông dân khác được cấp đất mà phải mua lại một phần đất 4ha của một hộ dân với giá 45 triệu đồng và “mua” luôn số nợ ngân hàng, tổng cộng lên đến 75 triệu đồng. Thời điểm đó số tiền này rất lớn. Năm đầu tiên, tôi phát hoang trồng 1.000 gốc đu đủ. Hằng ngày, hừng đông tôi đã ra rẫy, đến tối mịt mới về đến nhà. Nhiều hôm về trễ bà xã phải cầm đen pin đi kiếm. May mắn, chỉ năm đầu đu đủ trúng mùa sai quả, bán từ 1.000 đến 1.500 đồng/kg, thu về gần 100 triệu đồng, chỉ hai năm tôi đã trả đủ số nợ”, anh Hạt kể.

Cứ thế anh Hạt tiếp tục trồng đu đủ, mở rộng diện tích trồng thêm mía, khóm, gừng, mỗi năm gia đình anh thu nhập từ 4ha đất trên dưới 300 triệu đồng, trở thành nông dân sản xuất giỏi cấp huyện.

Vùng đệm U Minh Thượng từ khi giao khoáng cho dân hơn 20 năm, trong đó có 18 năm chuyển sang làm kinh tế nông hộ. Rất nhiều mô hình đã được áp dụng thành công trên nền đất chua đến đắng vì phèn, nhưng chưa có mô hình nào được nhân rộng để phát triển lớn. Người dân cho biết, những năm đầu phát triển kinh tế nông hộ vùng đất này chỉ trồng được hoa màu, nhưng trồng nhiều sẽ gặp cảnh dội chợ, bán không được, người dân trồng cầm cự, cây tràm có lúc bán như cho, không đủ chi phí.

Mãi đến những năm 2009-2010 về sau, cây lúa, cây mía, cây khóm, cây chuối… mới cho thu hoạch khá, nhưng nông dân phải luôn gặp cảnh trúng mùa, rớt giá, có lúc bán không được. “Do phải đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt, ghe không vào được rẫy, nông dân khi thu hoạch xong phải chở hàng ra đầu đập mới có người mua, một mặt chi phí đội lên, một mặt bị thương lái ép giá. Vì vậy, sản xuất của nông dân vùng đệm U Minh Thượng đến hôm nay vẫn bấp bênh”, anh Hạt nêu nguyên nhân.

Chúng tôi đi dọc về những căn nhà sáng ánh điện. Người lớn, trẻ nhỏ đang quây quần bên chiếc tivi màu, một vật dụng giải trí đã có mặt trong gia đình của các hộ dân vùng đệm U Minh Thượng. Rất nhiều mô hình kinh tế từ chiếc tivi mà nông dân U Minh Thượng tiếp cận, nhưng để cây trồng, vật nuôi của vùng U Minh Thượng được lưu thông rộng khắp, ngoài phương tiện truyền tải này, rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía, trong đó vai trò quy hoạch, dự báo, định hướng của Nhà nước rất quan trọng.

Dọc về rừng U Minh Thượng ảnh 2

Nông dân vùng đệm bắt cá cải thiện cuộc sống.