Bức thư tay của nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy và số phận anh bộ đội (kỳ 3)

NDO -

NDĐT - “Bức thư tay của nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Tấn Quyên là sai hoàn toàn, nhầm lẫn gây ra hàm oan cho đồng chí Huỳnh Xuân Phong suốt 25 năm ròng rã. Nhưng đây không phải là chuyện nhầm lẫn không có ý thức. Những đồng chí làm trong công tác Tổ chức đó đã thiếu trách nhiệm, thiếu sâu sát, thiếu kiểm tra, mà đó là một đức tính cần phải có của người làm công tác tổ chức. Gây oan sai là phải bồi thường, còn những người có trách nhiệm trực tiếp hoặc gián tiếp trong vụ Huỳnh Xuân Phong cũng phải kiểm điểm, chứ không thể nào chuyện cũ rồi bỏ cho qua luôn”.

Thiếu tướng Trần Vinh Quang, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Quân khu 9, nguyên Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội (trái) và đồng chí Huỳnh Xuân Phong..
Thiếu tướng Trần Vinh Quang, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Quân khu 9, nguyên Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội (trái) và đồng chí Huỳnh Xuân Phong..

Kỳ 3: Bồi thường oan sai, kiểm điểm những người có trách nhiệm

Phải biết nhận sai để sữa chữa

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Thiếu tướng Trần Vinh Quang, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Quân khu 9, nguyên Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB và XH) không tiếc lời khen ngợi về đồng chí Huỳnh Xuân Phong. Bởi trong giai đoạn chiến tranh, đồng chí Trần Vinh Quang là chỉ huy trực tiếp của Huỳnh Xuân Phong suốt ba năm. “Quá trình công tác, chiến đấu, phải khẳng định Huỳnh Xuân Phong là một đồng chí cán bộ, chỉ huy giỏi,chỉ huy nhiều trận thắng lớn. Một cán bộ gan dạ, kiên cường, đối với đồng chí đồng đội thì rất hoà nhã, thương yêu, được mọi người quý mến”, Thiếu tướng Trần Vinh Quang khẳng định.

Khoảng thời gian đồng chí Huỳnh Xuân Phong chuyển ngành về làm Giám đốc Xí nghiệp chế biến hàng nông sản xuất nhập khẩu huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang (cũ), đồng chí Trần Vinh Quang cũng đã sang đơn vị khác. Tuy nhiên, với cái tình đồng chí, đồng đội từng nằm gai, nếm mật, kề vai chiến đấu năm xưa, mỗi năm những người lính Trung đoàn 1 U Minh, Sư đoàn 330 Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đều họp mặt tại nhà của đồng chí Huỳnh Xuân Phong từ một đến hai lần/năm. Đó là vào những dịp giỗ tập thể của đồng đội, những người lính Cụ Hồ đã vĩnh viễn nằm lại lòng đất để Tổ quốc được độc lập tự do. Đó là vào các dịp 27-7 và lễ Quốc khánh 2-9 hàng năm, tại dạ cầu Ấp Mỹ, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ lại sôi nổi bởi những câu chuyện của những người từng trở về… từ cõi chết thuộc Trung đoàn 1 U Minh. Và mỗi lần họp mặt, đồng chí Trần Vinh Quang lại càng thấy đau xót cho đồng chí Huỳnh Xuân Phong vì gánh chịu hàm oan mà không một cơ quan thẩm quyền nào giải quyết.

Lần giở bức thư tay của nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Tấn Quyên cùng những chứng cứ, hồ sơ chuyển công tác với chiếc ghim bấm bị gỉ sét vì suốt mấy chục năm trời không ai “đụng” tới, Thiếu tướng Trần Vinh Quang khẳng định: “Chuyện nhầm lẫn là quá rõ ràng. Viết thư tay như thế là anh Tấn Quyên sai hoàn toàn rồi. Huỳnh Xuân Phong không vi phạm, không bị kỷ luật trong thời điểm công tác ở huyện Châu Thành. Nhưng đây không phải là chuyện nhầm lẫn không có ý thức. Những đồng chí làm trong công tác Tổ chức của Tỉnh ủy Sóc Trăng đã thiếu trách nhiệm, thiếu sâu sát, thiếu kiểm tra. Mà đó là một đức tính cần phải có của người làm công tác tổ chức”.

Theo Thiếu tướng Trần Vinh Quang, với một người lãnh đạo, một đảng viên thì không thể chỉ nghe người ta nói là tin ngay, mà lại nghe trong lúc “trà dư tửu hậu”. Sau đó chắc gì anh vẫn nhớ chính xác, mà chỉ là nhớ mang máng, không rõ ràng. Trong trường hợp như vậy, anh phải gọi cấp dưới kiểm tra lại hồ sơ. Vì đây là tổ chức, phải thực hiện theo nguyên tắc, theo quy định về trình tự thủ tục. Còn việc người ta nói kia là nói ngoài giờ, nói trên bàn nhậu thì không phải là cơ sở đáng tin cậy. Với một người lãnh đạo làm công tác tổ chức thì phải yêu cầu các cơ quan đơn vị liên quan xác minh, kiểm tra lại thông tin mình nghe được là xác thực hay không.

“Tôi cho rằng trong trường hợp nghe người ta nói thì tạm tin đi. Tôi nói là tạm tin thôi. Sau đó, đồng chí Nguyễn Tấn Quyên phải là người trực tiếp kiểm tra hồ sơ chuyển công tác của Huỳnh Xuân Phong nếu thì thấy có nghi ngờ, có vấn đề. Thậm chí phải yêu cầu cấp dưới lưu ý, đọc kỹ hồ sơ này xem phía đơn vị chuyển công tác họ có hồ sơ gì, tự kiểm, nhận xét ra sao. Khen thưởng, kỷ luật nếu có đều thể hiện trong hồ sơ cả mà. Nếu đồng chí sâu sát như vậy thì chuyện oan sai này không xảy ra. Đó là việc cần thiết mà đồng chí lại không làm, tự nhiên đi viết cái thư. Đó là việc làm sai hoàn toàn về nguyên tắc của người làm công tác tổ chức cán bộ, để rồi “giết chết” cuộc đời cả về chính trị và kinh tế của một người lính Cụ Hồ đã cống hiến máu xương cho hòa bình độc lập của Tổ quốc, của dân tộc”, Thiếu tướng Trần Vinh Quang nói.

Cũng là một người xuất thân từ quân ngũ của Trung đoàn 1 U Minh, Luật sư Đoàn Công Thiện, nguyên Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang nói rằng, ông thật sự đau xót cho đồng chí, đồng đội của mình và chia sẻ sự bức xúc, thiệt thòi, đau khổ mà hơn 20 năm nay Huỳnh Xuân Phong phải gánh chịu. “Với những người làm công tác tổ chức này, nếu họ từng cầm súng, chiến đấu như chúng tôi chắc họ sẽ hiểu được giá trị của cuộc sống hơn. Những người lính chúng tôi đã không màng đến ngày trở về khi xông pha trận mạc; ranh giới của sự sống và cái chết rất mong manh. Nhưng vấn đề lớn nhất ở đây là những đồng chí đảng viên lãnh đạo này vẫn chưa chịu nhìn nhận sai trái của mình, vẫn chống chế để bảo vệ cái sai mình đã gây ra. Là đảng viên lại là lãnh đạo chủ chốt thì phải biết đối diện sự thật, phải biết nhận sai để sửa chữa thì mới đúng với tinh thần các Nghị quyết Trung ương đã đề ra”, Luật sư Đoàn Công Thiện trải lòng.

Khôi phục đảng tịch, bồi thường oan sai

Thiếu tướng Trần Vinh Quang cho rằng, oan sai của đồng chí Huỳnh Xuân Phong đã quá rõ ràng nên cơ quan thẩm quyền cần phải sớm xem xét, giải quyết tránh việc kéo dài càng gây thêm bức xúc. Người gây ra oan sai phải chịu trách nhiệm. Và cơ quan có thẩm quyền phải có trách nhiệm xử lý, bồi thường những thiệt hại cả về chính trị và kinh tế của đồng chí Phong. Quan điểm cho rằng, Huỳnh Xuân Phong không tiếp tục sinh hoạt Đảng và không có cơ sở để phục hồi Đảng tịch, là không đúng, vì đó là ngoài ý muốn của đồng chí Phong, không có ai phân công công tác thì lấy đâu ra chi bộ để sinh hoạt Đảng. Việc này có trách nhiệm của của Sóc Trăng và Cần Thơ nên việc đề nghị phục hồi Đảng tịch của đồng chí Phong là hoàn toàn có cơ sở, Thiếu tướng Trần Vinh Quang quả quyết. Cũng theo nguyên Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội, trong việc này cũng có một phần trách nhiệm của huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ (cũ). Bởi vì khi nghe có trục trặc, sau thời gian mà cán bộ mình không được phân công công tác thì phải hỏi cơ quan, tổ chức nơi chuyển đến xem hồ sơ cán bộ mình như thế nào, họ có nhận được chưa hay thất lạc. Tất cả đều thiếu trách nhiệm và thờ ơ.

Theo Luật sư Nguyễn Trường Thành, Trưởng Văn phòng Luật sư Vạn Lý, Đoàn luật sư TP Cần Thơ, về nguyên tắc thì phải xem xét khôi phục Đảng tịch cho Huỳnh Xuân Phong. “Trước mắt Nhà nước phải khôi phục các quyền lợi hợp pháp cho ông Huỳnh Xuân Phong. Nghĩa là tính trả lại nguyên (đủ) lương từ thời điểm 1-9-1993 đến lúc ông Huỳnh Xuân Phong nghỉ hưu theo quy định”.

Bức thư tay của nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy và số phận anh bộ đội (kỳ 3) ảnh 1

Luật sư Đoàn Công Thiện cùng đồng chí Huỳnh Xuân Phong ôn lại kỷ niệm thời binh lửa.

Về pháp lý, Luật sư Đoàn Công Thiện dẫn ra trước đây, Điều 29 Nghị định 35/2005/NĐ-CP ngày 17-3-2005 của Chính phủ quy định đối với cán bộ công chức bị kỷ luật oan, sai. Trường hợp cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự mà đã được cấp có thẩm quyền kết luận là oan sai thì ngoài việc phục hồi về danh dự và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật, còn được bố trí công tác phù hợp, được hưởng mức lương tương ứng với mức lương trước khi bị xử lý kỷ luật; thời gian thi hành quyết định kỷ luật mà sau đó được kết luận là oan, sai thì được tính vào thời gian để nâng bậc lương.

Còn theo Luật Bồi thường Nhà nước, sau này người trực tiếp gây ra oan sai phải trả lại khoản bồi thường đó cho Nhà nước. Vụ việc này hồ sơ dừng lại ở Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng thì cơ quan này phải chịu trách nhiệm trước nhất và cao nhất về vụ việc. Trách nhiệm cá nhân cao nhất thuộc về người đứng đầu Ban Tổ chức Tỉnh ủy tại thời điểm đó, cũng là người viết lá thư tay gây oan sai cho đồng chí Phong suốt mấy chục năm qua. Bởi vì bức thư tay nhân danh anh là Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy mới có uy lực “chết người” như vậy”.

Cần xem xét tư cách đảng viên người trực tiếp và gián tiếp gây ra oan sai

Nói về kỷ luật hành chính, Luật sư Đoàn Công Thiện cho rằng đã hết thời hiệu. “Tuy nhiên về mặt Đảng cần xem xét tư cách Đảng viên của những cá nhân trực tiếp và gián tiếp gây oan sai cho đồng chí Huỳnh Xuân Phong. Xét về mặt logic thì anh phải có trách nhiệm về việc đã gây ra, nhưng đến đâu, mức độ thì Tổ chức Đảng phải xem xét lại trách nhiệm của đồng chí đó tại thời điểm đó. Trước hết phải xem xét đến lẽ công bằng, giá trị công lý phải được làm sáng tỏ. Vấn đề Huỳnh Xuân Phong không bị kỷ luật, hoàn toàn không có vi phạm trong thời điểm đó, và bức thư tay của ông Nguyễn Tấn Quyên thể hiện rõ sự quan liêu, không sâu không sát. Việc này phải giải quyết dứt điểm càng sớm càng tốt, vì người ta đã bị hàm oan hơn 20 năm rồi, không có lý do gì không giải quyết, Luật sư nêu quan điểm.

* Bức thư tay của nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy và số phận anh bộ đội (kỳ 1)

* Bức thư tay của nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy và số phận anh bộ đội (kỳ 2)