Viết tiếp giấc mơ trái xoài Ðồng Tháp

Chuyến hàng xuất khẩu tám tấn xoài đầu tiên sang thị trường Mỹ, dẫu đã gần một năm trước, vẫn để lại dư âm sâu đậm trong lòng nhiều người dân Ðồng Tháp. Không chỉ chinh phục một thị trường “khó tính” bậc nhất thế giới, hành trình hiện thực hóa giấc mơ ấy đã góp phần thay đổi cả cách nghĩ, cách làm của rất nhiều người, từ những lão nông cho đến nhà doanh nghiệp…

 Bảo đảm chất lượng sau thu hoạch nhờ dây chuyền sản xuất hiện đại tại Ðồng Tháp.
Bảo đảm chất lượng sau thu hoạch nhờ dây chuyền sản xuất hiện đại tại Ðồng Tháp.

20 năm và 200 kg

Tôi tìm đến xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh. Hai bên đường rợp bóng xoài, trong từng khu vườn, thấp thoáng hình ảnh những người nông dân đang cần mẫn chăm sóc cho vườn tược. Mỹ Xương chính là nơi có tám tấn xoài đầu tiên của Việt Nam được xuất sang thị trường Mỹ.

Vườn xoài nhà lão nông Bảy Thọ ở ấp Mỹ Hưng Hòa, xã Mỹ Xương. Chú Bảy trồng xoài hơn 20 năm nay, kể từ khi những cây xoài cát Hòa Lộc, cát chu bén duyên với vùng đất Mỹ Hưng Hòa. Thấy có khách đến nhà, cô Phan Thị Gìn, vợ chú Bảy đem một dĩa xoài chín cây ra chiêu đãi. Cùng vợ chồng chú nhâm nhi tách trà, bên những miếng xoài Cao Lãnh thơm lựng ngọt thanh, rồi nghe vợ chồng chú nhẩm tính sáng giờ đã hái bán được hơn 400 ký thấy mừng vì xoài được giá. Nhiều tháng qua, thương lái thường tìm đến nhà chú Bảy hỏi mua. Chú Bảy bảo, niềm vui lớn nhất trong đời làm vườn của chú đó là 200 ký xoài chu vàng của gia đình được Hợp tác xã (HTX) xoài Mỹ Xương thu mua để hòa cùng 7 - 8 tấn xoài các loại khác xuất sang Mỹ. Chú kể, hôm trên tỉnh làm lễ xuất khẩu, chú sốt ruột đi đi lại lại trong vườn xoài rồi liên tục mở báo, đài đón xem tin tức buổi lễ. “Thấy Sáu Hoan, Bí thư Tỉnh ủy (tức đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Tháp Lê Minh Hoan - PV) quê mình cùng với đối tác đưa những thùng xoài đầu tiên lên xe tải để chuyển ra sân bay, chú mừng muốn rơi nước mắt. Vậy là trái xoài của mình đã được đi Mỹ thiệt rồi”, chú Bảy Thọ nói trong niềm tự hào.

Thật ra, xoài ở Mỹ Xương được xuất khẩu không còn là chuyện lạ. Bởi nhiều năm trước, những trái xoài ở vùng đất này đã xuất hiện tại các nước Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Nga,… Nhưng vào được thị trường Mỹ - một thị trường khó tính bậc nhất, là điều mà ai ai cũng vui mừng. Giám đốc HTX xoài Mỹ Xương Võ Việt Hưng chia sẻ với tôi, việc trái xoài sang Mỹ đã tạo nên một bước phát triển mới đối với bà con xã viên và HTX: đó là lô xoài đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang Mỹ, đánh một dấu mốc hết sức quan trọng cho việc kinh doanh ngành hàng xoài sang thị trường khó tính.

Viết tiếp giấc mơ trái xoài Ðồng Tháp ảnh 1

Chú Bảy Thọ chăm sóc vườn.

Viết tiếp giấc mơ trái xoài Ðồng Tháp ảnh 2

Xoài Cao Lãnh được đóng thùng để xuất khẩu sang Mỹ.

Sản xuất sạch để đổi đời

Mấy năm nay, chuyện tái cơ cấu ngành nông nghiệp được đặt lên nhiệm vụ hàng đầu trong phát triển kinh tế, xã hội ở tỉnh Ðồng Tháp. Xoài là cây trồng được tỉnh chọn lựa là một trong năm ngành hàng của Ðề án tái cơ cấu nông nghiệp. Ðể có được lô xoài đầu tiên sang Mỹ, là kết quả của một chặng đường hết sức nhọc nhằn, gian nan.

Tám tấn xoài đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Mỹ bằng đường hàng không. Ðó là lô được thu mua từ HTX xoài Mỹ Xương ở huyện Cao Lãnh và đều đạt tiêu chuẩn VietGap, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật cũng như đạt chuẩn về kích cỡ. Thế nhưng ít ai biết rằng, để trái xoài Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường đó là cả một hành trình không hề dễ dàng. Việt Nam đã gửi hồ sơ xin mở cửa thị trường cho trái xoài vào năm 2009. Trong suốt 10 năm, cơ quan kiểm dịch thực vật của hai nước đã có nhiều cuộc trao đổi kỹ thuật để thống nhất biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật. Sau rất nhiều nỗ lực đàm phán, cơ quan kiểm dịch thực vật của hai bên đã đạt được thỏa thuận về điều kiện nhập khẩu xoài và kế hoạch xử lý bằng chiếu xạ khi xuất khẩu xoài tươi từ Việt Nam sang thị trường nội địa của Mỹ.

Xuất khẩu sang Mỹ là niềm vui lớn với người dân trồng xoài. Còn với lãnh đạo tỉnh Ðồng Tháp, sau kết quả ấy, ngành hàng xoài cần có những bước đi bền vững trong thời gian tới. Ðiều này đòi hỏi các nhà vườn trồng xoài phải duy trì sản xuất xoài bảo đảm chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; thực hiện mối liên kết bền vững với các doanh nghiệp xuất khẩu để sản lượng xoài được xuất khẩu sang thị trường Mỹ và các thị trường khó tính khác ngày càng nhiều hơn.

Ngồi im lặng được một lúc, rồi như nhớ lại chuyện trồng xoài trước đây, chú Bảy kể, hồi đó chưa biết nhiều đến khoa học kỹ thuật, nên thu hoạch đạt năng suất không cao. Cũng như nhiều nông dân khác, mười mấy năm trước cũng chưa nghĩ gì nhiều đến chuyện sản xuất sạch, nên trái xoài chỉ bán trong nước, mà giá cả cũng bấp bênh.

Nói xong, chú liền dẫn tôi ra sau vườn, như muốn minh chứng về sự thay đổi tư duy sản xuất của bà con nông dân, trong đó có gia đình chú. Trước mắt tôi là 175 gốc xoài Hòa Lộc, 65 gốc xoài cát chu trồng trên năm công đất cát pha phù sa, được gia đình chú chăm sóc suốt 20 năm qua. Do ứng dụng kỹ thuật mới từ việc tỉa cành, tạo tán nhằm trồng rải vụ cho trái quanh năm mà vườn nhà chú luôn có nhiều cây đang ra hoa, đậu trái non bằng đầu ngón tay cái, có những trái đã căng mịn. Không một vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật bị vứt trong vườn, nhật ký ghi chép lịch thời vụ được ghi tỉ mỉ, tất cả được bao trái cách ly hàng chục ngày,… là những gì tôi được chứng kiến ở vườn nhà chú Bảy Thọ. Bấy nhiêu đó cho thấy người nông dân hôm nay đặc biệt chú trọng sản xuất sạch để trái xoài được tiếp cận với những thị trường khó tính trên thế giới.

Người trồng xoài là vậy, còn các cơ sở, doanh nghiệp thu mua thì sao? Dù rất bận bịu, nhưng khi hỏi về chất lượng sản phẩm cũng như tình hình xuất khẩu xoài sang thị trường Mỹ, bà Ðinh Kim Nhung, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kim Nhung Ðồng Tháp, chuyên xuất nhập khẩu trái cây tươi liền dẫn chúng tôi đi “mục sở thị” xem các lô chuẩn bị giao cho đối tác xuất khẩu, đó là một dây chuyền sản xuất hiện đại xử lý xoài bảo đảm tuyệt đối về chất lượng sản phẩm sau thu hoạch mà công ty đang sở hữu, nhờ đó các loại xoài có thể để lâu được từ 30 đến 40 ngày mà không sợ bị hư. Chính vì điều đó mà kể từ sau ngày tám tấn xoài đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Công ty TNHH Kim Nhung đã sớm bắt nhịp được thị trường khó tính này, trung bình mỗi tháng, công ty xuất sang Mỹ 25 tấn xoài, đều vận chuyển bằng đường biển với thời gian mỗi chuyến đi là 27 ngày. Hầu hết những doanh nghiệp thu mua xoài của nhà vườn Ðồng Tháp xuất khẩu sang Mỹ đều khẳng định đây là thị trường có tiềm năng rất tốt. So với thị trường trong nước, doanh nghiệp thu mua xoài cho bà con nông dân để xuất khẩu sang Mỹ với giá cao hơn mỗi ký từ năm đến bảy nghìn đồng.

Giấy thông hành đã có, các vùng nguyên liệu được sản xuất theo tiêu chuẩn cũng đã có, giờ đây xoài Ðồng Tháp tự tin tiếp tục hành trình giữ vững và tăng sản lượng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Và không chỉ có vậy, thị trường khó tính đã chấp nhận, thì đây chính là cơ hội tốt để trái xoài Việt Nam nói chung cũng như xoài Ðồng Tháp vươn xa ra thế giới, qua đó cũng dễ dàng hơn cho việc tiếp cận, kết nối đến các thị trường khác. Ðồng thời khẳng định sự tiến bộ trong sản xuất, bảo đảm đủ tiêu chuẩn, quy cách, chất lượng để tham gia xuất khẩu.

Năm 2019, tỉnh Ðồng Tháp có hơn 9.660 ha diện tích trồng xoài, sản lượng đạt 125 nghìn tấn. Giá trị sản xuất ngành hàng xoài năm 2019 ước đạt 1.898 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân trồng xoài đạt 97-269 triệu đồng/ha. Hiện tại, nhiều công ty đã ký kết hợp đồng với các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết tiêu thụ dài hạn mặt hàng xoài đáp ứng cho thị trường xuất khẩu như: Công ty TNHH Nông sản sạch Ðại Thuận Thiện, Công ty Sông Nhi, Công ty TNHH Kim Nhung, Công ty Long Uyên,… Riêng Công ty TNHH Kim Nhung Ðồng Tháp, từ đầu năm 2019 đến tháng 2-2020 xuất được 10 nghìn tấn các loại (trong đó có 60% xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, 20% xuất khẩu sang Ô-xtrây-li-a, Mỹ, Hàn Quốc; còn lại là thị trường nội địa).