Xanh lại những triền đất dốc

Ở Vân Hồ (tỉnh Sơn La) nhiều người dân đúc kết rằng: Cây ngô từng giúp hết cái đói, cây mía đã giúp hết cái nghèo, còn để làm giàu chỉ có cây ăn quả. Nhờ thực hiện phương châm canh tác này, nhiều năm nay, cây ăn quả như chanh leo, cam đường, hay bưởi da xanh… không chỉ giúp bà con nhiều bản làng của Sơn La mở ra triển vọng làm giàu, mà còn làm xanh lại những vùng đất dốc khô cằn.

Cây chanh leo giúp nhiều nông dân ở Vân Hồ trở thành triệu phú, tỷ phú. Ảnh: PHẠM TRỌNG TÙNG
Cây chanh leo giúp nhiều nông dân ở Vân Hồ trở thành triệu phú, tỷ phú. Ảnh: PHẠM TRỌNG TÙNG

Những “vườn treo” tiền tỷ

Đến xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ) những ngày này, chúng tôi gặp rất nhiều xe ô-tô bán tải đợi sẵn để nhập hoa quả đi tiêu thụ. Trên những triền núi lởm chởm mỏm đá tai mèo đã phủ kín bởi những giàn chanh leo trĩu quả, mà có người gọi là vườn treo “ngọc xanh” tiền tỷ.

Vườn chanh leo sáu héc-ta của trang trại Châu Ngọc Tây Bắc ở bản Hang Trùng (xã Vân Hồ) đang vào mùa thu hoạch chi chít quả tím, xanh. Anh Trần Văn Lương, một nhân viên của trang trại này cho biết: Chanh leo có thể trồng quanh năm, song thích hợp nhất vẫn là từ tháng 4 đến tháng 6, là thời điểm đầu mùa mưa, giúp cây sinh trưởng tốt hơn và giảm công tưới tiêu. “Chanh leo trồng sau sáu tháng sẽ cho thu hoạch. Thích nhất đây là loại cây cho thu hoạch quả liên tục. Trung bình lúc thời tiết ấm, chỉ hai ngày hái quả một lần, trời rét thì 5-7 ngày/lần”, anh Lương phấn khởi nói.

Theo anh Lương, đây cũng là cây đòi hỏi sự chăm sóc khá khắt khe, nhất là rủi ro về dịch bệnh, đặc biệt phải chủ động được nguồn nước để luôn đủ ẩm... nên không phải dễ dàng trồng được nếu như không có các đơn vị, ban, ngành địa phương hỗ trợ kỹ thuật. Với chanh leo xuất khẩu sang Liên hiệp châu Âu (EU), đất trồng phải qua xét nghiệm 15 loại chỉ số về kim loại nặng, kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nước tưới cây cũng phải kiểm tra xem có bảo đảm các chỉ tiêu vi sinh hay không. Khâu chọn giống, canh tác đều phải trải qua quy trình rất khắt khe theo tiêu chuẩn Global GAP.

Cũng tại xã Vân Hồ, anh Tráng A Cao, người bản Hua Tạt, trồng chanh đến nay được 5 năm. Ban đầu, anh chỉ trồng thử nghiệm trên diện tích nhỏ, đến khi cây chanh đã khẳng định được vị thế của mình, anh mới mở rộng diện tích trồng với quy mô lớn và đã đứng ra thành lập HTX Nông nghiệp A Cao để liên kết cùng 10 thành viên khác trồng chanh leo với diện tích hơn 10 héc-ta. Hỏi về lợi nhuận, anh phân tích: “Trên thực tế, cứ một héc-ta trồng chanh leo cho thu hoạch 40 tấn trong một năm. Nếu giá 25 nghìn đồng/ki-lô-gam sẽ thu được khoảng 100 triệu đồng. Thu nhập rõ ràng cao hơn trồng ngô. So với cây mía thì một héc-ta chanh leo có thể cho thu nhập gấp bốn lần. Nếu so với cây mận, đào, chanh leo ăn đứt về hiệu quả kinh tế”.

Từ những lợi ích nhìn thấy rõ đó nên nhiều gia đình ở Vân Hồ đã mạnh dạn thay đổi cây trồng, không trồng ngô, su su để chuyển sang cây ăn quả. Tuy nhiên, như chia sẻ của anh Phan Văn Thăng, cán bộ hiện trường của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) - đơn vị có dự án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, bảo vệ thiên nhiên, môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững tại huyện Vân Hồ, thì điều băn khoăn nhất hiện nay là làm sao sản phẩm bà con làm ra phải sạch từ khâu sản xuất. Bởi bao năm qua, không ít người dân coi thuốc diệt cỏ như trợ thủ đắc lực trong sản xuất mà không biết rằng đó là thứ thuốc sẽ diệt hết mầm sống trên đất này. “Vùng đất Vân Hồ được thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng và khí hậu hợp với việc trồng xoài, cam, bưởi, chanh leo… Thế nhưng, nếu không chăm chút cho đất thì rồi đất cũng cằn. Trồng cây ăn quả chính là một trong những cách tốt nhất để trả lại mầu xanh cho đất, giảm lũ lụt, khô hạn. Điều đáng mừng là nhiều nông trại hữu cơ ở Vân Hồ đã làm quen với một lối canh tác mới: không dùng thuốc trừ sâu và phân hóa học. Chế phẩm họ dùng để phun cho cam, bưởi được nhập từ Nhật Bản, là dạng nấm sinh học…”, anh Thăng cho biết.

Che phủ rừng nhờ cây trái

Theo số liệu thống kê từ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Sơn La, tính đến năm 2018, diện tích trồng cây ăn quả trên toàn tỉnh đạt hơn 57.000 héc-ta. Dự kiến hết năm 2019 con số này đạt khoảng 81.000 héc-ta và sẽ tăng lên 100.000 héc-ta vào năm 2020. Trong đó, toàn tỉnh đã chuyển đổi được hơn 25.000 héc-ta diện tích đất dốc canh tác cây lương thực, cây công nghiệp hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả, để tăng giá trị và tăng khả năng phòng hộ diện tích đất dốc của tỉnh.

Thực tế cho thấy chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc thật sự đã làm thay đổi nhận thức của người nông dân Sơn La. Nhất là khi cây ăn quả không chỉ đã và đang giúp người dân ở nhiều bản làng xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, mà còn tăng độ che phủ đất trống đồi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững trước tác động của biến đổi khí hậu. Để “xanh hóa” những triền núi, trước đó theo Quyết định 3155/QĐ-UBND (ngày 8-12-2017), của UBND tỉnh Sơn La phê duyệt kết quả Điều tra thoái hóa đất lần đầu trên địa bàn tỉnh, có tới 777.688 héc-ta/1.264.068 héc-ta đất trên địa bàn tỉnh bị thoái hóa, chiếm 61,52% tổng diện tích điều tra. Một trong những giải pháp để giảm thoái hóa đất được Sơn La đưa ra chính là đẩy mạnh trồng cây ăn quả trên đất dốc, hạn chế phát rừng làm nương rẫy, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phát triển các mô hình nông, lâm kết hợp, đẩy mạnh khoanh nuôi, tái sinh và trồng mới rừng trên các khu vực có độ dốc cao. Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La cho biết: Thời điểm những năm 2015 trở về trước, toàn tỉnh Sơn La có khoảng 150.000 - 180.000 héc-ta ngô khiến đất bị xói mòn, hoang hóa. Song từ năm 2016 trở lại đây, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy hoạch phát triển cây ăn quả, các chính sách hỗ trợ hộ gia đình cải tạo vườn tạp, chính sách hỗ trợ phát triển cho các HTX, doanh nghiệp, trồng chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ cây ăn quả, từ đó tạo ra các vùng chuyên canh lớn như xoài, nhãn, na, sơn tra, chanh leo nơi đây.

Những tín hiệu vui đang từng ngày đánh thức, mang lại nguồn sinh khí mới cho những bản làng.

Theo đánh giá của ngành NN&PTNT Sơn La, tới năm 2020, với diện tích 100.000 héc-ta cây ăn quả, thì có khoảng 40-50% là cây ăn quả lâu năm. Nếu như diện tích này được công nhận vào độ che phủ rừng, sẽ góp phần nâng độ che phủ rừng trên toàn tỉnh tăng thêm từ 2-3%.