Sắc xuân vùng biển, đảo Tây Nam

Bài 1: Sức sống mới trên đảo xa

NDO -

NDĐT- Những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, chúng tôi lại lên đường tháp tùng đoàn công tác do Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 5 cùng lãnh đạo một số tỉnh, thành phố phía nam mang quà đến thăm bộ đội, chính quyền và nhân dân trên các đảo tiền tiêu vùng đất Tây Nam trù phú.

Biển đảo Tây Nam đẹp như tranh vẽ.
Biển đảo Tây Nam đẹp như tranh vẽ.

Màn đêm vừa buông, từ đảo Phú Quốc chiếc tàu chở hơn 170 người cùng quà Tết rẽ sóng đi ngay trong đêm để sáng mai kịp đến đảo Hòn Đốc. Bình minh ló rạng, xa xa đã thấy Hòn Đốc sừng sững giữa biển khơi. Hòn Đốc hay còn gọi là Hòn Tre lớn, thuộc xã đảo Tiên Hải, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, có 18 hòn đảo lớn nhỏ với hơn 500 hộ dân nằm giáp nước bạn Campuchia.

Trên đảo hiện có bốn lực lượng đang đóng quân và làm nhiệm vụ gồm: Đồn Biên phòng, Hải quân, Đại đội 7 và lực lượng công binh đang xây dựng dựng các công trình trên đảo. Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Hải - Phan Thanh Bình cho biết, các lực lượng quân đội đóng quân trên địa bàn xã phối hợp với nhau rất tốt trong giữ gìn an ninh chính trị cũng như chăm lo đời sống, kinh tế tinh thần của người dân trong xã. Nhờ vậy nên tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn diễn ra ổn định, thu hút khách du lịch đến xã đảo ngày càng đông. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 57 triệu đồng/năm.

Hòn Đốc là đảo lớn nhất trong số 16 đảo nằm trong quần đảo Hải Tặc với diện tích khoảng 11km2; nằm cách đất liền khoảng 20 km về phía đông bắc. Đảo Hòn Đốc có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên rất thuận lợi, nằm gần đường biên giới trên biển giữa Việt Nam và Campuchia. Từ thế kỷ trước, nơi đây đã được xác định là một trong những đảo vành đai then chốt của hệ thống các tuyến đảo ven bờ trên vùng biển Tây Nam. Hiện nay, trên đảo Hòn Đốc còn lưu giữ cột mốc chủ quyền được dựng tại phía tây của đảo từ năm 1958, là bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền quốc gia và biên giới biển, đảo Tổ quốc ta.

Bài 1: Sức sống mới trên đảo xa ảnh 1

Chiến sĩ trên đảo Hòn Đốc trang trí bàn thờ Bác Hồ đón Tết.

Đại úy Lê Văn Hiện - Trạm trưởng Trạm Radar 625, thuộc Tiểu đoàn 551, Hải quân vùng 5, đóng trên Hòn Đốc tâm sự, trạm đóng quân trên đồi cao, mùa khô thiếu nước, đi lại còn nhiều khó khăn vào mùa mưa bão. Song, với sự lãnh chỉ đạo của cấp trên, Ban Chỉ huy trạm đề ra nhiều biện pháp khắc phục khó khăn, động viên cán bộ, chiến sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, trạm còn tổ chức nhiều hoạt động giúp dân như: hỗ trợ gạo hộ nghèo, tập sách cho học sinh nghèo, cùng nhân dân vệ sinh môi trường bờ biển… Năm 2018, đơn vị được công nhận chi bộ Đảng “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, “đơn vị quyết thắng”. Mặc dù đơn vị đóng quân trên đồi cao, lượng nước ngọt cung cấp bị hạn chế nhưng năm nào đơn vị cũng vượt mức cấp trên giao về chỉ tiêu tăng gia sản xuất. Trạm còn nuôi và nhân giống đàn lợn rừng. Chỉ riêng năm 2018, đơn vị đã xuất 50-60 con lợn giống, với giá thị trường từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/con; xuất từ 300-400kg thịt với giá dao động từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/kg. Vì vậy ngày Tết, trên đảo vẫn đầy đủ bánh chưng, thịt cá, rau xanh bảo đảm sức khỏe cho bộ đội ta.

Rời Hòn Đốc, chúng tôi lại vượt chặng hải trình xa để đến đảo Nam Du thuộc xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Xã đảo An Sơn có diện tích hơn 779 hec-ta, có 1.200 hộ và hơn 4.000 nhân khẩu sống chủ yếu nhờ đánh bắt hải sản và làm dịch vụ du lịch. Năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của quân và dân địa phương, tình hình kinh tế - xã hội của xã đã phát triển về mọi mặt. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn thể hiện bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, luôn sẵn sàng giúp đỡ nhân dân, điển hình như cơn bão số 1 vừa qua, đã giúp đỡ khắc phục nhanh cho những ngư dân gặp nạn. Nhờ vậy, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn diễn ra ổn định, thu hút khách du lịch đến xã đảo ngày càng đông.

Bài 1: Sức sống mới trên đảo xa ảnh 2

Bộ đội trồng rau xanh trên đảo.

Nằm cách đất liền gần 32 km về phía Tây, Hòn Chuối chỉ có diện tích khoảng 7 km2, nhưng lại là một trong những đảo tiền tiêu quan trọng nơi cực Nam của Tổ quốc, và cũng là một trong năm đảo của Đề án xây dựng đảo Thanh niên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đảo Hòn Chuối có địa hình phức tạp, độ dốc cao, điều kiện khí hậu ở đây rất khắc nghiệt. Đảo chưa có trạm y tế, chưa có hệ thống trường học quốc gia, chỉ có một lớp học tình thương do cán bộ biên phòng quản lý. Gặp lại “thầy giáo” Trần Bình Phục, Đại úy - bộ đội biên phòng ở Hòn Chuối, hơn 10 năm qua vẫn miệt mài với con chữ để dạy cho các em từ mầm non, cấp 1 và cấp 2 phổ cập. Khi hỏi về tâm nguyện đầu xuân, đại úy Phục bộc bạch: “Rất mong các em trên đảo có được trường học phổ thông hẳn hoi. Cuộc sống mới, các em cần được học hành tới nơi tới chốn mới có tương lai, chứ không chỉ xóa mù chữ mãi như vậy”.

Hiện nay Hòn Chuối có một tổ nhân dân tự quản với hơn 40 hộ dân gồm hơn 130 nhân khẩu, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề nuôi cá lồng và đánh bắt thủy hải sản. Do ở vị trí tiền tiêu, năm nào Hòn Chuối cũng hứng chịu hậu quả nặng nề của các cơn giông bão. Mỗi khi có tin báo bão sắp kéo đến, bộ đội hải quân, biên phòng giúp ngư dân neo đậu tàu thuyền rồi lên trạm trú bão, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện.

Đầu năm 2019, khi cơn bão số 1 càn quét vào đảo của vùng biển Tây Nam làm chìm hơn 50 tàu cá và nhiều lồng bè nuôi cá bóp bị thiệt hại. Ông Lê Văn Phương, Tổ trưởng tổ nhân dân tự quản Hòn Chuối, bộc bạch: “Ở Hòn Chuối, mỗi năm người dân phải dời nhà hai lần để né bão, nhưng sau bão lại phải sửa chữa nhà cửa, lúc nào người dân cũng được bộ đội tiếp sức, nhường cơm, sẻ ấm. Vì vậy, dẫu có gian khổ mấy, quân dân ở đây vẫn không chùn bước trước thiên tai, luôn vượt qua khó khăn, bám đảo, bảo vệ biển trời Tổ quốc”.

Bài 1: Sức sống mới trên đảo xa ảnh 3

Hoang sơ Hòn Khoai.

Chỉ cách nhau hơn 60 hải lý từ Hòn Chuối nhưng do sóng biển nhiều nên đoàn chúng tôi phải mất cả ngày mới đến chúc Tết bộ đội trên đảo Hòn Khoai. Phần lớn trên đảo là rừng nguyên sinh, không có dân cư sinh sống. Theo khảo sát của các nhà khoa học, rừng Hòn Khoai còn lưu giữ được hơn 1.000 loài thực vật và hàng trăm giống chim thú, trong đó có nhiều loài quý hiếm đang được bảo vệ. Cụm đảo Hòn Khoai là đảo có điều kiện tự nhiên rất phong phú; đồng thời có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh. Nơi đây được xem là một trạm tiền tiêu canh giữ vùng trời, vùng biển và dải đất phía Tây Nam của Tổ quốc gắn liền với sự kiện cuộc khởi nghĩa của anh hùng liệt sĩ, thầy giáo Phan Ngọc Hiển trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đặc biệt là cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai ngày 13-12-1940, sau này là được chọn là ngày truyền thống của Đảng bộ và quân dân tỉnh Cà Mau.

Trạm trưởng Trạm Radar 595 thuộc Tiểu đoàn 551, Hải quân vùng 5, Đại úy Hoàng Duy Hùng đã cảm ơn tình cảm của Bộ Tư lệnh Vùng 5 và đoàn công tác. Là một trong những đơn vị khó khăn nhất do đường lên trạm dốc cao, thiếu nước vào mùa khô... Tuy vậy, cán bộ chiến sĩ của Trạm Ra-đa luôn khắc phục vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Công tác tuần tra canh gác được duy trì nghiêm túc, bảo đảm an toàn đơn vị và khu vực đóng quân…

Bài 1: Sức sống mới trên đảo xa ảnh 4
Hải quân Vùng 5 ngày đêm canh giữ cho ngư dân hoạt động trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.

Tết Kỷ Hợi đang về, nơi các trạm radar của Hải quân Vùng 5 đóng trên đồi cao. Ngoài doanh trại, những chậu mai vàng xum xuê khoe sắc trong nắng sớm. Bên trong sở chỉ huy, bàn thờ Bác Hồ được đặt ở vị trí trang trọng nhất như đang tỏa ấm cho các chiến sĩ bộ đội nơi đảo xa.

Đại tá Võ Đức Tiên, Phó Tư lệnh Vùng 5 Hải quân cho biết, để bảo đảm cho nhân dân vui Tết, cùng với các lực lượng vũ trang, cán bộ chiến sĩ Hải quân Vùng 5 càng nêu cao tinh thần trách nhiệm, ra sức thi đua phấn đấu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, lao động sản xuất và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quân dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tây Nam của Tổ quốc.

(Còn tiếp)