Chuyện “giải cứu” quýt và nghịch lý ở Quỳ Hợp

NDO -

Giữa tháng 3, trên một số diễn đàn mạng xã hội, rộ lên câu chuyện “giải cứu” quýt Quỳ Hợp. Điều khiến nhiều người hết sức băn khoăn thắc mắc, là tại sao quả quýt có vị ngon, ngọt thanh, mọng nước và vắt uống mát lành như vậy lại không bán được, phải “giải cứu” với giá rẻ mạt? Mang theo câu hỏi đó, chúng tôi về vùng quýt Phủ Quỳ, một vùng quê đất đỏ bazan trải dài ở huyện Quỳ Hợp, miền tây Nghệ An…

Chuyện “giải cứu” quýt và nghịch lý ở Quỳ Hợp

  Bài 1: Nỗi buồn cây quýt 

Bà Nguyễn Thị Nhung, 56 tuổi, từng hai nhiệm kỳ làm Chủ tịch xã, một nhiệm kỳ làm Bí thư Đảng ủy xã Văn Lợi, nay đã về hưu, dẫn chúng tôi đi qua vườn cam, vườn mía, ngô, đậu… rồi dừng lại ở vườn quýt. Quýt của bà quả sai nhất vùng, nhưng đã hai tháng sau khi chín vẫn còn nằm trên cây. “Các cháu giúp dì bán bớt số quýt này với được không?” -  Người nông dân một nắng hai sương chỉ mong có mùa quả ngọt, nhưng giờ đây, điều họ mong mỏi hơn tất cả, là có người về hỏi mua quýt… .

Mòn mỏi chờ người mua

Chuyện “giải cứu” quýt và nghịch lý ở Quỳ Hợp -0
 Bà Nguyễn Thị Nhung lo lắng vì vườn quýt không tiêu thụ được. 

Chỉ còn khoảng chục ngày nữa, quýt Phủ Quỳ sẽ hết vụ, nhưng dọc những triền đồi ở Quỳ Hợp, Nghệ An mà chúng tôi đi qua, những vườn quýt chín mọng căng tròn vẫn đang chi chít quả, chỉ một cơn gió rung là rụng xuống tả tơi khắp vườn. 

Những cây quýt chi chít quả từ gốc đến ngọn, từng chùm lúc lỉu vàng ươm. Màu vàng của quýt còn nhuộm xuống cả dưới gốc cây khi rụng.

Bà Nguyễn Thị Nhung có 10 năm làm Chủ tịch xã và 5 năm làm Bí thư xã Văn Lợi, vừa mới về hưu năm ngoái. Kinh nghiệm được tiếp thu từ những năm tháng làm cán bộ xã, từ những lần tổ chức tập huấn cho bà con trồng cam, trồng quýt, bà dồn hết cho vườn cam, vườn quýt nhà mình.

Quýt PQ bắt đầu đến vụ từ tháng 2, rộ lên chín vào tháng 3 và kéo dài đến cuối tháng 4. Nhưng quả quýt chỉ ngon khi chín vừa độ, quá một chút là đã vàng úa, ăn không còn cảm nhận thấy vị tươi mát nữa. Vậy mà đến tháng 4 cuối vụ, cả vườn quýt hơn 1 héc-ta với 500 gốc của bà Nhung mới chỉ thu hoạch có ba cây. Vườn quýt của năng suất cao nhất xã với 50 tấn quýt/héc-ta, có cây cho thu hoạch đến 2 tạ quả. 

Chuyện “giải cứu” quýt và nghịch lý ở Quỳ Hợp -0
Cây quýt nhà bà Nguyễn Thị Nhung quả sai chín mọng từ gốc đến ngọn.  

 Chủ tịch Hội Nông dân xã Văn Lợi Đoàn Thị Mỹ cho biết, hơn tháng qua, chị bận bịu kết nối việc bán quýt cho dân, vớt vát được đồng nào hay đồng đấy. Nhưng vườn quýt của bà Nhung, người từng là lãnh đạo cấp trên trực tiếp của mình thì chị Mỹ chưa kết nối được với người mua vì chủ vườn nhất định không chịu bán với giá quá thấp. Với tư cách là cựu cán bộ xã, bà Nhung không muốn rẻ rúng giống quýt ngon mà bà cùng người dân ở đây đã mất nhiều công sức trồng trọt, chăm bón. 

Chuyện “giải cứu” quýt và nghịch lý ở Quỳ Hợp -0
Bà Nguyễn Thị Hồng, 55 tuổi, thôn Minh Long, xã Minh Hợp.

Cách vườn quýt trĩu quả của người phụ nữ ba nhiệm kỳ làm cán bộ xã khoảng chục cây số, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Hồng, 55 tuổi, thôn Minh Long, xã Minh Hợp đang lúi húi bắt con câu cấu trên những cây quýt. Vườn quýt 250 gốc của bà xác xơ như đã bỏ hoang từ lâu, lá bị câu cấu, nhện vàng cắn nham nhở. Lơ thơ giữa đám lá ấy là những quả quýt to màu xanh đang đúng vụ, nhưng trên những đọt cây đã hé nở những quả quýt bé tí. 

Chuyện “giải cứu” quýt và nghịch lý ở Quỳ Hợp (Bài 1) -0
Bà Nguyễn Thị Hồng xót xa trước những quả quýt rụng.  

Thường người nông dân phải thu hoạch xong lứa quýt để cây còn ra hoa rồi đậu quả mùa sau. Thế mà những cây quýt này chẳng khác nào những bà mẹ nuôi con nhỏ đã phải hoài thai thêm đứa trẻ khác. Chỉ lo thân quýt nuôi cả quả lớn, quả bé, lại bị côn trùng cắn lá sẽ ảnh hưởng chất lượng mùa sau.

Vườn quýt bà Nhung quả sai và căng mọng. 

 “Giá nào cũng bán” 

Tìm về với bà con vùng quýt mới thấy nếu không có bao tiêu sản phẩm từ trước, đến vụ thu hoạch bà con vất vả thế nào. Đi sâu hơn vào những triền dốc, nơi xe tải khó khăn để có thể đi vào, chúng tôi thấy nhiều bà con vẫn kĩu kịt chở quýt ra bằng xe thồ, xe máy rồi chuyển từng đơn hàng theo xe khách vào nam ra bắc khắp nơi.

Chúng tôi gặp vợ chồng ông Trần Hữu Việt, xóm Minh Lợi, xã Minh Hợp đang hối hả thồ hai xe quýt ra đường lớn gửi vào nam nhờ bà con bán hộ. Vườn quýt của ông rộng 1,5 héc-ta, ông đã bán rải rác từ lúc ra tết đến giờ.

Chuyện “giải cứu” quýt và nghịch lý ở Quỳ Hợp -0
Những cây quýt trĩu quả chín mọng vẫn đang chờ người mua  

“Vụ quýt qua đi nhanh lắm, không bán nhanh là rụng hết. Người ta trả 2 nghìn, 3 nghìn hay 4 nghìn đồng một cân tôi đều bán. Giờ tôi đã bán vơi nửa vườn rồi, chỉ còn 10 tấn nữa. Nhưng phải bán nhanh vì đã đến thời điểm quýt rụng, đang xanh nó cũng rụng”, ông Việt phân trần.

Ông cho biết, hai tạ quýt hai vợ chồng ông cắt chiều nay được bán với giá 3 nghìn đồng/kg. Nhờ bà con họ hàng ở các tỉnh giới thiệu mà nhiều người biết đến quýt của ông để đặt mua. Họ chuyển tiền quýt cho ông qua tài khoản, rồi ông cắt quýt gửi theo xe khách cho họ. 

Chuyện “giải cứu” quýt và nghịch lý ở Quỳ Hợp -0
Ông Trần Hữu Việt tự cứu mình bằng cách bán quýt với mọi giá. 

“Vất vả lắm, nhưng mình phải tự cứu mình thôi chứ không thể trông chờ ai được. Nhà nước cũng hỗ trợ tìm mọi cách bán quýt, nhưng hàng trăm nhà trồng quýt thì may ra chỉ giúp được 10 nhà, mình mà ngồi chờ không hái nhanh thì quýt rụng hết”, ông Việt kể tiếp.

Rồi giọng ông trầm xuống: “Giá mà nhà nước có quy hoạch từ trước, xây dựng gần đây một nhà máy ép nước quýt thì mới giải quyết được vấn đề tiêu thụ quýt cho dân”.

Mong ước của ông Việt cũng là mong muốn của nhiều người trồng quýt PQ lúc này, bởi cây quýt trồng nhàn hơn cam, mỗi vụ chỉ cần hai lần bón phân, chăm sóc nên đỡ tiền đầu tư. Chỉ cần bán tại vườn với giá 5.000 đồng/kg, người nông dân trồng quýt đã thu lợi nhiều hơn trồng mía, giống cây đang được nhà máy đường bao tiêu sản phẩm ở đây.

Bí thư đảng ủy xã Văn Lợi Cao Trung Hoàng cho biết, người dân ở đây trồng quýt một cách tự phát vì thấy trồng quýt lợi nhuận cao hơn trồng mía, nhưng sau đó trồng tràn lan dẫn đến cung quá cầu. Hiện nay, xã có 130 hecta trồng quýt, trong đó có diện tích quýt mới trồng. Cả xã còn 700 tấn quýt chưa được tiêu thụ.


“Quan điểm của xã là trồng mía làm cây mũi nhọn, nhưng dân họ phá cây mía chuyển sang trồng quýt, không theo chỉ đạo của xã. Giờ thấy quýt không bán được thì họ lại phá cây quýt trồng mía”, anh Cao Trung Hoàng buồn bã nói.

Chuyện “giải cứu” quýt và nghịch lý ở Quỳ Hợp -0
Người dân Minh Hợp cắt quýt chở đi tiêu thụ. 

 Nỗ lực tìm đầu ra 

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch phụ trách nông nghiệp huyện Quỳ Hợp Quán Vi Giang cho biết, huyện hiện có khoảng 500 héc-ta trồng quýt, trong tổng số khoảng 1.500 héc-ta quýt trên toàn tỉnh Nghệ An. Diện tích trồng quýt trên toàn huyện chủ yếu trồng giống quýt PQ này. Tuy nhiên, huyện Quỳ Hợp mới chỉ xây dựng Đề án trồng cây cam, còn cây quýt là trồng tự phát như các cây ăn quả khác trên địa bàn. Cũng vì thế, cây quýt chưa hề được xây dựng thương hiệu, chưa có chỉ dẫn địa lý nên việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An Trần Quốc Thành, quýt PQ, còn gọi là cam bóc Phủ Quỳ, ban đầu do một người dân mang từ phía bắc về trồng và sau đó được Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả Phủ Quỳ chọn tạo, nhân giống để bản địa hóa từ năm 2001.

Đây là giống cây có múi rất thích hợp trồng ở vùng Bắc Trung Bộ vào hai thời vụ trồng chính là vụ xuân (tháng 2-3 âm lịch) và vụ thu (tháng 8-9 âm lịch) hàng năm.

Hơn nữa, giống cây này ít bị sâu bệnh nên hạn chế được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn và góp phần nâng cao sức khỏe cho cả người nông dân và người tiêu dùng.

Cây quýt trồng ở Quỳ Hợp năm nào cũng được mùa, nếu chăm sóc chu đáo quýt có thể cho đến 50 tấn/héc-ta. Còn nếu mỗi vụ chỉ chăm sóc hai lần, một lần phun thuốc để giữ quả lúc quả mới nhú, còn một lần phun thuốc trừ sâu hại là quýt đã có thể cho sản lượng trung binh từ 15-20 tấn/héc-ta.

Chuyện “giải cứu” quýt và nghịch lý ở Quỳ Hợp -0
Quýt chín vàng trên cây và rụng xuống không kịp bán 

Những năm trước, quýt PQ được một số doanh nghiệp đứng ra thu mua, còn năm nay do Covid-19 nên người dân phải tự xoay xở. Vì thế, để giúp bà con, Đoàn thanh niên huyện và một số đơn vị, doanh nghiệp đã đăng bài tuyên truyền giải cứu quýt. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch huyện Quán Vi Giang cũng như các vị lãnh đạo địa phương ở các xã trồng quýt đều cho rằng, không nên dùng từ “giải cứu” mà thực chất là hỗ trợ tiêu thụ, quảng bá sản phẩm cho bà con thì tốt hơn. Với phong trào “giải cứu” quýt đã khiến tư thương ép giá xuống thấp trong tháng đầu vụ. Bên cạnh đó, người dân với tâm lý bán giá quá rẻ đã không bỏ công sức tuyển lựa, dẫn đến chất lượng quýt bán ra không đồng đều, vô tình khiến người tiêu dùng không hiểu đúng giá trị của quýt PQ.

Chuyện “giải cứu” quýt và nghịch lý ở Quỳ Hợp -0
 

Quýt Phủ Quỳ có năng suất rất cao, quả to và có vị ngọt thanh khác lạ so với các loại cam quýt khác trên thị trường. Đặc biệt, quả quýt vắt lấy nước uống giải khát này rất thanh mát, tốt cho sức khỏe. 

Ông Giang cho biết, ngày 22-3, UBND huyện Quỳ Hợp cùng Công ty CP Trang trại nông sản Phủ Quỳ, UBND hai xã trọng điểm có sản lượng quýt lớn nhất là Nghĩa Xuân và Minh Hợp, đã thành lập Ban vận động Chương trình hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ cam, quýt. 

Ban vận động cũng lập kế hoạch với phương án thu mua rõ ràng: Đơn hàng nhỏ hơn 5 tấn sẽ ưu tiên thu mua với các nông hộ có hoàn cảnh khó khăn, các nông hộ có sản lượng quá lớn đứng trước nguy cơ mất trắng; Đơn hàng từ 5-10 tấn sẽ ưu tiên cho nông hộ có cam già tuổi và tỷ lệ rụng tại vườn ở mức cao trên 30%; Đơn hàng trên 10 tấn sẽ tiến hành thu mua đều với tất cả các nông hộ, thí dụ, tiến hành thu mua 5 hộ, mỗi hộ 2 tấn với đơn hàng 10 tấn. Khi lượng đơn hàng đặt lớn, Ban vận động sẽ tiến hành thu mua đồng loạt trên nhiều vườn, đặc biệt với các vườn có sản lượng lớn trên 20 tấn.

Chuyện “giải cứu” quýt và nghịch lý ở Quỳ Hợp -0
 
Chuyện “giải cứu” quýt và nghịch lý ở Quỳ Hợp -1
 Nhiều tổ chức, cá nhân đã kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ quýt PQ. Trong ảnh: Quýt PQ tại một điểm tiêu thụ ở Hà Nội.

Để truyền thông điệp này tới người tiêu dùng, ngoài việc nhờ các cơ quan báo chí vào cuộc, Ban vận động còn tìm những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL) tuyên truyền giúp. Nhiều tổ chức, cá nhân cũng đã hướng ứng, tham gia quảng bá và tiêu thụ hàng chục, thậm chí đến hàng trăm tấn quýt cho bà con Quỳ Hợp.  Và sau rất nhiều nỗ lực, đến nay, quýt PQ cũng đã bắt đầu có mặt tại một số chuỗi cửa hàng tiêu thụ nông sản sạch tại các đô thị.  

Trước khi Ban vận động vào cuộc, giá quýt chỉ bán được 3000-4000 đồng/kg, nhưng sau đó, giá quýt đã lên đến 5000-6000 đồng/kg, thậm chí quýt được tuyển chọn có lúc bán được 10.000 đồng/kg. Trung bình những ngày này, huyện Quỳ Hợp bán được 5-7 hoặc chục tấn quýt. Theo con số công khai trên trang cambocphuquy.vn do Ban vận động thành lập, đến nay, chương trình đã tiêu thụ được 42 tấn quýt cho dân với giá gốc là 5.000-6.000 đồng/kg.

Chuyện “giải cứu” quýt và nghịch lý ở Quỳ Hợp -0
 Quýt được Ban vận động chọn lựa kỹ trước khi đóng thùng để tiêu thụ.

Những hành động cấp bách của các cấp chính quyền huyện Quỳ Hợp cùng các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã phần nào giúp người nông dân không đơn độc và vơi đi nỗi buồn với cây quýt. Tuy nhiên, để quýt Phủ Quỳ khẳng định được thương hiệu, tiêu thụ lâu dài và bền vững ở các thị trường lớn trong nước và quốc tế, rất cần sự đồng hành lâu dài, bền bỉ của Ban vận động với các nông hộ trồng quýt. 

Mong muốn của người dân cũng như các cấp chính quyền ở Quỳ Hợp, để có một tương lai ổn định và phát triển cho cây quýt, rất cần một chiến lược xây dựng và quảng bá thương hiệu quýt Phủ Quỳ.  Bởi thực tế đã cho thấy đây giống quýt ngon, dễ trồng, phù hợp thổ nhưỡng khí hậu miền tây Nghệ An, xứng đáng có một vị trí trong thị trường cây ăn quả có múi của Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch xã Minh Hợp:

Chuyện “giải cứu” quýt và nghịch lý ở Quỳ Hợp -0
 

“Trong khi chưa thể xây dựng cho quýt PQ một thương hiệu như cam Vinh, băn khoăn lớn nhất là làm thế nào quýt bán được giá nhất. Sau khi kêu gọi, có doanh nghiệp thuê xe container đến Minh Hợp mua quýt với giá 5.500 đồng/kg, đóng thùng 10kg và ghi rõ nguồn gốc rõ ràng địa chỉ nhà, xóm, xã rồi chở 9-10 tấn quýt vào Đà Nẵng bán với giá 15.000 đồng/kg, chỉ trong một tiếng đã hết veo. Nếu được, tôi sẵn sàng ký chữ ký của mình và đóng dấu của Ủy ban xã để khẳng định “thương hiệu” quýt cho bà con”.

Nỗi buồn mùa quýt chín năm nay rồi cũng sẽ đi qua. Tuy nhiên, điều bất ngờ với chúng tôi khi đi thăm những vườn quýt chín, là ngang qua những vườn cam trơ trọi buồn rầu như đang bị bỏ hoang. Hóa ra, nỗi buồn của bà Nhung, bà Hồng, hay nhiều hộ nông dân ở Quỳ Hợp lại không chỉ là quýt ngon không bán được. Quỳ Hợp vốn là thủ phủ của thương hiệu cam Vinh, nhưng giờ đây cây cam đang bị thoái hóa với tốc độ chóng mặt, nhiều vườn cam đang bị chặt bỏ. Trong khi chúng tôi đang đi tìm lời giải cho cây quýt về việc xây dựng thương hiệu, nỗ lực tìm đầu ra, thì lại vấp phải một nghịch lý với nhiều câu hỏi khác: cây cam có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, có đầu ra ổn định thì lại đang bị chết dần…  

(còn tiếp)