Bắc Hoa, miền quê cảnh đẹp, người hiền

Ở thôn Bắc Hoa, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, một tiếng gà gáy cả hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn đều nghe thấy. Ðến Bắc Hoa, đường tuy xa nhưng khá dễ đi. Nơi ấy, có những ngôi nhà trình tường cổ tuổi đời hàng trăm năm thấp thoáng bên gốc đào, cành mận; những con người chịu thương, chịu khó làm ra nhiều sản vật ngon nức tiếng gần xa; có điệu hát Sloong hao thao thiết...

Thiếu nữ dân tộc Nùng ở hội hát Sloong hao mùa xuân. Ảnh: NGÔ MINH BẮC
Thiếu nữ dân tộc Nùng ở hội hát Sloong hao mùa xuân. Ảnh: NGÔ MINH BẮC

Chuyện người Nùng lập làng

Trên đường tới thôn Bắc Hoa, chúng tôi được nghe chị Lê Thị Hoa, cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lục Ngạn và anh Hoàng Văn Chăm, Phó Bí thư thường trực Ðảng ủy, Chủ tịch HÐND xã Tân Sơn kể nhiều chuyện thú vị về phong tục, tập quán của người Nùng, về "chợ tình" Tân Sơn, hội hát Sloong hao mùa xuân,… Trong 12 thôn của xã Tân Sơn, có tám thôn hầu hết là người Nùng sinh sống. Anh Chăm kể, chợ Tân Sơn đông vui lắm, họp mỗi tháng sáu phiên vào các ngày mồng 2, mồng 7, 12, 17, 22 và 27 âm lịch. Người ta đi chợ không chỉ để mua bán, trao đổi hàng hóa, mà còn để gặp gỡ, tâm tình, cho những đôi trai gái giao duyên, hò hẹn.

Con đường liên thôn đến Bắc Hoa mấy năm nay đã được rải bê-tông nhờ nguồn vốn hỗ trợ xi-măng, cát sỏi từ Chương trình 135, Nghị quyết 07 của HÐND tỉnh Bắc Giang và huy động từ sức dân.

Ông Hùng Văn Tỷ đã có 26 năm "vác tù và", từng là bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban mặt trận, an ninh, dân số,… Không có chức danh công việc nào ở thôn mà ông chưa làm, được phân công gì là làm nấy, không nề hà. Ông Tỷ là đời thứ năm, sau kỵ, cụ, ông, cha, những người Nùng đầu tiên từ các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn về đây lập làng. Ngày đó cách đây hơn 200 năm, cha ông xưa đã chọn nơi có địa thế đẹp, lưng tựa vào núi, có con suối dài, rộng tên là Khuôn Tiếu, trước mặt có đồi thấp, dưới chân đồi có thể vỡ ruộng bậc thang để sinh cơ lập nghiệp dài lâu. Từ hàng thế kỷ trước, cha ông đã để lại cho con cháu gần 100 ngôi nhà trình tường truyền thống. Những ngôi nhà tường đất đơn sơ mà cả trăm năm vẫn vẹn nguyên, bền bỉ. Ông Tỷ nói, trước hết, do chất đất ở đây có độ keo dính tốt. Người Nùng chọn nơi làm nhà, đầu tiên phải chọn loại đất có thể trình tường được. Mới đầu làm nhà, chỉ lợp mái bằng cỏ tranh, rơm rạ, mãi về sau này mới có ngói âm dương. Bí quyết của người Nùng khi làm nhà trình tường là phải chọn được loại gỗ làm khuôn phơi mưa nắng cũng không bị cong vênh, như thế tường mới phẳng phiu, bền đẹp…

Cũng như nhiều miền quê khác, "tậu trâu, cưới vợ, làm nhà" là ba việc lớn trong đời mà chàng trai người Nùng phải lo trên bước đường trưởng thành của mình. Riêng chuyện lấy vợ, người Nùng xưa có nhiều thủ tục khá nhiêu khê, phiền toái. "Một hôm bố tôi bảo, có con bé ở làng bên hiền lành, chịu khó, tao đã nói chuyện với nhà người ta, lấy tuổi của mày và nó đưa thầy bói xem rồi. Tuổi chúng mày hợp, lấy nhau được. Kể từ đó, ba năm liền tôi phải mang lễ sang bên nhà gái đủ hai vai thịt lợn (14 kg), 12 con vịt, gà trống thiến, gạo nếp,… vào các dịp 30 Tết, thanh minh, rằm tháng bảy,… Ðến khi cưới, nhà trai lại phải mang lễ sang nhà gái làm cỗ ăn trong ba ngày. Ðến tận lúc đón dâu, tôi mới biết mặt vợ", ông Tỷ cười vui vẻ. Vợ chồng ông sinh được sáu người con. Ðến nay, đã dựng vợ gả chồng cho tất cả nhưng không theo cách xưa, lối cũ. Con ông, người ở nhà làm ruộng, người đi làm công nhân, nhưng đều tự tìm hiểu, ưng ai thì cưới, cỗ cưới cũng rất đơn giản, chỉ gọn trong một ngày. Giờ ở Bắc Hoa, những việc cưới, việc tang đã văn minh, tiến bộ lên nhiều.

Ðất lành chim đậu, từ hơn chục hộ người Nùng lập làng xa xưa, đến nay thôn Bắc Hoa đã có gần 160 hộ với hơn 700 nhân khẩu. Người Nùng Bắc Hoa là một khối thống nhất, chung lưng đấu cật, đôn hậu, nghĩa tình, người đến trước giúp người đến sau cùng vươn lên bắt nhịp cuộc sống mới. Theo quy ước, mỗi khi tiếng kẻng ở Bắc Hoa vang lên một hồi ba tiếng là họp thôn, sáu tiếng là họp thanh niên, phụ nữ, nếu đánh liên hồi là có chuyện bất thường. Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Lăng Quốc Kỳ tự hào, từ xưa đến nay, thôn Bắc Hoa chưa có ai vi phạm pháp luật, trong thôn chưa bao giờ xảy ra chuyện trộm cắp. Ông Kỳ cười bảo, vì thế mà Bắc Hoa chưa bao giờ phải gõ kẻng liên hồi.

Giàu tiềm năng du lịch

Bắc Hoa đẹp, yên bình thì rõ, nhưng Bắc Hoa vẫn còn nhiều hộ nghèo là điều mà Bí thư chi bộ Hoàng Ngọc Phiên và Trưởng thôn Vi Văn Chèo rất trăn trở.

Những năm gần đây, mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo trong thôn giảm từ 10 đến 15% nhưng số hộ nghèo vẫn còn khoảng 30%. Theo lý giải của Trưởng thôn Vi Văn Chèo, cái nghèo ở đây ngoài nguyên nhân khách quan về giao thông khó khăn (nay đã được khắc phục), phía chủ quan vẫn do tập quán canh tác lạc hậu, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, chưa mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất hàng hóa và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Chi bộ, lãnh đạo thôn đã vận động người dân thay vì chỉ trồng lúa, ngô, đậu xanh như trước, nay chuyển mạnh sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Diện tích trồng vải thiều ở Bắc Hoa tăng mạnh những năm gần đây. Ðiểm đáng chú ý là vải thiều của thôn chín muộn, thu hoạch sau cùng so với các xã khác trong huyện Lục Ngạn cho nên bán được giá. Vụ vừa rồi, trong khi giá vải thiều ở Lục Ngạn cao nhất khoảng 50 nghìn đồng/kg thì ở Bắc Hoa bán tới 70 nghìn đồng/kg. Cũng theo Trưởng thôn Vi Văn Chèo, thôn sẽ tiếp tục duy trì diện tích gạo đặc sản như gạo nếp, bao thai hồng, còn chăn nuôi đi theo hướng riêng là nuôi lợn và gà trống thiến để bán vào dịp lễ hội xuân. Thịt lợn quay, gà trống thiến là món ngon ưa thích của du khách mỗi khi đến vùng đất Tân Sơn.

Không biết tự bao giờ, ở vùng cao Tân Sơn đã hình thành ngày Hội Xuân và chợ phiên. Hằng năm, cứ đến ngày 12 tháng Giêng (âm lịch) là người dân trong vùng và du khách gần xa lại tụ hội về chợ phiên Tân Sơn với những làn điệu giao duyên đặc sắc. Ðịa hình đồi núi trập trùng, dòng Thác Lười róc rách và bạt ngàn mầu xanh của rừng, tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình thơ mộng. Bắc Hoa cũng có thế lưng tựa núi, trước mặt là dòng suối hiền hòa, cung cấp tôm cá quanh năm. Thăm những ngôi nhà cổ trình tường, xem dệt khăn, áo chàm thủ công truyền thống và thưởng thức món ngon đặc sản, hẳn là điều hấp dẫn với nhiều du khách. Vậy mà qua chuyện của ban lãnh đạo thôn, thấy Bắc Hoa vẫn như "nàng công chúa ngủ trong rừng", rất ít du khách biết tới. Trong khi đó, chỉ cách vài km, chợ phiên Tân Sơn và hội hát Sloong hao của đồng bào dân tộc Nùng vào dịp tháng Giêng lại thu hút đông đảo khách thập phương. Ðem chuyện này chất vấn Phó Bí thư thường trực Ðảng ủy xã Hoàng Văn Chăm, anh quả quyết "năm nay sẽ khác". Ðược phân công phụ trách chi bộ thôn Bắc Hoa nhiều năm qua, anh Chăm hiểu rất rõ lợi thế phát triển du lịch ở đây. Anh vận động bà con trồng thêm đào, mận trên đồi và ven đường. Năm nay, lại tham mưu với xã hỗ trợ Bắc Hoa giống cải cúc lấy hạt trồng thí điểm 2 ha. Dự kiến, cánh đồng cải cúc sẽ nở hoa đúng vào dịp lễ hội xuân Tân Sơn. "Bắc Hoa sẽ là miền đất trăm hoa khoe sắc. Ðây chính là một cách thu hút khách du lịch", anh Chăm khẳng định.

Về lâu dài, huyện Lục Ngạn đang xây dựng Ðề án phát triển du lịch Tân Sơn nói chung và Bắc Hoa nói riêng. Với Bắc Hoa, sẽ là sản phẩm du lịch cộng đồng. Một trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng sẽ được xây dựng tại đây. Từ đề án này, anh Chăm hy vọng có doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư vào du lịch, tạo hướng đi mới phát triển kinh tế - xã hội của Tân Sơn cũng như Bắc Hoa.