Chuyện kể về những ngôi nhà giàn trên thềm lục địa

Bài 5: Khi biển là máu thịt

NDO -

NDĐT – Giông bão có thể quật đổ nhà giàn, nhưng không quật ngã được ý chí và bản lĩnh kiên cường của các chiến sĩ nhà giàn. 30 năm qua, có những chiến sĩ đã nằm lại với biển khơi nhưng điều đó không làm cho thế hệ trẻ nối tiếp bước lên nhà giàn nao núng. Nhà giàn là nơi lưu giữ quãng đời đầy ý nghĩa và tự hào của rất nhiều người lính hải quân.

Các đặc công nhà giàn luyện tập.
Các đặc công nhà giàn luyện tập.

Cuộc sống mới trên nhà giàn

Trung tá Trần Sỹ Hoành kể lại, những ngày còn gian khó, Tết với anh em nhà giàn mang một nỗi buồn trầm mặc mà không ai dám nói ra. Đó là những năm biển động, sóng dữ, tàu viện trợ ra tới nơi thì thực phẩm đã bị hỏng một phần. Các chiến sĩ phải tiết kiệm từng giọt nước ngọt. Thứ liên lạc về gia đình là những lá thư phải hai tháng mới tới bờ. Tết bốn bề chỉ có tiếng sóng biển và tiếng hát của những đồng đội cùng sống trên nhà giàn.

Bài 5: Khi biển là máu thịt ảnh 1

Những lá thư ngày nào là người bạn tinh thần rất lớn của các chiến sĩ nhà giàn.

Những năm gần đây, nhà giàn được nâng cấp, sửa chữa kiên cố hơn, vững vàng hơn trước những đợt sóng gió lớn. Trung tá Nghiêm Xuân Thái, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 kể, được Đảng và nhà nước quan tâm, các mặt đời sống xã hội của chiến sĩ nhà giàn từng bước được nâng lên. “Chúng tôi giờ có tủ lạnh, thiết bị, nghe, xem thiết bị điện tử, có máy tính, ti vi và tủ đông dự trữ thực phẩm để mỗi khi khó khăn sóng gió, chiến sĩ nhà giàn vẫn có thực phẩm để dùng”, anh Thái kể.

Trước đây, các chiến sĩ tận dụng những bồn bằng gỗ để trồng rau xanh thì nay, các nhà giàn được trang bị các phương tiện trồng rau bằng thùng composit bền hơn. Những thùng rau xanh tươi tốt bất chấp thời tiết khắc nghiệt của nắng gió tại nhà giàn. Trước đây, để chăn nuôi gà, lợn, chim, vịt, gia súc, gia cầm, các chiến sĩ phải tự chế những chuồng nuôi nhốt mà chỉ cần đợt sóng lớn, có thể bị cuốn phăng theo làn nước dữ. Nhưng giờ đây, những chuồng trại đã được thiết kế bằng chất liệu inox, kiên cố hơn.

Bài 5: Khi biển là máu thịt ảnh 2

Một màu xanh trên nhà giàn.

Anh Thái bảo, nhờ thế việc tăng gia sản xuất phục vụ cuộc sống xa đất liền của các chiến sĩ nhà giàn hiệu quả hơn. Để giúp các chiến sĩ nâng cao sức khỏe, tăng cường công tác, các nhà giàn cũng được trang bị hỗ trợ máy tập đa năng hiện đại.

Không còn phải chờ tới tận hai tháng để nhận thông tin từ gia đình, không còn ấp ủ những lá thư viết từ lâu chờ ngày về đất liền, giờ đây các chiến sĩ đã có phương tiện truyền thông, điện thoại, trao đổi thường xuyên với hậu phương. Các nhà giàn kết nối chia sẻ gần gũi hơn và việc động viên cũng kịp thời hơn trước. Các thế hệ cũng truyền cho nhau về bản lĩnh chính trị, truyền thống tốt đẹp về kiên cường bám trụ, ý chí vượt khó, khơi dậy niềm tin với thế hệ sau.

Tiểu đoàn trưởng hiện tại cũng là Tiểu đoàn trưởng thế hệ thứ ba của nhà giàn - Thiếu tá Nguyễn Trung Dũng chia sẻ, các chiến sĩ khi nhận nhiệm vụ ra nhà giàn đều được trau dổi kiến thức cơ bản nhất về biển, nhà giàn và được xây dựng ý chí quyết tâm, niềm tự hào về đơn vị anh hùng, tuyến tiền tiêu. “Các chỉ huy trưởng đều là chủ gia đình, người anh, người bố gần gũi, động viên anh em, nhất là những chiến sĩ mới lần đầu ra nhà giàn, chia sẻ với họ những lúc khó khăn nhất”, anh Dũng nói.

Bài 5: Khi biển là máu thịt ảnh 3

Các chiến sĩ chơi thể dục, thể thao sau giờ làm nhiệm vụ.

Đổi cả máu xương, tính mạng để giữ biển

Cuối năm 1987 đầu năm 1988, tình hình tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường Sa ngày càng căng thẳng, phức tạp và quyết liệt. Một số nước đã và đang có âm mưu thực hiện ý đồ xâm chiếm chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa của Việt Nam. Xuất phát từ đặc điểm, tình hình trên và đứng trước yêu cầu cấp bách của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và lợi ích lâu dài của đất nước. Đảng, Nhà nước, quyết tâm triển khai xây dựng cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ, tại khu vực bãi đá ngầm thềm lục địa của Việt Nam, thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Tháng 7-1989, thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc xây dựng cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ tại khu bãi đá ngầm thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, Ban chỉ đạo xây dựng nhà giàn được thành lập, gọi tắt là Ban DK1 trực thuộc Chính phủ, đã khảo sát, thiết kế và thi công các nhà giàn.

Bài 5: Khi biển là máu thịt ảnh 4

Những người lính nhà giàn được tôi luyện trong nắng và gió biển khơi.

Thiếu tá Nguyễn Trung Dũng cho chúng tôi biết, Tiểu đoàn DK1 là một bộ phận nằm trong đội hình chiến đấu của Lữ Đoàn 171 Hải quân (nay là Vùng 2 Hải quân) có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là chốt giữ và bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, thềm lục địa phía Đông và Tây Nam của Tổ quốc. Đây là khu vực hoạt động nhạy cảm và hết sức phức tạp, nước ngoài thường xuyên đưa tàu xuống thăm dò, nghiên cứu, khảo sát xuống quấy rối, vi phạm chủ quyền vùng biển của ta. Các hoạt động đánh bắt trộm hải sản, trấn, cướp biển vẫn thường xuyên xảy ra, nhất là khu vực biển Tây Nam. Vì vậy cuộc sống chiến đấu, công tác của cán bộ, chiến sĩ các nhà giàn luôn căng thẳng và phức tạp.

“Đây cũng là địa bàn có điều kiện thời tiết khí hậu thủy văn vô cùng khắc nghiệt, là trung tâm hình thành những cơn áp thấp nhiệt đới và bão. Thực tế đã có những cơn sóng cao từ 13 đến 15 mét, có sức tàn phá khủng khiếp, đã đánh đổ nhấn chìm năm nhà giàn, một tàu trực và tám cán bộ chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ và nhiều cán bộ chiến sĩ phải lênh đênh trôi dạt trên biển hàng chục giờ trong cái nắng cháy da, cái đói, cái rét thấu xương”, anh Dũng ngậm ngùi kể.

Bài 5: Khi biển là máu thịt ảnh 5

(Ảnh: GIANG NGỌC)

Thế nhưng, các chiến sĩ vẫn luôn nhận thức sâu sắc ý nghĩa, trọng trách, niềm vinh dự lớn lao của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển, thềm lục địa DK1, DK1/10 cũng như được hun đúc, kế thừa truyền thống anh hùng, kiên trung, bất khuất của Lữ đoàn 171 Hải quân (nay là Vùng 2 Hải quân), đã luôn hoàn thành nhiệm vụ và đạt được những thành tích to lớn.

Trong suốt 30 năm qua, toàn đơn vị đã phát hiện được nhiều nghìn lượt tàu thuyền các loại qua lại khu vực, kịp thời phối hợp cứu vớt nhiều tàu đánh cá Việt Nam bị nạn, cấp cứu điều trị bệnh cho hàng trăm ngư dân Việt Nam; giúp đỡ nước ngọt, lương thực, nhiên liệu cho tàu đánh cá Việt Nam, được nhân dân tin yêu và được trên biểu dương khen thưởng.

Các nhà giàn đã phối hợp cùng với tàu trực xua đuổi hàng trăm lượt tàu nghiên cứu, thăm dò trinh sát của nước ngoài. Quan sát phát hiện nhiều lượt tàu chiến, máy bay trinh sát nước ngoài, báo cáo kịp thời về Sở chỉ huy các cấp để xử lý.

Cùng với công tác sẵn sàng chiến đấu, công tác huấn luyện luôn là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là yếu tố cơ bản giúp đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, các năm đều hoàn thành 100% nội dung, chương trình kế hoạch huấn luyện. Kết quả kiểm tra hàng năm được Vùng 2 Hải quân và Quân chủng đánh giá tốt. Từ năm 1999 - 2019, Tiểu đoàn DK1 đều đạt đơn vị huấn luyện khá, giỏi, được Bộ Quốc phòng, Quân chủng và Vùng 2 Hải quân tặng nhiều bằng khen.

Chính trị viên đầu tiên (từ năm 1993-1999) của Tiểu đoàn DK1 Trần Văn Dũng chia sẻ với chúng tôi, với phương châm còn nhà giàn thì còn người, dù trong giông bão, các chiến sĩ vẫn quyết tâm bám trụ đến cùng. Nhiều chiến sĩ dù sống trong cảnh nhà nghiêng tới 20 độ, vẫn tiếp tục khắc phục cuộc sống khó khăn để làm tròn nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó. Lịch sử nhà giàn, vì thế ghi nhận nhiều chiến sĩ gắn bó với nhà giàn từ tuổi thanh xuân đến khi nghỉ hưu.

Bài 5: Khi biển là máu thịt ảnh 6

(Ảnh: GIANG NGỌC)

Khi biển là một phần máu thịt, có những chiến sĩ, dù đã từng trầm mình dưới biển sâu, bị bão, gió, cái lạnh và cái đói quăng quật nhiều giờ đồng hồ giữa dòng nước dữ nhưng vẫn kiên trung tới cùng, sống qua khắp các nhà giàn không hề nao núng. Nhiều chiến sĩ khi nghỉ hưu vẫn không thể thôi cảm giác bỡ ngỡ khi sống trên bờ. Họ phải mất một thời gian để thích nghi với cuộc sống ở gia đình, với vợ con, làm quen với những nếp sống mà bao lâu nay nằm ngoài thói quen của mình.

Tiểu đoàn trưởng - Thiếu tá Nguyễn Trung Dũng chia sẻ với chúng rôi rằng, bằng kinh nghiệm được tôi luyện ở nhà giàn, anh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cả các chú, các anh đi trước, tạo hình ảnh, niềm tin với Đảng, Nhà nước, nhân dân, và là chỗ dựa cho ngư dân, là cột mốc tiền tiêu trên biển. Anh Dũng nói bằng một biểu cảm chắc nịnh và bằng một cái bắt tay thật chặt, như khẳng định quyết tâm chốt giữ và bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, thềm lục địa phía Đông và Tây Nam của Tổ quốc.

Bài 5: Khi biển là máu thịt ảnh 7

Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ xây dựng và bảo Tổ quốc năm 2005.

Mục đích xây dựng một số nhà nổi, để bước đầu hình thành cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ (DK1) tại khu bãi đá ngầm, trong thềm lục địa Việt Nam, thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, nay là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu:

- Đặt giàn đèn biển hải đăng để thông báo cho các tàu, thuyền đánh cá và tàu vận tải đi lại trong vùng tránh va vào đá ngầm.

- Đặt trạm nghiên cứu khí tượng thủy văn, để thường xuyên thu thập số liệu, dự báo thời tiết; thông báo cho đất liền, các tàu thuyền qua lại trong vùng và quốc tế về tình hình khí tượng thuỷ văn trong khu vực.

- Đặt trạm nghiên cứu khoa học về biển như: Nghiên cứu địa chất, trong lòng biển và dầu khí vùng thềm lục địa; Nghiên cứu quy luật hoạt động của các dòng hải lưu và nghiên cứu sinh thái biển trong khu vực, phục vụ công tác nghiên cứu hải dương của nước ta và tổ chức nghiên cứu biển quốc tế.

- Đặt trạm nghiên cứu khoa học, để đánh giá đúng tiềm năng, quy luật sinh trưởng và di cư theo mùa của các loại hải sản biển; cung cấp thông tin về hải sản cho các cơ sở đánh bắt hải sản. Nhằm xây dựng kế hoạch đánh bắt, khai thác có hiệu quả các loại hải sản và mỏ đá san hô trong khu vực.

- Tổ chức tại chỗ cơ sở quốc doanh vừa làm nhiệm vụ đánh bắt thu mua và sơ chế hải sản trước khi chuyển vào đất liền, vừa là chỗ trú chân tránh bão và làm nhiệm vụ ứng cứu hậu cần như: dầu chạy máy, nước ngọt, lương thực, thực phẩm... cho các tàu thuyền của nước ta và ngư dân trong vùng.