Chuyện về những ngôi nhà giàn trên thềm lục địa

Bài 4: Những “đốm sáng” thắp lên niềm hy vọng

NDO -

NDĐT – Dù chỉ là những đốm sáng nhỏ nhoi giữa trùng khơi rộng lớn, nhưng từ 30 năm nay, nhà giàn DK1 đã trở thành một điểm tựa bình yên của hàng trăm nghìn ngư dân. Không ai bảo ai, nhưng tất cả đều vững một lòng tin, từ khi có những “đốm sáng” kia, họ yên tâm vươn khơi, khai thác, đánh bắt thủy hải sản xa bờ và cùng chung tay bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Những ngôi nhà giàn giữa biển là điểm tựa bình yên của ngư dân.
Những ngôi nhà giàn giữa biển là điểm tựa bình yên của ngư dân.

Nhà chòi thân thương của ngư dân

Nhìn xa về phía biển, cụm nhà giàn như những đốm sáng nhỏ nằm giữa trùng khơi. Nhất là khi màn đêm buông xuống, giữa bốn bề sóng và gió, những đốm sáng hiên ngang trên biển, như ngọn đuốc dẫn đường, mang bình yên và hy vọng cho các ngư dân.

Những ngôi nhà giàn ngày nay khang trang, kiên cố hơn, bám trụ vững vàng vào lòng biển. Ở đó, những chiến sĩ hải quân vừa là những người lính vững vàng ở đầu tiền tuyến, vừa là những người thân của ngư dân mưu sinh trên biển, chia sẻ khó khăn cùng ngư dân, hướng dẫn, tư vấn pháp luật về khai thác hải sản, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho các ngư dân…

Trung tá Nghiêm Xuân Thái, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 cho biết, trong năm 2019 vừa qua, cùng với thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp nhà giàn DK1, thuộc Tiểu đoàn DK1, Vùng 2, Quân chủng Hải quân đã tích cực tham gia giúp đỡ ngư dân, khám, cấp thuốc miễn phí cho hơn hàng trăm lượt người; tuyên truyền đến hàng trăm ngư dân về hoạt động khai thác hải sản bền vững trên biển. Trong đó, có hơn 10 ca cấp cứu ngư dân bị tai nạn lao động nguy hiểm tính mạng.

Bài 4: Những “đốm sáng” thắp lên niềm hy vọng -0
 Trung tá Nghiêm Xuân Thái, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1.

Các ngư dân hướng về nhà giàn như khi những “đứa con” cần có “mẹ” hỗ trợ. Đó là khi những chiếc ghe này cạn kiệt nhiên liệu, cạn kiệt lương thực, không còn nổi một ca nước lọc để duy trì cho hành trình dài ngày về bờ. Đó là khi những ngư dân bất ngờ phát bệnh mà thuốc men không đủ. Họ xuôi về phía nhà giàn, như về với gia đình, để được các chiến sĩ trợ giúp. Và nhiều ca tai nạn lao động, những ca bệnh nặng kịch phát nguy hiểm tính mạng cũng đã được các chiến sĩ nhà giàn xử trí kịp thời, làm an yên những ngư dân đang hoang mang tột độ.

Hơn 20 năm làm chính trị viên một số nhà giàn, Trung tá Trần Sỹ Hoành kể lại, ngay từ những ngày đầu gian khó nhất, khi đến mùa khô nước khan hiếm, tàu cứu trợ chưa kịp ra giàn, các chiến sĩ phải tiết kiệm từng gáo nước. “Chúng tôi phải tập thể dục cho ra mồ hôi để kỳ ghét rồi tiết kiệm từng chút nước một để tắm cho sạch”. Thế nhưng, khi ngư dân chạm nhà giàn, xin từng can nước, các chiến sĩ sẵn sàng giảm nhu cầu sử dụng nước ngọt để tiếp tế vài can cho ngư dân có đủ nước uống chạy về bờ.

Bài 4: Những “đốm sáng” thắp lên niềm hy vọng -0
 Không chỉ cung cấp lương thực, thực phẩm và thuốc men, các chiến sĩ nhàn giàn còn tuyên truyền cho bà con ngư dân khai thác hải sản đúng pháp luật.

Ðại úy Nguyễn Bá Tân, Chính trị viên Nhà giàn Phúc Nguyên DK1/15 cho hay, cùng với hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý vùng biển được phân công, cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp Nhà giàn DK1/15 luôn đồng hành cùng giúp đỡ ngư dân giữa trùng khơi, nhất là khi điều kiện thời tiết phức tạp. Không chỉ hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, thuốc men, các chiến sĩ nhà giàn còn là những chiến sĩ về mặt tư tưởng, tuyên truyền vận động bà con ngư dân khai thác hải sản đúng pháp luật trên vùng biển Việt Nam.

Những thầy thuốc thầm lặng giữa biển khơi

Ở ngư trường lớn của bà con ngư dân các tỉnh Tây Nam Bộ tại thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, bà con ngư dân gặp không ít tai nạn lao động. Với những chiến sĩ quân y ở nhà giàn, những cuộc cứu chữa nào cũng đều cân não khi trang thiết bị thiếu thốn, họ phải cấp cứu người dân trong hoàn cảnh khó khăn nhưng với bằng cả trái tim mình.

Tai nạn phổ biến nhất trên biển với ngư dân là bị cá lớn đâm vào tay, bị nhiễm trùng phát sốt. Kế đến là những tai nạn bị dây văng, móc lưỡi câu vào người, nhẹ thì khâu vài mũi, nặng thì bay cả đôi chân xuống biển, hay bị phay đá nghiến cả bàn tay. Những lúc ấy, với sự thiếu thốn của nhà giàn, các chiến sĩ chỉ có thể sơ cấp cứu ban đầu, băng bó vết thương, giảm sốc cho người bệnh rồi nhanh chóng đưa về bờ cấp cứu.

Năm 2018, một ghe cá của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phóng hết tốc lực về phía nhà giàn Tư Chính. Năm ngư dân bị ngạt khí hầm cá và có một ngư dân nguy kịch tính mạng, mất nhận thức, bí tiểu, mạch huyết áp không ổn định. Y sĩ quân y Lê Đình Nam đã trực tiếp xuống ghe để sơ cấp cứu ban đầu.

Bài 4: Những “đốm sáng” thắp lên niềm hy vọng -0
 Một ngư dân bị ngạt khí hầm cá được cấp cứu kịp thời.

Là một y sĩ trẻ mới lên nhà giàn được 5 năm, Lê Đình Nam kể, đó là một ca cấp cứu không bao giờ quên trong cuộc đời làm y sĩ quân y của mình. “Nạn nhân được truyền dịch, thải độc, hô hấp lồng ngực và cho thở ô-xy liên tục. Ban Quân y của Vùng 2, Phòng Quân y Quân chủng Hải quân chỉ đạo, nếu sức khỏe ngư dân quá nặng, cần phải cấp cứu bằng trực thăng thì sẽ điều trực thăng. Nhưng sau một đêm nỗ lực cấp cứu, bệnh nhân dần dần hồi tỉnh. Sau khi vận chuyển bệnh nhân trở lại ghe để về bờ cứu chữa, chúng tôi mới dám chợp mắt ngủ”, Nam tâm sự.

Tại nhà giàn Quế Đường DK1/8, Trung tá Bùi Đình Dong cũng không bao giờ quên được ca cấp cứu cho ngư dân đứng giữa lằn ranh sự sống và cái chết khi gặp áp lực do lặn quá sâu trong khai thác hải sâm. Ngư dân Nguyễn Văn Độ (quê Kiên Giang) đã thật sự may mắn khi được các chiến sĩ nhà giàn tiếp cận, sơ cứu kịp thời để đưa vào đất liền điều trị. Và sau này, chính ngư dân này có cơ hội được hội ngộ lại vị cứu tinh Bùi Đình Dong, ôm chầm lấy nhau khóc nức nở mà tâm sự: “Anh chính là người đã sinh ra em lần thứ hai”.

Mỗi một ca cấp cứu cho ngư dân, đều là những cảm xúc rất khác nhau của chiến sĩ quân y. Bởi vì, không phải ngư dân nào cũng may mắn tìm được về nhà giàn, được lên nhà giàn chăm sóc đặc biệt cho qua tình trạng nguy kịch, để đủ sức duy trì về bờ cấp cứu.

Năm 2016, khi đang làm Chỉ huy trưởng tại nhà giàn DK 1/14, anh Vũ Văn Tưởng cùng các đồng đội phát hiện một “vật thể lạ” trôi trên biển vào lúc trời nhá nhem tối. “Các đồng chí tập trung quan sát và tìm cách tiếp cận vật thể lạ”, Chỉ huy trưởng Vũ Văn Tưởng nói. Xuôi theo dòng nước về phía nhà giàn, vật thể lạ đó được các chiến sĩ nhanh chóng phát hiện là một ngư dân đang nằm đuối sức trên nắp hầm ghe bị vỡ, đã trôi ba ngày, ba đêm trên biển. Bằng mọi nỗ lực cứu vớt, các chiến sĩ nhà giàn đã bơi ra kéo ngư dân vào bờ, vận chuyển bằng cáng lên giàn bằng sức người từng chút một.

“Lên nhà giàn, ngư dân nằm bất động, không đủ sức để ăn uống. Chúng tôi phải truyền nước, chăm sóc kỹ lưỡng, bổ sung thuốc thang, vài giờ sau bệnh nhân hồi tỉnh. Hai ngày hôm sau, ngư dân mới có thể nói chuyện được”, anh Tưởng kể lại. Ngư dân Trương Minh Ý, quê Sóc Trăng đã sống sót kỳ diệu như thế sau những ngày lênh đênh trong vô vọng nhờ sự may mắn của dòng nước biển xuôi ra phía nhà giàn, trôi xuôi về phía nhà chòi có những chiến sĩ luôn sẵn sàng bảo vệ tính mạng ngư dân.

Bài 4: Những “đốm sáng” thắp lên niềm hy vọng -0
 Nhiều ca bệnh nguy kịch được các chiến sĩ quân y nhà giàn cấp cứu kịp thời.

Những ngày tháng 10 vừa qua, các chiến sĩ nhà giàn cũng đã cấp cứu kịp thời cứu tính mạng nhiều ngư dân bị tai nạn lao động. Trong đó, có một ca ngư dân bị trượt chân vào máy thu lưới khiến hai bàn chân bị đứt lìa đến mắt cá, rớt xuống biển trong đêm tối. Ngư dân không chỉ đau đớn mà còn hoảng loạn tinh thần. Không thể vận chuyển ngư dân nguy kịch lên nhà giàn, y sĩ nhà giàn Ba Kè DK1/21 đã xuống tận ghe, garô cầm máu, làm sạch vết thương, băng bó, truyền dịch, tiêm kháng sinh, cấp thuốc và hướng dẫn cách thay băng cho ngư dân. Một ngày sau, ngư dân tỉnh táo được đưa về bờ để tiếp tục chữa trị.

“Khó khăn nhất là vận chuyển người bệnh lên nhà giàn”, Trung tá Nghiêm Xuân Thái kể với chúng tôi. Thang lên nhà giàn thẳng đứng, cẩu chỉ sử dụng được khi sóng yên, biển lặng. Còn những ngày gió lớn, chỉ có sức người mới có thể kéo được cáng chở nạn nhân lên giàn. Vì thế, hầu hết việc cấp cứu trực tiếp cho ngư dân là trên ghe mưu sinh của họ.

Anh Thái nói với chúng tôi, việc giúp đỡ ngư dân hoạt động trên biển là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đơn vị. Vì thế, với tinh thần "mệnh lệnh trái tim", "cứu người là trên hết", các chiến sĩ nhà giàn đã vượt qua những khó khăn, thiếu thốn trang thiết bị hiện đại chăm sóc sức khỏe cho ngư dân để làm điểm tựa cho ngư dân trong những lúc họ gặp tai nạn nguy kịch và cả những ngư dân nước bạn vươn khơi, bám biển.

Bài 4: Những “đốm sáng” thắp lên niềm hy vọng -0
 Y sĩ quân y nhà giàn cấp phát thuốc cho ngư dân.

Những ngày gần bước sang năm mới 2020, cũng là ngày của những đợt gió mùa đông bắc thổi mạnh, là ngày sóng lớn hơn mọi mùa, có thể dâng cao tới 20 m. Những chiến sĩ nhà giàn ngày nay, dù không được ở cạnh bên gia đình trong những ngày Tết sum vầy, nhưng họ vẫn cảm nhận được không khí đầm ấm của gia đình bằng những cuộc gọi vào lúc giao thừa, bằng những clip chúc Tết ngắn ngủi 15 giây được gửi từ đất liền. Chiến sĩ nhà giàn đã quen với mây trời và biển khơi, quen với những cái Tết bên đồng đội, thì không có niềm tự hào nào lớn lao hơn khi họ được đóng góp một phần sức nhỏ bé của mình vào sự bình yên của Tổ quốc.