Kỷ niệm 64 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2018)

Trên chiến trường xưa...!

Tháng 5 về, các điểm di tích lịch sử Điện Biên Phủ luôn đông kín người. Trên khắp các ngả đường tuyến phố trong lòng thành phố Điện Biên Phủ, dòng người cũng chật như nêm. Cứ một quãng, một quãng, lại có một đoàn xe mang dòng chữ “Cựu chiến binh về thăm chiến trường!”...

Trên chiến trường xưa...!

Những ký ức nóng hổi

Vào những ngày này 64 năm trước, quốc lộ 41 lửa đỏ từng cung đường. Theo đề nghị của Đờ Cát - Chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - lệnh của Na-va - Tổng Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương - là không quân Pháp phải oanh tạc quốc lộ 41 với tần suất cao nhất, trong suốt 48 ngày đêm, để ngăn cản sức chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Còn hôm nay, sau 64 năm, quốc lộ 6 (quốc lộ 41 trước kia) trải dài đưa du khách về với Điện Biên bằng những chuyến “boeing mặt đất”. Còn đó con đường chinh chiến hôm nào, với các địa danh: Cò Nòi, Pha Đin, Nà Tấu, Nà Nhạn... như còn vọng về tiếng “hò dô” trầm hùng; như còn vọng về tiếng chão nghiến vào những đôi vai trần rớm máu; như còn đây hình ảnh anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo và hình ảnh ấy đã trở thành bất tử.

Trên bãi chiến trường xưa, thành phố Điện Biên Phủ hôm nay, dài dọc rộng ngang theo trục đường chính mang tên Võ Nguyên Giáp là những trường học, công sở và rất nhiều trung tâm thương mại sầm uất. Đường phố Điện Biên Phủ tấp nập suốt cả ngày đêm. Từ trên đỉnh đồi D1 - nơi có tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, du khách thỏa sức phóng tầm mắt ngắm cảnh thung lũng Mường Thanh. Đâu đâu cũng ngập tràn những sắc màu tươi mới; màu của những mái đỏ công trường, màu vàng no ấm của cánh đồng lúa Mường Thanh.

Trên chiến trường xưa...! ảnh 1

Với khách du lịch là các cựu chiến binh Điện Biên Phủ, điểm thường đến đầu tiên là nghĩa trang liệt sĩ A1. Mong ước “đồng đội cũ gặp nhau” mà không thể tay bắt chặt cho mắt rưng rưng, nên họ chỉ biết nhờ nén hương nói hộ nỗi lòng với những người đồng đội nay đã xa mặt cách lời. Đó là những chiến sĩ của các sư đoàn bộ binh: 304, 308, 312, 316 và sư đoàn công pháo 351. Sáu mươi tư năm trước, họ là những người đi qua trận đánh 56 ngày đêm với chí trai trả thù nhà nợ nước. Sáu mươi tư năm sau, họ trở về chiến trường xưa mong sao có một phút chụm mái đầu bạc, soi vào mắt nhau để nhớ lại cái thời quần nhau với địch giành giật từng mét chiến hào, từng mỏm đồi, khe suối. Máu các anh đổ xuống cho bây giờ sự sống lên xanh.

Chiều 30-4, chiếc xe mang biển số 37B-004.20 với biểu ngữ “Cựu chiến binh Nghệ An về thăm Điện Biên” đi chầm chậm và dừng hẳn trước cổng di tích đồi A1. Đỡ nhau bước xuống xe rồi chờ nhau cùng đi, nhiều cựu chiến binh trong đoàn không nén được ngạc nhiên với bao niềm xúc động. Có cựu chiến binh đứng lặng hồi lâu nhìn con đường dẫn lên đồi A1 rồi lại nhìn con đường dẫn sang nghĩa trang liệt sĩ A1 kế bên mà lệ rưng rưng.

Trò chuyện với chúng tôi về những năm tháng chiến đấu, xây dựng kinh tế ở Điện Biên, ông Hoàng Văn Bảy - chiến sĩ Điện Biên, thuộc Sư đoàn 316, từng tham gia đánh cứ điểm đồi A1, hiện đang sống tại phường Thanh Trường, TP Điện Biên Phủ, cho biết: Năm 1958 – bốn năm sau ngày chiến thắng, một trung đoàn đang đóng ở Sơn Tây, được lệnh trở lại Điện Biên xây dựng nông trường. Đó là Trung đoàn 176 thuộc Sư đoàn 316. Sau chiến tranh, đồng ruộng thành chiến địa nên công cuộc cải tạo chiến địa trở thành đồng ruộng của bộ đội, nhân dân Điện Biên cũng phải đổ nhiều mồ hôi, có khi cả nước mắt và máu nữa. Năm 1958, ruộng đất lòng chảo còn bỏ hoang nhiều. Mùa mưa còn phải lội nước ngang bụng; sắt thép tuy đã được thu dọn nhiều lần nhưng còn vương vãi nhiều, nhất là trên đồi A1, khu vực sân bay và trên bãi đất hoang thuộc khu Hồng Cúm… Năm ấy, biệt kích vẫn lén lút phá hoại và phải mất một thời gian khá dài bộ đội, nhân dân Điện Biên mới tiêu diệt hết.

Còn một thứ mà quân đội viễn chinh Pháp tuy đã sạch bóng nhưng vẫn để lại khắp lòng chảo Mường Thanh, ấy chính là các loại mìn, như là: Mìn cóc mà giẫm phải thì nổ đủ sức giết người; mìn nhựa chỉ đủ sức làm cong mũi xẻng nhưng cũng có thể tiện đứt một bàn chân. Còn loại mìn díp thì khỏi phải nói về sức công phá và sự nhạy nổ, bởi chỉ cần một vật nặng chừng 1 kg đè lên thì nổ mà hiệu lực phá hoại có thể kéo dài hơn 40 năm. Bởi thế mà trong quá khứ chưa xa trên cánh đồng Mường Thanh có con trâu đi cày cũng bị mất đùi vì giẫm phải mìn. Chỉ riêng câu chuyện về mìn ở Mường Thanh ngày đó thôi cũng phần nào cho thấy, công cuộc khắc phục, xây dựng Điện Biên gian nan đến nhường nào. Ấy vậy mà vượt qua và vượt lên hiểm nguy, hàng trăm chiến sĩ Điện Biên và hàng nghìn thanh niên xung phong đi xây dựng nông trường Điện Biên đã chiến thắng “giặc” đói, “giặc” nghèo. Nhiều đồng chí trở thành kỹ sư trồng trọt, kỹ sư chăn nuôi, nhiều người là “lính già” trở thành “kỹ sư trẻ” trên cánh đồng mà năm xưa họ đã chiến đấu không khoan nhượng với quân thù.

Nhắc về thành quả hôm nay của người lính trên chiến trường Điện Biên, Thiếu tướng Lưu Trọng Lư, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh tự hào: Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, phát huy tinh thần chiến sĩ Điện Biên trong chiến đấu, các cựu chiến binh của Điện Biên vẫn là những người đi đầu trong phong trào xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Tuổi cao, ý chí càng cao, chính cựu chiến binh Điện Biên là lớp người đi đầu trong công cuộc chuyển đổi mô hình cây, con; chủ động làm giàu bằng sản xuất, kinh doanh. Con số 42 doanh nghiệp, chín hợp tác xã, 510 trang trại, gia trại do hội viên CCB làm chủ mô hình sản xuất, kinh doanh là minh chứng rõ ràng nhất về quyết tâm của cựu chiến binh trong công cuộc dựng xây. Điển hình cho những mô hình kinh tế do CCB làm chủ, là: Công ty TNHH Trường Thọ do hội viên CCB Bùi Văn Thọ đứng đầu; Doanh nghiệp của CCB Vũ Thị Ngợi, CCB Ðặng Sĩ Chuyên, Ðỗ Văn Hiến, Trần Văn Dự, Bạc Cầm Phiu, Nguyễn Ðức Cam, Tao Văn Ơn, Sừng Sừng Khai...

Hướng tới tương lai

Gặp ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên vừa đúng dịp ông dự hội nghị công bố Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tại Hà Nội về. Thông tin đầu tiên mà Chủ tịch Mùa A Sơn cung cấp cho chúng tôi chính là kết quả VCCI vừa công bố, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Điện Biên đã tăng năm bậc so với năm 2016, Điện Biên vươn từ vị trí 53 lên 48 trong số 63 tỉnh, thành phố. Tổng sản phẩm GRDP của Điện Biên năm 2017 tăng 7,09% so với năm 2016; thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 1.071 tỷ đồng. Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng xác định; thu nhập bình quân đầu người đạt 24,15 triệu đồng/người/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội hơn 9.719 tỷ đồng.

Với các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn, như: dự án cải tạo, nâng cấp đường Võ Nguyên Giáp; dự án hạ tầng kỹ thuật khung khu trụ sở cơ quan, khu công cộng, khu thương mại dịch vụ dọc trục đường 60 m trên địa bàn phường Him Lam; dự án nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên Phủ, nhận được sự quan tâm của nhiều cấp, nhiều ngành và đông đảo nhân dân, bởi đây là những dự án được kỳ vọng đem lại đổi thay toàn diện cho mảnh đất Điện Biên.

Mới ngày 24-4 đây thôi, ngay gần di tích tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Công ty TNHH Đầu tư thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh của Điện Biên đã tổ chức công bố Đồ án quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Nam Thanh Trường đến toàn thể nhân dân trong vùng dự án và rất nhiều người yêu mến mảnh đất Điện Biên. Sự thật đã hiện hữu, sự thật là có dự án nhà ở hiện đại do người Điện Biên xây dựng trên đất Điện Biên. Chẳng thua kém các dự án nhà ở cao cấp ở các tỉnh miền xuôi, Dự án khu đô thị mới Nam Thanh Trường nằm trên địa bàn xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên và phường Thanh Trường, TP Điện Biên Phủ, có tổng diện tích 36,23 ha, gồm khu đô thị dịch vụ hiện đại, sinh thái thân thiện với môi trường, công trình công cộng, thương mại, dịch vụ, nhà ở, công viên vườn hoa. Tương lai khi dự án hoàn thành cũng góp phần tạo thêm điểm nhấn mới trong bức tranh kinh tế nhiều sắc màu của thành phố Điện Biên Phủ.

Về Điện Biên hôm nay, đi đâu cũng nghe người dân và cả du khách nói về chuyện làm ăn, về những chương trình dự án do Đảng, Chính phủ đầu tư và những dự án của các tập đoàn lớn đã, đang được triển khai trên địa bàn. Dẫu cách xa Thủ đô Hà Nội và các trung tâm kinh tế lớn của đất nước, song đường về Điện Biên đã êm thuận hơn xưa rất nhiều. Trên cánh đồng Mường Thanh, người nông dân không còn lo cái ăn cái mặc như xưa nữa, mà thay vào đó là những dự định về cánh đồng mẫu lớn, về chủ trương nâng cao chất lượng cây trồng để sản vật của Điện Biên luôn tự hào với thương hiệu Mường Thanh, theo người đi khắp mọi nẻo quê và tới năm châu, bốn biển…