“Cổ tích” ở Triêm Tây- Bài 1

NDO -

NDĐT- Một ngày, ngôi làng nhỏ tưởng bị bỏ quên phía bên kia sông Thu Bồn bỗng nhiên có tên trong “bản đồ” du lịch, được du khách, đặc biệt là khách nước ngoài biết đến như một địa chỉ hấp dẫn… Làng Triêm Tây (xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã bắt đầu viết câu chuyện cổ tích về sự hồi sinh của mình từ những điều tưởng là nhỏ bé đơn giản nhất…

Làng Triêm Tây nằm bên sông Thu Bồn đang là điểm đến được khách du lịch yêu thích.
Làng Triêm Tây nằm bên sông Thu Bồn đang là điểm đến được khách du lịch yêu thích.

Làng quê nghèo trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn

 “Cổ tích” ở Triêm Tây- Bài 1 ảnh 1

Mất 10 phút đi thuyền qua sông, ngôi làng như một ốc đảo xanh mời gọi..

Trong hành trình du lịch đến Quảng Nam – Đà Nẵng, với những điểm đến quen thuộc lâu nay như Hội An, Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm, các mô hình du lịch cộng đồng tại huyện Đông Giang bên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại, năm nay du khách được giới thiệu thêm một điểm mới: làng du lịch cộng đồng Triêm Tây.

Dừng chân ở bến thuyền bên sông cạnh làng gốm Thanh Hà, cách Hội An chừng 2km về hướng đông bắc, trong cái nắng mùa hè chấp chới, khách nhìn sang phía bờ bên kia thấp thoáng một ốc đảo mát xanh mời gọi. Chiếc thuyền nhỏ chạy men theo từng đám hoa lục bình, vừa cập bến, đã thấy mấy cô mấy chị trong bộ đồ bà ba nón trắng tươi cười đón khách trên chiếc cầu âu làm bằng thân tre. Sau những tiếng chào như thân thuộc, các cô các chị lấy nón che cho khách, hỏi han ríu rít như đón người thân đi xa về.

Thoạt tiên, khi bước chân vào con đường làng mát rượi bóng tre, hai bên những bụi tre thân nhỏ vàng óng kết thành từng lũy, khách đã cảm nhận sự bình yên đến lạ lùng. Con đường đất sạch sẽ dẫn vào làng, đi quanh co qua những ngôi nhà mái ngói ba gian xinh xắn, hàng rào là những luống hoa đủ màu sắc được cắt tỉa gọn gàng hoặc những luống chè tàu xanh mướt. Những ngôi nhà ngói đỏ, ô cửa sổ màu xanh, ngõ vào là những chiếc cổng chào kết bằng cây xanh, cây dây leo trổ đầy hoa. Một bức tranh làng quê xinh đẹp, sống động.

Làng Triêm Tây nằm bên dòng sông Thu Bồn chỉ có hơn 150 hộ dân sinh sống, chỉ cách đô thị cổ Hội An chừng 10 phút đi thuyền từ bến làng gốm Thanh Hà, hoặc hơn 20 phút qua đò Cẩm Kim và làng mộc Kim Bồng. Một ngôi làng thuần Việt hiện còn giữ được, với nguyên dáng vẻ của làng quê như từ nghìn năm trước, ẩn giấu bên trong những tiện nghi hiện đại và sức sống của ngày nay đang mời gọi du khách.

Người phụ nữ trung niên- sau này tôi biết tên cô Than - với nước da tái sạm nhưng nụ cười sáng bừng lên dưới vành nón lá, dáng đi vội vã, dẫn chúng tôi về nhà. Vừa đi cô vừa ríu rít, cái hàng rào cây chè tàu này mất hai năm mới lên được đẹp thế này. Đoạn này nhà cô cũng vậy, phải nâng nền ngõ lên chứ ngày trước ngập lắm, hễ mưa là ngập… Nhà cô Than nằm gần cuối làng, ngay bên lạch bến Quế. Con ngõ rợp cây xanh, bước vào sân nhà cô cũng vừa lúc gió từ sông thổi vào, dấp vục nước con gái của cô Than vừa kéo từ giếng khơi lên, mát lạnh như kem vừa tan chảy, bất chợt mọi gay gắt nóng rát của cái nắng miền Trung tháng sáu đã thành ngọt lịm. Con gái út của cô Than đưa khách lên phòng, hướng dẫn khách các lối đi lại, rồi nhẹ nhàng xuống nhà chuẩn bị bữa trưa.

Nhà cô Than là một trong mấy nhà mới được chọn làm thí điểm cho dịch vụ home-stay. Hai phòng nhỏ xinh xắn dành cho khách, sạch sẽ có đầy đủ tiện nghi, cô cho biết vừa được sửa sang theo tiêu chuẩn lưu trú cho khách du lịch quốc tế do ILO và UNESCO tư vấn.

Những “sản phẩm” bất ngờ

 “Cổ tích” ở Triêm Tây- Bài 1 ảnh 2

Những ngõ nhỏ bình yên thường thấy ở Triêm Tây.

Nếu để kể ra Triêm Tây có gì độc đáo so với các làng quê Việt Nam thì hẳn là không dễ. Như hàng trăm ngôi làng trên đất nước, làng nhỏ ấy có những ngôi miếu thờ và nhà cổ hàng trăm năm, cây thị hàng trăm năm tuổi, nghề dệt chiếu chẽ truyền thống và nghề đắp vẽ nghệ thuật bằng xi măng, khu nhà vườn truyền thống… Nhưng vì sao mà Triêm Tây đón được du khách, và đặc biệt, là khách lưu trú ngày càng tăng? Và chuyến đi ngắn ngủi đến ngôi làng này, đối với chúng tôi thật sự là những trải nghiệm và đúc kết vô cùng quý giá. Một chuyến đi đáng nhớ trong đời đối với chúng tôi.

Khi rời làng để quay về thành phố Đà Nẵng kịp chuyến bay đêm ra Hà Nội, ngồi trên chiếc thuyền nhỏ nhìn ngôi làng như ốc đảo xanh trôi dần ra xa, cảm giác như thể phải chia tay điều gì thân thiết nhất, và tự nhủ, dù thế nào cũng phải quay trở lại. Cho đến lúc ấy, tôi vẫn chưa lý giải hết vì sao mà mọi thứ tưởng như rất đỗi bình thường, vốn ngỡ quen thuộc ở mọi làng quê Việt, lại chính là những thứ mời gọi tha thiết đến tâm hồn mình, tình cảm mình, làm cho mình vừa thích thú khám phá những điều mới mẻ, vừa tận hưởng niềm vui an lành đến thế. Từ cái màu nước sông xanh trong vắt trưa hè nhìn qua cửa sổ nhà cô Than ra bến Quế, đến tiếng con chim bồ câu gù trong nắng sớm. Bữa cơm trưa trên chiếc bè mảng mát rượi gió đồng, những tôm cá vừa chài lưới ngoài sông, rau quả tươi ngon vừa mới hái sau vườn. Bà cụ già lặng lẽ ngồi dệt chiếu trong vạt nắng chiều xiên nơi góc nhà, mải miết không hề phân tâm bởi tiếng ồn ã du khách chung quanh. Gương mặt non tơ ánh lên niềm vui không dứt và câu chuyện ríu rít của Út Chơn- con gái cô Than. Ánh lửa đuốc bập bùng và tiếng hát bài chòi rạo rực trong đêm tối.

Tour đi bộ quanh làng giữa những con đường chè tàu xanh mướt, chèo thuyền, thả diều, dệt chiếu, trồng rau, đắp tượng, tới thăm thú nhà cổ, giếng cổ, lên chùa, ra miếu không những hấp dẫn du khách nước ngoài mà người Việt cũng thích thú say mê. Tự nhủ không biết vì lẽ gì mà những người thiết kế và thực hiện Dự án phát triển làng du lịch cộng đồng Triêm Tây có thể nhìn ra, rằng đi bộ quanh làng cũng là một “sản phẩm du lịch”. Trải nghiệm cuộc sống và công việc của người làng quê như đi cuốc đất trồng rau, tự tay hái rau, chèo thuyền quăng lưới bắt cá, rồi thì nấu nướng xong lại chèo thuyền qua bên kia Cồn Hến thả diều, nướng khoai nướng sắn… thật sự là vui thích đối với du khách. Giản dị vậy mà ngỡ như cuộc sống chốn thần tiên.

Nhớ lại cảm giác của mình khi đêm đến tay cầm bó đuốc dò dẫm từ con ngõ nhỏ nhà cô Than, men theo ánh sáng mà đi về phía trung tâm làng, nơi có hàng chục bó đuốc đang rực rỡ, để chờ nghe dân làng hát bài chòi mà tim mình bất giác rung lên. Có phải vì thấy lại những điều đã mất đi, đã thất lạc đâu đó, ở hàng trăm, hàng nghìn ngôi làng Việt? Ký ức xa xôi nay như được trở về… Tôi hiểu vì sao Triêm Tây ngày càng thu hút du khách.

Nhưng du lịch ở Triêm Tây không phải là đích đến, mà chỉ là động lực – một cơ may lấy lại những gì đã mất của làng quê thuần Việt, tạo lập một không gian sống bền vững cho dân làng.

Nếu ai đó biết được, Triêm Tây chỉ hơn hai năm trước gần như là một ngôi làng bị bỏ quên, buồn tẻ vì vắng tiếng chân người, thì có lẽ mới thấm hết niềm vui của người Triêm Tây hôm nay…

 “Cổ tích” ở Triêm Tây- Bài 1 ảnh 3

Cảnh quan ngôi làng được người dân chăm chút, chỉnh trang mang đến niềm vui thưởng ngoạn cho du khách.

 “Cổ tích” ở Triêm Tây- Bài 1 ảnh 4

Những góc vườn xinh đẹp.

 “Cổ tích” ở Triêm Tây- Bài 1 ảnh 5

Cô Lê Thị Than (áo xanh) đang hát một bài ca dân gian Quảng Nam trước sự thích thú của du khách.

 “Cổ tích” ở Triêm Tây- Bài 1 ảnh 6

Bánh trái cho khách nghỉ chân khi đi bộ trong làng.

 “Cổ tích” ở Triêm Tây- Bài 1 ảnh 7

Du khách trải nghiệm chèo thuyền trên sông.

 “Cổ tích” ở Triêm Tây- Bài 1 ảnh 8

Thưởng thức đặc sản cá sông nướng.

 “Cổ tích” ở Triêm Tây- Bài 1 ảnh 9

Hoạt động thả diều trên bãi phía bên kia cồn Hến được nhiều du khách lựa chọn khi đến Triêm Tây.

(Còn nữa)

............

* Cổ tích ở Triêm Tây - Bài 2

* Cổ tích ở Triêm Tây- Bài 3