Chặn dịch trên biên giới Việt - Lào

NDO -

NDĐT- Biên giới Việt Nam - Lào mùa này thật đẹp. Nắng trải vàng trên các cung đường, hoa rừng đua nhau khoe sắc. Trong khung cảnh lãng mạn ấy, dường như công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở tuyến biên giới còn quyết liệt hơn khi cả nước đang bước vào cao điểm “14 ngày dồn lực chống dịch”. Đến với các chốt phòng chống dịch dã chiến dọc biên giới tỉnh Quảng Bình, chúng tôi đã cảm nhận được sự vượt khó, bám rừng để chặn dịch từ biên giới của những người lính quân hàm xanh.

Đại diện lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình kiểm tra hoạt động phòng chống dịch của chốt Chút Mút.
Đại diện lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình kiểm tra hoạt động phòng chống dịch của chốt Chút Mút.

Khoảng 15 giờ chiều 31-3, tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây xuyên qua hai xã miền tây Lệ Thủy là Lâm Thủy và Kim Thủy nắng trải vàng nhưng không khí vắng đến thảng thốt. Dường như cuộc sống của bà con dân tộc Bru - Vân Kiều cũng co cụm lại trước mối lo dịch bệnh lan về bản làng.

Từ nhánh tây con đường lịch sử, xe chúng tôi rẽ vào con đường lên biên giới, lên với Chút Mút - một bản nhỏ vùng biên thuộc xã Lâm Thủy, tận cuối con đường 16 nối đông và tây Trường Sơn. Chút Mút vừa xa ngái vừa cách trở và…sau cùng. Ở đó có chốt của tổ công tác Đồn biên phòng Làng Ho vừa mới lập để ngăn chặn người từ bên kia biên giới mang mầm bệnh vào nội địa.

Bản hai bên biên giới từ lâu có quan hệ thân tình. Nay nước bạn cũng xảy ra dịch Covid-19 nên việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, hạn chế việc đi lại để ngăn ngừa dịch là công việc đột xuất nhưng hết sức cấp bách của cán bộ, chiến sĩ biên phòng nơi đây.

Chặn dịch trên biên giới Việt - Lào ảnh 1

Bộ đội biên phòng chốt Chút Mút tặng khẩu trang cho người dân qua lại khu vực biên giới.

Thượng úy Trần Anh Đức, chốt trưởng Chút Mút chia sẻ, chấp hành chỉ lệnh của Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng (bộ đội biên phòng) Quảng Bình, nhóm ba cán bộ, chiến sĩ của Đồn BP Làng Ho cùng hai công an viên và dân quân bản hành quân vào đây hạ trại, ứng trực phòng chống dịch.

Thời tiết ở rừng khu vực này thật khắc nghiệt: ngày nắng như đổ lửa, đêm rét tê người. Anh em quấn chăn bông nhưng phải đốt lửa để sưởi ấm trực. Ăn thì nấu nhờ bếp của một trạm bảo vệ rừng gần đó. Khó khăn là vậy, nhưng anh em bám trụ để ngặn chăn người từ vùng dịch về nội địa, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nguy hiểm.

Chúng tôi đến thăm chốt, gặp một nhóm các chị ở bản Chút Mút chở lên cho bộ đội nào là gà, mướp, bầu…để phục vụ bữa ăn. Chị Hồ Thị Thủy chia sẻ, dân bản biết dịch Covid-19 là nhờ tivi, nhờ các chú bộ đội biên phòng tuyên truyền. Ai ở Lào về bản, người nào ở bản làm ăn xa về hoặc người lạ đến là bà con đều báo bộ đội biết.

Nếu ở chốt Chút Mút, đường còn dễ đi thì chốt Đìu Đo, xã biên giới Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) đường lại khá gian nan. Chiếc xe gầm cao, máy khỏe mà thỉnh thoảng cứ rung lên, gập ghềnh trên tuyến đường mới mở. Chúng tôi tới cũng vừa nhá nhem tối. Chốt dựng dã chiến bên vệ đường nhưng bếp thì bố trí ngay phía dưới suối, cho tiện việc lấy nước và…bắt cá. Gọi là những chốt kiểm soát, nhưng đó chỉ là chiếc lều bạt căng tạm giữa rừng. Những chiếc vòng dù dã chiến là nơi ba chiến sĩ bộ đội biên phòng nghỉ lưng tạm trong những giờ đổi canh trực. Lúc này, mỗi người đang một việc, anh thì đang buộc lại lán, người thì thu dọn quần áo trên cây sao phơi cạnh bờ suối, chiến sĩ còn lại hì hục nấu cơm tối. “Ở đây không điện, thiếu sóng điện thoại nhưng thừa nắng và sương gió anh ạ”- một chiến sĩ nói vui.

Thượng tá Lê Đình Huân, Đồn trưởng Đồn biên phòng (BP) Làng Mô nói rằng, trên lối mở mà các anh chốt chặn, phải băng rừng nguyên sinh hàng chục giờ đồng hồ nữa mới đến bản làng của người Lào nhưng nếu chủ quan, rất có thể người từ vùng có dịch hoặc kẻ xấu lợi dụng để xâm nhập trái phép vào biên giới. Tinh thần chỉ đạo “chống dịch như chống giặc” nên cán bộ, chiến sĩ quyết tâm không để dịch Covid-19 lây lan vào địa bàn, bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân ở biên cương.

Chặn dịch trên biên giới Việt - Lào ảnh 2

Người dân bản Chút Mút tặng bầu cho bộ đội ở chốt phòng, chống dịch.

Dưới chân dãy Giăng Màn, chốt kiểm soát biên phòng số 2 do Đồn BP Ra Mai lập chỉ cách đường biên giới Việt Nam- Lào chừng tám km. Muốn đến chốt, chúng tôi cùng các chiến sĩ BP đi xe rồi đi bộ gần hai giờ đồng hồ mới tới. Chừng ấy thời gian cắt rừng, vượt suối cũng đủ bở hơi tai với cánh phóng viên nhưng với người lính, họ chỉ như một cuộc dạo chơi miền biên ải.

Từ chốt này, bộ đội biên phòng kiểm soát được cả hai đường mòn từ biên giới dẫn về bản Cha Cáp và bản Si, xã Trọng Hóa (Minh Hóa). “Củi rừng, nước suối, lửa mang theo, còn lương thực và thực phẩm thì vài ba ngày ra bên ngoài mua. Ở giữa rừng nhưng không phải đủ nước uống đâu, bọn em phải đi lấy xa nên sử dụng dè xẻn lắm”- Thiếu tá Kiên tâm sự.

Dù đóng chốt ở giữa rừng nhưng ngày cũng như đêm, cán bộ, chiến sĩ BP phải thay phiên nhau đi tuần trên các đường mòn, lối mở không để người dân trốn tránh qua chốt mà không được kiểm soát, khai báo y tế.

Thượng tá Phạm Minh Dũng, Đồn trưởng Đồn BP Ra Mai cho biết, đơn vị thành lập hai chốt để kiểm soát người dân qua lại trên các đường mòn, lối mở giữa rừng. Mỗi chốt đều được máy đo thân nhiên, trang cấp khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn và các tờ khai y tế phòng nhằm ngăn chặn sớm, phòng ngừa từ xa nguồn lây nhiễm dịch.

Theo Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng Quảng Bình, trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19 từ các nước láng giềng, từ giữa tháng 3, Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng Quảng Bình quyết định lập 14 chốt ngay trên đường mòn, lối mở với nước bạn Lào để ngăn chặn người từ vùng dịch vào biên giới nước ta. Cắm chốt giữa rừng sâu biên giới để ngăn chặn dịch trong điều kiện hết sức khó khăn về mọi mặt nhưng bộ đội biên phòng đã nhận được sự hỗ trợ, động viên rất lớn của bà con dân tộc thiểu số nơi đây, qua đó tiếp thêm động lực giúp các cán bộ, chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

“Trong những qua, bộ đội biên phòng Quảng Bình phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tại cửa khẩu, phục vụ gần 7.000 lao động từ các nước nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Công việc rất vất vả do lượng người nhập cảnh quả đông, có nhiều đêm, anh em làm việc đến 2 giờ sáng mới tạm nghỉ. Bên cạnh nhiệm vụ chính là bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, bảo đảm an ninh trật tự khu vực biên giới, bộ đội biên phòng tổ chức cấp phát cơm, nước uống, khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn giúp nhân dân phòng, chống dịch Covid-19”.

(Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng Quảng Bình)