Cuộc chiến mang tên corona (tiếp theo và hết)

NDO -

(Ghi chép của một người đi cách ly)

NDĐT - Trong phòng, chống dịch Covid-19 ở nước ta, các khu cách ly có vai trò đặc biệt quan trọng. Ở đó, diễn ra cuộc chiến đấu thầm lặng của nhân viên y tế với bệnh tật. Ở đó, có sự bao dung, chăm sóc của quân đội, công an, tình nguyện viên, đội ngũ phục vụ. Nhưng tại Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn, đơn vị cách ly đặc biệt, mọi công việc đều do nhân viên y tế đảm nhiệm.

Đọc sách, một cách để tạo niềm vui trong khu cách ly.
Đọc sách, một cách để tạo niềm vui trong khu cách ly.

Kỳ 2: Khu cách ly đặc biệt và cuộc chiến thầm lặng

Trái với dự đoán của chúng tôi, các nhân viên y tế ở Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn không hề tỏ ra nghiêm trọng, mà chào đón bệnh nhân rất hồ hởi. Khu cách ly là một ngôi nhà hai tầng, người cách ly ở tầng hai, không được phép xuống tầng trệt, chỉ có thể đi dạo, tập thể dục trên mái nhà.

Tại đây, chúng tôi gặp lại cô Cầu và bạn tiếp viên nam ở cùng nhà trọ. Hai người tươi cười thông báo đã xét nghiệm âm tính, sắp được về. Hai hôm sau, cô Cầu hết thời gian cách ly, vì tính từ ngày 7-3, khi bạn Q. nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, thì cô đã cách ly đủ 14 ngày. Biết không mắc bệnh, cô Cầu rất vui, song về chỗ nào thì cô còn phân vân. Nhân viên y tế phường Bồ Đề không muốn cô quay về nhà trọ ngõ 162, vì mọi người ở đó vẫn đang phải cách ly tiếp. Sau khi suy tính, cô quyết định về quê ở huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Tiếc là các nhà xe đều từ chối chở khách, lý do mà họ đưa ra là có quá ít khách, xe càng chạy càng lỗ. Cuối cùng, cô Cầu chọn giải pháp về quê bằng taxi và sẽ hạn chế giao tiếp với mọi người.

Cuộc chiến mang tên corona (tiếp theo và hết) ảnh 1

Cô Cầu (thứ ba từ phải sang) hết thời gian cách ly, chia tay với các thầy thuốc Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn.

Qua nhóm Zalo mới ở bệnh viện có tên “Thân thương”, những người trong khu cách ly dần biết nhau. Ba bạn gái trong “nhóm điều dưỡng” ở chung một phòng. Bên cạnh là phòng ba người đàn ông, độ tuổi khác nhau. Trong đó có anh K., một chủ khách sạn. Anh này nói chuyện trực tiếp với một vị khách nước ngoài dương tính với Covid-19. Do sức ép của dịch, các khách sạn của anh đã phải đóng cửa hoàn toàn, thiệt hại rất lớn. Cùng phòng anh K. có một bạn trẻ, chuyên pha chế đồ uống ở một khách sạn khác. Bạn này không nhớ đã tiếp xúc với ai, vì khách ra vào đông. Chỉ nghe nói là có khách dương tính đến ăn ở khách sạn, thế là bị cách ly. Khách sạn mà bạn trẻ này làm việc cũng đóng cửa, chưa biết bao giờ mở lại. Còn lớn tuổi nhất khu cách ly là anh L., một kỹ sư phần mềm. Anh này trót bắt tay một vị khách nước ngoài dương tính. Tuy nhiên với anh L., dịch bệnh dường như không ảnh hưởng đến công việc, vì anh chủ yếu làm online và giao dịch qua điện thoại.

Nhóm đông nhất là các chàng trai chuyên “đánh hàng” từ châu Âu về Việt Nam. Họ đều có gia đình ổn định ở Ba Lan, chuyến này về nước mà chưa biết khi nào quay lại châu Âu. H., một anh chàng rất vui tính, kể, máy bay từ châu Âu về Việt Nam trống trơn, mỗi người một hàng ghế ngủ thoải mái. H. ngủ một mạch cho đến khi xuống sân bay Nội Bài thì được mời vào khu cách ly luôn, cũng chả hiểu vì sao. Hóa ra khi máy bay transit tại Qatar, có đón một vị khách dương tính với Covid-19. Cứ ai ngồi cùng máy bay là bị cách ly thôi. Anh H. cho biết thêm, bên Ba Lan mà vi phạm quy định về cách ly có thể bị phạt tới 700 USD.

Chúng tôi thường lên mái nhà tập thể dục. Tại đó, chúng tôi phát hiện có cây bồ đề nhỏ mọc trên mái nhà và những khóm hoa lau. Chung quanh khu cách ly là màu xanh mát rượi của làng quê thanh bình. Xa xa là đồi núi. H. bảo, được cách ly ở bệnh viện này là đúng chỗ và thoải mái, vừa an toàn cho mình, vừa tránh lây lan ra cộng đồng. Hơn nữa, cũng may mắn mới được cách ly ở chỗ ít người, được các y, bác sĩ chăm sóc kỹ. H. dự đoán, đến tháng 8 năm nay, anh mới có thể bắt đầu lại công việc, vì các nước đóng cửa biên giới và cả thế giới đều đang “nghỉ”.

Khu cách ly nhỏ nên mọi người thường quan tâm đến nhau. Hôm mới đến, trông thấy mấy chàng trai trong “nhóm châu Âu” cười nói ầm ĩ, không đeo khẩu trang, “bệnh nghề nghiệp” nổi lên, một bạn gái trong nhóm điều dưỡng nhắn lên Zalo yêu cầu mọi người phải đeo khẩu trang, không nhắn linh tinh ngoài thông tin dịch bệnh. Mấy chàng trai không chịu thua, thế là lời qua tiếng lại trên Zalo, đến mức chị Hạnh điều dưỡng phải vào dàn hòa. Thế thôi, nhưng các chàng trai này lại rất thương ba cô gái trẻ, nào mít, nào hạt dưa, trà sữa trân châu được chuyển qua, lại lên Zalo cảm ơn nhau, bảo là thương là quý…

Cuộc chiến mang tên corona (tiếp theo và hết) ảnh 2

Mua quả mít 15kg để chia cho mọi người trong khu cách ly.

Loanh quanh trong không gian hẹp nên cũng có người sinh ra buồn bực. Điều dưỡng trưởng Trần Thị Thúy Hạnh cảm nhận được điều ấy. Chính vì thế, chị dành nhiều thời gian trong ngày để động viên, khích lệ bệnh nhân. Sáng sớm, đúng 7 giờ, chị nhắn tin chào buổi sáng, nhắc mọi người kiểm tra sức khỏe, hô hào mọi người tải lên zalo những clip vui và trao đổi với nhau nhiều hơn để tránh stress. Có hôm 11 giờ đêm, chị vẫn nhắn tin trên zalo nói chuyện để bệnh nhân vui vẻ. Rảnh rỗi, mấy anh chàng quay sang trêu chọc cả cán bộ y tế, vậy mà các chị không bao giờ giận, còn vào góp vui. Với những người nghi ngờ mắc bệnh phải cách ly thì không thuốc gì bằng thuốc tâm lý, vì chỉ ăn và nghỉ ngơi, không phải động chân tay tí nào. Các thầy thuốc ở đây rất giỏi “lên giây cót tinh thần” cho người bệnh. Hy vọng các bạn điều dưỡng viên trẻ cũng học được ít nhiều những kinh nghiệm từ “chuyến thực tế” bất đắc dĩ này, nhất là kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống. Để chống dịch thành công, chúng ta cần có những cán bộ y tế “đa di năng” và “dân vận khéo” như thế.

Tính đến ngày 23-3, khu cách ly của Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn đã đón 17 trường hợp nghi ngờ mắc covid-19, tất cả đều âm tính sau xét nghiệm lần một, sáu người đã ra viện. Dự kiến sẽ đón thêm bệnh nhân trong những ngày tới. Từng mối quan tâm của người cách ly đều được các nhân viên y tế theo dõi rất sát. Bất kể ai có triệu chứng dù nhỏ nhất cũng được kiểm tra, cần thuốc sẽ có thuốc ngay trong đêm. Bữa ăn của bệnh nhân thường xuyên thay đổi. Có hẳn thực đơn cả tuần cho các bữa sáng. Bữa trưa và bữa tối được điều chỉnh theo yêu cầu của bệnh nhân. Hộ lý mang cơm đến tận phòng. Thấy cán bộ y tế vất vả, mọi người cũng không đòi hỏi gì. Anh em còn chia sẻ hoa quả, đồ uống và không ngừng động viên nhân viên y tế.

Ngoài chăm sóc người bị cách ly, nhân viên y tế trong khoa còn phải chăm sóc các bệnh nhân khác. Hộ lý Nguyễn Thị Kim Hoa, ngoài công việc chuyên môn còn phải dọn vệ sinh, chuyển đồ ăn, mua giúp đồ dùng và xử lý yêu cầu đa dạng của mọi người. Bác sĩ Dương Văn Nhiệm, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm hỏi han nhu cầu của từng người, miễn sao bệnh nhân cảm thấy thoải mái nhất. Thái độ niềm nở, ân cần, chu đáo của các y, bác sĩ còn hơn cả sự tưởng tượng của chúng tôi. Do yêu cầu cách ly nghiêm ngặt mà có những anh chị phải bám bệnh viện hàng chục ngày chưa về nhà. Làm việc trong môi trường có nguy cơ phơi nhiễm cao, các nhân viên y tế phục vụ đối tượng cách ly phải mang thiết bị bảo hộ cá nhân đúng quy định, các loại rác thải đều được xử lý cẩn thận như đối với chất lây nhiễm.

Chúng tôi cũng giữ liên lạc với nhóm Zalo “162NVC” cách ly tại nhà, ở nhà trọ phố Nguyễn Văn Cừ, không khí ở đó rất vui vẻ. Đối tượng cách ly ở đó đều là các bạn trẻ, rất hồn nhiên và nghịch ngợm. Họ lên Zalo động viên nhau và động viên cán bộ y tế làm việc. Sắp hết thời gian cách ly, mọi người lên mạng không ngớt cảm ơn các cô, chú, anh, chị trực chiến. Không khí chia sẻ, động viên nhau tràn ngập mạng xã hội.

Theo dõi tình hình bên ngoài, biết có ba bác sĩ và nhân viên y tế bị nhiễm Covid-19 khi khám chữa bệnh, mọi người rất thương và bảo nhau tuân thủ đúng quy định y tế để giảm nhẹ áp lực cho các thầy thuốc. Không chỉ bệnh nhân thương thầy thuốc mà chính đồng nghiệp ngành y trong lúc này cũng sát cánh bên nhau. Tôi tình cờ đọc lá thư rưng rưng cảm động của bác sĩ Lương Thị Lệ Hương gửi các chị Khoa Bệnh truyền nhiễm ở cùng Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn. Bức thư có đoạn viết: “Cuộc chiến chống dịch chắc sẽ còn dài, khó khăn, vất vả vẫn còn đang chờ đợi chúng ta ở phía trước. Đặc biệt, còn quá nhiều thử thách mà các anh, chị sẽ phải đương đầu. Nhưng bây giờ hãy yên tâm nhé, anh, chị, các em không chỉ có một mình, rất nhiều ánh mắt, trái tim đang hướng về mọi người (nhất định là như thế)”.

Rõ ràng, những biện pháp cách ly bắt buộc, kiên quyết, toàn diện của nước ta đã phát huy hiệu quả. Đảng, Nhà nước đã xác định rõ, tất cả vì sức khỏe nhân dân, cả nước đang làm mọi việc để ngăn chặn đại dịch này. Trong và ngoài các khu cách ly đang diễn ra cuộc chiến chống dịch vô cùng quyết liệt, khẩn trương. Mỗi khu cách ly trở thành một pháo đài chiến đấu của các thầy thuốc, là nơi cộng đồng gian khổ, chia sẻ khó khăn. Trong dịch dã, tất cả mọi người đều được đối xử bình đẳng, không phân biệt già trẻ, giàu nghèo, người trong nước cũng như người nước ngoài, có hay không có bảo hiểm y tế. Sự đối xử ấy khiến mỗi người dân Việt Nam chúng ta trân trọng hơn nghĩa đồng bào, cảm động hơn sự bao bọc của Tổ quốc. Với sức mạnh tinh thần và niềm tin khoa học, chắc chắn một ngày không xa, dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi.

Lịch sử đất nước sẽ khắc ghi những ngày này, mọi người sẽ không quên tinh thần lao động quên mình của các thầy thuốc. Xin gửi lời tri ân đến các lực lượng, tổ chức, cá nhân trên tuyến đầu chống dịch, cảm ơn những tấm lòng cao quý trên khắp đất nước thân yêu của chúng ta.

Kỳ 1: Khẩn trương chuyển trạng thái