Chuyện một ngôi trường trên núi cao

NDO -

NDĐT- Cậu bé chừng hơn ba tuổi tay mân mê mãi chiếc xúc xích ăn liền, tìm cách để bóc nó ra. Có lẽ cả tuổi thơ của cậu hiếm hoi có khi nào được cầm một thứ quà lạ lẫm như thế này, khi sống ở một nơi còn nhiều khó khăn như thôn Nậm Nhùng, xã Ngọc Linh, Vị Xuyên, Hà Giang. Niềm vui của cậu bé được bao trùm bởi một niềm vui lớn hơn, hôm nay cậu là một trong những chủ nhân chính thức của ngôi trường nhỏ xinh đáng yêu vừa được Báo Nhân Dân và Công ty Beegreen xây tặng.

Chuyện một ngôi trường trên núi cao

Khoảng hơn hai chục bé mẫu giáo, có bé mặt mũi vẫn còn lấm lem nước mũi, tròn mắt xem màn biểu diễn của các bạn đồng trang lứa. Có lẽ, đây là lần đầu tiên trong đời, các bé được tham dự một buổi lễ lớn như thế, với cờ hoa, rạp dựng, nhạc rộn rã khắp một vùng. Đó cũng là lần đầu tiên, các bé bỡ ngỡ bước vào ngôi trường đẹp như trong mơ, được xây dựng cho chính các em.

Chuyện một ngôi trường trên núi cao ảnh 1

Các bé chăm chú xem phần biểu diễn của chính các bạn mình.

Từ lúc lễ khánh thành chưa bắt đầu, khoảng hai chục ông bố bà mẹ, người bế con nhỏ, người đứng ngóng con đang ngồi trong sân trường dự lễ, dăm ba người đứng túm tụm trò chuyện với nhau bằng tiếng dân tộc. Bao nhiêu năm cho con đi học xa nhà, học nhờ, nay họ mới được tận mắt thấy một ngôi trường đẹp, đầy đủ tiện nghi dành cho chính con em mình.

Chuyện một ngôi trường trên núi cao ảnh 2

Cáo Thị Chéo (ảnh trên), người phụ nữ dân tộc Cờ Lao, năm nay mới 26 tuổi nhưng đã là mẹ của bốn đứa con lít nhít. Trừ một đứa còn ẵm theo trên tay , ba đứa còn lại đều là học sinh của ba lớp tại ngôi trường mới này: một đứa mẫu giáo, một đứa lớp một và một đứa lớp ba. Từ sáng sớm, cả bốn mẹ con dắt díu nhau tới ngôi trường mới, tay ẵm đứa bé nhất, mắt không rời ba đứa còn lại líu ríu quanh chân mẹ. Nói tiếng Kinh chưa sõi, nhưng Chéo không giấu được niềm vui lấp lánh trong ánh mắt khi nhìn những đứa con lem luốc của mình ngồi ngay ngắn trên những chiếc ghế mới tinh xanh đỏ trong lớp học. Chéo bảo, nhà cô cách trường một đoạn đồi, sáng thì mẹ hoặc bố sẽ chở bọn trẻ bằng xe máy lên đây cho kịp giờ học, chiều tan học thì bọn trẻ sẽ tự đi bộ về. Cô vui vì cả bốn đứa con của cô sẽ không phải đi xa ra điểm trường chính, mà ngôi trường mới này lại đầy đủ mọi thứ tiện nghi…

Chuyện một ngôi trường trên núi cao ảnh 3

“Trường mới đẹp như thế này, tôi sẽ cho con đến học thôi”, Cáo Thị Chéo không phải là bà mẹ đông con theo học tại trường duy nhất. Một bà mẹ khác tay cầm giùm túi bánh kẹo quà tặng của con, miệng nói với con: “Có trường mới đẹp rồi, mai đi học chăm con nhé”… Có người mẹ trẻ cũng có bốn đứa con nhỏ đi học tại trường, mỗi bé học một lớp, cứ đứng ngoài cửa sổ chống tay lặng lẽ ngắm nhìn căn phòng còn thơm mùi sơn mới. Một ông bố khác, tay bế đứa con nhỏ còn chưa đến tuổi mẫu giáo, cười bẽn lẽn: "Trường đẹp quá, ít nữa đứa này lớn, tôi cũng cho đi học ở đây".

Chuyện một ngôi trường trên núi cao ảnh 4

Cô trò chuẩn bị cho lễ khánh thành.

Điểm trường Nậm Nhùng được xây dựng trên một ngọn đồi nhỏ cao ráo, trông về phía hồ nước xanh biếc qua con đường vào thôn, sau lưng trường là vách núi. Trường rộng khoảng 300m2, chia làm hai khu, kiến trúc đẹp vừa thoáng mát, hiện đại vừa mang nét bản sắc của ngôi nhà đồng bào vùng cao, với những bức tường, vách đá rất đẹp. Một khu học tập gồm bốn phòng học dành cho các lứa tuổi từ mẫu giáo đến lớp 3, trang bị đủ tiện nghi, có cửa kính kéo lại ấm áp vào mùa đông, có quạt trần mát mẻ vào mùa hè. Lớp của các bé mẫu giáo được ưu tiên hơn một chút, rộng rãi và trang trí màu sắc vui mắt, bé nào cũng thích mê. Khu phụ bao gồm nhà vệ sinh chia riêng hai bên, với các thiết bị nhỏ xinh, phù hợp với độ tuổi mẫu giáo, bồn rửa tay đủ thấp để các bé không phải với cũng cho thấy sự tinh tế của người thiết kế thi công…

Chuyện một ngôi trường trên núi cao ảnh 5

Trong ngày khánh thành và bàn giao điểm trường, nhiều cô giáo trẻ đã thốt lên: “Trường đẹp quá, giáo viên vùng cao chúng em chưa bao giờ có được ngôi trường như trong mơ thế này”.

Chuyện một ngôi trường trên núi cao ảnh 6

Dãy hoa cúc mặt trời vừa được trồng trước hôm khánh thành.

Khi các em bé vui với những quyển vở mới, với bánh kẹo, xúc xích, bánh gạo… thì các cô giáo lại vui với những dự định thật đẹp. “Chúng tôi sẽ trồng hoa huệ đỏ dọc hàng rào trong sân trường, còn phía sau trồng rau để có thêm thức ăn mỗi khi có học sinh ở lại lớp buổi trưa. Hồ nước phía trước mặt, mấy chị em dự định thả vịt, vừa làm đẹp cảnh quan, vừa để tăng gia” - một cô giáo chia sẻ.Ngay trước ngày khánh thành, các cô đã kịp trồng một dãy hoa cúc mặt trời vàng rực rỡ trên sân trường.

Chuyện một ngôi trường trên núi cao ảnh 7

Hành lang cao ráo, sạch sẽ và có đèn điện thắp sáng.

Chuyện một ngôi trường trên núi cao ảnh 8

Khu nhà vệ sinh khang trang, sạch sẽ.

Trước khi có điểm trường này, các em học sinh phải đi học tạm tại một dãy nhà cách đó hơn 2km đường núi, phòng học không đủ, thậm chí lớp mẫu giáo phải học nhờ tại trụ sở thôn. Nhờ có sự giới thiệu của Báo Nhân Dân, Beegreen đã kết nối, khảo sát và quyết định xây dựng một điểm trường mới cho các em nhỏ của bốn lớp mẫu giáo, lớp 1, 2 và 3.

Chuyện một ngôi trường trên núi cao ảnh 9

Học trò hớn hở trong bộ trang phục dân tộc thật đẹp, rực rỡ, với bàn ghế còn thơm mùi gỗ.

Ông Phan Công Tuấn, Giám đốc phụ trách miền bắc của Công ty Beegreen, chia sẻ về ý nghĩa của việc xây dựng điểm trường này: “Chúng tôi là doanh nghiệp bất động sản, nhưng luôn tâm niệm rằng phải chia sẻ một phần trách nhiệm với xã hội. Trong những năm vừa qua, Beegreen đã phối hợp với Báo Nhân Dân có nhiều hoạt động thiện nguyện, xã hội. Trong quá trình làm việc, Báo Nhân Dân đã giới thiệu chúng tôi đến với Hà Giang, huyện Vị Xuyên, một nơi còn rất nghèo và khó khăn. Sau khi khảo sát rất nhiều địa bàn, trước mắt chúng tôi chọn Nậm Nhùng là nơi xây điểm trường đầu tiên. Và đến hôm nay, chúng tôi Nậm Nhùng không chỉ là nơi học tập khang trang hơn cho các em học sinh hiện tại, mà còn tiếp tục được nhiều thế hệ học sinh sau này tiếp quản, bảo vệ, gìn giữ… Chúng tôi cũng mong có thêm nhiều doanh nghiệp khác chung tay hỗ trợ để tiếp tục xây dựng những điểm trường như thế này. Còn riêng với Beegreen, chúng tôi vẫn tiếp tục đồng hànhcùng Báo Nhân Dân trong các chương trình thiện nguyện tiếp theo”.

Chuyện một ngôi trường trên núi cao ảnh 10

Bạn nào cũng có phần quà mang về.

Chuyện một ngôi trường trên núi cao ảnh 11

Trịnh trọng cất bánh kẹo vào túi áo. Chiếc áo mới tinh vẫn còn nguyên nếp gấp.

Chuyện một ngôi trường trên núi cao ảnh 12

Việc xây dựng một ngôi trường bình thường ở một tỉnh miền núi vốn đã không dễ dàng gì, nhất là đối với một địa điểm xa xôi, đường sá đi lại khó khăn như Nậm Nhùng. Trong suốt quá trình thi công, những người thợ đã được người dân thôn Nậm Nhùng giúp đỡ rất nhiều, từ việc cho dùng nhờ điện, hỗ trợ về nước sinh hoạt - phải lấy từ rất xa, trên núi cao. Nắng mưa ở Nậm Nhùng cũng hết sức ấn tượng, mưa không hề có dấu hiệu trước, cứ thế ào xuống. Móng nhà vừa đào xong đã trở thành ao, những người thợ lại phải xoay trần ra tát nước… Hàng tháng trời, từ kiến trúc sư thiết kế, những ngườ thợ ở bản thi công, những cán bộ của Beegreen và Báo Nhân Dân cũng đã lặng lẽ “nằm vùng” cùng với bà con, thầy cô giáo, để khiến ngọn đồi hoang đá sỏi mọc lên một công trình kiến trúc tuyệt đẹp, một mái trường ươm ủ ước mơ cho những thế hệ mầm non của vùng núi cao địa đầu đất nước. Rồi nơi đây, các em bé sẽ viết tiếp giấc mơ cổ tích của vùng đất nhiều gian khó thử thách này.