“Chợ cá ma” mùa nước nổi ở An Giang

NDO -

NDĐT - Gọi là “chợ ma” vì mỗi ngày chợ chỉ họp từ 3 giờ sáng và tan sau hơn hai giờ hoạt động. Đây là một trong những chợ mua bán cá đồng lớn nhất vùng biên giới tỉnh An Giang.

Chợ cá đêm Tha La trong mùa nước nổi ở An Giang.
Chợ cá đêm Tha La trong mùa nước nổi ở An Giang.

Thời điểm này, nước trên các đồng biên giới Tây Nam đang rút dần nên cá tôm cũng chạy nhiều hơn hồi đỉnh lũ. Cánh xuồng ghe chuyên sống nghề hạ bạc khắp vùng cũng đổ về neo đậu dọc theo bờ kênh Vĩnh Tế, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang rồi tỏa ra các hướng đánh bắt trên những cánh đồng ngập nước. Chập choạng tối, mấy chiếc xuồng cui của xóm làm nghề câu lưới bắt đầu rời khỏi bến, hướng về phía đồng xa. Màn đêm buông xuống thật nhanh. Tối mịt. Xóm nhỏ vùng biên chìm vào giấc ngủ, bình yên.

3 giờ sáng. Những tiếng nói cười, í ới hỏi han nhau rộ lên trong bóng tối, phía chân cầu. Anh bạn là “thổ địa” của xóm Cây Châm bảo, “chợ ma” bắt đầu nhóm họp. Mới nghe người lạ sẽ hoảng vía hoảng hồn. Nhưng bạn kịp trấn an: “Đó là cái chợ cá, chuyên thu mua cá đồng của ngư dân đi đánh bắt khắp nơi mang về đây cân bán. Ma cỏ gì thời này, cha nội!”, “thổ địa” Tiến nói.

Theo chân Tiến, tôi lẽo đẽo đi chợ cá lúc gà chưa gáy sáng, mắt mở không lên. Ngay dưới chân cầu Tha La, phía bờ ấp Cây Châm, xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang với cả trăm con người đứng, ngồi, cân cá, trả tiền. Ánh sáng ở chợ là những đốm nhỏ từ mấy chiếc đèn pin của cánh bạn hàng quây quẩy trên tay và cánh ngư dân đội cái đèn cóc trên đầu. Mùa nước nổi hay gọi mùa lũ là nét đặc trưng của vùng đồng bằng châu thổ Cửu Long, cái mùa mà khắp nơi lêu bêu trong biển nước. Còn cái “chợ cá ma” này là “phần hồn” độc đáo không thể thiếu của mùa nước nổi ở vùng biên giới tỉnh An Giang.

“Chợ cá ma” mùa nước nổi ở An Giang ảnh 1

Chợ họp từ 3 giờ sáng tới hơn 5 giờ thì kết thúc, nhộn nhịp kẻ bán người mua.

Gọi là “chợ ma” vì mỗi ngày chợ chỉ họp từ tầm 3 giờ sáng và tan sau hơn hai giờ hoạt động. Đây là một trong những chợ đêm mua bán cá đồng lớn nhất tỉnh. “Tại sao không nhóm chợ trễ hơn”, tôi hỏi một bạn hàng. “Đó là thời điểm các ngư dân từ khắp nơi trên đồng bắt đầu mang cá tới chợ bán sau một đêm dài đánh bắt. Cân xong, tụi tui mang cá vượt hàng chục cây số về các chợ đầu mối ở trung tâm TP Long Xuyên, hay đưa lên tận Sài Gòn, cho kịp chuyến hừng đông”, bà Hoa, bạn hàng lâu năm ở “chợ ma” này giải thích.

“Chợ cá ma” mùa nước nổi ở An Giang ảnh 2

Mỗi người một chiếc đèn pin trên tay, trên đầu, chỉ thấy cá chứ không rõ mặt người.

Trong bóng tối lờ mờ, chẳng ai nhìn rõ mặt nhau. Chỉ nghe tiếng nói mà đoán tuổi, xưng hô chị em, cô chú cho phải phép. Tuy chợ đông, người qua kẻ lại tấp nập, nhưng vẫn có “trật tự” riêng của nó. Đó là chuyện mối hàng ai nấy mua, không hề giành giựt, phá giá, bẻ kèo.

Chị Duyên, 36 tuổi, 10 năm sống bằng nghề mua bán cá đồng ở “chợ ma” này cho hay, có hơn chục mối hàng từ các ngư dân đặt dớn, lú trên đồng. Cứ độ gần 4 giờ sáng là xuồng ghe tấp bến, mang cá lên cân tấp nập. Trong màn đêm giá lạnh, tiếng côn trùng kêu ri ri dù nhỏ nhưng cũng vang xa nghe thật buồn. Chốc chốc lại có tiếng xe gắn máy rền vang lên tấp vào chợ. Đó là những bạn hàng đi chợ mua cá như chị Duyên, tới chợ họ lặng lẽ ngồi chờ.

Màn đêm lại trở về tĩnh mịch. Chị Duyên tâm sự, cái “chợ ma” này là nguồn sống của hàng trăm con người tứ xứ, cả người dân địa phương, bỗng trở thành bạn hàng thu mua cá bán lại, còn dân nghèo khắp nơi tụ họp về bến sông này kiếm sống, mưu sinh bằng nghề hạ bạc trong mùa nước nổi.

“Chợ cá ma” mùa nước nổi ở An Giang ảnh 3

Xuồng của ngư dân đem cá về neo đậu bến chợ Tha La.

Gió thốc từng cơn rát mặt, cánh nữ bạn hàng đang ngồi ngáp ngắn ngáp dài chờ xuồng cá đến, chợt tỉnh hẳn khi nghe tiếng nổ dồn dập của những chiếc máy đuôi tôm ngày một gần hơn. “Cá tới rồi”, chị Duyên quả quyết rồi đứng phắt dậy tiến tới bờ kênh. Tôi nhìn theo ánh đèn pin các chị pha xuống bờ kênh Tha La, thấy các ngư dân khệ nệ bưng những giỏ cá nặng trịch lên bờ. Dưới ánh đèn pin quét qua, tôi thấy rõ cơ man là cá: cá lóc, cá rô, cá dảnh, lươn đồng, tôm tép… và cũng rất rõ những gương mặt hóp của người dân lao động vất vả đêm hôm để đổi lấy những bữa cơm tươm tất, cặp sách cho con tới trường.

“Chợ cá ma” mùa nước nổi ở An Giang ảnh 4

Giây phút nghỉ ngơi sau một đêm dài đánh bắt vất vả của ngư dân.

Vác giỏ cá lên chợ coi như là xong trách nhiệm, cánh đàn ông cột chặt dây xuồng, kéo nhau ra quán cà-phê dưới chân cầu tán chuyện, phần còn lại là của các bà vợ lo cân cá, lấy tiền. Vài người khác thì cặp xuồng lại thành chùm với nhau rồi tán gẫu chuyện nghề, chia sẻ nỗi niềm trong cuộc sống của nghề hạ bạc.

Tôi lân la bắt chuyện với ông Sáu Tuấn, một ngư dân có tuổi trong nhóm độ chục người nhấm nháp tách cà-phê. Sáu Tuấn kể, làm nghề giăng lưới. Mỗi đêm ông phải bủa đường lưới dài độ gần chục cây số. Bủa xong quay lại đã tới giờ đi thăm, gỡ cá. Cứ thế cả đêm không chút ngơi tay, gỡ xong cá là phải chạy xuồng ngay cho vợ ra chợ bán.

“Làm nghề này riết rồi thành kẻ “ăn đêm”. Đi chợ bán cá xong cỡ 4-5 giờ sáng là vợ chồng tui đi ngủ. Tụi nhỏ ở nhà phải tự lo cơm nước, quần áo để mỗi buổi sáng tới trường. Mình nghèo khổ mải miết lo làm lụng mưu sinh, chuyện học hành con cái không quan tâm được mấy” - Sáu Tuấn bộc bạch.

“Chợ cá ma” mùa nước nổi ở An Giang ảnh 5

Đủ loại cá đồng tươi ngon.

Gần hai giờ hoạt động rôm rả, chợ tan dần. Tiếng cười nói, ngã giá cũng loãng đi. Chị Duyên ngồi nán lại chợ ngóng chờ mối hàng chuyên đặt dớn để cân mớ tép đồng. “Đêm nay mua cá nhiều, nhưng tôm tép mới được mấy trăm gram. Lúc này nước trên các cánh đồng bắt đầu rút thì cua tép cũng chạy nhiều, mà sao hôm nay ít vậy, không đủ hàng giao cho khách”, chị Duyên tự phân bua.

Tiếng gà gáy sáng trong xóm Cây Châm bắt đầu dồn dập. Đó cũng là thời điểm “chợ ma” tan. Cánh ngư dân lục đục trở về xuồng, vỏ lãi nổ máy, rời đi, sau một đêm phơi gió sương đánh bắt cá. Tha La trong ánh bình minh, yên ả. Người dân xóm Cây Châm bắt đầu ngày mới, như mọi ngày…